Wednesday, February 11, 2009

MỘT NỀN VĂN HỌC THỰC DỤNG TỦN MỦN

Một nền văn học thực dụng tủn mủn
Nhà văn Nguyễn Đình Chính
Bài viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
10 Tháng 2 2009 - Cập nhật 21h29 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2009/02/090209_ngdinhchinh_literature.shtml
Có một thực tế hiển nhiên hiện nay ở trong nước, các văn nghệ sĩ không chỉ sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa. Khuynh hướng này đã mất vị trí độc tôn mà nó chiếm lĩnh mấy chục năm nay.

Tôn trọng đa nguyên

Chấp nhận nhiều khuynh hướng sáng tạo, cũng có nghĩa là Văn nghệ đã chấp nhận tính chất đa nguyên của một xã hội văn chương dân sự. Tổ chức Đảng (Đảng đoàn) của hội nhà văn im lặng không có ý kiến công khai phản đối trong việc trao giải thưởng văn học của Hội nhà văn và một số hội văn nghệ địa phương tặng cho những tác phẩm rõ ràng là đi ra ngoài khuynh hướng hiện thực XHCN (thơ Trần Dần, Ly Hoàng Ly và tiểu thuyết của Thuận, một nhà văn ở hải ngoại) v.v…
Và đảng đoàn lãnh đạo hội nhà văn cũng im không có ý kiến gì công khai ủng hộ hoặc phản bác bài viết “Sách đen - vấn nạn và giải pháp” đăng trên báo Bắc Giang trong tháng 1.2009, kết tội rất nặng nề những tác giả và tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu, Hoàng Minh Tường và Phạm Ngọc Tiến, khiên dư luận bỗng nhiên rùng mình nhớ lại cái không khí phê bình văn học rất lạc hậu, rất khó chịu của mấy chục năm về trước.
Tự do sáng tạo được các cơ quan lãnh đạo tôn trọng. Nhưng cũng đừng mơ hồ là các cơ quan này buông lỏng vai trò lãnh đạo của mình. Cho đa nguyên nhưng có định hướng, có kiểm soát. Cũng giống như thực hiện nền kinh tế thị trường tự do nhưng phải có định hướng XHCN.
Những tác phẩm trong hoặc ngoài luồng hiện thực XHCN đã cả gan soi mói (mà thường là đá đểu) vào những vấn đề kiêng kị (gần đây được chuyển sang một cách gọi mới là nhạy cảm) đều được xử lý tức khắc.
Một thí dụ, triển lãm cái bỉm của hoạ sĩ Trương Tân ở viện Goethe năm 2006. Tiểu thuyết “Ba người khác" của lão nhà văn Tô Hoài. Tuy nhiên xử lý này cũng chỉ dừng lại ở mức độ phê phán không cho tiếp tục trưng bày hoặc không cho tái bản, chứ không áp dụng biện pháp trùng phạt về thể xác tác giả (bắt bớ, tù tội hoặc sa thải ra khỏi nơi làm việc).
Gần đây nhất, trả lời phỏng vấn trên trên một tờ tạp chí chính thống (Văn nghệ quân đội), ông Hoàng Hữu Phú, một yếu nhân của ban tuyên giáo trung ương đảng Cộng sản, đã nói rõ cần phải tạo điều kiện cho trí thức văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo. Thậm chí vị yếu nhân này còn nói tới một thuộc tính của trí thức là phản biện. Và đảng CS tôn trọng cái quyền tối thiểu này của tri thức văn nghệ sĩ.

Văn học sa lầy chạy trốn trách nhiệm

Nhưng sự đa nguyên trong sáng tạo văn học này có tạo ra những tác phẩm lớn có tác dụng giải phóng tâm hồn con người, mang lại một luồng gió mới tự do dân chủ cho xã hội hay không hay không?
Câu trả lời là không. Bởi vì cái nền văn học đa nguyên này đang bị sa lầy trong (cũng có thể tệ hại hơn là đang phải hầu hạ) cái thị hiếu nghệ thuật thực dụng rất thô sơ tầm thường của một xã hội đang chuyển động trong nền kinh tế thị trường tự do trong khuôn khổ định hướng XHCN.
Nếu bây giờ dạo qua các quầy sách ở Hà Nội hoặc Sài Gòn thì thấy ngay điều đó. Hàng ngàn các đầu sách bầy la liệt chen nhau chật cứng trên sạp.
Bìa ngoài xanh đỏ tím vàng loè loẹt phần lớn là vẽ môi, lưng và những chỗ gợi cảm trên thân hình con gái. Bên trong thì toàn chuyện ru ngủ những tình cảm tầm tầm, khuyến khích những dục vọng hàng chợ, đưa ra đáp số giải toả những bức xúc nửa vời về vài ba vướng mắc nhỏ mọn, nhạt nhẽo của đời sống.
Những tác phẩm đó đồng loạt bảo nhau chạy cho xa những mâu thuẫn to lớn, chủ yếu, cốt lõi trong xã hội hiện hữu đang làm dằn vặt, cào xé tình cảm, rung chuyển suy nghĩ và đảo lộn lòng tin của hàng triệu, hàng triệu người lao động trong xã hội.

Tự nguyện thoả hiệp đánh mất mình

Trong bản chất sâu xa của mỗi một nhà văn ở VN đều mang đậm tính thực dụng chính trị rất tủn mủn của người châu Á.
Mục đích cầm bút của họ không thuần khiết, độc lập, trong sáng. Họ sẵn sàng tự nguyện hoặc không tự nguyện (thoả hiệp) bán ngòi bút của mình phục vụ cho một thế lực nào đó, cho một cái gì đó sẽ mang lại lợi nhuận tiền bạc, tên tuổi, quyền lợi, địa vị, danh vọng cho chính họ.
Điều đó cũng có nghĩa là họ tự nguyện đánh mất mình, đánh mất cái con người nhà văn của họ.
Dư luận xã hội choáng váng khi nhận ra điều này qua hồi kí “ Đi tim cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải, một nhà văn thông minh, tài ba nhất trong thế hệ chúng tôi như suy tôn của ông Nguyên Ngọc, bạn văn đồng hành của ông Khải. Nhà văn thông minh, tài ba nhất mà còn như vậy thử hỏi các nhà văn khác thì như thế nào.
Tất nhiên, ông Nguyễn Khải chỉ đại diện cho chính bản thân ông chứ không thể đại diện cho tất cả các nhà văn cùng thế hệ với ông.
Hiện tượng Nguyễn Khải, một nhà văn cốt cán của chế độ đột nhiên xám hối hay phản tỉnh, cũng khiến dư luận người đọc buộc phải hoài nghi cái gọi là nhân cách của những người cầm bút sớm nẵng chiều mưa rất không ổn như thế.
Và đó cũng là một lời giải đáp tại sao ông Khải và nhiều nhà văn khác đã không thể sản sinh ra được những tác phẩm lớn ngang tầm thời đại, đáp ứng được những mong mỏi thiết tha của đảng CS đã bỏ ra khá nhiều công sức, tiền của chăm nuôi, bồi dưỡng cả một đội ngũ không ít các nhà văn sát cánh đứng chung văn đàn với Nguyễn Khải.

Khó gột rửa

Các nhà văn của các thế hệ lớp sau Nguyễn Khải (hiện nay đang là lực lượng chủ lực của nền văn học) không bắt buộc phải sáng taọ theo khuynh hướng hiện thực XHCN mà được hưởng luồng gió mới tự do chọn lựa các khuynh hướng sáng tạo.
Tuy vậy, rất nhiều ngưòi cũng vẫn mang trong mình cái bản chất thực dụng chinh trị tủn mủn như các tiền bối của họ. Thêm vào đó, cái mục đích thuần khiết, trong sáng, độc lập của người cầm bút còn bị khuynh loát bởi những khuynh hướng chống cộng rất hẹp hòi và dữ tợn một mất một còn trong văn học của khá nhiều các báo mạng, báo giấy và cơ quan thông tin bên ngoài dội vào.
Nhìn toàn cảnh, cái nền văn học đa nguyên thực dụng tủn mủn này; cái bản chất thực dụng chính trị tủn mủn cố hữu của người châu Á rất khó gột rửa được trong bản chất của tùng nhà văn, cho nên, hy vọng sẽ tạo ra được những tác phẩm lớn trong vài thập kỉ tới chỉ là một ảo giác.
Tuy nhiên, có thể sẽ có những bất ngờ không thể tưởng tượng được như trong môn bóng đá. Sẽ có những nhà văn lớn, những tác phẩm lớn vụt hiện. Nhưng chắc chắn đó chỉ là số ít, là đơn lẻ nếu không muốn nói là đơn độc.
Không biết có phải đây đang là những bức xúc, băn khoăn và lo sợ của đông đảo người đọc, của những nhà văn và của cả các cơ quan đảng lãnh đạo đang róng riết đưa dắt và định hướng nền văn học trong nước?

Về tác giả:Nhà văn Nguyễn Đình Chính (1946 - ), sống ở Hà Nội, là tác giả các tiểu thuyết Nhớ để mà quên, Đêm thánh nhân. Ông hiện là chủ tịch hội đồng quản trị công ty truyền thông mang tên bố, nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003).


ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT
(Tuỳ bút chính trị - 2006)
Nguyễn Khải
http://www.viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm




No comments: