Monday, February 23, 2009

NGƯỜI HMONG TRONG PHIM "GRAN TORINO"

Hình ảnh người Hmong trong phim "Gran Torino" của đạo diễn Clint Eastwood
Mai Vân
Bài đăng ngày 22/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 22/02/2009 18:08 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2620.asp
Dưới tựa đề ''Đối với người Hmong, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc", Le Courrier international đã đề cập đến số phận người Hmong ở Lào. Bài báo là phóng sự của Roger Warner, tác giả một quyển biên khảo về cuộc chiến tranh bí mật của Hoa Kỳ tại Lào

Mở đầu bài phóng sự, Roger Warner, nêu bật cuốn phim mới Gran Torino, của đạo diễn kiêm tài tử lừng danh người Mỹ Clint Eastwood, sắp ra mắt khán giả Pháp vào thứ tư tới đây.
Bộ phim nói về quan hệ giữa một ông già người Mỹ da trắng, tên Walt Kowalski, do chính Clint Eastwood thủ vai, vốn không mấy ưa thích người nước ngoài, với một nhóm người nhập cư, dọn đến cạnh nhà ông. Đó là những người Hmong qua Mỹ tỵ nạn.
Một ngày kia, đứa con trai của gia đình người láng giềng Hmong, bị lôi kéo vào một băng đảng bất lương, đã tìm cách ăn cắp chiếc xe hơi của ông, một chiếc Ford kiểu Gran Torino nổi tiếng, nhưng không thành.
Vụ việc đó là bước khởi đầu của một mối cảm tình, một sự thông cảm giữa Kowalski và gia đình người láng giềng. Tuy nhiên băng đảng lưu manh đã không buông tha cho người thanh niên Hmong, khiến Clint Eastwood nổi cơn thịnh nộ, vác súng ra tay trừ gian diệt bạo, hy sinh cứu thoát người láng giềng.
Tác giả bài báo ghi nhận là sản phẩm Hollywood này với chủ đề công lý và báo thù đã rất thành công, và đã góp phần thu hút sự chú ý của mọi người đến cộng đồng người Hmong định cư tại Hoa Kỳ, mà theo số liệu chính thức, lên đến khoảng 200 000 người. Có điều là tình cảnh khó khăn họ đang gặp phải không thể được tháo gỡ bằng mối quan tâm của một ông già da trắng, như trong phim Gran Torino, mà cần đến sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ.

Đối với người Hmong, chiến tranh chưa kết thúc

Bài báo nhắc lại một khiá cạnh trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây ít đươc đề cập đến, đó là sự kiện người Hmong bên Lào đã đươc cơ quan tình báo Mỹ CIA huấn luyện để chiến đấu chống Cộng sản.
Ngày nay, ngươì Hmong ở Mỹ vẫn bị cuộc chiến ám ảnh, đối với họ thì cuôc chiến trước đây thật sự chưa kết thúc. Tuy nhiên điều làm họ tức giận nhất là thái độ của chính quyền Mỹ bị họ cho là đạo đức giả, nói là quan tâm đến số phận của họ nhưng trong thực tế chỉ làm cho tình hình bi đát thêm.
Theo Roger Warner, nếu cuốn phim của Clint Eastwood, giúp chú ý đến những người Hmong ở Mỹ, thì những nguời còn lại ở Lào hay Thái Lan chẳng được ai đoái hoài.
Hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Chính quyền Lào tiếp tục truy lùng những nhóm kháng chiến cuối cùng của người Hmong, giết hại từ đàn ông, đàn bà cho đến trẻ em. Lãnh đạo nhũng nhóm này, theo Roger Warner, đều từng đươc CIA huấn luyện. Ngày nay, họ có điện thoại di động viễn liên - quà của nhũng ngưòi thân ở hải ngoại. Từ rừng sâu, họ liên lạc với gia đình ở Minnesota, Wisconsin, California, với một câu hỏi : khi nào đồng minh của họ trở lại cứu họ.

Cuộc chiến chưa kết thúc này có hậu quả xấu đối với họ ở hai nơi : Thái Lan và ở Mỹ.
Trước tiên ở Thái Lan, nơi có hàng ngàn người chạy qua lánh nạn. Chính quyền Thái đang trục xuất họ trở về Lào, trong lúc mà ở Mỹ, một nhóm người Hmong bị bộ Tư pháp Hoa kỳ kết tội khủng bố, với lý do là họ có âm mưu lật đổ chính quyền Lào.
Tìm hiểu nguyên nhân thảm kịch đang diễn ra đối với người Hmong hiện nay, tác giả bài báo công nhận là họ nổi tiếng là cứng đầu, một số người quả thật là đã gây rối, nhưng phần lớn khó khăn của họ là do chính quyền hai nước Lào và Thái Lan gây ra, trong khi Washington cũng phải gánh vác một phần trách nhiệm.
Roger Warner đã đến Nonk Khai, miền Bắc Thái Lan, kể lại những gì ông đã nghe thấy trong trại giam giữ người Hmong. Nhà báo đã gặp khoảng 150 nhân chứng. Họ là những thành viên cuối cùng của hai tổ chức kháng chiến vẫn còn trung thành với Hoa Kỳ. Họ đã trốn chui trốn nhũi trong hơn 30 năm ở Lào trước khi chạy sang Thái lan. Họ đã cho tác giả bài phóng sự xem những vết thẹo của họ và kể lại câu chuyện của họ. Mọi chi tiết đều ăn khớp với nhau.
Họ phải ngủ chen chúc với nhau ngay dưới đất, trong một phòng nhỏ không cửa sổ, và chỉ được ra ngoài trời 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Điều kiện giam cầm cộng với nỗi lo sợ bị tra tấn nếu bị trục xuất về Lào đã làm cho họ phần nào rối loạn tinh thần.

Chính quyền Mỹ thờ ơ với số phận các đồng minh cũ

Tác giả bài phóng sự ghi nhận là thái độ thờ ơ của bô ngoại giao Mỹ đối vơí người Hmong đã tạo ra một chuỗi sự kiện kỳ lạ.
Theo ông mọi việc bắt đầu từ lúc mà những ngườI Hmong được đón nhận ở Hoa Kỳ cách đây hơn 30 năm. Họ đã thấy ngay là Washington không muốn can thiệp để chấm dứt việc đàn áp người Hmong còn ở lại Lào.
Những người Hmong tại Mỹ quyết định là họ phải hành động để cứu người thân. Đầu thập niên 80, họ quyên góp tiền trong cộng đồng để gởi về cho nhũng người chiến đấu ở Lào. Một số còn trở về nước để tham gia cuộc chiến. Những hành động này đi ngược lại với luật hiện hành ở Hoa Kỳ, nhưng bộ tư pháp đã nhắm mắt làm ngơ. Người Hmong tại Mỹ, còn cho tiền những kẻ trung gian đưa người thân từ Lào sang các trại tỵ nạn Thái Lan với hy vọng sau đó đưa được họ sang Hoa Kỳ.
Tại Mỹ không ai nói năng gì cả, để cho tình hình trở nên vô cùng phi lý, không ai đạt đươc mục tiêu gì cả, và người Hmong tại Lào vẫn bị truy nã, tiêu diệt.
Năm 2007, sau những chiến dịch tấn công của quân đội Lào, những nguời kháng chiến Hmong, chỉ còn vỏn vẹn một ngàn người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Khả năng tấn công của họ không còn nữa. Chỉ có một vài ngôi làng là còn nằm dưới sự kiểm soát của họ. Lãnh đạo nhóm này nói thẳng là họ muốn buông súng với điều kiện là an ninh của họ được bảo đảm.
Khi gán cho một số người Hmong danh xưng ' khủng bố', như nói trên, theo tác giả bài viết, bộ Tư pháp Hoa kỳ càng làm cho Lào và Thái Lan vững tin trong chính sách đàn áp của họ đối với người Hmong. Tình hinh kéo dài và không ai muốn giải quyết.

Obama, cứu tinh của ngưởi Hmong ?

Trở lại với cuốn phim Gran Torino, của Clint Eastwood, tác giả bài báo cho là cái hay của tác phẩm nằm ở chỗ nó kết tụ được những xu hướng xã hội trong những bi kịch cá nhân. Một gia đình bị đe doạ, một người hàng xóm can thiệp để giải cưú : làm sao có thể không tán thưởng một kịch bản nhuần nhuyễn như thế.

Đối với Warner, thảm kịch của người Hmong, với quy mô và tính chất phức tạp của nó, sẽ khó có kết cục có hậu như ở phim trường Hollywood. Tuy nhiên, tác giả cũng nuôi hy vọng : ngoài màn bạc, hiện có một người con xuất thân từ một bộ tộc Kenya, có thể tìm ra giải pháp hay thật lòng cố gắng tìm ra giải pháp. Đó là tân tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo ông Warner, chính quyền Obama có nhiều vấn đề phải quan tâm, nhưng cũng có năng lực để lo hồ sơ này.
Ví dụ như tổng thống Mỹ có thể thảo luận với chính quyền Vientiane, đề nghị chấm dứt việc người Hmong ở Hoa Kỳ can thiệp vào nội tình của Lào, đánh đổi lấy cam kết của chính quyền Vientiane chấp nhận người Hmong đầu hàng một cách hoà bình, không trừng phạt hay trã đũa họ, và dưới sự giám sát của quốc tế.
Về những người Hmong tỵ nạn ở Thái Lan, họ có thể đi định cư ở một nước phương Tây nào chấp nhận tiếp đón họ.

Theo Warner, từ hơn 30 năm qua, chưa bao giờ điều kiện lại thuận lợi như hiện nay để tiến đến một giải pháp cho hồ sơ Hmong, và ông hy vọng là tổng thống Mỹ sẽ nắm bắt lấy cơ hội. Cuộc chiến sẽ sang trang mà không đổ thêm máu.


No comments: