Thursday, March 10, 2016

ISRAEL TRÊN ĐE DƯỚI BÚA (Hùng Tâm)





Hùng Tâm
Wednesday, March 9, 2016 3:42:53 PM 

Sự lạnh nhạt tất yếu giữa Do Thái và Hoa Kỳ

Quan hệ giữa quốc gia Israel của dân Do Thái và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vừa có một xích mích nhỏ trong một cuộc khủng hoảng lớn.

Báo chí được biết thủ tướng Israel là Benjamin Netanyahu từ chối lời mời của Mỹ, sẽ không qua hội kiến Tổng Thống Barack Obama vào cuối tháng này, rồi mới thông báo quyết định ấy cho Tòa Bạch Cung.

Báo chí sở dĩ được biết về cách hành xử thiếu nhã nhặn ấy của Thủ Tướng Netanyahu là do sự tiết lộ của văn phòng thủ tướng. Điều ấy chỉ xác nhận mối ác cảm sẵn có giữa nguyên thủ của hai quốc gia. Và ngược lại, khi cần thiết thì Tòa Bạch Cung hay Dinh Tổng Thống Mỹ cũng có sở trường tiết lộ tin tức cho báo chí của mình.

Hôm sau, ngày mùng 8 thì Phó Tổng Thống Joe Biden chính thức thăm viếng Israel để thảo luận về quan hệ giữa hai nước cùng chương trình viện trợ của Hoa Kỳ cho Israel. Gần như cùng lúc, bạo động bùng nổ khi một người Palestine tấn công du khách và đâm chết một thanh niên Mỹ, tốt nghiệp Võ bị Westpoint, đang theo lớp cao học tại Đại Học Vanderbilt ở Nashville sau bốn năm tòng quân nhập ngũ. Vụ này xảy ra tại hải cảng Jaffa, gần nơi ông Biden hội đàm với Tổng Thống Israel Shimon Perez. Nó nhắc nhở dư luận Hoa Kỳ là Israel đang phải đối phó với một làn sóng bạo động mới từ các phần tử Palestine quá khích.

Qua ngày Thứ Tư, mùng chín, thời sự quốc tế cho biết Cộng Hòa Hồi Giáo Iran của dân Ba Tư lại vừa vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc khi thử nghiệm hai hỏa tiễn có tầm xa tới ngàn cây số. Chi tiết éo le, do thông tấn xã của Iran tiết lộ, là trên các hỏa tiễn loại Qadr H được bắn xuống biển Omar lại có hàng chữ Do Thái Cổ: “Phải tiêu diệt Israel.” Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, tổ chức quân chính đầy quyền thế của lãnh tụ tối cao là Giáo Chủ Ali Khamenei, còn cho biết là các hỏa tiễn này có thể bắn tới Israel. Biến cố ấy làm Phó Tổng Thống Biden lúng túng không ít vì chế độ Tehran mặc nhiên coi thường tạm ước đã thỏa thuận với Hoa Kỳ và nhóm P 5+1 từ tháng 7 năm ngoái để thoát lệnh cấm vận.

Việc Hoa Kỳ hòa giải với Iran là một trong những mâu thuẫn gay gắt giữa hai chính quyền Netanyahu và Obama. Như vậy, Israel có còn coi Hoa Kỳ là đồng minh không? Hỏi ngược lại, Hoa Kỳ nghĩ sao về quốc gia Israel của hơn tám triệu dân Do Thái nằm giữa một biển người Hồi giáo, bên trong lại có một cộng đồng Ả Rập với những vụ xung đột ngày càng gay gắt?

Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này từ nhiều giác độ khác nhau...

Quan hệ Israel và Hoa Kỳ

Chúng ta nên ngược dòng lịch sử:
Sau thảm họa Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, khi sáu triệu người Do Thái bị tàn sát trong các lò hỏa thiêu, năm 1948, hai cường quốc Âu Châu là Anh và Pháp có sáng kiến là xắn mảnh đất Palestine (là tên tỉnh Filistine của Đế Quốc Otttoman đã tiêu vong và bị xé vụn sau Thế Chiến I) làm nơi quy tụ để tái thành lập quốc gia Israel cho người Do Thái. Khi ấy, Hoa Kỳ chưa trực tiếp can dự và thật ra không có thiện cảm với Israel. Khi ấy, Israel được trang bị võ khí để tự vệ từ hai nguồn cung cấp. Từ nước Pháp và từ liên bang Xô Viết, qua ngả Tiệp Khắc. Khi ấy, giữa khung cảnh Chiến Tranh Lạnh, Israel là đồng minh của Liên Xô.
Khi ấy, Đế Quốc Xô viết muốn tìm đường xuống vùng biển nóng và trổ ra Địa Trung Hải và có chư hầu là các quốc gia Ả Rập Hồi giáo có chế độ thế quyền độc tài, như Egypt, Iraq, hay Syria. Và di dân Do Thái từ nước Nga được trở về Miền Đất Hứa của tổ tiên đã đem theo khái niệm “xã hội chủ nghĩa” với cách tổ chức nông trại mang đặc tính “đồn điền: nửa võ trang, nửa canh tác. Việc Liên Xô yểm trợ võ khí phù hợp với nhu cầu tự vệ của Israel và may ra giảm được mối nguy từ các nước Ả Rập Hồi giáo đồng chí của Moscow.

Trong khi ấy, Hoa Kỳ có đồng minh là các nước Hồi giáo theo chế độ quân chủ, như Iran của dân Ba Tư, hay Saudi Arabia, Jordan, Maroc của dân Ả Rập.

Quan hệ giữa Irael với Hoa Kỳ còn có lúc căng thẳng vào cuối năm 1956, khi Israel cùng Anh và Pháp phong tỏa kênh đào Suez của Egypt để làm suy yếu chế độ Nasser thân Liên Xô. Hoa Kỳ quyết liệt chống quyết định ấy, gây sức ép với Anh, Pháp, Israel nhờ sự biểu đồng tình của Liên Hiệp Quốc và Liên Xô.

Nghĩa là từ thời “lập quốc,” Israel đã không là đồng minh của Hoa Kỳ, phải nương vào nhiều cường quốc ở xa, như Nga hay Pháp, Anh, để bảo vệ an ninh, và tồn tại...

Cái nhìn của Israel

Chúng ta cần nhìn lại chiến lược tồn tại của Israel, trước khi có Barack Obama. Sau đó mới thấy mối lo của dân Do Thái tại Trung Đông trước những tính toán của nước Mỹ.

Vì địa dư hình thể, quốc gia Israel nằm phía cực Đông của Địa Trung Hải ở giữa các nước Ả Rập Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, như Lebanon, Jordan, Syria và Egypt, là những sản phẩm chính trị của hai Đế Quốc Âu Châu là Anh và Pháp sau khi làm thịt Đế Quốc Ottoman bị tan rã từ năm 1921. Với dân số dăm triệu giữa mấy trăm triệu người Ả Rập, Israel luôn luôn phải tìm cách tự vệ nhờ các cường quốc ở xa.

Cũng vì vậy mà quốc gia này bị giằng xé trước đòi hỏi của các cường quốc, như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh hay Pháp, và cả Turkey, của dân Thổ theo hệ phái Hồi Giáo Sunni.

Cách tự vệ hay nhất là phải có thực lực về an ninh và quân sự để mở rộng không gian sinh tồn. Như khỏi bị tấn công từ rặng Hermon ở phía Bắc, hay sông Jordan ở phía Đông, bán đảo Sinai ở phía Nam. Hai cuộc chiến lừng danh năm 1967 và 1973 cho thấy khả năng đó của Israel.

Từ năm 1967, khi Pháp không cần đồng minh Israel nữa, lãnh đạo tại Tel Aviv phải xoay trục: quan hệ với Hoa Kỳ được cải tiến từ đó. Trong khi nước Mỹ cũng tính lại về cục diện Trung Đông sau khi thấy sức mạnh của Israel qua “Trận chiến sáu ngày” năm 1967 và trạm “Yom Kipur” năm 1973. Israel đánh bật liên quân Ả Rập Hồi giáo của các láng giềng, mở rộng lãnh thổ tới sát Jordan, từ Cao Nguyên Golan tới Tây Ngạn sông Jordan mà người ta quen gọi là West Bank. Cục diện Trung Đông cũng thay đổi khi Egypt ra khỏi quỹ đạo Xô viết và trở thành đồng minh của Hoa Kỳ rồi hòa giải với Irael từ năm 1979. Sự xoay chuyển ấy giúp Israel bớt được mối lo từ bán đảo Sinai ở miền Nam, từ đấy có Egypt kiểm soát và bảo vệ.

Ngược dòng lịch sử, ta thấy là theo đà xoay chuyển thời Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ cũng nhìn lại Israel với con mắt khác.

Khi hai xứ Ả Rập Hồi giáo là Syria và Iraq bị phe thân Liên Xô đảo chánh giữa thập niên 60, cách nay đã nửa thế kỷ, Hoa Kỳ thấy Israel là một lá bài, một đồng minh. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi một đồng minh của Mỹ - thành viên của Minh Ước NATO - là Turkey lại bị Liên Xô uy hiếp. Nếu miền Nam của Turkey tiếp cận với hai xứ thân Liên Xô là Syria và Iraq mà bị loạn thì cục diện sẽ thêm rối bời. Vì vậy, đầu tư vào Israel và Vương Quốc Iran là cách giải quyết của Hoa Kỳ. Israel sẽ đóng chốt cho Mỹ tại Syria và Iran sẽ canh cửa Iraq cho Mỹ.

Đâm ra Israel không sai khiến được Hoa Kỳ, và người Mỹ gốc Do Thái có nhiều ảnh hưởng thật ra vẫn không chi phối được đối sách Trung Đông của nước Mỹ. Ngược lại, Hoa Kỳ chỉ giúp Israel khi thấy có lợi cho mình, mà cả khái niệm lợi hay hại, lời hay lỗ, của nước Mỹ là điều có thể thay đổi! Dân Do Thái tại Israel có thể đa nghi, hoặc dũng cảm đấu tranh để tồn tại, nhưng vẫn phải sống với giả thuyết là Hoa Kỳ sẽ có ngày đổi ý.

Hoa Kỳ hay đổi ý

Hồ Sơ Người Việt xin tạm kết thúc bằng cách gợi lại kinh nghiệm của thiên hạ về khả năng xoay chuyển của Hoa Kỳ.

Các thế hệ lãnh đạo Israel đều nhớ là Hoa Kỳ đã đổi ý khi bỏ rơi chế độ quân chủ thân Mỹ tại Iran năm 1979, rồi lại dùng chế độ độc tài thân Nga tại Iraq để tấn công Iran trong trận chiến tám năm giữa hai cường quốc này, từ 1980 tới 1988. Hoa Kỳ cũng đổi ý khi tấn công Iraq để giải vây Kuweit trong đà tan rã của Liên Xô năm 1991, rồi lại lật đổ chế độ Saddam Hussein của Iraq năm 2003 khiến Iran có thêm lợi thế nhờ lực lượng Shia tại Iraq. Ngày nay, Hoa Kỳ lại đổi ý nữa khi muốn hòa giải với Iran, đổi lấy lời hứa không thể kiểm chứng nổi, là Tehran sẽ tạm hoãn kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm trong khoảng 13-14 năm...
Nhưng có lẽ tình hình còn nghiêm trọng hơn vậy. Theo nhu cầu ưu tiên, Hoa Kỳ đang tái phối trí lại cục diện Trung Đông.

Việc Chính Quyền George W. Bush tấn công và chiếm đóng Iraq từ năm 2003 là một sai lầm lớn của nước Mỹ. Sau đó, việc Chính Quyền Obama lầm tưởng về hy vọng dân chủ trong khối Ả Rập qua cuộc Cách Mạng Hoa Nhài năm 2011 gây ra tai họa khác. Đó là làm áp lực với Egypt để lật đổ chế độ Hosni Mubarak khiến tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo Muslim Brotherhood thắng thế, rồi lại can thiệp và tiêu diệt chế độ Muamar Ghaddafi khiến Libya bị nội loạn và là đất bành trướng của lực lượng ISIS từ Iraq và Syria tràn qua. Việc Obama hăm dọa chế độ Basher al-Assad tại Syria rồi buông tay cho Liên Bang Nga giải quyết càng là sai lầm tai hại hơn...

Vì một chuỗi thất bại liên tục, Hoa Kỳ đang tính lại toàn cục Trung Đông.

Hết còn muốn đổ quân vào trận địa khi kinh tế vẫn sa sút và quần chúng căm phẫn, Hoa Kỳ ủy thác cho các cường quốc trong khu vực nhiệm vụ hợp tác với nhau để tự vệ. Các cường quốc ấy là Iran, Turkey, Saudi Arabia, Egypt và cả Israel. Trong cách suy tính ấy của Mỹ, nếu an ninh của Israel được tăng cường nhờ quan hệ với Egypt, Jordan, Saudi Arabia hay Turkey thì càng hay. Nhưng nếu an ninh của Israel bị Iran đe dọa thì đấy là vấn đề của... Israel.

Kết luận ở đây là gì?

Người Mỹ gốc Do Thái không sai khiến được nước Mỹ.
Hoa Kỳ không thể vì Israel mà áp dụng chánh sách bất lợi cho mình.
Israel có quá nhiều kinh nghiệm ngoại giao với Hoa Kỳ nên phải tin vào chính mình.
Bao giờ các quốc gia khác học được kinh nghiệm của Israel?




No comments: