Tuesday, March 29, 2016

VỢ ANH BA SÀM KỂ CHUYỆN BÊN TRONG TÒA ÁN (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-03-28

Vụ án anh Ba Sàm tuy đã kết thúc ở tòa sơ thẩm với kết quả 5 năm tù giam nhưng dư luận quốc tế vẫn tiếp tục lên tiếng đòi Việt Nam phải hủy bản án vì tính chất không minh bạch của nó.
Mặc Lâm có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Hà, vợ của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, đã có mặt bên trong tòa án trong phiên xử mà bà cho rằng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong phiên xử này.

Mặc Lâm: Trước khi tòa sơ thẩm mở ra xét xử ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bà được nghị sĩ Đức là ông Martin Patzelt hết lòng ủng hộ và bay từ Đức sang để mong tham dự phiên tòa. Bà có nghĩ rằng việc làm này của ông Martin Patzelt đã khiến cho Việt Nam cứng rắn hơn trong bản án đê chứng tỏ rằng họ độc lập và không chịu chi phối bởi thế lực nào hay không?
Bà Lê Thị Minh Hà: Tôi thì không nghĩ như vậy. Chuyện giảm án hay không giảm án hoàn toàn không phụ thuộc. Họ không vịn vào cơ sở luật pháp nào cả. Tôi cho rằng họ luôn luôn mong muốn một thỏa hiệp là anh ấy nhượng bộ, hoặc là anh ấy không nhượng bộ. Tức là việc mà cơ sở đưa ra bản án nó không căn cứ vào một cái gì hết, không chứng cứ, không một văn bản quy phạm pháp luật nào, không trên cơ sở hiến pháp. Rõ ràng rằng tất cả những hành xử ấy nó như là một nhà nước không có pháp quyền, thế thì mình làm sao hy vọng vào cái gì được?
Chính vì những suy nghĩ như thế, do một thông tin đến tôi mức án nặng hay nhẹ thì phụ thuộc vào thái độ của anh ấy. Tôi không hiểu nhà nước này có pháp quyền hay không? Chuyện vận động của tôi, tôi cho rằng ngay từ khi anh bị bắt tôi đã không trông chờ gì vào phiên xử cả, ngay cả khi bắt anh ấy thì họ đã vi phạm, nó chả có trên cơ sở nào, nó đã sai rồi.
Thế thì mình còn trông chờ gì vào phiên tòa nữa ạ? Tôi không trông chờ việc giải quyết bằng phiên tòa, còn chuyện người ta cứ phải đưa ra tòa đấy là để khẳng định vụ án có tiến triển mà thôi, chứ còn tôi không hy vọng và không trông chờ gì vào phiên tòa. Tôi cũng chẳng vì kết quả của phiên tòa mà ảnh hưởng đến suy nghĩ hay thay đổi của tôi hết.

An ninh bất thường

Mặc Lâm: Ngoại trừ những người được tòa sắp xếp, bà và mẹ của chị Minh Thúy là hai người được tham gia phiên tòa, xin cho biết nhận xét của bà về diễn tiến phiên tòa ra sao?
Bà Lê Thị Minh Hà: Có mấy vấn đề như thế này: Cảm giác đầu tiên mà khi tôi vào, một điều tôi rất ngạc nhiên không thể ngờ là tại sao phải cẩn mật, canh phòng đến mức độ như thế? Cái cảm giác như có một cuộc “đảo chính” sắp xảy ra. Cảm giác là tại sao “xử kín” mà lại huy động nhiều lực lượng đến độ như thế? Tất cả tại tầng một, hôm đó phiên tòa chỉ có duy nhất một phiên này và dừng tất cả những phiên tòa hình sự khác. Thứ hai nữa là tầng một đi vào đầy dẫy những thanh niên trẻ ăn mặc như côn đồ, xăm trổ, đeo dây chuyền vàng đủ thứ rất ghê.
Phải qua máy kiểm tra, thu giữ tất cả các loại như máy tính, điện thoại của tôi và các luật sư. Sau đó thì phải đi qua cái máy kiểm tra và đi lên tầng ba. Có một cái phòng khoảng 60 mét vuông thôi, cả ở trong và ngoài đều gần như là những người rất trẻ của bên công an, có thể bên Tòa án, Viện kiểm sát… là những người nhân viên nhưng mà tuổi còn trẻ.
Tôi nghĩ chắc là họ muốn nói cho mọi người biết “đây là một dạng tội phạm nguy hiểm” lại là “tội phạm công nghệ thông tin” cho nên rất khó cho việc xét xử, nên họ muốn qua phiên tòa đó để cho những người trẻ đó học tập, tôi cảm giác như thế.
Cái cảm giác lúc đầu tôi đã thấy không ổn. Người dân chỉ có duy nhất là tôi và mẹ của cô Nguyễn Thị Minh Thúy thôi, duy nhất có hai người dân, một vài nhà báo chắc là của báo “lề phải”, của đảng hoặc của nhà nước. Khi mà ông chủ tọa phiên tòa đọc lên vài lời, sau đó thì bên Viện kiểm sát, những người này nói bản cáo trạng này do Viện kiểm sát tối cao viết ra, nhưng mà ủy quyền cho Viện kiểm sát Hà Nội thực hiện.
Khi họ đọc lời truy tố thì tôi đã thấy là so với lực lượng luật sư hùng hậu có kinh nghiệm, và có tâm thì với một chủ tọa phiên tòa và hai vị bồi thẩm cùng hai người thuộc bên Viện kiểm sát của công tố viên thì thấy lực lượng quá chênh lệch.
Hơn nữa khi người ta đọc những danh từ riêng như Gmail thì họ đọc thành “Gờ Mai”, rồi không tranh tụng một cách sòng phẳng bởi vì họ không có khả năng để tranh tụng lại. Tôi đã thấy rất “đau khổ”.

Mặc Lâm: Về những nhân chứng, vật chứng mà tòa dùng để chống lại ông Ba Sàm theo bà có bình thường và hợp với thủ tục tố tụng hay không?
Bà Lê Thị Minh Hà: Đó là điều không bình thường. Toàn bộ tài liệu, tài liệu chứ không phải là “chứng cứ” nhé, tại vì chưa đủ cơ sở để coi là “chứng cứ”, và bản thân quy trình thu thập tài liệu đó không đúng quy trình pháp luật, cũng như không đúng cái thông tư thi hành về chứng cứ nhận tội thì bản thân nó đã không có giá trị trước tòa, nhưng lại được đưa vào bản án.
Trong khi đấy, khi mà đọc cáo trạng các tài liệu trong bản án không có một cáo trạng nào được đọc tại tòa, cũng như được mang ra kiểm chứng trước tòa, thì toàn bộ chứng cứ được đưa vào bản án đấy là không có giá trị pháp lý, thế mà họ vẫn có thể kết án được. Cái thứ hai nữa là cơ quan điều tra đã ba lần xác định trước tòa rằng trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra nói rằng không có điều kiện để xác minh 24 bài viết trên, và các bị cáo không chịu khai báo, cho nên mặc nhiên là công nhận điều đấy và họ đưa vào cáo trạng để luận tội.
Rõ ràng, rất nhiều người trong số tác giả của 24 bài viết ấy đã làm đơn đề nghị ra tòa, được tham dự ở vị trí người liên quan và sẵn sàng làm người làm chứng rằng các bài viết đó là của họ. Họ có đầy đủ tài liệu để xác định bài viết đó là của họ, nhưng tòa án đã không trả lời cho họ và không cho họ được tham dự phiên tòa.

Mặc Lâm: Ngay sau khi phiên tòa kết thúc thì hầu như tất cả các nước có gửi đại diện sứ quán tham dự phiên tòa đều lên tiếng yêu cầu Việt Nam bãi bỏ bản án, ngay cả Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng về điều này. Bà nghĩ sao về việc này?
Bà Lê Thị Minh Hà: Cái bộ máy nhân sự mới thì tôi cho rằng họ rất là trẻ, và không biết là có yếu tố chính trị khác hay “yếu tố Trung Quốc” hay không, nhưng tôi nghĩ là họ cũng thừa hiểu quyết định phiên tòa này sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước, ví dụ như kinh tế, chính trị, quân sự của quốc gia.
Nếu mà phiên tòa này họ tỏ ra là biết điều hoặc tỏ ra tôn trọng pháp luật hoặc tỏ ra là tôn trọng nhân quyền của người dân thì họ sẽ lường trước được là quyết định của phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến chuyện chính sách của các nước lớn như Mỹ, Đức, Châu Âu hoặc là một số nước khác đối với chính sách của Việt Nam trong tương lai trong cái nhiệm kỳ mới của cái “chính phủ mới”. Thế nhưng, họ đã cương quyết không coi cái đấy là cái gì cả thì không còn gì nữa để bàn.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà Lê Thị Minh Hà đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này.





No comments: