Thursday, February 26, 2009

NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM VẪN KHÔNG ĐƯỢC CẢI THIỆN

Hoa Kỳ: Nhân quyền tại Việt Nam vẫn không được cải thiện
Thanh Quang, phóng viên RFA
2009-02-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-HumanRights-remain-unsatisfactory-TQuang-02262009115958.html
Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư 25-3 đã công bố bản phúc trình nhân quyền năm 2008, đề cập tới tình trạng tiếp tục đàn áp nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam.
Bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2008 của Bộ Ngọai Giao Mỹ lưu ý về hành động vi phạm nhân quyền tiếp diễn đáng ngại tại nhiều nơi, từ Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, Việt Nam cho tới các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, một số nước ở Trung Đông, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.
Lên tiếng trong lời mở đầu cho bản phúc trình nhân quyền 2008, Ngọai trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết: “Hoa Kỳ không những ra sức theo đuổi các lý tưởng trên đất Mỹ, mà còn xúc tiến việc tôn trọng nhân quyền nhiều hơn khi Hoa Kỳ tiếp cận với các quốc gia và dân tộc trên khắp thế giới.”

Nhân quyền tại VN

Phần dành cho Việt Nam mở đầu với nhận xét rằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, với dân số khỏang 86 triệu, là một nước độc đóan do Đảng CSVN cai trị.
Cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 5 năm 2007 đã diễn ra trong không khí thiếu tự do mà cũng chẳng công bằng, vì tất cả ứng cử viên đều bị xem xét nghiêm ngặt bởi Mặt Trận Tổ Quốc - tổ chức ngọai vi của Đảng Cộng Sản có nhiệm vụ theo dõi các tổ chức quần chúng.

Vẫn theo bản phúc trình thì thành tích nhân quyền của Việt Nam trong năm qua vẫn chưa thỏa đáng, khi nhà cầm quyền tiếp tục ngăn chận các quyền tự do căn bản như tự do báo chí, tự do bày tỏ cảm nghĩ, tự do hội họp; cùng với hành động đàn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ các nhà dân chủ khiến nhiều người phải bỏ nước lánh nạn, trong khi người dân không thể thay đổi chính phủ bằng lá phiếu, các hoạt động chính trị bị ngăn cấm.

Bản phúc trình cho biết vào cuối năm ngóai, Hà Nội giam cầm ít nhất 35 tù nhân chính trị, đồng thời trích dẫn lời của các quan sát viên quốc tế nói rằng con số này còn cao hơn nhiều - đã lên tới hàng trăm.
Bản phúc trình cũng đề cập tới hành động đàn áp, giam cầm của công an, tình trạng kỳ thị sắc tộc, buôn bán phụ nữ, trẻ em tiếp diễn, những người hoạt động tích cực cho công đòan thì bị bắt giữ, hù dọa trong khi chính phủ hạn chế quyền của công nhân.
Bản phúc trình đặc biệt lưu ý tới tệ nạn tham nhũng lan tràn, đề cập tới nhiều trường hợp tham nhũng của các quan chức, và nêu rõ tình trạng thiếu minh bạch trong việc giới cầm quyền thu hồi, chiếm dụng đất đai của người dân, buộc họ phải di dời để dành chỗ thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng.

Tiểu tựa “Tham nhũng trong chính phủ và vấn đề minh bạch” của bản phúc trình mở đầu rằng: “Luật pháp Việt Nam quy định tội hình đối với quan chức tham nhũng; tuy nhiên, chính phủ không thực hiện luật này một cách hiệu quả, khiến nhiều khi các quan chức dính líu tham nhũng không bị trừng phạt. Nạn tham nhũng tiếp tục là vấn đề lớn của Việt Nam”.

Riêng về vấn đề tự do tôn giáo, bản phúc trình cho biết hiến pháp và các nghị định của chính phủ Việt Nam có quy định về tự do thờ phượng, nhưng khó khăn tiếp diễn trong việc thực hiện Khung Pháp lý về Tôn giáo.
Rắc rối chủ yếu diễn ra tại cấp địa phương, nhưng trong một số trường hợp, chính quyền trung ương cũng đình hõan việc thực thi khung pháp lý này.
Bản phúc trình lưu ý rằng những Giáo hội bị hạn chế nghiêm trọng khi họ tổ chức những hoạt động mà nhà cầm quyền xem là mang tính chính trị hay thách thức quyền lực của họ, nhất là có liên quan đến Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội “Tại Gia” của người thiểu số Tây Nguyên…

Vẫn còn nhiều hạn chế

Mặc dù Hà Nội lập luận rằng trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được thành quả lớn lao trong việc bảo đảm và phát triển tự do của người dân trong mọi lãnh vực, kể cả các quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin, nhưng bản phúc trình năm nay của Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ lưu ý rằng Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế tự do ngôn luận, đặc biệt liên quan đến những phát biểu chỉ trích giới lãnh đạo, hay xúc tiến nền chính trị đa nguyên hoặc nền dân chủ đa đảng.

Bản phúc trình không quên nêu lên trường hợp công an Việt Nam hồi tháng 9 năm ngóai đã đánh đập một ký giả của hãng thông tấn AP, khi ông đến nơi để làm phóng sự về buổi cầu nguyện của Giáo dân tại khu vực Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội.

Liên quan tới các vấn đề này, bà Karen Steward, Quyền Trợ lý Ngọai trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tuyên bố rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục những biện pháp hạn chế, đàn áp tự do báo chí, ngôn luận, hội họp, lập hội. Hoa Kỳ vẫn còn lo ngại về tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam.”

Vẫn theo bà Steward, thì nói chung Hoa Kỳ nhận thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa thỏa đáng.
Ngoài Việt Nam, bản phúc trình nhân quyền 2008 của Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc, chỉ một tuần sau khi Ngọai trưởng Hillary Clinton hạ thấp mối quan ngại nhân quyền khi bà viếng thăm Bắc Kinh, tuyên bố rằng vấn đề nhân quyền không nên gây trở ngại cho công cuộc hợp tác song phưong để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng và những vấn đề quan trọng khác.

Bản phúc trình cũng không bỏ qua Liên Bang Nga, cho rằng các quyền tự do dân sự ở đó “đang bị bao vây”, và lưu ý về tình trạng tung ra những luật lệ han chế các nhóm phi chính phủ và các phương tiện truyền thông, kể cả Internet.
Qua việc theo dõi tình hình nhân quyền tại hơn 190 quốc gia trong năm ngóai, bản phúc trình của Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ chỉ trích những nước khác, kể cả Bắc Hàn, Miến Điện, Iran, Iraq, Syria, Afghanistan, Cuba, Somalia, Zimbabwe.

Về tình hình nhân quyền tại chính Hoa Kỳ, qua đọan mở đầu gây nhiều ngạc nhiên, bản phúc trình nhìn nhận những mối quan ngại của thế giới về thành tích nhân quyền tại chính nước Mỹ, sau khi có nhiều cáo giác liên quan hành động tra tấn, sách nhiễu tù nhân bị bắt trong “Cuộc chiến chống khủng bố” của Hoa Kỳ.

---------------------------------
Theo Bạn, Nhân quyền tại Việt Nam đã thật sự được tôn trọng chưa? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn email: vietweb@rfa.org; hoặc cùng tham gia thảo luận tại
Trang blog Ban Việt ngữ RFA

Xin quý bạn đọc bấm vào link dưới để xem video:

http://link.brightcove.com/services/link/bcpid1857622883/bctid14120286001


VIỆT NAM tiếp tục bị tố cáo vi phạm nhân quyền
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 26/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 26/02/2009 13:27 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2656.asp
''Chưa thể hài lòng được'' (unsatisfactory). Trên đây là từ ngữ được bộ ngoại giao Mỹ dùng để đánh giá tình hình nhân quyền trong nước. Dưới nhãn quan của Washington, Việt Nam vẫn là một nhà nước chuyên chế, nơi các phong trào ly khai bị nghiêm cấm, người dân có thể bị giam giữ vì những hoạt động chính trị.

Trong bản báo cáo thường niên công bố ngày 25/02/2009, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá ''chưa thể hài lòng được'' về thành tích cải thiện tình trạng nhân quyền của chính phủ Việt Nam.
Dưới nhãn quan của Washington, Việt Nam vẫn là một nhà nước chuyên chế, nơi các phong trào ly khai bị nghiêm cấm, trong lúc người dân có thể bị giam giữ vì những hoạt động chính trị.

Vẫn có ít nhất 35 tù nhân chính trị bị cầm giữ

Tổng kết tình hình năm 2008, bản báo cáo ghi nhận trước hết là cho đến cuối năm ngoái, vẫn có ''ít nhất 35 tù nhân chính trị'' bị giam giữ và theo một số nguồn tin quốc tế, thì số tù nhân này có thể lên đến cả trăm người.
Theo bộ ngoại giao Mỹ, hiện tượng buôn người cũng là một vấn đề đáng lo ngại, cũng như tệ nạn bạo hành và phân biệt đối xử nhắm vào phụ nữ.
Một trong những yếu tố khác được báo cáo nhấn mạnh là tình trạng tham nhũng, nhất là trong giới chức chính quyền. Đối với bộ ngoại giao Mỹ, ở Việt Nam vẫn thiếu minh bạch trong chính sách ''trưng thu đất đai và di dời cư dân để lấy chỗ xây dựng các đề án hạ tầng cơ sở ».
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, vào năm ngoái, chính quyền Việt Nam đã bác bỏ bản báo cáo của bộ ngoại giao Mỹ, xem đấy là những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên các thông tin sai lạc, thiếu thiện ý.
Đối với Hà Nội, thì trong những năm gần đây, Việt Nam ''đã đạt những thành tựu lớn trong việc bảo đảm và phát huy các quyền tự do cho người dân trong mọi mặt, trong đó có quyền tự do ngôn luận tự do báo chí và tự do thông tin'' .
Tuy vậy, theo báo cáo vừa công bố của bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các quyền tự do ngôn luận, nhất là đối với ''những lời chỉ trích cá nhân các lãnh đạo chính phủ, hô hào đa nguyên chính trị hay dân chủ đa đảng''.
Bản báo cáo đặc biệt nêu bật vụ công an Việt Nam tạm giữ và hành hung trưởng văn phòng hãng thống tấn Mỹ AP tại Hà Nội, sau khi nhà báo này tìm cách chụp ảnh giáo dân thắp nến cầu nguyện tại Toà Khâm Sứ cũ ở Hà Nội.

Chiến dịch đàn áp báo chí năm 2008

Về quyền tự do báo chí, bộ ngoại giao Mỹ ghi nhận một chiến dịch đàn áp tại Việt Nam trong suốt năm 2008, với vụ bắt giữ hai nhà báo và cách chức một loạt tổng biên tập. Đó là trường hợp hai ký giả Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ, bị bắt ngày 12 tháng 5 với tội danh lạm dụng quyền hạn trong khuôn khổ cuộc điều tra họ thực hiện năm 2006 về vụ tham nhũng ở cơ quan PMU 18.
Báo chí và công luận Việt Nam đã nhất loạt phản đối vụ bắt giam này, nhưng chỉ hai ngày sau, Bộ Văn Hoá và Thông Tin đã ra lệnh ngưng ngay việc đưa tin về vụ đó và báo chí chính thức đã phải chấp hành.
Qua tháng 7, hai tổng biên tập của tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị thay thế. Hai tờ báo gọi đây là việc thay thế bình thường, nhưng theo một số nguồn tin thì họ đã bị bãi chức vì đã cho phép công bố bài viết về tham nhũng. Qua tháng 8, đến lượt 7 ký giả bị rút thẻ nhà báo với lý do « thiếu trách nhiệm khi viết bài về vụ PMU 18 ».
Nhìn chung, đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam rất khắt khe. Tuy nhiên, Việt Nam không bị chỉ trích dữ dội bằng Trung Quốc, Miến Điện hay Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc là quốc gia châu Á duy nhất bị Washington liệt vào danh sách 11 nước nơi mà tình hình nhân quyền xấu đi hẳn trong năm 2008, còn Miến Điện và Bắc Triều Tiên là các quốc gia nơi mà nhân quyền bị vi phạm ''một cách có hệ thống ».
Trong vùng Đông Nam Á, riêng Thái Lan được nêu tên trong số các nước có tiến bộ về nhân quyền trong năm 2008.


Trung Quốc bị xếp vào danh sách 11 nước thụt lùi về nhân quyền trong năm 2008
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 26/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 26/02/2009 16:56 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2663.asp

Trong bản báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền trên thế giới năm 2008, công bố ngày 25.02.09, bộ ngoại giao Mỹ đã lên tiếng tố cáo rằng tình hình nhân quyền đã xấu hẳn đi tại Trung Quốc.

Trong bản báo cáo, Washington nêu bật chiến dịch tăng cường đàn áp do Bắc Kinh tiến hành tại hai vùng Tây Tạng và Tân Cương, cũng như việc Trung Quốc bóp nghẹt giới ly khai và hạn chế quyền tự do tôn giáo.

Bản báo cáo đã nêu tên 11 quốc gia nơi mà tình hình nhân quyến đã suy thoái trong năm 2008. Ngoài Trung Quốc, còn có các nước như Cộng Hoà Dân chủ Công gô, Erythrea, Mautitanie, Zimbabwe, Armênia, Ai Cập, Iran, Sri Lanka, Cuba và Venezuela.

Từ trước đến nay, báo cáo của bộ ngoại giao Mỹ về nhân quyền luôn luôn là đầu mối gây căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh. Lần này cũng thế. Ngay sau khi báo cáo được công bố, bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ đừng ra vẻ là kẻ bảo vệ nhân quyền.

Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng : ''phiá Hoa Kỳ nên xem lại vấn đề nhân quyền tại chính nước mình, tránh can thiệp vào nội bộ nước khác bằng cách công bố những báo cáo về nhân quyền như vậy''.

Ngoài Trung Quốc, báo cáo của Hoa Kỳ cũng chỉ trích Việt Nam là còn nhiều thiếu sót trong lãnh vực nhân quyền. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam ông Lê Dũng vào hôm nay cũng lên tiếng phản đối, cho rằng tài liệu của Mỹ đã dựa trên những thông tin sai lạc.


No comments: