Saturday, March 5, 2016

DÂN TỘC TÍNH, GIÁO ĐIỀU VÀ THỰC TIỄN (BS Hồ Hải)









Friday, March 4, 2016

Bài đọc liên quan:

MỞ ĐẦU

Các chủ thuyết thay nhau ra đời là do thực tế khách quan của các nền văn minh nhân loại tạo ra. Thế giới trải qua 3 thời kỳ văn minh nhân loại được ghi nhận và từ đó những chủ thuyết ra đời phục vụ cho con người cũng ra đời, nhưng các chính khách luôn tương kế, tựu kế để phục vụ cho mình, hơn là cho cộng đồng xã hội.

Nền văn minh nông nghiệp, con người sống với nhau bằng sự chiếm hữu tư liệu sản xuất theo kiểu sức mạnh cá nhân - kẻ khỏe mạnh và ác độc nhất sẽ chinh phục cộng đồng bằng gươm đao, võ thuật của cá nhân mình. Nó đã cho ra đời chủ thuyết chiếm hữu nô lệ ở phương Tây, và Tam cương Ngũ thường của Khổng Khâu ở phương Đông để hình thành chế độ phong kiến phục vụ cho chính khách.

Nền văn minh công nghiệp ra đời, những phát triển khoa học kỹ thuật giúp các chính khách cởi mở hơn, vì quyền lực của tầng lớp bị trị đã được hỗ trợ bỡi những trang bị bỡi súng, sự đoàn kết và lập hội. Một hình thái xã hội mới ra đời, ban đầu là tạo giá trị thặng dư lớn cho chủ, nhưng sau đó buộc chủ tớ phải xích lại gần nhau, cùng nhau chia sẻ tư liệu sản xuất. Từ nền văn minh công nghiệp thế giới chia 2 ngả rẽ: chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa thực tiễn.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, thế giới Đông Tây chia làm 2 cực: cộng sản và tư bản về lý thuyết, nhưng trên thực tế thì 2 cực này là: chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa thực tiễn.

Ở phương Tây chủ nghĩa giáo điều bắt đầu từ nước Nga thôn tính cả Đông Âu. Ở phương Đông chủ nghĩa giáo điều được Trung Hoa mang từ Nga về và bắt đầu thôn tính từ một nửa bán đảo Triều Tiên và một nửa Việt Nam, sau đó là toàn bộ bán đảo Đông Dương sau ngày 30/4/1975. Giáo điều hay thực tiễn đề do các chính khách chuyên nghiệp tạo ra từ những chủ thuyết luôn tốt đẹp của các nhà tư tưởng.

Chính khách có tầm nhìn xa, nhân bản, và có tư duy rộng mở sẽ đi theo chủ nghĩa thực tiễn. Ngược lại, các chính khách có tầm nhìn vì bản thân mình, ác độc và tư duy khép kín sẽ chạy theo chủ nghĩa giáo điều chỉ nhằm lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng và dân tộc.

Từ thập niên 1970 đến nay, nền văn minh tri thức ra đời với toàn cầu hóa và thế giới phẳng. Một sự tấn công trực diện từ chủ nghĩa thực tiễn đánh thẳng vào sự thủ thế và co cụm của chủ nghĩa giáo điều. Tương lai thế giới loài người sẽ được chủ nghĩa thực tiễn thống trị. Như vậy hai loại chủ nghĩa này, chúng là gì?

CHỦ NGHĨA GIÁO ĐIỀU

Chủ nghĩa giáo điều là một loại hình xã hội đi theo một triết thuyết mà các chính khách tự cho là đúng vĩnh hằng. Kết quả của nó là mô hình chính trị xã hội theo triết thuyết đã được định sẵn cho những nhà tư tưởng đã đúc kết và vạch ra.

Nhưng cuộc sống thực tiễn thì luôn vận động như câu nói của Heraclitus: "Không ai tắm 2 lần trên cùng một dòng sông". Có nghĩa là, nước - hay xã hội hóa dòng sông lên là xã hội loài người - của dòng sông cách đây 1 giây đồng hồ ở địa điểm A hoặc B, ... nào đó khác với nước của dòng sông trước đó 1 giây đồng hồ!

Heraclitus đã tiếp cận được với những tư tưởng rất cơ bản của phép biện chứng. Ông nói: “trong cùng một dòng sông ấy chúng ta lội xuống và không lội xuống, chúng ta có và không có”. Đó chính là những tư tưởng về mối liên hệ phổ biến tất yếu của quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Cuộc sống xã hội loài người cũng thế. Suy nghĩ, hành động của mỗi cá thế người luôn thay đổi từng giây, từng phút. Cả một cộng đồng tư duy và hành động là một sự tương tác của những chuyển động Brown mà thành. Nó thay đổi để phù hợp với thực tiễn khách quan, mà tồn tại và phát triển.

Từ đó, chủ nghĩa giáo điều chỉ phù hợp một giai đoạn lịch sử, mà không phù hợp cho tiến trình lịch sử đang diễn ra. Sự biến thể của chủ nghĩa giáo điều đi từ lý tưởng của cộng đồng sang lý tưởng lợi ích của chính khách theo tình hình thực tế khách quan, do hình thái kinh tế chính trị đơn nguyên tập quyền bảo vệ quyền lợi của chính khách và thân hữu. Từ đó, sự suy tàn của chủ nghĩ giáo điều là điều tất nhiên của quy luật xã hội học.

Sự suy tàn của chủ nghĩa giáo điều đã diễn ra hàng ngàn năm qua của lịch sử nhân loại trả qua các chế độ chiếm hữu nô lệ, tăng lữ quý tộc và phong kiến. Gần đây là sự sụp đổ cả Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980, tiếp theo sau là các chế độ độc tài ở Bắc Phi Trung Đông vào năm 2011.

Một số quốc gia đang đi theo chủ nghĩa giáo điều như Miến Điện, Cu Ba và kể cả Venezuela đang chuyển đổi để phù hợp với thực tiễn khách quan. Một số quốc gia khác vẫn còn bảo thủ và duy ý chí giữ chủ nghĩa giáo điều thì đang rơi vào cơn bỉ cực với đấu tranh giai cấp bị trị và thống trịbạo loạn sắc tộc, khủng hoảng kinh tế và cả chính trị như: Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn.

Tầng lớp chính khách chuyên nghiệp đi theo chủ nghĩa giáo điều đang cố gắng lôi kéo quần chúng mê muội, và nhóm tham ăn tục uống theo đảng phái chính trị của mình để được dính phần ăn chia, nhằm giữ vững lợi ích đang có của mình. Nhưng với thế giới phẳng của nền văn minh tri thức sẽ dần đập tan chủ nghĩa giáo điều trở thành quá khứ của nhân loại. Tương lai lâu dài, chân thiện mỹ sẽ lên ngôi.

CHỦ NGHĨA THỰC TIỄN

Như đã trình bày ở trên, các chính khách theo chủ nghĩa thực tiễn làm việc vì cả cái chung cộng đồng lẫn cái riêng của họ. Họ có tư duy rộng mở và khai phóng, không vì quyền lợi bản thân mà bán rẻ quốc gia dân tộc như các chính khách đi theo chủ nghĩa giáo điều. Nhưng không vì thế mà tiến trình đi theo thực tiễn dễ dàng như ngày nay chúng ta thấy ở các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, Bắc và Tây Âu, cùng một số quốc gia Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore, v.v...

Hãy nhìn lại Hoa Kỳ, mặc dù các quốc phụ của Hoa Kỳ ngay từ đầu đã làm nên một tuyên ngôn độc lập như là kinh Thánh, mà ngay cả Pháp, Việt Nam, v.v... cũng phải sao chép lại để đọc và làm cho quốc gia của mình. Nhưng để có ngày nay, Hoa Kỳ cũng phải có nội chiến chỉ vì muốn xóa bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Sau đó là những cuộc đấu tranh và hoàn thiện mô hình xã hội đa nguyên tản quyền như hôm nay mà chúng ta có thể ghi nhận những dấu mốc như sau:

1. Một hiến pháp với tư tưởng khai phóng, nhân bản và các bộ luật, tu chánh án ra đời theo tình hình thực tiễn khách quan.

2. Các đại học đấu tranh quyền tự do học thuật và tự chủ đại học từ thế kỷ XIX, để hôm nay, Hoa Kỳ có được nền giáo dục khai phóng, nhân bản và thực tiễn.

3. Cuộc đấu tranh để phá bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ đã được chính khách và dân chúng đấu tranh không ngại hy sinh như cố tổng thống Abraham Lincohn và Mục sự Luther King. Ông Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1861 – 1865) có lẽ là người đã mô tả đúng đắn nhất về một nền dân chủ, đó là “một chính quyền của dân, do dân và vì dân”. Tuy nhiên sẽ không có một chính quyền “do dân” trừ khi người dân được lựa chọn người lãnh đạo của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Bầu cử là một quyền và cũng là nghĩa vụ cơ bản của công dân Hoa Kỳ – quyền được nói lên cách thức họ muốn chính quyền cầm quyền ra sao và trách nhiệm phải biết thông tin về các ứng cử viên và các vấn đề đang diễn ra khi họ đi bầu cử. 

4. Tổng chưởng lý Charles Bonaparte, Tổng thống Theodore Roosevelt, J. Edgar Hoover là 3 nhà sáng lập và cho ra đời của tổ chức tiền thân của FBI - Cục điều tra liên bang thuộc bộ tư pháp - vào năm 1908 với hiến chương: "Trung thành, Quả cảm, Liêm chính - Fidelity, Bravery, Integrity". Nhưng đến khi ông J. Edgar Hoover nhận chức năm 1924, với cái đầu vượt trên cả thời đại của ông đã đưa FIB trở thành một tổ chức chống tội phạm, góp phần lớn cho một Hoa Kỳ từ quốc gia tư bản hoang dã trở thành hôm nay.

Con đường đi cam go của Hoa Kỳ có được vị trí số 1 thế giới vào cuối năm 1944 hoàn toàn không đơn giản. Vì mãi tới năm 1920 người phụ nữ Hoa Kỳ mới được quyền ứng cử và bầu cử theo điều bổ sung 19 của luật! Quá trình tự do dân chủ rất cam go của Hoa Kỳ hôm nay có thể được tóm tắt trong Tóm tắt về quyền con người được hiến pháp đảm bảo

Tất cả những sơ lược trên cho thấy, Hoa Kỳ nói riêng, các quốc gia tiên tiến nói chung, họ không đi theo bất kỳ giáo điều khuôn mẫu nào, mà họ đi lên từ thực tiễn khách quan đòi hỏi phải hành động.

DÂN TỘC TÍNH, GIÁO ĐIỀU VÀ THỰC TIỄN

Phương Tây bắt đầu thời kỳ chinh phục và mở rộng thuộc địa từ thế kỷ XV, từ việc Cristoforo Colombo - Kha Luân Bố - đặt chân lên châu Mỹ đầu tiên năm 1498, sau 2 lần thất bại.

Trong cuộc chinh phục ấy, lịch sử cận đại đã ghi dấu những tân lục địa như Mỹ châu, Úc Châu, Tân Tây Lan, ... Nhưng lịch sử cũng cho thấy những nét lịch sử lặp lại ở các cường quốc cũng như nhược tiểu, mà làm nên các cựu và tân cường quốc mạnh yếu khác nhau.

Mỗi quốc gia có một tiến trình lịch sử mà hình thành văn hóa sống, và định hình dân tộc tính để rồi gặt lấy kết quả hay hậu quả cho vận mệnh quốc gia mình theo thời gian.

Nước Nga ở  Đông Âu có một dân tộc, truyền thống lịch sử đáng kính trọng, nhưng dân tộc tính của Nga không có được những chính khách có tư duy rộng mở và khai phóng. Nên nước Nga xảy ra nội chiến và thù địch với lân bang để bành trướng lãnh thổ hàng nhiều thế kỷ, tự làm yếu mình. Người ta bảo, nếu, dân tộc tính của Nga hình thành những chính khách nhân bản và khai phóng, thì ngày nay Hoa Kỳ không thể sánh với Nga.

Trung Hoa cũng vậy, dân tộc tính của Trung Hoa chưa làm nên những chính khách có tư duy nhân bản và khai phóng. Hầu hết các lãnh tụ Trung Hoa đi lên ngai vàng thấm đẫm máu và nước mắt của người Trung Hoa. Từ thời Tần Thủy Hoàng đến Lưu Bang lãnh thổ và sự đồng hóa các dân tộc khác được mở rộng. Đến Mao Trạch Đông, lãnh thổ Trung Hoa rộng gấp 3 lần so với Tần Thủy Hoàng. Tất cả họ ngồi trên ngai vàng bằng máu và nước mắt của dân và các lân bang. Họ tự tìm lấy kẻ thù cho mình, và họ đi tìm sự loạn lạc, nội chiến trên chính quê hương mình. Trung Hoa trải qua nhiều thời kỳ mạnh yếu, bị các cường quốc xâu xé mà không lớn được đúng tầm vóc của mình.

Nhìn lại nước Việt cũng thế. Lịch sử của 1000 năm bị đô hộ Trung Hoa, 100 năm đô hộ Pháp, đã hình thành một văn hóa hủy diệt kẻ yếu - Champa - để sinh tồn, và mang trong hồn một thuộc tính bị trị. Một nhà sư đã nói với tôi rằng: "Đúc kết lịch sử và ta thấy, dân tộc tính của người Việt là một loại dân tộc có tính bầy đàn và bị trị. Dân Việt không bị trị bỡi đồng bào mình, thì cũng bị trị bỡi ngoại bang. Khi nào dân Việt còn trong ách bị trị thì lúc đó còn chút bình yên. Khi thoát ra khỏi bị trị thì sẽ là giặc giã chiến tranh. Không nội chiến anh em nồi da nấu thịt, thì cũng ngoại xâm. Người Việt không thích tự do, dân chủ và văn minh, vì đã ở quá lâu trong hơn 1100 năm bị trị hết Trung Hoa, rồi đến Pháp. Bằng chứng là miền Nam đã được cho họ tự do dân chủ và văn minh 21 năm, nhưng dân miền Nam đã từ chối, để lao đầu vào bị trị và ươn hèn như 41 năm qua!". Quả đúng thật!

VIDEO :
Người Việt Nam Có Dân Tộc Tính Không?
Truyenhinhvietnam1   Published on Oct 17, 2015

Hãy nhìn lại các quốc gia khác đang đi theo chủ nghĩa giáo điều cũng thế. Dân tộc tính của các quốc gia này đều không làm được việc thêm bạn bớt thù, mà hầu hết là các chính khách chỉ biết tráo trở để vì bản thân mình hơn là quốc gia dân tộc, tăng thù bớt bạn. 

Trong khi đó, các quốc gia tiên tiến đi theo chủ nghĩa thực tiễn luôn hành xử nhân bản và khai phóng. Mọi tư duy và hành động của chính khách luôn vì cái chung của quốc gia dân tộc, trong đó có cái riêng của mình.

LỊCH SỬ LẶP LẠI

Cách đây 3 hôm - ngày 01/3/2016 - Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 5 nước - Anh Pháp Mỹ Nga và Trung Hoa - nhưng chủ yếu là Mỹ Nga và Trung Hoa đã đồng ý với nhau để tăng lệnh trừng phạt Bắc Hàn. Đây là hậu quả của một triều đại giáo điều dòng họ Kim ở Bắc Hàn làm nên dân tộc tính của những kẻ ương ngạnh trong thế nhược tiểu.

Còn nhớ, khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thuận với Hiệp Định Paris 1973, trao cho cái Nobel hòa bình cưa đôi Kissinger và Lê Đức Thọ thì nước Việt lao vào ngàn năm tăm tối với các thế hệ người Việt về sau, như cố tổng thống Ronald Reagan đã phát biểu.

VIDEO :
Ronald Reagan famous speech - VIETNAM WAR
VIETNAMSAIGON75   Published on Apr 6, 2013

Gần đây hơn, sau khi từ bỏ Thái Bình Dương sang Trung Đông của Hoa Kỳ, thì HĐBA LHQ đồng thuận trừng phạt Saddam Hussein của Iraq và Gaddafi của Libya, thì Iraq và Libya tan tành, cho tới nay vẫn trong tủi nhục trên gia tài thiên nhiên dầu thô kết sù.
Năm 1953, khi Hoa Kỳ đồng thuận với Trung Hoa ngưng chiến tranh ở bán đảo Triều tiên trong danh dự, thì họ sang Việt Nam để gầy sòng, dùng đất Việt và xương máu Việt để tỷ thí vũ khí 2 bên. 

Nay Hoa Kỳ quay lại Thái Bình Dương sau 40 năm sang Trung Đông. Họ chọn nơi đầu tiên để trừng phạt là Bắc Hàn. Ban đầu Nga và Trung Hoa chưa ưng bụng, nhưng giá dầu giảm, Nga quy hàng. Biển Đông dậy sóng, Trung Hoa bắt tay, không biết cái bắt tay của ông Tập Cận Bình với ông Obama vào 31/3 và 01/4/2016 trong Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân sắp tới, đã được đồng thuận điều gì ở biển Đông, mà nó làm cho Bắc Kinh đồng thuận trừng phạt Bình Nhưỡng? Nhưng, có lẽ, tương lai Kim Jong Un không còn quá lâu cho một kết thúc không có hậu, vì đã hỗn láo chưa một lần triều kiến họ Tập trong 3 năm lên cầm quyền. 

Hoa Kỳ đã chìa bàn tay khá dài, khá lâu, và rất thân thiện cho Việt Nam trong 22 năm qua - 1994 đến 2016. Liệu chính khách Việt đã chọn con đường giáo điều trong đại hội 12 vừa xong ngày 28/01/2015, và ông tổng thống Obama đã ngưng chuyến viếng thăm vào giờ chót trong tháng 11/2015, từ lời mời của ông tổng bí thư đảng cộng sản cầm quyền Việt Nam, để đợi xong mọi lựa chọn của chính trường Việt Nam mới sang thăm vào cuối tháng 5/2016 này sẽ lành dữ thế nào cho dân và nước Việt trong tương lai? Lành ít dữ nhiều trong lúc kinh tế đang mắc bệnh nan y.

KẾT

Từ nhân sinh ra quả, rồi trong quả lại có nhân. Thời thế tạo anh hùng, rồi anh hùng lại làm ra thời thế mới. 

Dân tộc tính chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố hậu quả của lịch sử và văn hóa, nhưng sau khi có nó thì nó lại tạo ra nhân để lịch sử và văn hóa của một quốc gia dân tộc phải lãnh lấy.

Vòng tuần hoàn nhân quả là quy luật của muôn đời.

Sài Gòn, 15h09' ngày thứ Sáu, 04/3/2016
Posted by Hồ Hải at 4:03 PM 





No comments: