Monday, March 28, 2016

HẬU KHỦNG BỐ (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, March 26, 2016 1:33:13 PM 

Lại một lần nữa một cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại một thành phố lớn của Tây phương. Cuộc tấn công vào thủ đô Brussels của Bỉ có thể là cuộc tấn công vào con tim của Liên Hiệp Âu Châu nhưng nó cũng chỉ quan trọng như những cuộc tấn công vào New York, Washington DC, Madrid, Luân Đôn, Boston, Paris... Và danh sách đó, sẽ còn kéo dài hơn nữa.

Mỗi lần một cuộc tấn công như vậy xảy ra, người ta bắt đầu tranh cãi, chính trị gia thi nhau đưa ra chính sách đối phó, các nhà chuyên môn chỉ ra lỗi lầm và vấn đề.

Nhưng có lẽ chưa lần nào mà những lời “khuyên bảo” và “chỉ trích” gay gắt như vậy. Có vẻ như đối với Brussels và nước Bỉ, ai cũng coi là họ có quyền khuyến cáo, phê bình.

Với mùa bầu cử đang ngày càng nóng bỏng, những lời lên tiếng đầu tiên dĩ nhiên là của các ứng cử viên. Ông Donald Trump, ngay lập tức, đòi “đóng cửa biên giới.” Ông Trump nói: “Tôi sẽ đóng cửa biên giới. Chúng ta nhận vào những người không có giấy tờ thực sự. Chúng ta không biết họ từ đâu tới và họ là ai.” Rồi ông lại một lần nữa lập lại lời thề là nếu được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, ông sẽ đưa trở lại tra tấn và trấn nước để hỏi cung các nghi phạm khủng bố. Ông cũng bảo không ngần ngại giết gia đình của những kẻ đã tham gia khủng bố.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz thì trịch thượng bảo: “Các đồng minh Âu Châu của chúng ta nay thấy điều sẽ đến trong một sự pha trộn độc địa di dân vốn đã bị xâm nhập bởi khủng bố và những xóm Hồi giáo cô lập và quá khích... Chúng ta cần ngay lập từng ngừng làn sóng tị nạn từ những quốc gia có một sự hiện diện đáng kể của al Qaeda hay ISIS. Chúng ta cần cho phép các cơ quan an ninh đi tuần các xóm Hồi giáo trước khi họ trở thành quá khích.” Và ông cũng đòi phải rải bom trải thảm lên các vùng của ISIS.

Phải đến Thống Đốc John Kasich thì chúng ta mới thấy một lời tuyên bố tương đối ôn hòa hơn chỉ đòi “tăng gấp đôi” những cố gắng để “nhận diện, tìm cho ra và phá hủy những kẻ gây nên những hành động ác độc như vậy.”

Bà Clinton, xứng đáng là một cựu ngoại trưởng, đã nói đến “phải xét lại một cách thành thực cái gì có thể làm được và cái gì không ích lợi gì.” Bà bảo kêu gọi của ông Trump đem lại trấn nước là nguy hiểm. Bà nói: “Tra tấn không hữu hiệu. Đó chẳng khác gì một poster quảng cáo cho khủng bố.” Bà cũng bác bỏ kêu gọi của ông Trump đóng cửa biên giới, nói là tuyên bố đó chứng tỏ ông Trump không hiểu “hệ thống của chúng ta hoạt động như thế nào.”

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng nói sẽ đoàn kết với Âu Châu và thêm “Cuộc tấn công hôm nay là một nhắc nhở tàn nhẫn là cộng đồng quốc tế phải đoàn kết để phá hủy ISIS. Thứ dã man này không thể để cho tiếp tục được nữa.”

Từ Havana, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố: “Chúng ta đoàn kết với nhân dân Bỉ lên án những cuộc tấn kinh tởm vào người vô tội. Chúng ta sẽ làm bất cứ những gì cần thiết để giúp bạn bè và đồng minh Bỉ mang lại công lý cho những ai chịu trách nhiệm. Đây là một nhắc nhở nữa là thế giới phải đoàn kết. Chúng ta phải cùng nhau, bất chấp quốc gia hay sắc tộc hay tôn giáo trong việc chống lại hiểm họa khủng bố. Chúng có thể và sẽ đánh bại ai đe dọa đến an toàn và an ninh của mọi người trên toàn thế giới.” Nhưng sau lưng tổng thống, các viên chức Hoa Kỳ bắt đầu chỉ trích chính phủ và cảnh sát Bỉ.

Những lời nói này làm tôi nhớ đến sau cuộc tấn công 11 tháng 9. Hồi đó không hề có một chính phủ, chính trị gia nào ở Âu Châu lên tiếng chỉ trích phê bình các cơ quan an ninh Hoa Kỳ. Hồi đó, lần đầu tiên Liên Minh Nato đã đưa ra điều 5 của Hiến Chương, điều nói là một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên của Liên Minh là tấn công vào tất cả các quốc gia của Liên Minh.

Cũng như vậy, sau cuộc tấn công 7 tháng 7 vào Luân Đôn. Không có chính trị gia hay viên chức nào nói là cuộc tấn công xảy ra vì sơ hở của Scotland Yard, MI5 và MI6.

Có lẽ ai cũng nghĩ là họ có quyền chỉ trích Bỉ bởi vì rõ ràng là Bỉ thiếu sót trong việc truy nã những thủ phạm liên hệ đến vụ tấn công vào Paris. Nhưng không thấy ai nói một lời khen khi cảnh sát Bỉ bắt được nghi phạm duy nhất của cuộc tấn công vào Paris và nhất là bắt sống được hắn. Ở Hoa Kỳ chắc là chúng ta chỉ có một xác chết. Nhưng ngay sau khi các vụ tấn công xảy ra ở Brussels, người ta bắt đầu chỉ trích Bỉ là tại sao không khai thác Salah Abdeslam để hắn khai cuộc tấn công này ra, bởi rõ ràng cuộc tấn công này xảy ra là vì Abdeslam bị bắt. Hẳn có một số viên chức Hoa Kỳ nghĩ là ông Trump có lý và phải tra tấn Abdeslam cho đến khi hắn khai hết sự thật!

Có lẽ như là một số viên chức chống khủng bố của Hoa Kỳ đã nhận xét, sự khác biệt giữa Washington và Brussels, và Âu Châu, là trong văn hóa. Bởi tôi không nghĩ là có một chính trị gia nào ở Âu Châu ngày nay có thể đề nghị tra tấn, trấn nước tù nhân và giết gia đình họ. Chúng ta đâu còn sống ở thời Trung Cổ nữa? Bộ tru di tam tộc vẫn còn áp dụng hay sao? Không hiểu ông Trump có con ở tuổi teen không nhưng rất nhiều những “gia đình khủng bố” đó đang đau đớn mất đứa con mình cho những lời đường mật của Hồi giáo quá khích và đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản con mình mà nhiều khi không được.

Còn bao vây, đi tuần những khu Hồi giáo ư? Đó chính là vấn đề của Bỉ đối với những khu như Molenbeek nơi quá nhiều những kẻ đã tổ chức các cuộc tấn công cả ở Paris lẫn ở Brussels. Molenbeek, chỉ vài phút cách trái tim của Liên Hiệp Âu Châu, nhưng cái quận đông dân này của Brussels có đến 30% thất nghiệp, gấp ba lần con số trung bình của Bỉ. Hơn thế thất nghiệp trong giới thanh niên lên đến 40%.

Molenbeek đã nổi bật lên kể từ cuộc tấn công ở Paris hôm tháng 11 khi người ta khám phá ra là kẻ chủ mưu vụ này, Abdelhamid Abaaoud, và ba trong số những tên khủng bố tự sát đó lớn lên ở Molenbeek. Salah Abdeslam cũng xuất thân từ khu này. Nhưng họ không phải là những tín đồ Hồi giáo sùng đạo. Salah và Brahim Abdeslam đã từng là chủ nhân một quán cà phê chuyên bán rượu và bị đóng cửa vì khách hàng sử dụng và sở hữu ma túy. Một người bạn của hai anh em cho một nhà báo của đài BBC xem video hai anh em Abdeslam đi chơi đêm, đủ cả gái, rượu, nhảy đầm, hồi tháng 2 năm 2015, chỉ vài tháng trước khi họ bắt đầu kế hoạch tấn công Paris. Cái gọi là “hệ thống bảo vệ” đã giúp cho Salah trốn tránh được truy nã trong suốt 4 tháng trời chính là những người như họ, dựa trên tình bạn, bất mãn và tội phạm vặt. Bởi hệ thống đó bao gồm không phải chỉ Molenbeek mà còn cả một vòng cung mà ở Brussels người ta gọi là “croissant pauvre” (vòng cung nghèo), một tập hợp bán nguyệt những xóm nghèo gồm Shaerbeek, nơi Salah có một nhà an toàn và Laeken, nơi của một số những người giúp Salah đi trốn.

Một phóng viên đài BBC được đọc lời ghi lại cuộc hỏi cung hai trong số những người bạn của Salah, mà hắn đã gọi ngay đêm tấn công Paris yêu cầu giúp đỡ. Hamza Attou và Mohammed Amri nói với cảnh sát là Abdeslam nói bị tai nạn xe hơi nhờ đến đón. Attou nói là khi đến nơi Abdeslam đe dọa “sẽ cho nổ bom nếu không đưa hắn tới Brussels.” Rồi ba người họ đi quanh Paris cho đến khi hút hết một điếu cần sa. Lúc đầu họ tính đi đường nhỏ cho khỏi lộ nhưng lạc đường quá nên trở lên xa lộ. Họ hút thêm ba điếu cần sa nữa trên đường trở về Brussels. Họ bị cảnh sát chặn ba lần nhưng được cho đi. Attou kể lại: “Ở một trạm kiểm soát, một ông cảnh sát hỏi Amri bộ say rượu hả. Amri trả lời ‘đúng.’... Cảnh sát bảo với Amri điều đó không tốt nhưng không phải là ưu tiên của họ hôm nay.” Về đến Brussels, Saleh thay quần áo, đến một tiệm cắt tóc cạo râu, cắt ngắn mái tóc và cạo bớt lông mày. Sau đó hắn kêu một người bạn nữa bảo đưa mình đi sang chỗ khác. Vài giờ sau ba người bạn bị bắt. Và nay theo bạn bè, “Họ đang bị ở tù vì giúp đỡ Salah mà không suy nghĩ.”

Câu chuyện đó cho chúng ta thấy vấn đề rõ hơn sự phức tạp mà Bỉ đang phải đối phó. Muốn giải quyết vấn đề này Bỉ cần thời gian và tài chánh. Thử tưởng tượng một thành phố 1.8 triệu dân mà chỉ có 500 viên cảnh sát. Ngay cả chính phủ đang khẩn cấp tuyển mộ thêm người nhưng việc đó cũng đòi hỏi thời gian.

Thực sự chỉ có hai bài học mà chúng ta có thể học được từ cuộc tấn công này. Một là mặc dầu đang bị truy nã nhiều năm, ISIS vẫn có đủ tài nguyên để tấn công phối hợp ở ngay trung tâm Âu châu. Và thứ nhì, cũng phát xuất từ cái thứ nhất, là các thành phố lớn của Âu Châu và Hoa Kỳ sẽ phải chịu đựng và quen thuộc với một chiến dịch khủng bố kéo dài mà tất cả đều có thể là mục tiêu. Đóng cửa biên giới cũng không làm cho chúng ta an toàn hơn vì lời dụ dỗ của khủng bố nằm trên Internet. Nhốt người, đi tuần chỉ tạo thêm bất mãn và chia rẽ giúp cho khủng bố phát triển.






No comments: