Thursday, February 26, 2009

HAI QUAN NIỆM về DÂN CHỦ và NHÂN QUYỀN

Hai quan niệm về DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN
TRẦN NAM CHẤN
http://www.daohieu.com/website/?pg=gl&id=518
Từ đầu những năm 90, khi nước ta bắt đầu quá trình mở cửa và hội nhập, những luồng tư tưởng khác nhau đang liên tiếp tràn vào đời sống của xã hội ta, gây ra sự phân hoá ngày càng tăng về nhận thức và lối sống của các tầng lớp dân chúng. Một trong những vấn đề gây nhiều tranh chấp và bất đồng nhất là vấn đề quan niệm về dân chủ và nhân quyền. Mặc dù những cuộc tranh luận công khai về những vấn đề như vậy chưa bao giờ được tổ chức trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, nhưng đã có nhiều bài viết trên báo chí và phương tiện truyền thông của các tổ chức người Việt hải ngoại và báo chí nước ngoài xuất bản bằng tiếng Việt. Hàng nghìn tác giả với hàng trăm quan điểm khác nhau, tranh luận với nhau gay gắt, thậm chí miệt thị lẫn nhau, nhưng cuối cùng thì ai vẫn giữ quan điểm riêng của người ấy.

Tuy nhiên, hàng nghìn người tham gia tranh luận thực ra thuộc về hai chiến tuyến với hai kết luận cuối cùng hoàn toàn trái ngược nhau: một là phải xoá bỏ chế độ độc đảng, và hai là dân chủ và nhân quyền không cần đa đảng.

Vì sao người ta không thể thống nhất được với nhau? Điều này có phần do trong số hàng nghìn, hàng vạn bài viết như vậy hầu như không có mấy bài có được cách lý giải thật thuyết phục và dễ hiểu. Mặt khác, bản chất con người nói chung luôn ở trạng thái sẵn sàng tấn công đối thủ tư tưởng, bảo vệ bằng mọi giá quan điểm của mình.

Nhưng nguồn gốc sâu xa nhất của sự bất đồng gần như muôn thuở này là do thiên hướng sống. Nói chính xác là do có hai thiên hướng sống khác nhau, và đây mới là điều có tính chất quyết định, chứ không phải là do người ta đã được đọc, được nghe những gì. Nếu quan điểm, lập trường là do lượng thông tin quyết định thì thay đổi lập trường rất dễ, và chỉ trong một thời gian ngắn loài người sẽ thông cảm được với nhau, sẽ không còn mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa đạo Hồi và lối sống phương tây. Nhưng đây là do hai thiên hướng sống khác nhau, tức là có hai kiểu người khác nhau, và nơi nào có nhiều người thuộc kiểu nào hoặc kiểu người nào tạo được ảnh hưởng lớn hơn thì quan điểm được kiểu đó ủng hộ sẽ là chính thống. Và một khi vấn đề là do sự khác biệt về thiên hướng sống thì nó nan giải vô cùng.
Như vậy là có hai thiên hướng sống, hai thiên hướng của hai loại người.

Loại người thứ nhất không quan tâm (hoặc ít quan tâm) đến việc tự đi tìm chân lý, đến việc tranh luận về quan điểm sống, quan điểm chính trị. Có thể họ hoàn toàn không cần biết cái gì đúng, cái gì sai; đối với họ thì quan trọng là cứ làm ra nhiều tiền của là được. Cũng có thể họ có quan tâm đến cái đúng, cái sai, nhưng họ sẵn có niềm tin sắt đá rằng lãnh tụ của họ luôn luôn tuyệt đối đúng, và do đó, một khi lãnh tụ đã chọn một con đường đi cho cả dân tộc thì mọi người chỉ cần ngoan ngoãn đi theo, không cần và không được phép hỏi: liệu sự chọn lựa đó đúng đến mức nào? Họ thường nói: nếu người đó không tài ba lỗi lạc, không đúng đắn, không sáng suốt thì sao lại được hàng triệu, hàng chục triệu người tôn làm lãnh tụ? Còn anh (hay ông, bà,...) thì có là cái thớ quái gì mà dám phê phán lãnh tụ? Nếu giỏi, sao không ra mà làm lãnh tụ đi, xem có ai theo anh không?

Nếu như ở thời phong kiến, người dân không những không được phép phản kháng, mà họ cũng chấp nhận, thậm chí trong sâu thẳm tâm hồn, rằng vua không bao giờ sai, và chỉ một việc là đặt ra câu hỏi “Liệu vua có đúng hay không?” cũng đã là đắc tội rồi, thậm chí đó là tội lớn nhất nữa kia, thì thời bây giờ vẫn còn nhiều người như thế, chỉ có điều thay cho vua bây giờ là lãnh tụ, là chủ tịch hay tổng bí thư đảng cầm quyền.

Nhiều người cho rằng: ừ thì lãnh tụ cũng có thể sai, nhưng đó là lãnh tụ nước khác, chứ lãnh tụ nước ta thì không bao giờ sai. Người thương dân và sống giản dị như thế, vĩ đại như thế, làm sao Người có thể sai lầm được. Và những người hiện đang lãnh đạo đất nước cũng vậy, họ là học trò xuất sắc và là đồng chí của Người, họ không thể đi theo con đường sai lầm được! Nếu nói với loại người này rằng họ không khát khao chân lý, họ sẽ phản đối, họ sẽ nói rằng họ rất yêu chân lý, họ đã nghiền ngẫm rất nhiều và đã hiểu ra rằng những điều mà lãnh tụ đã dạy là tuyệt đối đúng. Trong loại thứ nhất này, đa số thích được cấp trên quan tâm. Họ muốn dựa vào cấp trên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Loại người thứ hai thích sống độc lập, muốn tự quyết định vận mệnh của mình, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, thậm chí đòi quyền tự quyết định vận mệnh, tự mình học hỏi, suy nghĩ để xác định cái gì là đúng, cái gì là sai. Họ không cần sự 'chăm lo' từ người khác. Họ thích tự tìm hiểu, thích tranh luận để tìm ra cái đúng, họ có nhu cầu mạnh mẽ về việc tranh luận. Trong con mắt của loại người thứ nhất, loại thứ hai là xấu, thường thích sống buông thả, vô chính phủ, vô luật lệ.
Một câu hỏi: vậy những lãnh tụ của một dân tộc thì thuộc loại nào? Cố nhiên, những người khởi xướng một cuộc cách mạng là thuộc loại hai, nhưng những nhà lãnh đạo tiếp theo thì hầu hết thuộc loại một. Những người thích tung hô lãnh tụ cũng thuộc loại một. Những người thuộc loại hai không thích tung hô lẫn nhau, và vì vậy lãnh tụ phải tìm sự tung hô ở loại người khác với mình.

Lãnh tụ thuộc loại hai, theo lãnh tụ để làm cách mạng lại chủ yếu là loại một, và ở đây, loại người không thích tự chịu trách nhiệm về mình, không thích tự tìm tòi, khám phá, chính là loại người có vai trò lịch sử to lớn: họ là động lực của cách mạng. Những người luôn hỏi cái gì đúng, cái gì sai, khó có thể làm quần chúng tốt của cách mạng. Chính vì thế, lãnh tụ cách mạng thường không ưa những người cùng loại với mình. Họ cần những người thuộc loại khác họ, những người chỉ biết có tuân lệnh. Nhưng rồi khi thời thế thay đổi, những người thuộc loại một vẫn một mực trung thành với lãnh tụ cũ, không chấp nhận cái mới, chừng nào thiết chế cũ vẫn chưa trở nên mâu thuẫn một cách hiển nhiên với quyền lợi của họ. Ở giai đoạn lịch sử như vậy, loại người thứ nhất giúp lãnh tụ giữ vững thiết chế hiện hành; họ trở thành vật cản đối với tiến bộ xã hội.

Ở những nơi có nhiều người loại hai, khó có thể làm cách mạng theo kiểu bạo lực để thay đổi toàn bộ tầng lớp thống trị. Tuy nhiên, xã hội vẫn có thể đi lên bằng cách khác: bằng đấu tranh hợp pháp đòi thay đổi dần hệ thống luật pháp, đòi cải thiện cuộc sống và điều kiện làm việc,bằng sự lao động sáng tạo, bằng việc hiện đại hoá kỹ thuật - công nghệ,... Thực tế phát triển gần hai thế kỷ qua ở các nước đi đầu về khoa học - công nghệ minh chứng rất rõ ràng cho nhận định đó. Tất nhiên, có những thế lực vẫn không thừa nhận điều này. Họ vẫn cho rằng muốn xã hội tiến bộ thì dứt khoát phải dùng đến bạo lực, phải có chiến tranh. Mặc dù trong quan hệ kinh tế đối ngoại, họ buộc phải tỏ ra yêu hoà bình, nhưng trong nội bộ, họ vẫn ngấm ngầm tuyên truyền quan điểm bạo lực cách mạng, và nếu có đủ tiềm lực quân sự, họ vẫn sẵn sàng làm 'cách mạng thế giới', áp đặt chính quyền theo kiểu của họ trên khắp hành tinh.

Nói một cách có vẻ thô thiển (nhưng đúng!) thì lãnh tụ cách mạng xuất hiện từ loại hai. Loại hai luôn đẻ ra những luồng tư tưởng khác nhau, và chính vì sự khác nhau về tư tưởng nên loại người này không cùng làm cách mạng được. Khi lãnh tụ xuất hiện từ loại hai, họ phải tìm cách lôi kéo quần chúng từ loại người thứ nhất. Tuy nhiên, do thiên hướng thụ động, loại người này trong một thời gian dài vẫn không muốn đi theo cách mạng. Chỉ đến khi nào thể chế đang tồn tại đẩy cả xã hội đến bờ vực của đói nghèo và khủng hoảng mọi mặt, những người loại một mới quay sang đi theo thế lực chính trị mới, và khi đó xảy ra hiệu ứng lan toả tâm lý bạo lực cách mạng, gần như toàn dân sẽ nhất tề xông lên, nghiền nát tất cả những gì mà đoàn quân cách mạng gặp trên đường đi.

Sau khi cách mạng thành công, lập tức một trật tự mới được thiết lập, và loại người thứ nhất bây giờ đóng vai trò là đội quân đông đảo và hùng hậu, bảo vệ cho chế độ mới, bảo vệ và tôn vinh lãnh tụ, bất kể thể chế mới có thực sự tiến bộ hay không. Chỉ cần chính quyền mới tốt hơn chính quyền cũ ít nhiều, tạo điều kiện cho người dân thoát khỏi bần cùng, thì họ sẽ tuyệt đối tin rằng chính quyền mới đó là ưu việt nhất trên toàn thế giới và trong toàn bộ lịch sử loài người. Đặc biệt, nếu lãnh tụ tỏ ra liêm khiết, hay nói những lời thể hiện sự thương dân đến mức quặn thắt ruột gan, thì sẽ được dân suy tôn như là bậc thánh. Bấy giờ, dù các nước khác có phát triển đến đâu, người dân cũng vẫn không cần biết đến điều đó.

Quay lại vấn đề về dân chủ và nhân quyền. Như đã nói từ đầu, có hai quan niệm về vấn đề này. Thực ra thì đây không phải là hai quan điểm do hai loại người nói trên đề ra. Loại người thứ nhất chẳng có quan điểm nào cả. Cả hai quan điểm đều xuất phát từ loại người thứ hai, nhưng ở hai địa vị khác nhau. Ở những nước mới thoát khỏi chế độ phong kiến chưa lâu (chưa quá một thế kỷ) những người đã trở thành lãnh tụ không muốn có tự do tư tưởng, không muốn bị mất vai trò thao túng xã hội. Đồng thời, khi đã có quyền lực, con người bao giờ cũng có xu hướng trở nên bảo thủ, luôn thấy mình là đúng nhất. Vì vậy, một khi họ đã nhận thấy không thể lờ đi vấn đề về dân chủ và nhân quyền thì họ cũng tuyên bố rằng xã hội do họ tạo dựng còn dân chủ gấp hàng triệu lần các xã hội khác.

Họ thường lái vấn đề sang một hướng khác, và họ lý giải đại loại như sau: nhân quyền trước hết là quyền sống, vậy thì chính quyền ở những nước có những vụ xả súng giết người đừng nên nói về nhân quyền làm gì; chỉ ở những nước như nước ta mới có nhân quyền thực sự, vì mọi người đều có quyền sống, và hơn thế, những người lãnh đạo luôn lo cho dân. Còn về vấn đề dân chủ thì cứ hỏi dân mà xem, ai cũng sẽ khẳng định rằng họ tự tay bỏ những lá phiều bầu ra người đại diện cho mình, và đương nhiên những người đó sẽ hết lòng bảo vệ quyền lợi cho họ. Như thế chẳng phải là dân chủ hay sao? Những người dân thuộc loại một tất nhiên sẽ cho rằng như thế là đúng, bởi bản chất của họ là sẵn sàng ủng hộ vô điều kiện mọi quan điểm mà những người cầm quyền đưa ra, thậm chí họ cũng sẵn sàng chấp nhận cả việc những người cầm quyền tuyên bố rằng không cần dân chủ! (Cố nhiên, họ nói rằng không phải họ ủng hộ vô điều kiện, mà họ đã suy nghĩ thấu đáo rồi). Và khi mà trong xã hội có đông đảo những người thuộc loại này thì những người có quan điểm khác sẽ hầu như không có cách nào để bày tỏ được chính kiến của mình, và khi đó nhà cầm quyền có thể lớn tiếng tuyên bố một điều mà không ai có thể chứng minh là sai được: “Đó, các ngài thấy chưa? Thể chế này được toàn dân nước tôi ủng hộ, và chúng tôi duy trì nó theo ước nguyện của dân, ý chí của dân. Nhà nước của chúng tôi là nhà nước của dân, do dân, vì dân, sao lại bảo không có dân chủ và nhân quyền được!
Quan niệm thứ nhất về dân chủ là như vậy.

Quan niệm thứ hai về dân chủ liên quan với phạm trù nhà nước pháp quyền. (Tính vô chính phủ không phải là dân chủ!) Mọi hoạt động của nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp,... đều phải dựa vào hệ thống luật pháp. Dưới chế độ pháp quyền thực sự, người có chức vị cao hơn trong bộ máy nhà nước không phải là người có quyền quyết định vận mệnh và lối sống của những người có chức vị thấp hơn và của dân chúng. Người giữ trọng trách cao hơn nói chung có nhiều quyền hạn hơn, có ảnh hưởng lớn hơn tới đời sống xã hội, nhưng những quyền hạn đó đều được thể chế hoá, và quan chức không có quyền tự tăng thêm quyền hạn cho mình. Dưới chế độ đó, mọi quan điểm đều có thể được bày tỏ, mọi lối sống đều được chấp nhận, miễn là không vi phạm pháp luật. Người ta được tự do tranh luận công khai về các vấn đề chính trị, được thể hiện ý chí bằng các hình thức như tuyên truyền, bãi công, biểu tình,...

Không thể có một nhà nước nào bảo đảm được một cách tuyệt đối để những lý tưởng tốt đẹp đó luôn được thực hiện một cách hoàn hảo, nhưng cũng có những nơi đã đạt được khá nhiều thành tựu trong việc xây dựng một thể chế như vậy. Không nên nghĩ rằng nếu trong xã hội vẫn còn có kẻ giết người thì chính quyền ở đó không được nói đến nhân quyền.

Ở những nơi có nhiều người thuộc loại hai, những nhà cầm quyền không thể thao túng xã hội theo ý đồ cá nhân của họ. Ngược lại, họ phải hành động theo luật pháp, tức là có lợi cho sự phát triển. Tư cách và năng lực cá nhân của họ chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển xã hội. Một cơ chế hoạt động như vậy bảo đảm cho xã hội không bị thao túng tuỳ tiện bởi một cá nhân hay một nhóm người.

Hai quan niệm đó, cái nào đúng, cái nào sai? Tôi không muốn trả lời câu hỏi này ở đây. Tôi chỉ muốn nói lên một ý nghĩ riêng tư: giá mà loài người được tách ra ở trên ba hành tinh cách xa nhau, hành tinh thứ nhất giành cho những người thích áp đặt sự cai trị theo kiểu của mình và những người sẵn sàng tuân thủ nhà cầm quyền một cách vô điều kiện, hành tinh thứ hai giành cho những người muốn sống trong một nhà nước pháp quyền thật sự, và hành tinh thứ ba giành cho những người vô chính phủ, thì có lẽ hay hơn.

Và một điều nữa: với vốn hiểu biết ít ỏi của mình, tôi nghĩ rằng nói đến nhà nước pháp quyền mà trong đó lại quy định quyền cai trị vĩnh viễn của một đảng duy nhất là điều ngu xuẩn.

TRẦN NAM CHẤN


No comments: