Thursday, March 10, 2016

BÀ KELLY CÓ VÀO ĐƯỢC TỐI CAO PHÁP VIỆN ? (Ngô Nhân Dụng)





Tuesday, March 8, 2016 5:23:44 PM 

Báo chí ở tại Iowa loan tin cơ quan FBI tìm phỏng vấn nhiều người để “tra cứu” về Thẩm Phán Jane Kelly. Lập tức, chính trường Mỹ sôi nổi về triển vọng bà Kelly sẽ được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào Tối Cao Pháp Viện. Bà không phải là vị thẩm phán duy nhất đang được “tra cứu” đưa vô danh sách ứng viên thay thế cố Thẩm Phán Antonin Scalia. Thống đốc tiểu bang Nevada Brian Sandoval, thuộc đảng Cộng Hòa, cũng được FBI tra cứu, nhưng ông xin rút tên.

Bà Jane Kelly cũng không phải là vị thẩm phán xuất sắc nhất trong số những tên tuổi đã được dư luận dự đoán, trong số đó có cả một bà sinh ở Việt Nam, sang Mỹ năm 10 tuổi. Nhưng trong số người được nêu ra, bà Kelly là người có nhiều triển vọng được Thượng Viện phê chuẩn nhất trong “trận đấu” gay go giữa hành pháp và lập pháp Mỹ.

Các nghị sĩ Cộng Hòa đã báo trước sẽ không bàn về một thẩm phán tối cao mới, trước khi dân Mỹ bỏ phiếu cuối năm nay; để dân vừa được chọn một vị tổng thống tân cử thay ông Obama, vừa chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Ngược lại, Tòa Bạch Ốc và các nghị sĩ Dân Chủ không muốn để cho cái ghế của ông Scalia bị bỏ trống suốt một năm trời; thủ tục bổ nhiệm vị thẩm phán mới phải tiến hành như bình thường.

Chiến thuật trì hoãn là một cuộc đánh cá một ăn, một huề; chỉ có lợi, không lo hại cho bên Cộng Hòa. Nếu vị tổng thống Mỹ thứ 45 vẫn thuộc đảng Dân Chủ thì bà (hay ông ta), sẽ đề nghị một thẩm phán mới cấp tiến, cũng chẳng khác gì ông Obama bây giờ. Nhưng nếu ứng cử viên Cộng Hòa thắng, ông ta sẽ chọn một ứng viên thẩm phán “bảo thủ,” giữ nguyên thế cân bằng 5 bảo thủ, 4 cấp tiến trong Tối Cao Pháp Viện như khi ông Scalia còn sống. Trường hợp thứ hai, là thắng, trường hợp thứ nhất, là huề, ai chẳng muốn tham dự cuộc đánh cá này?

Trừ trường hợp cuộc tranh chấp giữa hai đảng được phơi bày trên báo, trên đài có thể gây thiệt hại cho một số ứng cử viên Cộng Hòa, bị mang tiếng là đặt tinh thần phe đảng cao hơn lợi ích quốc gia.

Thẩm Phán Jane Kelly tự nhiên nổi bật vì bà sinh trưởng ở tiểu bang Iowa, mà Nghị Sĩ Chuck Grassley, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện lại đại diện tiểu bang Iowa. Bà Kelly từng làm luật sư 17 năm và giữ chức vụ thẩm phán ở Iowa trong hơn ba năm nay. Dân Iowa coi bà là “người của mình!” Ông Grassley có quyền kiếm cớ trì hoãn, không mời bà Kelly ra phỏng vấn trước ủy ban; không đưa tên bà ra cho Thượng Viện bỏ phiếu. Nhưng hành động như vậy phi lý quá. Ủy Ban Pháp Lý cũng có thể đề nghị Thượng Viện không phê chuẩn bà Kelly, và được 54 nghị sĩ Cộng Hòa đồng ý. Lúc đó, dư luận dân chúng Iowa chắc sẽ bất bình; và họ sẽ trút tội lên đầu ông Grassley.

Ông Grassley là một trong số 34 nghị sĩ phải ra tranh cử lại. Các đối thủ của ông sẽ tố cáo trước dân Iowa rằng ông Grassley “phản bội người Iowa mình!” Họ sẽ nhắc lại rằng chính ông Grassley, năm 2013, đã nhiệt liệt khen ngợi và ủng hộ bà Kelly để Thượng Viện phê chuẩn bà làm thẩm phán liên bang. Năm đó, bà nhận được 96 phiếu thuận, thuộc cả hai đảng, không một phiếu chống nào. Năm nay, ông Grassley và các nghị sĩ Cộng Hòa sẽ lấy lý do nào để làm ngược lại?

Bà Kelly còn được điểm cao vì trong suốt thời gian làm việc ở Iowa, bà bày tỏ một triết lý pháp luật rất trung dung, ôn hòa. Có khi bà nghiêng về phía bảo thủ, thí dụ bà rất nghiêm khắc đối với các bị cáo về tội hình sự, và bà bênh vực quyền của cảnh sát khi họ làm nhiệm vụ. Trong một số phán quyết khác bà lại tỏ ra cấp tiến, như khi cần bảo vệ quyền tự do phát biểu trong Tu chính án số một Hiến Pháp Mỹ. Nếu bà Kelly vào Tối Cao Pháp Viện, không ai đoán trước được trong 20 hay 30 năm sắp tới bà sẽ là một thẩm phán bảo thủ hay cấp tiến.

Phải công nhận rằng gán cho các thẩm phán nhãn hiệu “cấp tiến” hay “bảo thủ” rất dễ gây hiểu lầm. Bởi vì các nhãn hiệu mang nặng màu sắc chính trị, chỉ thích hợp khi nói chuyện chính trị. Thực ra, các thẩm phán không hoạt động chính trị. Họ đóng vai giải thích luật lệ. Họ độc lập với các đảng phái. Khi giải thích Hiến Pháp họ có thể nghiêng theo khuynh hướng bảo thủ hoặc cấp tiến. Nghiêng về phía nào là do nhận thức, do cách suy luận và phán đoán của từng người. Họ không phán xử dựa trên “lập trường,” theo những chủ trương chính trị cấp tiến hay bảo thủ theo nghĩa thông thường. Chính vì thế mà nền tư pháp là một định chế tương đối được kính trọng nhất, so với các ngành hành pháp, lập pháp.

Trong số 9 thẩm phán ngồi ở Tối Cao Pháp Viện, có những người “cấp tiến” và “bảo thủ.” Nhưng đó chỉ là hai cách hiểu Hiến Pháp khác nhau khi đứng trước mỗi vụ án. Những người đó không bao giờ tạo thành hai phe, hai đảng. Các thẩm phán sẵn sàng công kích lẫn nhau kịch liệt khi giải thích Hiến Pháp theo hai hướng đối nghịch; nhưng họ vẫn là những đồng nghiệp tương kính, đối xử với nhau trong thái độ hòa nhã, có khi rất thân thiết.

Một thí dụ tiêu biểu là tình bạn giữa cố Thẩm Phán Antonin Scalia và Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg. Bà Ginsburg luôn luôn giữ các quan điểm cấp tiến trong khi ông Scalia, kém ba tuổi, là tiếng nói bảo thủ vững vàng, sắc sảo nhất trong 30 năm ở Tòa Tối Cao. Bà Ginsburg là dân Do Thái, cấp tiến, ở New York; còn ông Scalia là con của một di dân Ý. Nhưng họ trở thành bạn thân, hai gia đình thường đi nghỉ Hè chung ở Châu Âu, ở Ấn Ðộ. Gia đình Scalia đạo Công Giáo, gia đình bà Ginsburg Do Thái Giáo, không dự lễ Giáng Sinh chung nhưng vẫn thường đến nhà nhau chung vui đêm giao thừa.

Hai vị thẩm phán rất thân thiết, nhưng khi ra tòa thì họ luôn luôn trình bày những quan điểm giải thích Hiến Pháp đối nghịch triệt để. Nhưng ngay trong lúc “đấu tranh” với nhau trên mặt trận tư tưởng, triết lý pháp luật, họ “đấu” theo tinh thần thượng võ.

Có một lần, sau một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, bà Ginsburg phụ trách viết bài lý đoán giải thích quyết định của tòa, cho phe thắng (với tỷ số 5-4 như thường lệ); còn ông Scalia viết bản tuyên bố đối lập của phe thiểu số. Nhưng trước khi hai bản văn được công bố, ông Scalia đã đưa bản thảo của mình cho bà Ginsburg đọc. Bà Ginsburg sau đó đã thú nhận rằng, đọc các lời lẽ đối nghịch của ông Scalia, bà đã phải sửa chữa lại bản văn mình viết, để “đỡ đò” những lời phản đối do ông Scalia viết ra. Nhờ thế, bài lý đoán của bà rõ ràng, mạch lạc và lý luận vững chắc hơn.

Trong câu chuyện trên, chúng ta thấy, dù hai thẩm phán bất đồng ý kiến, họ dùng đủ thứ lý luận để bác bỏ lẫn nhau; nhưng trong khi “giao đấu” người này vẫn sẵn sàng giúp người kia tìm ra các lý lẽ mạnh nhất để bảo vệ ý kiến của mình. Thái độ này hoàn toàn khác với những gì chúng ta thấy trong thế giới chính trị. Các đối thủ chính trị thường không bao giờ “giúp vũ khí” cho nhau. Ngược lại, họ còn tìm cách gài bẫy, đánh lừa, làm sao cho bên địch phạm các sai lầm đáng lẽ có thể tránh được.

Một câu chuyện lý thú về cố Thẩm Phán Scalia, có thể minh chứng điều trên. David Axelrod, một phụ tá thân cận của Tổng Thống Obama kể lại năm ông Obama có cơ hội đề nghị một người vào Tối Cao Pháp Viện khi Thẩm Phán David Souter về hưu. Một hôm Axelrod gặp Thẩm Phán Scalia, nghe ông nhắc đến chuyện ai sẽ là người có thể được ông Obama đề cử. Ông Scalia nói thẳng: “Tôi biết ông chủ của anh (Obama, cấp tiến) sẽ không chọn một người suy nghĩ giống như tôi (Scalia, bảo thủ). Nhưng tôi muốn anh nhắn hộ một câu này: Chọn ai thì chọn, phải là một người có đầu óc thông minh!” Sau đó, Scalia không ngần ngại nói thẳng ý của mình: “Tôi hy vọng ông chủ anh gửi Elena Kagan qua cho chúng tôi!”

Elena Kagan, kém Scalia hơn 20 tuổi, đã từng là luật sư đại diện chính phủ Obama trước Tòa Án Tối Cao. Năm đó, ông Obama không theo lời khuyên của ông Scalia; đã đề nghị bà Sonia Sotomayor cho Thượng Viện phê chuẩn. Nhưng năm sau, khi Thẩm Phán John Paul Stevens về hưu, ông Obama đã đề nghị bà Kagan. Sau khi vào Tòa Án Tối Cao, bà được ông bạn đồng viện Scalia hướng dẫn tập săn bắn.

Tại sao các thẩm phán tối cao có thể hành động một cách “quân tử” như trong mấy câu chuyện trên đây? Bởi vì họ không có gì phải giành giật với nhau. Tối Cao Pháp Viện được thiết lập để bảo vệ tư cách của các vị thẩm phán. Mỗi người đều được phong nhậm suốt đời, không bao giờ lo vận động một “cử tri” nào để tranh cử. Uy tín, danh tiếng của họ lên hay xuống là do những ý kiến, các lý lẽ, cách biện luận trong tòa án. Các thẩm phán trên các tiêu chuẩn đó. Trong một cuộc tranh luận ở tòa, người được kính trọng là người đã đưa ra lý luận vững chãi, lời lẽ chặt chẽ, không nhất thiết phải được tất cả hay đa số đồng ý. Người thắng, kẻ thua, nhưng không ai tự cho là phe mình chiếm độc quyền sự thật, độc quyền lẽ phải.

Trước viễn tượng vị thẩm phán tối cao mới sẽ được phong nhậm năm nay hay phải chờ tới sang năm, các vị đương nhiệm nghĩ thế nào? Trong một định chế như Tối Cao Pháp Viện, người ta muốn sẽ gặp những người ngang tài, ngang sức; các đối thủ càng giỏi thì mình càng có cơ hội thi thố tài năng. Như chuyện ông Scalia giới thiệu bà Kagan. Giá trị một thẩm phán sẽ lên cao nếu được “đấu” với một đối thủ cũng tài năng, sắc bén. Vì vậy, các thẩm phán tối cao chắc mong muốn vị đồng viện mới của họ trước hết phải là người có khả năng, có đức độ, đáng kính trọng ngoài đời; chứ họ không ước mong sẽ có một đồng nghiệp mới cùng theo khuynh hướng bảo thủ hoặc cấp tiến như mình. Ðó là điều chúng ta không thấy trong các cuộc tranh cử Quốc Hội và tổng thống Mỹ trong năm nay.

Cũng vì cuộc vận động tranh cử tổng thống và Quốc Hội đang diễn ra, nếu bà Kelly được đề nghị thì bà cũng bị cuốn hút vào không khí tranh cử. Phe Cộng Hòa sẽ tố cáo Tổng Thống Obama sử dụng bà như một quân cờ, nhắm tạo áp lực trên Nghị Sĩ Grassley! Cuối cùng, những ai muốn làm việc công cũng khó tránh thoát ngoài vòng chính trị!






No comments: