Wednesday, February 25, 2009

TRUNG HOA CỨ CHỐI QUANH

Trung Hoa cứ chối quanh
Sophie Richardson
Đăng ngày 24/02/2009 lúc 17:43:15 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3558

Nguồn:
Far Estern Economic Review, 22/02/2009.
Xuyến Như chuyển ngữ

Tra tấn người trong trại tạm giam của cảnh sát, lạm dụng án tử hình, kết tội vi phạm luật “bí mật quốc gia” - một tội danh chẳng ai hiểu gì, mà cũng chẳng thể nào kháng án! Kiểm duyệt báo chí, hạn chế tự do tôn giáo, hạn chế sinh hoạt công đoàn. Cưỡng bức quản chế, sách nhiễu người sắc tộc, kết tội những ai dám phê bình nhà nước.

Trên đây chỉ là dăm ba thí dụ về sự xâm hại nhân quyền tại Trung Hoa mà chính phủ Trung Hoa từ chối thảo luận nghiêm chỉnh khi họ họp phiên đầu tiên tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc vào tháng này. Thay vào đó, Đại sứ Lý Bảo Đồng (Li Baodong) quả quyết rằng Trung Hoa là nước có các định chế dân chủ, bình đẳng sắc tộc, có đầy đủ tự do ngôn luận, và có hơn 250 luật bảo vệ nhân quyền. Tại các diễn đàn khác thì các nhà ngoại giao Trung Quốc lại sốt sắng ghi nhận là nước họ có những lạm dụng nghiêm trọng; thế nhưng họ chẳng hề nhận là có khiếm khuyết. Cơ chế Kiểm Tra Định Kì Phổ Quát (UPR) trực thuộc Hội Đồng Nhân Quyền được thành lập nhằm thay thế quy chế kiểm tra cũ mà nay đã bị chính trị hoá vì có một số quốc gia vi phạm nhân quyền nhưng không hề bị phê phán. Qua hệ thống kiểm tr mới này, mọi quốc gia thành viên LHQ đều bị thanh tra bốn năm một lần, và việc kiểm tra nước nào cũng theo tiến trình là thảo luận trong vòng ba tiếng đồng hồ, sau đó sẽ tiếp nhận phúc trình do chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức trực thuộc LHQ đệ trình. Trong thời gian thảo luận, các nước khác cũng có quyền tham gia đề nghị các biện pháp cải thiện vấn đề; chính phủ của nước đang bị kiểm tra sẽ phúc trình tại hội đồng những biện pháp họ sẽ thực hiện để đáp ứng những đề nghị nêu ra.

Nguyên tắc đầu tiên của Trung Hoa tại UPR là bảo vệ hình ảnh quốc tế của quốc gia họ. UPR chỉ là tiến trình do các quốc gia tường trình trước hội đồng về vấn đề nhân quyền tại quốc gia mình, và dẫu rằng những khuyến nghị đưa ra tại cuộc kiểm tra không có tính cách bắt buộc, nhưng đó sẽ là cơ sở để thế giới ghi nhận hồ sơ và để kiểm định mức tiến bộ trong tương lai. Một số quốc gia, như Anh Quốc chẳng hạn, hiểu rằng họ chịu sự giám sát chặt chẽ và bị lục vấn tận tình, tuy nhiên không vì thế mà họ cứ khoa trương những điểm tích cực hoặc là kiếm cách tránh né giám sát. Ngược lại, chính phủ Trung Hoa dồn công sức để ngăn chận thảo luận, tung các nhà ngoại giao đi dò hỏi và mớm ý cho các chính phủ rằng họ nên hay không nên đưa vấn đề nào đó ra, vận động các đồng minh và cả các nước muốn áp lực, hoặc đơn giản chỉ là từ chối bàn bạc một vấn đề cụ thể nào đó tại cuộc kiểm tra.

Không ai kì vọng là Nga hoặc Việt Nam –những nước khó có thể gọi là những quán quân về bảo vệ nhân quyền- sẽ lên tiếng bảo vệ sự phê phán nhà nước một cách ôn hoà, hoặc cho phép thành lập đảng chính trị đối lập. Cũng dễ hiểu thôi khi thấy Singapore ca ngợi luật nhân quyền của Trung Quốc, và Iran kêu gọi tăng cường kiểm soát thông tin mạng, hoặc giả rất nhiều nước đang phát triển (và đang nhận viện trợ của Trung Quốc) nối nhau ca ngợi thành quả kinh tế Trung Hoa. Và tất nhiên là Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục bị quy là kẻ thù số một của cái tốt, ngồi chết trân ở hàng ghế sau mà không có cơ hội lên tiếng.

Cuộc kiểm tra Trung Quốc tại Hội Đồng Nhân Quyền vẫn hé cho thấy đôi phút quý giá. Sri Lanka lên án Mao. Algeria ca ngợi chủ trường “xã hội hài hoà” -một khẩu hiệu do chính lãnh đạo Trung Quốc đề ra- để phê phán về việc đàn áp đối kháng. Chính phủ dân cử Pakistan hẳn phải thấy xấu hổ vì đoàn đại biểu của họ nhận định về cuộc đàn áp ở Tây Tạng, nghe cứ như là trích đọc từ bản tin Tân Hoa Xã. Nhảm nhất –dù rằng có giằng co trong trường hợp này- có lẽ là lời Sudan ca ngợi hệ thống “lao cải” gớm ghiếc của Trung Quốc.

Về một mặt khác, cuộc kiểm tra LHQ cũng tạo cơ hội hiếm hoi cho một số chính phủ trực tiếp lên tiếng phê bình các viên chức Trung Hoa về tình trạng quyền con người tệ hại tại đó. Đáng khen là Úc và Canada không những là những nước đầu tiên phê bình Trung Quốc mà còn nêu lên cả vấn đề đàn áp thất bất nhẫn tại Tây Tạng. Hoan nghênh Hoà Lan đã dồn nhà nước Trung Hoa về việc ngược đãi dân tị nạn Bắc Hàn. Chỉ trong hai phút ngắn ngủi, Cộng hoà Czech –mà tiếng nói của họ lúc này rất đáng chú ý vì đang ở cương vị chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu- đã đưa ra chín điểm, trong đó có khuyến nghị Trung Hoa phải ngừng truy bức những người kí tên vào Hiến Chương 08, một tuyên cáo đòi nhân quyền phỏng theo mô thức Hiến Chương 77. Nhật Bản lên tiếng về những bách hại sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, Hungary thì khuyến cáo cần chấm dứt nạn đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, Argentina cảnh báo về nạn tra tấn. Mỗi một khuyến nghị kể trên cùng với nhiều sự can thiệp khác nữa bao gồm cả ca ngợi cũng như phê phán, nói ngắn gọn là những quốc gia này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm đặc biệt để nắm một cơ hội mà nhân dân Trung Quốc luôn bị từ chối.

Vào thời điểm đặc biệt này, cuộc kiểm tra một thế lực quốc tế đang lên, và hoạt động của mỗi quốc gia tham gia vào tiến trình này, đều cùng phô bày như Trung Quốc. Mặc dầu vậy, việc công khai phê phán những thất bại của Trung Quốc về nhân quyền đã phơi mở cho cả thế giới cùng thấy.

Tuy nhiên, đáng nói hơn nữa là việc Trung Quốc ra sức chống lại cuộc giám sát này. Điều đó nói lên rằng Bắc Kinh đã không có nhiều tiến bộ thực sự về mặt nhân quyền –khoan dung với đối kháng ôn hoà, trao quyền lực cho hệ thống tư pháp độc lập, trao quyền tự trị thực sự- và do vậy bao nhiêu là cảnh giác mà phần còn lại của thế giới còn phải tiếp tục. Nhân dân Trung Quốc Không mong gì hơn.

Sophie Richardson
-------------------------------------------------------------------------------
Sophie Richardson là Giám Đốc Á Châu Sự Vụ của Human Rights Watch

© Thông Luận 2009


No comments: