Tuesday, February 24, 2009

HỒI ỨC VỀ NHÀ TÙ CỘNG SẢN VIỆT NAM (Phần 6)

Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [6]
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 24-2-2009
http://danchimviet.com/articles/887/1/Hi-c-v-nha-tu-cng-sn-Vit-Nam-6/Page1.html

Tôi đi theo một hành lang khá rộng, dọc hành lang là những chậu hoa hồng, hoa cúc được đặt trên những bệ cao, những gốc quỳnh già đong đưa nụ hoa sắp nở, mấy cây tường vi khá cao thả những cánh hoa hồng phớt.
Bước vào một căn phòng rộng đựoc bày trí sang trọng, một người CA mang quân hàm Đại uý cao lớn và hơi gầy chào tôi lịch sự và mời tôi ngồi. Tôi nhận thấy cung cách này hơi lạ, không giống như những lần tôi làm việc với họ trước đây. Với sự đề phòng cố hữu, tôi chậm rãi kéo ghế ngồi xuống.
- Chào cán bộ.
Sau đó là những lời thăm hỏi sức khoẻ, cảm tưởng của tôi khi đến trại này. Tôi trả lời thận trọng và so sánh trại này với trại Xuân Phước, tôi trình bày đúng với sự thật về điều kiện sống và sinh hoạt ở đây.
- Ở đây phòng thoáng mát rộng rãi, phòng vệ sinh sạch sẽ nhưng mức sống thì không bằng Xuân Phước. Chúng tôi thiếu rau xanh, cơm không được sạch sẽ.
Rồi họ nói về sự phát triển của đất nước, chính sách của Đảng, đường lối của chính phủ. Vẫn là những điều tôi đã nghe nhiều nhưng được trình bày nhã nhặn hơn.
Một ấm trà thật ngon được một cô gái xinh đẹp mang vào (cô ta rất đẹp dù trong bộ đồ tù), giọng nói trong trẻo của người Hà Nội.
- Cháu mời ông, em mời anh.
Tôi gật đầu cảm ơn cô, đã hai năm rồi tôi mới được nhìn một phụ nữ đẹp như thế, trong lòng cũng thấy xôn xao (lúc đó tôi mới 36 tuổi) một thứ xôn xao của biển mùa hạ, êm đềm, sâu thẳm..Tôi nâng chén trà lên, hít nhè nhẹ, mùi thơm dịu dàng, hớp từng ngụm nhỏ -trà ngon tuyệt vời. Đã lâu rồi tôi chưa thưởng thức cái hương vị nồng nàn này, ước gì được ngồi một mình với ấm trà này. Tôi nói như chỉ có một mình:
- Trà ngon quá.
Tôi và họ trao đổi về tình hình thế giới và Việt Nam, đề cấp đến rất nhiều vấn đề, từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng.

Sau đó họ chuyển đề tài nói về tôi, về những tác phẩm tôi viết mà họ thu giữ được. Họ không chối cãi được về những gì tôi viết trong đó, đó là sự thật. Tôi chỉ nói lên cái sự thật đã đang và sẽ tiếp diễn ở ngoài kia và họ chỉ lên án tôi (nhẹ nhàng thôi) là chỉ nhìn một chiều, chỉ thấy mặt tiêu cực nhưng không nhìn thấy mặt tích cực của xã hội. Họ nói đến công lao của Đảng cộng sản trong hai cuộc chiến tranh. Họ nói sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của tôi là sai, là luận điệu thù địch phản động. Họ nói tác phẩm “Di tản” của tôi, nếu “không may” được phổ biến sẽ làm sai lệch sự nhìn nhận của thế hệ trẻ về cuộc chiến tranh “Thần thánh” này. Tôi không muốn tranh luận với họ về việc này nó không có lợi cho tôi trong hoàn cảnh này. Tôi chỉ nói:
- Tôi là người cầm bút, tôi muốn ghi lại cuộc sống và những diễn biến của thời cuộc, còn độc giả sẽ là người phán xét.

Rồi họ nói về truyện ngắn: ”20 giờ ở bệnh viện” của tôi, là một đánh giá quá đáng về ngành y tế Việt Nam, là sự cố chấp, cầu toàn. Họ nói ở đâu, thời nào cũng có cái tốt cái xấu, không nên chỉ nhìn vào cái xấu để chụp mũ, áp đặt.
Tôi không tranh luận, cũng vì lý do trên nhưng trong lòng tôi cũng biết rằng cái thiện, cái ác, cái xấu, cái tốt song song tồn tại ở bất cứ đâu nhưng đâu là cái bản chất, cái phổ biến và nhiệm vụ của những người có lương tri là tuyên chiến với cái ác, cái xấu
Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, họ đã đưa ra quan điểm của họ, tự ca ngợi chế độ, tự đề cao chủ nghĩa nhưng với một giọng điệu kém tự tin (vì hoàn cảnh lúc đó chưa cho phép họ chăng?) vì lúc đó người dân VN nghèo xơ xác, họ tự biết chẳng có gì để tự hào chăng?
Sau đó họ để tôi lại một mình với một tờ giấy và một cây bút yêu câu tôi viết kiểm điểm và tôi đã viết một bản kiểm điểm với lời lẽ thận trọng, không khiêu khích họ cũng không nhận mình sai.
Tôi suy nghĩ thật chín chắn vì biết mình đang ở trong tay họ, tính mạng của mình họ nắm giữ.
Rất lâu sau đó họ mới trở lại, tôi đã viết xong rồi. Ngồi uống trà và nhìn cách bày trí trong căn phòng, rất sang trọng- tôi thầm nghĩ như vậy (những người cộng sản họ cũng thích nghi rất nhanh với đời sống xa hoa)

Trên đường trở về buồng giam, tôi thấy nhẹ nhõm một chút vì nhận thấy buổi làm việc này không căng thẳng họ không có ý định cùm tôi, tôi không biết lý do tại sao.
Tôi có một chút thanh thản để nhìn lên bầu trời, hôm nay trời hững nắng, rất lạnh và đẹp. Tôi đi qua những cô gái đang nhẹ nhàng làm việc, họ chăm sóc hoa và cây cảnh..trong những cô gái đó có người dùng nước hoa và trang điểm như ở nhà hay ở nơi làm việc, họ là những tù nhân hơi đặc biệt.
Về đến buồng giam, anh em xúm lại hỏi tôi về buổi làm việc, tôi trình bày lại những gì mà tôi trao đổi với cán bộ và nói với họ: Hy vọng là tai qua nạn khỏi.
Tôi biết anh em rất lo lắng cho tôi nếu bị đi cùm ở cái đất Thanh Hoá vào mùa này lạnh sao chịu nổi (khi bị cùm và kỷ luật ở buồng giam riêng, chỉ có một mảnh chiếu, không mùng, không chăn, không bàn chải đánh răng, không gì hết).
Chú Phan văn Bàn và anh Nguyễn Văn Trung cười vỗ vai tôi
- Hy vọng trong cái rủi có cái may.
Nhưng tôi vẫn còn lo lắng vì việc này vẫn chưa ngã ngũ, vẫn chưa có thái độ dứt khoát của họ.

Một tuần trôi qua, vẫn không có buổi làm việc nào nữa, việc của tôi có thể kết thúc ở đây. Còn tình hình chung thì thỉnh thoảng họ gọi từng người ra làm việc.
Nội dung trao đổi cũng nhẹ nhàng, họ hứa sẽ cải thiện cuộc sống của anh em, nhưng chỉ một tuần sau lời hứa không những không được thực hiện mà họ còn tìm cách o ép chúng tôi
Họ hạn chế chúng tôi đủ cách: Không cho giữ giấy bút, hạn chế số tiền chúng tôi được tiêu dùng, họ đưa ra chỉ tiêu mỗi tháng chúng tôi chỉ được nhận 5kg quà của gia đình và chỉ được mua thêm với số tiền tương đương 10kg gạo. Mục đích của họ là để cô lập chúng tôi với nhau, không cho chúng tôi có phương tiện để tương trợ những anh em khó khăn, rồi những bữa cơm lại như cũ, toàn cứt gián hôi không nuốt được và thứ canh bằng lá bắp cải già mà bò cũng chê vậy là họ đẩy chúng tôi vào cuộc đấu tranh mới.
Chúng tôi làm kiến nghị để gởi lên BGT đòi hỏi sự đối xữ công bằng và tôn trọng pháp lệnh thi hành án. 100% anh em tham gia kiến nghị và cơm canh bị gởi trả lại cho trại, với lời cảnh báo sẽ tuyệt thực tập thể. Trong số 32 người tù chính trị ở buồng này, dự kiến sẽ có khoảng 18 người tuyệt thực vô thời hạn.

Trong nhóm “Thập tam Thái bảo” hiện tại có: Tôi, anh Hoàng Xuân Chinh, anh Trần Nam Phương, anh Nguyễn Văn Trung, những người này sẽ đi tiên phong, chúng tôi đã thoả thuận như vậy và khi bàn bạc với Bs Nguyễn Kim Long thì anh Long cũng quyết định tham gia cùng 4 anh em chúng tôi, chúng tôi đã sẵng sàng tuyệt thực.
Trước sự đòi hỏi quyết liệt và sự đồng thuận của 32 anh em, trại đã nhượng bộ. Chúng tôi đựoc nhận củi, than, rau hàng ngày để tự nấu ăn. Anh Trương Văn Sương hì hục suốt ngày với những phương tiện thiếu thốn hoàn thành một cái bếp để tiết kiệm củi đốt
Lần đầu tiên cũng là cũng là lần duy nhất trong những ngày tháng lưu đày ra Bắc chúng tôi đựoc tự nấu ăn, anh em phân công ra làm việc, cuộc sống của anh em dễ chịu rất nhiều.

Tết sắp đến, chỉ còn vài ngày nữa thôi. BGT mang vào cho chúng tôi mấy chậu hoa và cây cảnh để trang hoàng cho căn phòng bớt đơn điệu. Hai cây tùng đựơc đặt trên hành lang trước cửa ra vào, mấy chậu cúc đại đóa và hoa hồng đặt ở bậc tam cấp dọc hành lang và có cả hai chậu quỳnh nhỏ bắt đầu trổ hoa.
Chúng tôi đón cái Tết đầu tiên trên đất Bắc trong sự thiếu thốn cùng cực vì trong số 32 anh em chưa có một người nhận được thông tin từ gia đình.
Chiều cuối năm trời không mưa nhưng rất lạnh, chúng tôi nhận được mỗi người một phần quà của BGT. Gói quà có: 1 gói trà 50gr, một gói thuốc lá Du Lịch, 1 gói kẹo và 1 gói mức nhỏ. Tuy chỉ có vậy nhưng nó làm dịu đi sự thiếu thốn
Theo thông lệ, chiều cuối năm chúng tôi được ăn Tết tất niên, cũng là khẩu phần ngày Tết- lễ được quy định trong pháp lệnh thi hành án. Mỗi người chúng tôi được nhận hai cái bánh chưng do trại gói, mỗi cái khoảng 3 lạng. Bánh gói rất vụng, nếp thì dở còn nhân chỉ có một ít đậu xanh và thịt mỡ, và da còn rất nhiều lông heo.
Buổi chiều tất niên hôm ấy, chúng tôi được nhận mỗi người một lạng thịt heo kho, một ít đồ xào (có gan lòng xương xào với miếng với su hào-rau thơm). Đã một tháng rồi mới được một bữa ăn ngon.
Tối hôm đó chúng tôi tổ chức liên hoan đón tất niên, từ chiều mấy anh em đã chuẩn bị nước sôi cho vào bình thủy để chế trà, những anh em nghiện thuốc thì rất vui vì đã lâu phải vật vã, thèm khát, 1/3 anh em không hút thuốc, số còn lại là nghiện nặng.

Trong phòng có 3 cây ghita, anh Nguyễn Văn Trung, anh Lê Văn Thụ và anh Trần minh Tuấn, một ban nhạc không chuyên đã sẵn sàng.
Riêng anh Lê Văn Thụ là một nhạc sĩ thực sự, anh sáng tác, phổ nhạc, chơi ghita và còn hát rất hay. Tôi và anh Thụ rất hợp nhau. Anh Lê Văn Thụ là người Bắc 54, quê Đà Lạt, một người cao lớn, khoẻ mạnh và hiền lành, ở anh có một sự tự chế rất cao, ít khi thấy anh nóng giận, anh xữ sự lịch lãm, tinh tế. Tôi rất mến phục anh, học hỏi ở anh sự yên tĩnh nhu hoà, tôi xem anh như một tấm gương để học hỏi và chế ngự bớt sự nóng tính, cực đoan của tôi. Những bản nhạc xuân: Xuân này con không về, Phiên gác đêm xuân, Nhớ một chiều xuân, được những giọng ca tuy không chuyên nhưng cũng không tồi biểu diễn. Mấy anh cán bộ mang súng đi lòng vòng bên ngoài cũng đứng lại nghe anh em hát.
Anh Lê Văn Thụ nói với mọi người trong phòng:
- Để góp vui với anh em, tôi xin được hát tặng anh em một bài.
Anh Nguyễn văn Trung cười, nói với anh Lê văn Thụ:
- Hát thì hát nhưng đừng khóc nghe cha nội,
Cả phòng ai cũng cười. Anh Lê Văn Trung bắt đầu dạo nhạc và hát, chỉ đến đoạn: “ngày đi con hứa xuân sau sẽ về. Mà nay…” thì giọng anh đẫm nước mắt. Mọi người ai cũng bùi ngùi.
Tôi và anh LVT nói chuyện với nhau hằng ngày: Anh là con út của một người mẹ nhân từ, các anh chị của anh ở nước ngoài, có người ở VN nhưng ai cũng có gia đình và có cuộc sống ổn định. Anh là Trung uý Thiết giáp của quân lực Việt Nam Cộng hoà, anh tham gia tổ chức kháng chiến khi còn rất trẻ, chưa vợ chưa con, với anh, mẹ là tất cả và với mẹ, anh là cậu út bé bỏng vàng ngọc.
Ai cũng có một gia đình, ai cũng có một nỗi niềm. Với tôi, không chỉ là mùa xuân, là ngày Tết..bất cứ lúc nào nỗi nhớ con cũng ray rức khôn nguôi. Cả trong giấc ngủ..các con tôi con bé quá, má mất sớm, ba đi tù, các con tôi thật bất hạnh. Rất may các cháu còn có được sự đùm bọc của hai cô, hai bác và bà nội, nếu không các cháu sẽ ra sao?
Năm trước tôi nhận được thư và hình của các con, trong thư, Thục Vy con gái lớn của tôi viết:
- Không có ba, nhà mình không có Tết ba ạ! Chung quanh ai cũng ăn Tết, riêng nhà mình thì không.
Tôi đã khóc, khóc rất nhiều từ ngày xa con.

Đêm đầu tiên trong biệt giam của trại Hoà Sơn, rồi những ngày sống dở chết dở ở trại An Điềm-Quảng nam. Trong cái địa ngục trần gian đó, tôi vô cùng tuyệt vọng, đoan chắc là mình chẳng bao giờ đựơc gặp lại các con, không ai sống nỗi ở cái trại tù khổ sai tàn ác đó. Trâu bò cũng không chịu nỗi nữa là người, tôi đã chứng kiến một con trâu lăn đùng ra chết vì kiệt sức, một con khác chổng vó lên trời mặc sức cho người ta đánh, nó cứ nằm vậy không chịu động đậy, đôi mắt thô lố..nó không chết, nó tự vệ bằng cách không chịu làm việc. Tôi chưa từng biết con trâu nào khôn ngoan như thế, đánh mãi không chịu đứng lên, tên quản giáo cũng đành chịu. Chẳng lẽ đánh chết nó..không chừng bị kỹ luật vì phá hoại tài sản XHCN. Có những con khác khi nghe tiếng kẻng, nó phá chuồng bỏ chạy lên núi vì không chịu nỗi công việc cày bừa quá nặng nhọc. Chúng tôi lúc đó không được như con trâu kia, nếu chống lệnh thì chỉ có con đường chết vì bị tra tấn, bỏ đói..chết khát trong biệt giam. Trong lúc tuyệt vọng đó, tôi càng nhớ con kinh khủng, nhớ con trong sự đạu đớn tận cùng. Bây giờ đây mùa xuân đang đến, mọi người sum họp vui vẻ cho dù cuộc sống vẫn còn nghèo đói. Họ vẫn hưởng được cái hạnh phúc đơn sơ nhưng vĩ đại vì nó là hạnh phúc lớn lao nhất, quan trọng nhất của đời người, được ở bên cạnh các con.
Qua đêm nay là đến Tết, các cháu nhỏ sẽ được xênh xang áo mới, tiền lì xì cho dù đó là những chiếc áo rẻ tiền nhưng ít ra chúng cũng được sự nâng nui của bố mẹ, đó là điều quan trọng nhất, lớn lao nhất mà một đứa bé cần: đó là tình yêu thương.
Tôi và các con là nạn nhân của một chế độ bạo ngược hung tàn, là nạn nhân của một tội ác thế kỷ: Chế độ độc tài cộng sản.

Khoảng 10 giờ, những người lớn tuổi xin phép đi nằm, tôi ngồi nán lại để nghe anh LVT hát bài: “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền, đây là bản nhạc tôi rất thích. Khi còn ở ngoài, mỗi lần xuân đến tôi đều chuẩn bị một cành mài và một băng catsette, trong đó nhất định phải có bản nhạc này. Bây giờ nghe anh Thụ hát, tôi không còn cái cảm xúc như xưa, trong tôi không còn có hình dáng của người con gái nào dù thực hay mộng, chỉ có hình ảnh các con tôi bé nhỏ. Thục Vy 8 tuổi, Khánh Vy 6 tuổi, Trọng Hiếu 4 tuổi…nghe xong bản nhạc, để anh Thụ được vui tôi xin cáo từ về chỗ, lấy tấm hình các con ra xem, những đôi mắt ngây thơ nhìn tôi, chúng nếp vào nhau như muốn tìm một nơi nương tựa.
Một dòng nước mắt nóng hổi chảy xuống cằm, tôi cất những tấm hình và đi nằm, vẫn biết rằng sẽ không thể nào ngủ được, không phải chỉ có đêm nay mà đã nhiều đêm như vậy.

Sáng mồng 1 trời lại đổ mưa, mưa không lớn chỉ lất phất bay, tôi ngồi nhìn ra sân, một vài cây cải nở hoa thật sớm. Trời Thanh Hoá rất lạnh so với Phú Yên-Xuân Phước, mọi người co ro trong cái rét vì thiếu áo ấm. Ở miền Nam không ai chuẩn bị áo rét cả, cũng như mọi người tôi mặc vào tất cả những gì có thể mặc được.
Anh em vẫn bắt tay chúc mừng năm mới, tất cả đều chúc nhau mạnh khoẻ, đó là câu chúc ý nghĩa nhất vì đó là ước mơ của tất cả mọi người. Khoẻ mạnh để có thể chịu đựng những thử thách nghiệt ngã, để đứng vững mà quay về với vợ con, với bố mẹ.
Tôi và chú Sáu Bàn ăn chung, chú 6 dậy sớm hơn, đã chuẩn bị buổi mai cho hai người chúng tôi: một cái bánh chưng chiên (một buổi mai thịnh soạn), tôi đi rửa bộ ấm trà rồi ngồi vào bàn ăn. Gọi bàn ăn cho nó oai, ở Thanh Hoá không có phòng ăn cho từng buồng giam, chúng tôi ngồi ăn bất cứ ở đâu thuận tiện.
- Chú Sáu chiên bánh chưng ngon quá.
Tôi nhai miếng bánh chưng giòn rụm và ngọt lựng vừa nói
Chú Sáu cười giòn rất to:
- Khi người ta đói thì ăn gì cũng ngon, hồi ở biệt giam mấy năm trời, hạt muối trắng ngậm vào thấy rất ngọt, mấy cây cỏ dại nhai vẫn thấy ngon.
Cơm xong, tôi rửa chén, còn chú Sáu chế trà.
Tôi chấm một tí xà phòng, không dám dùng nhiều rửa qua loa, hai cái chén, cái soong còn mỡ chú Sáu dặn để lại đó buổi trưa xào rau.
Chú Sáu Bàn mời anh Thuỵ và anh Trần Nam Phương qua cùng uống trà. Chúng tôi bàn về thời sự và tình hình của các anh em. Chúng tôi đón chào năm mới như vậy đó.
Một lát sau, Bs Nguyễn Kim Long ghé qua chỗ tôi, gần tôi là “Mâm” của anh NVT và LVT. Đối diện tôi bên dãy bên kia….là mâm của anh Lê Văn Vàng và Hoàng Xuân Chinh.

(còn tiếp)

Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [2]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [3]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [4]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [5]

No comments: