Tuesday, February 24, 2009

THƯƠNG QUÁ EM BÉ VIỆT NAM

"Thương Quá Em Bé Việt Nam !"
Huy Phương
2/23/2009 1:29:15 PM
http://www.take2tango.com/?display=6112

Tuần trước mày mò trên net, tôi có đọc được một bài kể chuyện mắt thấy tai nghe của một “Việt kiều” về thăm quê, ký tên Phương Toàn. Bài này chỉ là những ghi nhận tình cờ nho nhỏ trong những ngày ở Việt Nam, nhưng đọc lên thấy xót xa biết là chừng nào. Tôi cũng xin thưa tôi rất ghét hai tiếng “Việt kiều” lâu nay dùng không đúng chỗ. Người Việt dùng chữ Ấn kiều để nói đến người Ấn Ðộ, hay Pháp kiều để nói người Pháp sinh sống trên đất Việt, còn chúng ta là người Việt ở quốc ngoại, sao người trong nước gọi chúng ta là Việt kiều? Nhưng thôi, nói chuyện chữ nghĩa thì không bao giờ cạn!

Tôi xin để nguyên tiểu đề “Thương Quá Em Bé Việt Nam” của tác giả:
“Ăn sáng ở lề đường Phan Thanh Giản, một em bé chừng mười hai mười ba tuổi cứ quẩn quanh mời tôi mua vé số, gương mặt và ánh mắt trông rất tội nghiệp. Tôi từ chối vài lần vì biết nếu mình mua của em này, thì vô khối người khác sẽ đổ xô vào mời mua thì rất kẹt, nhưng khi nhìn đến ánh mắt van lơn của em, lòng thương người rất hiếm hoi của tôi nổi dậy, tôi muốn mua giúp em để hôm nay em có thể về
sớm một bữa. Tôi hỏi:
- Bình thường em bán đến mấy giờ thì hết xấp vé số này?
- Dạ thường thì ít khi hết lắm, nhưng nếu còn dư thì em phải đem về trả cho đại lý trước 3 giờ chiều, nghĩa là trước khi xổ số.
Em nói từ sáng tới giờ mới bán được có 3 tấm, còn lại 97 tấm. Tôi kêu em đếm lại coi còn bao nhiêu tấm tôi mua hết cho, để hôm nay có thể về nhà nghỉ. Trong lúc tôi ăn thì em ngồi đếm từng tờ và nói còn đúng 97 tấm, giá 5 ngàn 1 tấm, vị chi là 485 ngàn. Tôi móc 500 ngàn ra đưa luôn, nói khỏi thối. Thằng bé sung sướng nói cám ơn rồi lách vào dòng người xuôi ngược trên phố đông nghẹt những xe và người. Ðúng là: Sáng nay tươi hồng, trời không có mây... tôi tiếp tục bữa ăn sáng tuyệt vời.

Ở Mỹ mỗi lần mua vé số dĩ nhiên tôi mong mình trúng, mà trúng là trúng lớn để tôi có thể điềm nhiên lật ngửa cái xe cà tàng của tôi lên mà đốt, tuy nó có vẻ hơi bạc bẽo, nhưng để giã từ cái sự không sung sướng của kiếp nghèo, nếu không trúng đi nữa thì âu cũng là mua một niềm vui trong chốc lát, vì đời chỉ vui khi có hy vọng. Ðọc bài essay của một sinh viên nói về mua vé số, tôi thấy cũng có lý, vé số giúp cho mọi người trúng. Này nhé: Ngân sách nhà nước hưởng 40%, người bán lẻ và giới quảng cáo 20%, người trúng hưởng 40%... và ngay cả chúng ta cũng trúng luôn vì ta chỉ bỏ ra có mấy đồng, mà mua được niềm hy vọng, rẻ quá đi ấy chứ...

Hoan hô những người mua số như tôi là những người thông minh. Lần này mua số ở Việt Nam, tôi lại thêm được cái lợi nữa là làm cho một em bé dễ thương vui được một ngày. Ông Trương Quang Nhơn viết bài kể chuyện ông bị thằng đánh giầy lấy đinh đục cho thủng giầy rồi đòi tiền vá. Tôi nghi ông này vẫn còn thù Cộng Sản nên đặt chuyện viết ‘linh tinh’.

Buổi chiều về nhà, tôi móc xấp vé số ra cho các cháu, tụi nó đang ồn ào chia chác thì có đứa hỏi:
- Bác mua bao nhiêu tấm?
- Thằng nhỏ biểu là 97 tấm.
- Bác có đếm không?
- Ðếm làm gì?
- Thế thì bác bị nó lừa rồi, chỉ có 75 tờ thôi bác ạ.

Tôi suy nghĩ và tội nghiệp cho thiếu niên Việt Nam bị thất học, ngần ấy tuổi rồi mà đếm có mấy chục tấm vé số hãy còn sai.
Bọn nhóc trong nhà vừa cười vừa la:
- Ê, bác Việt kiều bị thằng bán vé số nó lừa!

Tôi phân vân: Không lẽ thằng nhỏ đó nó nỡ lừa tôi, mà sao nó nghĩ cái kế lừa tôi mau như vậy được. Có lẽ nó đã lừa nhiều quả như vậy rồi.”
(Hết trích)

Ðêm qua, tôi thức giấc vào khoảng ba giờ sáng, chợt nhớ đến câu chuyện này, tôi cảm thấy khó ngủ trở lại. “Thiếu niên Việt Nam bị thất học, ngần ấy tuổi rồi mà đếm có mấy chục tấm vé số hãy còn sai!” Câu nói này nghe ra mỉa mai, vì ai mà không biết trẻ con Việt Nam như những em bé này, mới nứt mắt đã bị tống ra chợ đời, sớm học thói giả dối, lưu manh, lường gạt kể cả với một ân nhân đã hết lòng, giúp đỡ vì thương xót đến hoàn cảnh mình. Ba mươi hai năm rồi, những đứa trẻ lớn lên trong cái gọi là thiên đường xã hội chủ nghĩa, mình sống vì mọi người, lại là những con người như thế ư?

Chúng ta hy vọng gì ở thói quen trong một xã hội như Việt Nam ngày nay, những đứa trẻ này lớn lên sẽ là những cấp lãnh đạo như Ðỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Ðức Anh, Phan Văn Khải... những tên chức quyền như Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Sĩ... Chúng ta sẽ có những bộ trưởng, thứ trưởng, những tổng giám đốc Việt Nam Airlines, những phi công, những tiếp viên hàng không, những đứa ăn cắp cho đất nước mang nhục. Căn bản hơn, chúng ta sẽ có những tên “hải quan” lì mặt làm khó dễ để chúng ta phải xì tiền, những tài xế taxi lừa khách, những tên lưu manh đóng vai hướng dẫn viên du khách, những nhân viên khách sạn tống tiền nhan nhản có mặt hôm nay, đến nỗi du khách đến Việt Nam đã tuyên bố: “Không tin bất cứ cái gì ở Việt Nam.”

Mới đây thôi, trong Tháng Hai 2009, Craig Heimburger một du khách đã viết trong một trang du lịch 13 lý do vì sao người này “ghét” Việt Nam (reasons-to-hate-Vietnam). Tội nghiệp cho đất nước tôi biết bao, không phải họ ghét vì mình nghèo, vì đất nước mình xấu xí mà ghét vì con người Việt bây giờ lưu manh, gian dối, lừa gạt, bất nhân. Ở đất nước nào cũng vậy, nhân vật mà người du khách gặp đầu tiên khi đặt chân đến là nhân viên thuế quan ở phi trường hay bến cảng, sau đó là người lái taxi đón họ. Ðó là khuôn đại diện của một đất nước, gây ấn tượng đầu tiên cho một du khách. Ai đi Việt Nam cũng đều đã gặp
những tên “hải quan” lầm lì, phách lối. Người lái taxi Việt Nam đón ông Heimburger ở phi trường đến một hotel ông đã định trước, đã nói dối là chỗ đó đã hết phòng để đẩy ông ta sang một khách sạn khác (đã ăn chịu). Một tài xế taxi khác ngã giá với 250,000 đồng một cuốc xe cho một đôi vợ chồng già du khách,
nhưng đến nơi nằng nặc đòi 450,000 và không cho người ta xuống xe. Những chuyện như thế, ai đã đi Việt Nam đâu còn gì lạ lùng. Ðây là một loại người vô lại, tráo trở, bọn cướp giật giữa ban ngày, là người đại diện cho Việt Nam trước mắt du khách:
“Tôi ghét sự gian dối ở Việt Nam - (I Hate Vietnam's Lies). Tôi thật mệt mỏi bởi bị lừa lọc. Nó giống như trở thành một thói quen lừa lọc của người dân xứ này”.

Làm sao làm lại từ đầu với những tâm hồn trong trắng, chơn chất thật thà và đôn hậu khi mà văn chương bình dân đã mô tả xã hội Việt Nam “thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt, luồn lách lươn lẹo lại lên lương”. “Thương quá em bé Việt Nam là thương cả một tương lai trước mặt. Rồi ra đất nước này sẽ ra sao?”

Tôi thường không cho phép mình dùng trong mỗi bài tạp ghi trên 30% tư liệu, nhưng ở đây tư liệu đã tự nó nói lên mọi việc rồi, đâu còn chỗ nào nữa mà bàn bạc, bình luận hay chia xẻ nỗi buồn hay xót xa với bạn đọc.


No comments: