Friday, February 27, 2009

DÂN CHỦ ĐI XUỐNG Ở CHÂU Á

Châu Á cuối thập-niên 2000: Dân-Chủ đi xuống
Cổ Lũy

Wednesday, February 25, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91307&z=184
Lời mở : Cuối năm 2008, giáo sư Joshua Kurlantzick, một học giả chuyên về châu Á thuộc viện nghiên cứu về hòa bình thế giới Carnegie Endownment for International Peace, đưa ra một số nhận xét thâu tóm về phát triển dân chủ thuộc vùng chuyên môn của mình. Về mặt tổng quát, ông ghi nhận: Có thời châu Á đã được xem như đi tiên phong trong làn sóng dân chủ hóa khắp thế giới mà ba thập niên qua từng lan rộng ở Ðông châu Âu, châu Mỹ La-Tinh [Trung và Nam Mỹ], và cả châu Phi. Những năm gần đây châu Á lại như đảo ngược những thành quả đã đạt được. Suốt trong vùng, những thế lực quân sự tưởng như đã nằm yên trong các doanh trại lại bắt đầu ra mặt hoành hành. Những nhà cầm quyền gần như độc tài ở Sri Lanka [trước đây là Ceylon, Tích-Lan], Kampuchea, Phi-Luật-Tân cùng những nước khác đã củng cố quyền lực ghê gớm của nhà nước, đẩy lực lượng an ninh đàn áp đối lập, sử dụng sắc lệnh khẩn cấp để thu thập hết quyền thế, và siết chặt xã hội dân sự. Và riêng về “Ðông Dương” cũ, ông nhấn mạnh, “Giới lãnh đạo ba nước Việt, Miên, Lào đã bắt đầu xem họ có thể áp dụng khuôn mẫu [phát triển] của Trung-Hoa [“cởi mở” về kinh tế và siết chặt về chính trị] như thế nào.” Ðể thích hợp với khuôn khổ bài báo, người viết ghi nhận những sự kiện, ý kiến của giáo sư cùng những nhận định, dẫn giải. Về chi tiết hơn, xin tìm đọc tác phẩm mới nhất của ông viết về đường lối ngoại giao của Trung-Hoa, Charm Offensive: How China's Soft Power Is Transforming the World (Yale University Press, 2007).

Năm năm qua, những khuynh hướng kể trên kết tụ lại, tạo nên việc đi xuống về dân chủ ở châu Á. Cái tác hợp nguy hiểm của những năm cai trị độc ác và thối nát ở những nước như Bangladesh và Phi-Luật-Tân cộng với sự thất bại trong việc xây dựng những định chế với khả năng hoán chuyển phản kháng bạo động thành những phương cách hòa hoãn đã đưa đến hệ quả ghê gớm.
Ở East Timor, những người trẻ bất mãn xuống đường tại thủ đô Dili không mấy cao ốc giao tranh với dao búa và ná cao su. Những người này cũng đốt rụi từng khu phố thủ đô cho tới khi lực lượng vũ trang từ Úc tới giúp giữ an ninh.
Năm 2007 ở Bangladesh, hàng nghìn người biểu tình với gạch đá, gậy gộc lan tràn qua các ngõ hẻm với nhà mái tôn, tấn công phá hoại nơi buôn bán và đụng độ với cảnh sát dã chiến cùng hàng nghìn lính chính phủ. Họ chỉ chịu bỏ chạy khỏi hiện trường khi bị đánh đập đổ máu và quần áo rách bươm.
Ngoài Bangladesh giới quân sự cũng lại ra mặt hoành hành ở nhiều nước châu Á. Ở Thái-Lan, một nước được xem như “dân chủ,” quân đội lên nắm quyền hành tháng Chín 2006. Cuộc đảo chính này diễn ra sau khi dân chúng biểu tình hàng tháng phản đối chính quyền thủ tướng lúc đó là Thaksin Shinawatra - một người được bầu ra khá dân chủ, nhưng sau đó đã dùng quyền hành giới hạn quyền tư pháp, xã hội công dân và giới thư lại Thái, rồi lại tung ra cuộc chiến chống ma túy, độc dược giết hại hàng nghìn người vô tội. Rồi giới quân sự lại xé bỏ hiến pháp tiến bộ viết ra năm 1997.
Ở đảo quốc Fiji, giới quân sự đảo chính Tháng Mười-Hai 2006, tuyên bố tình trạng khẩn cấp với lý do chống tham nhũng, rồi hứa sẽ tổ chức bầu cử bốn năm sau đó. Quân đội kiểm duyệt báo chí và bắt giam ít nhất hai tá người tranh đấu chính trị nổi bật nhất.

Lúc đầu, nhiều giới tiến bộ hồ hởi với những can thiệp từ quân lực. Ở Bangladesh đám đông ủng hộ đảo chính quân sự chống tham nhũng và bạo động chính trị lan rộng trước bầu cử đầu năm 2007 (ít nhất 45 người bị thiệt mạng). Dân chúng cho biết họ chán ghét “tranh cãi cù nhầy giữa đảng phái, tham nhũng lộng hành và tình trạng vô luật lệ.” Cũng giống như ở đây, nhiều giới trung lưu thủ đô Bangkok hoan nghênh người làm đảo chính. Các thiếu nữ choàng hoa lên xe tăng quân đội ngay thủ đô. Giới cổ võ cải tổ tiến bộ gồm từ người cầm bút tới trí thức đại học (cùng một số nhà bình luận Tây phương) ca ngợi giới quân sự đã ra tay hành động. Tuy nhiên, các tướng lĩnh tỏ ra không biết cách cai trị. Ngày nay giới quân sự nắm quyền lực phải đương đầu với những nền kinh tế phức tạp và toàn cầu hơn thời thập niên 1960 và 1970. Họ cũng phải đương đầu với dân chúng đã quen với dân chủ hơn, và ít sẵn sàng tuân theo thiết quân luật hay lệnh bãi bỏ hoạt động chính trị.
Ở Fiji ngân hàng dự trữ quốc gia than thở đảo chính làm kiệt quệ phát triển kinh tế. Ở Thái, quân đội không chọn lựa được giữa việc trấn an người đầu tư và chính sách can thiệp vào hối đoái để bảo vệ kinh tế quốc nội đã khiến giới làm ăn ngoại quốc cực kỳ lo lắng. Quân đội cũng không biết cách cư xử ra sao với giới truyền thông tân tiến: quân đội kiểm soát báo chí năm 2007 và cấm hệ thống truyền hình toàn cầu CNN phát hình cuộc phỏng vấn thủ tướng Thaksin, dù người biểu tình ở Bangkok công khai phản đối chính quyền quân sự.
Ðồng thời với việc đảo chính quân sự đe dọa dân chủ xẩy ra nhiều nơi, một số chính quyền trong vùng dùng những phương cách tế nhị hơn để lũng đoạn các quyền tự do chính trị. Ở nước bán chuyên trị Kampuchea, Thủ Tướng Hun Sen đã củng cố quyền lực vào hết trong tay mình trong năm năm qua, ra lệnh cho hệ thống tư pháp không độc lập bắt giữ đối lập, và bịt miệng những người chỉ trích chính quyền bằng cách gán cho họ tội phỉ báng nhà nước. Ông cũng khuất phục hầu hết giới đối lập chính trị để không mấy ai còn lại trong nhánh lập pháp lên tiếng phản đối mình. Với dầu thô sắp được khai thác ngoài khơi Kampuchea ông sẽ gia tăng thêm quyền lực, vì những nước viện trợ cho Kampuchea sẽ mất bớt ảnh hưởng và những nước muốn mua dầu sẽ không lên tiếng phê bình cảnh cáo gì mấy. Ở Việt-Nam chính quyền đã bắt giữ những luật gia tranh đấu dân chủ cùng những người hoạt động chính trị theo đuổi mục tiêu xây dựng đối lập chính trị với nhà nước.
Nước Phật giáo (Sihalese) Sri Lanka cũng mạnh tay đàn áp dân chủ. Tháng Mười-Hai 2006, sau tiến trình hòa bình với nhóm tranh đấu ly khai Ấn giáo Tamil Tigers sụp đổ, chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép mình thêm quyền lực kiểm soát truyền thông và xã hội dân sự. Từ đây chính quyền bảo thủ liên kết với những đảng chính trị quốc gia Sihalese cứng rắn mỗi ngày một áp chế hơn, và lợi dụng nội chiến chống “khủng bố” Tamil Tigers (rất nhiều phụ nữ tham gia đánh bom tự sát trong những nổi dậy một phần tư thế kỷ nay) để đàn áp giới đối lập, kể cả những người đối lập chân chính.
Theo tổ chức nhân quyền Ân-xá Quốc-tế (Amnesty International), hai năm qua ít nhất mười nhà báo Sri Lanka đã bị giết chết, đồng thời một số khác đã mất tích hoặc bị giam giữ và tra tấn theo luật lệ khẩn cấp. Ngoài số nhà báo mất tích kể trên, nhân viên LHQ theo dõi những vi phạm cùng loại cho thấy Sri Lanka là nơi nhiều người trong nghề mất tích hơn bất cứ nơi nào hết. Ðồng thời chính quyền Sri Lanka cũng trục xuất người Tamil ra khỏi thủ đô Colombo chỉ vì chủng tộc, tôn giáo dù họ không làm gì phạm pháp cả. Tình trạng này có lẽ sẽ tệ hại hơn cùng việc chính quyền gia tăng cường độ chống đối nhóm tranh đấu Tamil Tigers, sử dụng lực lượng hùng hậu tấn công họ tới tấp. Tin mới nhất cho thấy nhóm Tamil Tigers đã bị thu hẹp vào miền bắc nước này.
Nước “dân chủ” lâu đời Phi-Luật-Tân (một thuộc địa Hoa-Kỳ chiếm từ Tây-Ban-Nha cuối thập niên 1890) cũng đi xuống tệ hại về dân chủ. Năm nay viện nghiên cứu về tự do dân chủ Freedom House ở Hoa-Kỳ hạ mức tự do ở Phi-Luật-Tân xuống thấp, từ “tự do” xuống “tự do phần nào.” Ðúng ra Freedom House cảnh cáo, “Nước dân chủ lâu đời nhất ở châu Á đã mỗi lúc một hỗn loạn hơn” dựa trên những tham nhũng và gian lận bầu cử trong chính quyền. Giới quân sự Phi cũng bị xem đã giết hại hàng trăm những nhà tranh đấu chính trị, nhất là giới chính trị tả phái, trong những năm gần đây. Giới trí thức, nhất là nhà báo bị xem là những mục tiêu của giới quân sự, và nhiều người đã bị ám sát. Hai năm trước đây, Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo (con gái tổng thống Macapagal trước đây) ban bố tình trạng khẩn cấp và dùng luật lệ này để bắt giam những người tranh đấu chống chính quyền. (Giống như nhiều nước Trung và Nam Mỹ nằm trong quĩ đạo của Hoa-Kỳ - “người khổng lồ phương Bắc” - nhiều thế kỷ, Phi là nước bị thực dân da trắng Tây phương chiếm đóng và sử dụng như nguồn cung cấp nguyên liệu, nhân công rẻ mạt và thị trường tiêu thụ, hoặc vị trí địa dư chiến lược trong mô thức bành trướng “toàn cầu” sau Thế-chiến 2, 1939-1945. Khi thực dân da trắng về nước vì nhiều lý do khác nhau, những giới quyền thế, giầu có bản xứ từng hợp tác với thực dân da trắng-khoa chính trị học gọi là “thực dân bản xứ,” native colonists-cha truyền con nối thành giai cấp thống trị, “ruling class” với “trái tim và quyền lợi gắn liền với nước mẹ,” tiếp tục hợp tác với ngoại bang khai thác bóc lột chính dân cùng đất nước mình, kéo dài tình trạng bất công xã hội, kinh tế và chính trị. Tất cả tạo nên cái ung thư người bản xứ tuy không thể chấp nhận được nhưng cũng khó làm được gì mấy - và để cơ hội cho chủ nghĩa cộng sản, và phần nào bây giờ là “khủng bố,” từ bên ngoài vào khai thác. Những người “quốc gia” chân chính chống đối thường bị chính quyền gom chung với cộng sản hoặc “tả phái” trong bi kịch chính trị Á, Mỹ và Phi châu suốt hậu bán thế kỷ vừa qua).
Ở Myanmar, như đã đề cập trước đây, chính quyền đáp lại cuộc “Cách-mạng Áo vàng” (Saffron Revolution) của các sư sãi Phật giáo bằng bạo hành đẫm máu và bắt giam hàng nghìn người sau đó. Hội đồng quân sự lợi dụng vụ bão lớn tháng Năm 2008 để củng cố quyền lực của mình, ngăn cản những nỗ lực quốc tế dùng thiên tai này để làm áp lực thay đổi.

Giữa những hỗn loạn đi xuống kể trên, người ta cũng như nhìn thấy một khuôn mẫu dân chủ, tạm gọi tên là “khuôn mẫu Jakarta” (Indonesia). Nhưng trước hết, năm 2007, một năm sau đảo chính quân sự dân chúng Thái bầu ra một chính quyền mới. Nhưng giai đoạn giới quân sự cầm quyền đã để lại những hỗn loạn sâu đậm đến nỗi nay người ta chỉ nhìn thấy những chính quyền không bền vững và có lẽ vô số những bầu cử trong tương lai ngắn. Trong vài tháng nay những xuống đường tiếp tục trấn át thủ đô Bangkok với đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, dân chúng chiếm đóng dinh thủ tướng hay phi trường quốc tế. Thủ tướng đắc cử Samak Sundarvej bị đẩy ra khỏi chức vụ tháng Chín 2008 dù đảng chiếm đa số của ông vẫn nắm giữ chính quyền. Ở Malaysia bầu cử được tổ chức đầu năm và những đảng đối lập thắng lớn hơn thường lệ; đây có thể là dấu hiệu cởi mở chính trị. Vương quốc Bhutan (giữa Ấn-Ðộ và Trung-Hoa) tổ chức bầu cử tự do lần đầu tháng Ba 2008. Và ở Nepal gần đó, vương quyền tuyệt đối đã nhường bước cho tiến trình dân chủ, dù bầu cử mới diễn ra đưa một số người mới vào chính quyền, bao gồm những người nổi dậy cực đoan kiểu Mao-Trạch-Ðông (Maoist) cương quyết không chấp nhận đối lập.
Nhưng một khuôn mẫu dân chủ trẻ trung xuất hiện ở nước Hồi giáo lớn nhất thế giới không có truyền thống chính trị dân chủ. Thập niên trước nhiều người xuống đường ở Indonesia mang những chai dầu xăng có ngòi vải làm bom lửa (cocktail Molotov) và dao to bản hoành hành ngay thủ đô Jakarta vì những bất mãn về chính trị và tình trạng kinh tế trên đà đổ vỡ. Nhiều người chuyển giận dữ vào người thiểu số gốc Hoa nắm giữ hầu hết hoạt động và quyền lực kinh tế cũng như tác động hủ hóa chính trị (không khác mấy ở các nước Ðông Nam Á trên mặt Ðông Thái-Bình-Dương, và cũng như khắp mặt Tây, Nam, Bắc TBD hiện nay). Ðám đông dân chúng nhắm vào tài sản người Hoa như những shopping mall và các khu phố bán vàng bạc (cũng là một loại “nhà băng” và chỗ “rửa tiền,” money laundering, phi pháp; xin xem thêm Mối Ðe Dọa Ðộc Dược, Ma Túy Ở Ðông Nam Á, trên nguyệt san Thế Kỷ 21, tháng Chín 2000, cùng người viết). Một số người cưỡi xe gắn máy dẫn dân chúng đến cửa hiệu người Hoa, khóa cửa nhốt chủ nhân lại và đốt cháy rụi tất cả. Khoảng 70 nghìn người gốc Hoa trốn khỏi Indonesia, và nhiều người khác bỏ Jakarta đến những nơi yên ổn hơn trên nước gồm nhiều quần đảo này, như Bali. Một số lớn cũng mang tài sản và gia đình ra nước ngoài, đến Vancouver ở tây Canada, Úc và các nước Nam, Trung Mỹ, để lập nghiệp với bà con, họ hàng cùng tài sản có sẵn ở những nơi Bắc, Tây và Nam TBD này. Những bạo hành chủng tộc và tôn giáo khác, gồm việc bêu đầu “kẻ thù” trên cọc nhọn dọc đường cũng lan tràn khắp vùng như Aceh và quần đảo Maluku.
Chỉ mười năm sau Indonesia đã làm được những tiến bộ nhanh chóng và ngoạn mục, và có thể hãnh diện là nước dân chủ vững chãi nhất Ðông Nam Á. Giới lãnh đạo đã long trọng bênh vực quyền của người thiểu số và mở rộng cửa chính trị cho người gốc Hoa: ít nhất 30 người gốc Hoa tranh chức trong nghị viện Indonesia năm 2004. Chính quyền của tổng thống Susilio Bambang Yudhyono đã nỗ lực tạo ra cái văn hóa dân chủ. Ông Yudhyono, trước đây là một tướng lĩnh trong quân lực, được dân chúng bầu ra trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên trong lịch sử nước này năm 2004; từ năm đó ông đã dẫn đầu một chính quyền thật sự tiến bộ. Thay vì chú mục vào giới ưu quyền và tập quyền ở thủ đô (centralization) theo lối Manila và Bangkok, chính quyền Yudhyono đã xây dựng văn hóa dân chủ từ dưới đi lên, chuyển hẳn về tiến trình trung ương tản quyền (decentralization) và dành quyền quản trị chính trị địa phương cho những giới chính trị địa phương, đồng thời dành nhiều quyền tự trị (autonomy) cho những vùng như Aceh từng bỏ ra ba thập niên tranh đấu tự trị. Cho đến nay những người nổi dậy ở đây lâu lâu vẫn gây hấn, nhưng nói chung đình chiến đã thành hình với việc quân đội Indonesia rút ra khỏi vùng, đa số dân Aceh dẹp bỏ vũ khí và tham gia bầu cử địa phương.
Tiến trình trung ương tản quyền đã củng cố và ổn định dân chủ ở vùng thôn quê. Theo báo Asia Times, những năm gần đây người đi bầu đã loại ra khoảng 40 phần trăm số người nắm giữ quyền lực lâu năm ở địa phương; đây cho thấy ý nguyện của người dân được tôn trọng hơn. Dân chủ địa phương cũng hàn gắn những khác biệt về tôn giáo và giảm thiểu hiện tượng quá khích hóa (radicalization) Hồi giáo; người Hồi và Ki-Tô giáo nay sát cánh nhau trong các liên danh tranh cử địa phương. Và, cùng với tản quyền chính trị tản quyền kinh tế đã cung cấp tài nguyên, phương tiện cho các tỉnh và địa phương nâng cao mức an sinh xã hội cho dân chúng. Dưới quyền ông Yudhyono nhà nước đã củng cố những định chế buộc người quyền cao chức trọng phải chịu trách nhiệm (accountability) trước dân chúng. Tổng thống đã ủng hộ những quyết định của tòa án lật ngược các luật lệ về an ninh nhằm ngăn cấm dân chúng chỉ trích người lãnh đạo trước đây từng được sử dụng để giam giữ đối lập chính trị. Trách nhiệm đặt nhiều vào giới lãnh đạo gia tăng tin tưởng của dân chúng vào hệ thống dân chủ.
Ông Yudhyono có lẽ là nhà lãnh đạo độc nhất ở châu Á thấy rõ nhu cầu phải đẩy mạnh dân chủ ở các nước láng giềng nếu thật sự muốn xiển dương dân chủ khắp vùng. Ông đã nhận ra việc những nước cực kỳ phản dân chủ, như Myanmar, là cơ nguyên của những bất ổn tạo ra các tệ hại lan rộng đến khắp nơi trong vùng như ma túy, độc dược, và di dân phạm pháp. Trong khi phần lớn giới lãnh đạo châu Á tránh nói về Myanmar, ông Yudhyono đã không ngần ngại cảnh cáo viên chức Myanmar phải nhanh chóng hơn trong việc soạn thảo hiến pháp và thực thi dân chủ. Giới lãnh đạo Thái và ngay cả Ấn-Ðộ không lên tiếng sau những tàn bạo trong cách mạng Saffron Revolution. Tổng trưởng dầu hỏa Ấn lại còn viếng thăm Myanmar để ký những giao kèo mua dầu (tranh giành với Trung-Hoa cho kỹ nghệ đang bành trướng ở Ấn) ngay trong lúc các đàn áp đẫm máu xẩy ra.

Những thay đổi mới đây ở Indonesia được dân chúng ủng hộ rõ rệt. Dư luận dân chúng không những ngợi khen ông Yudhyomo mà còn liên tiếp hoan nghênh dân chủ. Viện nghiên cứu dư luận Indonesia cho thấy 82 phần trăm dân chúng ủng hộ dân chủ - cùng với thời gian người Thái hoan nghênh chính quyền quân sự. Những đảng chính trị đối lập Indonesia cũng sẵn sàng giải quyết việc thất cử qua phương cách chính trị dân chủ thay vì lật đổ chính quyền đắc cử bằng bạo hành hay áp lực đám đông đường phố. Rõ ràng Indonesia vẫn phải vượt qua nhiều trở lực, nhất là giới lãnh đạo quân sự vẫn ngần ngại không chịu bỏ đi những quyền lực thu góp được qua ba thập niên Tổng Thống Suharto (cùng các tướng lĩnh do Washington dựng lên năm 1965 trước nguy cơ đảng Cộng-sản Indonesia, PKI, có thể chiếm lấy chính quyền từ nhà độc tài Sukarno từng cầm quyền hàng thập niên trước đó; xin xem thêm The Year of Living Dangerously của tác giả C. J. Koch do nhà Penguin Books xuất bản, thập niên 1970, hoặc cuốn phim cùng tên được giải Oscar do đạo diễn Úc Peter Weir thực hiện, đầu thập niên 1980), và các quan tòa không chịu trừng phạt những lạm quyền của giới quân sự. Trước khi ông Yudhyono tái cử năm nay, ông phải xây dựng một đảng chính trị kiện toàn và chặt chẽ hơn dựa trên các giá trị dân chủ tiến bộ để bảo đảm những ý tưởng và thành quả đáng chú ý của ông sẽ sống còn lâu dài.

Sự thay đổi, biến dạng ngoạn mục ở Indonesia rõ rệt là tấm gương cho các nước châu Á muốn đi đến một nền dân chủ sống động. Ðúng ra, trước khi giẫm vào vũng lầy bi kịch chính trị hậu thực dân (post-colonial) nói trên, giới lãnh đạo tiến bộ từ Kampuchea tới Bangladesh cần phải hướng cái nhìn về Jakarta.

Hoa-Kỳ cũng phải chú ý nhiều hơn đến vùng kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và một thời từng trên con đường dân chủ hóa này. Nếu Washington tiếp tục ủng hộ những nhà độc tài như trước đây, Hoa-Kỳ sẽ vứt bỏ hình ảnh mình như một bảo đảm cho lý tưởng tự do dân chủ, và mở rộng cửa hơn cho các tay “anh chị,” như Trung-Hoa, thu nắm lợi thế lớn lao trong vùng.
Tổng thống mới Barack Obama đưa ra dấu hiệu tốt với việc cử tân Ngoại Trưởng Hillary Clinton đến ngay châu Á trong chuyến công du đầu tiên của bà (thay vì truyền thống gần nửa thế kỷ chọn châu Âu và “Trung Ðông” làm ưu tiên). Nhưng sau tuần lễ công du quan trọng này, giới chú ý đến dân chủ và nhân quyền xem ra không mấy lạc quan: chuyến đi châu Á chú trọng vào kinh tế và an ninh, chứ không nặng về nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, người ta cũng phải hiểu rằng sau Guantanamo và Abu Ghraib trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Washington không dễ thuyết phục mấy ai về tôn trọng nhân quyền. Và với kêu gọi to tiếng về nhu cầu quốc hữu hóa các ngân hàng trong nước, Hoa-Kỳ cũng khó ngợi ca cái hay cái tốt của chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường - trong đó phải kể dân chủ hóa như một hệ quả đẹp.



No comments: