Wednesday, February 11, 2009

BAUXITE : NGOẠI BANG VÀ MAFIA THAO TÚNG VIỆT NAM (Phần I)

Bauxite: Cả ngoại bang lẫn Mafia đang thao túng Việt Nam
Gia Ðịnh
Tuesday, February 10, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90709&z=1

Tại cuộc họp báo định kỳ diễn ra hôm 4 Tháng Hai, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN tuyên bố với báo giới: “Vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Sắp tới, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về các phương án khai thác nguồn tài nguyên to lớn này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc gia”.
Có thể xem tuyên bố vừa kể là bằng chứng mới nhất, rõ nhất, chính thức xác nhận cả đảng lẫn chính quyền CSVN sẵn sàng bán rẻ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc không chỉ cho ngoại bang mà cả cho các nhóm mafia đã cũng như đang lũng đoạn kinh tế, xã hội, thậm chí chính trị tại Việt Nam...

Nhân danh phát triển để tiến hành hủy diệt


Bauxite là loại quặng trầm tích với thành phần chủ yếu là hydroxide nhôm xen lẫn với các chất khác (như: sắt, silica...). Từ bauxite, người ta có thể tách ra alumina, nguyên liệu chính để luyện nhôm.
Ở Việt Nam, bauxite có hai loại chính: Bauxite có nguồn gốc trầm tích, tập trung ở các tỉnh miền Bắc (như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Nghệ An) và bauxite có nguồn gốc phong hóa laterite từ đá bazan tập trung ở các tỉnh miền Nam (như: Bình Dương, Ðồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng). Trong đó Tây Nguyên là khu vực có trữ lượng bauxite lớn nhất Việt Nam và riêng tại Ðắk Nông, trữ lượng bauxite tại tỉnh này chiếm khoảng 20% trữ lượng bauxite trên toàn thế giới.
Vào năm 2007, lần đầu tiên, chính quyền CSVN phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm”, xác định lĩnh vực này như một “thế mạnh để phát triển”.
Cũng kể từ đó, “Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm” đã tạo ra một làn sóng phản đối, lúc đầu chỉ ngấm ngầm song về sau, đặc biệt là gần đây, đã chuyển thành công khai, trong cả giới nghiên cứu kinh tế, xã hội, văn hóa, lẫn báo giới và dân chúng ở Việt Nam.
“Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm” được chính quyền CSVN giao cho Tập Ðoàn Công Nghiệp Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) thực hiện. Theo đó, TKV đã ký một số hợp đồng với các tập đoàn của Trung Quốc (Chalco), Nga (UC Rusal), Nhật (Sojits Nippon), Úc (BHP Billiton), Hoa Kỳ (Alcoa)... để khai thác bauxite ở khu vực Tây Nguyên và Bình Phước. Sau đó bauxite sẽ được vận chuyển bằng đường sắt về Bình Thuận để tinh chế rồi xuất cảng.

Những ý kiến phản bác “Quy hoạch phát triển ngành bauxite - nhôm”, được xem là đáng chú ý và nặng ký nhất đã được nêu ra ở hội thảo “Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ”, diễn ra hôm 22 Tháng Mười năm 2008, tại Ðắk Nông. Tường thuật của báo giới Việt Nam cho thấy, đại diện nhiều giới đã chỉ trích kịch liệt chủ trương khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Tuy chính quyền CSVN và TKV quảng cáo, việc khai thác bauxite nhằm “phát triển kinh tế, đánh thức tiềm năng của Tây Nguyên”, song Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty Năng Lượng Sông Hồng, một thành viên của chính TKV, bác bỏ. Ông Sơn gọi dự án khai thác bauxite là “một sai lầm chiến lược, chứa đựng những rủi ro không thể lường hết”.
Vị tiến sĩ này nhận định: “Quy hoạch khai thác quặng bauxite mà thủ tướng đã duyệt và giao cho TKV triển khai ở Tây Nguyên là quá nhiều tham vọng. Nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam”. Cũng theo ông Sơn: “Dự án của TKV chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành alumin để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các 'đại gia' luyện nhôm của nước ngoài vốn không muốn tiêu tốn quá nhiều chi phí cho việc khai thác.
Chưa kể chương trình khai thác, chế biến quặng bauxite của TKV chứa đựng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được. Nhu cầu nhôm trong nước vốn không nhiều và cũng không thể có đủ điện để có thể xây dựng các nhà máy luyện nhôm phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, vì quá trình khai thác đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ cao, do vậy sẽ đặt Việt Nam vào thế phụ thuộc nước ngoài. Ðặc biệt, các rủi ro về môi trường, sinh thái bị hủy hoại lại không được nghiên cứu, không được đề cập đến nơi đến chốn”.
Ông Sơn đề nghị: “Lập ngay một ủy ban quốc gia về phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, đồng thời tổ chức những cuộc tranh luận khoa học 'đến đầu, đến đũa' về các tác động của việc khai thác bauxite đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong khi tranh luận chưa ngã ngũ thì phải ngừng triển khai các dự án để hạn chế những hậu quả đáng tiếc”.

Do khai thác quặng bauxite để chế biến thành alumina, luyện nhôm là công việc tiêu tốn một lượng nước và điện khổng lồ, đồng thời thải ra lượng khí và bùn đỏ có sức hủy diệt môi trường rất tàn tệ, ông Ðào Công Tiến, cựu hiệu trưởng Ðại Học Kinh Tế Sài Gòn, cảnh cáo: “Những năm gần đây, nguồn nước của Tây Nguyên bị sụt giảm nghiêm trọng, nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bauxite, chắc chắn Tây Nguyên sẽ chết vì thiếu nước”.

Chưa kể với công nghệ như hiện nay, muốn sản xuất một tấn nhôm cần phải có hai tấn alumina, nghĩa là phải khai thác ít nhất 4 tấn quặng bauxite và toàn bộ quá trình này thải ra đến 3 tấn bùn đỏ, một loại chất thải cực kỳ độc hại, thậm chí còn chứa phóng xạ và ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật cũng không có cách nào xử lý ngoài việc chôn lấp. Ông Nguyễn Thành Sơn đã trưng ra những hình ảnh chụp các bãi chứa bùn đỏ ở Úc, Pháp để chứng minh rằng ý tưởng “trồng cây trên những bãi bùn đỏ” của TKV là “ảo tưởng”.

Cũng theo ông Sơn, khai thác bauxite tại Tây Nguyên đồng nghĩa với việc chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây Nguyên và vì Tây Nguyên là thượng nguồn của nhiều con sông lớn, những bãi bùn đỏ này sẽ trở thành những núi “bom bẩn”. Nếu xảy ra thiên tai, lũ quét thì “không chỉ các tỉnh Tây Nguyên mà người dân các tỉnh Nam Trung bộ, Ðông Nam bộ sẽ lãnh đủ hậu quả”.

Quan trọng hơn, sau khai thác quặng, mặt đất sẽ như thế nào? Tuy TKV dẫn kinh nghiệm của một số quốc gia để trấn an rằng khả năng hoàn thổ, phục hồi thổ nhưỡng là gần như đạt 100% nhưng giới khoa học chứng minh ngược lại: “Với địa hình nhiều đồi dốc và mưa lũ hàng năm như Tây Nguyên, sau khai thác, toàn bộ mặt đất sẽ bị nước cuốn trôi và không thể nào có hy vọng tái tạo”.

Tại hội thảo kể trên, một tiến sĩ tên Tuyết Nhung, công bố nghiên cứu xã hội của Ðại Học Tây Nguyên về khu vực mà TKV đang xây dựng nhà máy để chứng minh TKV thiếu trung thực: “TKV bảo rằng, khu vực khai thác bauxite là những vùng rừng không phát triển, cây trồng không sống được trong khi thực tế cho thấy, khu vực này đang phát triển rất mạnh, cây cà phê đang giúp dân chúng có đời sống ổn định”. Ðó là chưa kể dự án đe dọa không gian văn hóa truyền thống của người M'Nông bản địa. Nếu mất làng, văn hóa của người M'Nông sẽ bị triệt tiêu. Từ đó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về văn hóa - xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị vì cơ hội về việc làm cho người bản địa gần như không có. Bà Nhung nêu thắc mắc: “Không còn đất, dân bản địa sẽ đi đâu? Văn hóa Tây Nguyên sẽ về đâu?”

Nhà văn Nguyên Ngọc, một người nghiên cứu về Tây Nguyên, nhận xét: “Ðiều cần cân nhắc nhất, quan trọng hơn hết là chuyện xã hội-văn hóa. Sau năm 1975, chúng ta đã tổ chức một cuộc di dân chưa từng có, từ đồng bằng lên Tây Nguyên với cường độ, tốc độ rất lớn và đến nay đã chứng tỏ đó là một sai lầm lớn. Chúng ta đã hành động ở Tây Nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến việc đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt. Thậm chí có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây Nguyên như là trên một vùng đất không người”. Ông cho rằng: “Nếu tiếp tục triển khai dự án của TKV, chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên sẽ bị đảo lộn, nếu không nói là bị xóa sổ. Người M'Nông, chủ nhân ngàn đời của vùng đất Ðắc Nông, sẽ đi về đâu? Chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua. Những bài học lớn, sâu và cay đắng mà 30 năm ấy còn sờ sờ ra đấy, rất có thể lại dạy ta lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước”!

Ðặc biệt đáng chú ý là theo tiết lộ của giới khoa học, vào thập niên 1980, chính quyền CSVN đã từng đề nghị đưa dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của khối COMECON (một tổ chức hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia Cộng Sản). Tuy nhiên lúc đó, các thành viên của khối COMECON, đặc biệt là Liên Xô, tuy đang rất cần bauxite cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng, vẫn từ chối hỗ trợ thực hiện dự án này bởi theo họ, nếu thực hiện các dự án khai thác bauxite, những dự án đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của khu vực Tây Nguyên. Tây Nguyên sẽ không đủ nước để phát triển cao su, cà phê và chè. Về sinh thái, khai thác bauxite sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn khu vực Nam Trung Bộ và Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Về kỹ thuật, không thể lưu giữ một khối lượng khổng lồ bùn đỏ (red mud) trên cao nguyên, chỉ có thể tuyển bauxite ở vùng đồng bằng ven biển để chôn cất bùn đỏ gần bờ biển. Xét về tổng thể, hỗ trợ khai thác bauxite sẽ không hiệu quả bằng giúp Việt Nam phát triển các dự án trồng cao su, cà phê và chè...

(Còn tiếp)


No comments: