Sunday, March 27, 2016

GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH NĂM 2016 (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-03-25
.
Tối 24 tháng 3, Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh lần thứ 9 đã được Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức tại Sài Gòn với 4 hạng mục: Giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục, giải nghiên cứu, giải dịch thuật và giải Việt Nam học.  Courtesy quyphanchautrinh.org

Tối 24 tháng 3, Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh lần thứ 9 đã được Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức tại Sài Gòn với 4 hạng mục: Giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục, giải nghiên cứu, giải dịch thuật và giải Việt Nam học. Đặc biệt Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay đã tôn vinh nhà tân học Nguyễn Văn Vĩnh là danh nhân văn hóa trong Dự án Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Chu Hảo, Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh để biết thêm chi tiết:

Để có tài liệu tham khảo

Mặc Lâm: Thưa GS giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh lần thứ 9 năm nay đã chọn Nguyễn Văn Vĩnh để vinh danh là danh nhân văn hóa trong “Dự án Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, xin GS cho biết thêm chi tiết về việc tôn vinh này. Trước nhất, những danh nhân văn hóa được chọn thì mốc thời gian bắt đầu và kết thúc trong giai đoạn nào?
GS Chu Hảo: Dự án tôn vinh các danh nhân văn hóa trong thời điểm này chúng tôi chỉ giới hạn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Sở dĩ chúng tôi tập trung vào giai đoạn đó là vì nó có nhiều khúc mắc lịch sử cũng như những lý do lịch sử mà ta đã biết. Rất nhiều người trong giai đoạn đó bị lãng quên hoặc bị hiểu sai hoặc bị lên án một cách nặng nề về mặt quan điểm chính trị.
Giai đoạn từ ông Trương Vĩnh Ký trở đi rồi kế đó là Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ và sau đó là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Khôi rồi đến Phạm Quỳnh… kể cả ông Trần Trọng Kim. Giai đoạn đấy là giai đoạn có rất nhiều người có công trình nghiên cứu, có những cống hiến rất kiệt xuất cho nền văn hóa Việt Nam nhưng vì lý do chính trị hay lịch sử cho nên những người đó không được tôn vinh một cách xứng đáng. Theo quan điểm của chúng tôi  thì cách đánh giá, nhìn nhận của chúng tôi và chúng tôi tự chịu trách nhiệm trước xã hội và trước lịch sử về việc làm đó.
Chúng tôi chỉ muốn lần lượt đưa ra cái danh sách để cho về sau này con cháu người ta có tài liệu để tham khảo, có một tổ chức đã đứng ra để mà đánh giá, ghi nhận những nhân vật như thế.

Mặc Lâm: Xin ông cho biết người được chọn cần dựa theo tiêu chí nào và giá trị của sự chọn lựa ấy có phải là vấn đề cho hậu thế sau này hay không?
GS Chu Hảo: Mỗi một nhân vật mà chúng tôi đánh giá thì bao giờ cũng có đầy đủ các tư liệu về thân thế sự nghiệp về các trước tác của các vị đó và có một hội đồng xét duyệt hết sức nghiêm túc. Đối với việc làm của một tổ chức dân sự mà có thể lấy ví dụ như Tự Lực Văn Đoàn, họ có giải thương riêng của tổ chức đó. Về sau này nếu ai thấy rằng những giải thưởng đấy những nhân vật mà họ tuyên dương đó xứng đáng và có ý nghĩa thì chấp nhận, còn ai không thừa nhận cũng không có vấn đề gì vì đây là một tổ chức dân sự chúng tôi chỉ làm theo sự tự nguyện.
Nguyễn Văn Vĩnh năm nay nằm trong việc thực hiện bởi vì trong 80 năm nay, nói chung trong các tài liệu chính thống của Việt Nam thì Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người từng bị coi là theo Pháp, có quan điểm phản động… Thế nhưng về phía chúng tôi nhận thức rằng trong dư luận xã hội cũng như trong giới học thuật càng ngày càng thấy giá trị học thuật của Nguyễn Văn Vĩnh rất là lớn, thật sự có công với nền văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã mạnh dạn vinh danh ông lần này.

GS Chu Hảo (trái) và Giáo sư Pierre Darriulat, Nhà vật lý học người Pháp tại Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh lần thứ 9 hôm 24/3 ở Sài Gòn. Photo courtesy of LĐ.

Có công nghiên cứu lịch sử VN

Mặc Lâm: Danh nhân văn hóa theo như GS diễn tả tuy chỉ trong nửa thế kỷ 19 cho tới nửa thế kỷ 20 nhưng xem ra rất đông, xin GS cho biết Hội đồng chấm giải chọn lựa theo thứ tự thời gian hay tùy vào đóng góp lớn hay nhỏ của từng cá nhân?
GS Chu Hảo: Danh sách của chúng tôi không theo một trật tự nào cả. Bất kể người nào, nếu chúng tôi thấy dầy đủ tư liệu, có những nhân chứng khá đầy đủ và rõ ràng. Năm ngoái chúng tôi tôn vinh cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu và cụ Trương Vĩnh Ký. Năm nay những tư liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh tương đối đầy đủ, thế còn sang năm nếu mà cụ Phan Khôi hay cụ Phạm Quỳnh mà chúng tôi thu thập đầy đủ các chứng cứ với tư liệu tương đối xác đáng thì chúng tôi sẽ tôn vinh.

Mặc Lâm: Chúng tôi nhận thấy năm nay cũng có giải Việt Nam học, xin ông cho biết quan điểm của Hội đồng chấm giải đối với Việt Nam học như thế nào để căn cứ vào đấy mà trao giải thưa GS?
GS Chu Hảo: Thứ nhất chúng tôi phải nói về quan niệm về Việt Nam học của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh khác với quan điểm của hệ thống đại học Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay tất cả những gì liên quan tới lịch sử, văn hóa Việt Nam có tính chất liên ngành, đa ngành thì người ta đều coi đấy là Việt Nam học cả. Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh thì giới hạn khái niệm về văn hóa của mình. Trong lĩnh vực những người nước ngoài có công nghiên cứu và truyền bá lịch sử văn hóa Việt Nam với thế giới thì đấy chúng tôi mới gọi là Việt Nam học. Trên cơ sở những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ, các trường đai học châu Âu và Bắc Mỹ họ lập ra những trung tâm Việt Nam học để làm việc đó. Chúng tôi nghĩ là cái chữ Việt Nam học nó gắn vào thời đại đó cho nên chúng tôi vẫn giữ quan niệm rằng Việt Nam học là những cái nghiên cứu của người ngoại quốc về lịch sử và văn hóa Việt Nam và chuyển ra nước ngoài.
Thứ hai nữa từ năm 2006 cho đến bây giờ lần lượt chúng tôi đã tôn vinh những người mà giới học thuật Việt Nam biết rằng họ có công trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, tôi lấy thí dụ như là David Marr, hay Condominas một người Nga gốc Pháp nghiên cứu rất là nghiêm chỉnh, chu đáo về lịch sử trung cổ đại Việt Nam, Gần đây hơn là Giáo sư Keith Weller Taylor người nói về cuộc chiến tranh Việt Nam rất nhiều. Lần này thì chúng tôi trao giải thưởng cho  GS Peter Zinoman với lý do ông ấy là một trong những người đầu tiên lập ra các trung tâm nghiên cứu Việt Nam học ở đại học Berkeley, lập ra những tạp chí Việt học cũng như ông ấy có rất nhiều học trò nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa là GS Peter Zinoman nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng là nhà văn trong thời kỳ 36-40 có những tác phẩm rất đặc sắc.
Chọn ông GS Peter Zinoman sau những người khác không có nghĩa là ông ấy ít quan trọng hơn hay tầm vóc nó nhỏ hơn người khác, không phải, chúng tôi chọn người nào có đầy đủ hồ sơ thì chúng tôi làm người đó.

Mặc Lâm: Xin cám ơn GS Chu Hảo.

------------------------------------

Tuổi Trẻ Online   25/03/2016 18:20 GMT+7
.
Người Đô Thị Online   25/03/2016 - 00:20 AM
.
Người Đô Thị Online     24/03/2016 - 20:30 PM
.






No comments: