Friday, March 4, 2016

VỊ THẨM PHÁN TỐI CAO THỨ CHÍN (Ngô Nhân Dụng)





Friday, March 4, 2016 4:57:18 PM 

Những người Mỹ chống phá thai, cũng như người muốn tự do phá thai, đều muốn nghe các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nói gì trong phiên tòa ngày 2 Tháng Ba, 2016 vừa qua. Nghe các câu hỏi họ đặt ra cho luật sư hai bên có thể đoán được ý của họ về điều luật “hạn chế việc phá thai” ở tiểu bang Texas đang bị kiện. Các cấp tòa dưới đã cho Texas thắng, bây giờ lên đến tòa cao nhất nước Mỹ.

Thực ra Texas không hạn chế việc phá thai, một quyền đã được Tối Cao Pháp Viện công nhận trong phán quyết vụ Roe v. Wade năm 1973. Ðiều luật của tiểu bang chỉ yêu cầu các y viện phá thai lớn nhỏ phải được trang bị đầy đủ như các bệnh viện lớn.

Nguyên đơn gồm những y viện phá thai ở Texas, họ kiện rằng việc bắt buộc các phòng phá thai phải theo các tiêu chuẩn cao hơn là điều không cần thiết. Họ coi điều luật này chỉ nhắm hạn chế bớt việc phá thai. Vì sau khi luật mới được áp dụng, trong số 40 y viện phá thai đang hoạt động một nửa đã đóng cửa vì không đủ sức trang bị theo luật mới. Cứ tiếp tục, trong tương lai sẽ chỉ còn mươi cơ sở hoạt động cho cả tiểu bang đông dân thứ nhì ở Mỹ. Do đó, bên nguyên khiếu kiện rằng quyền tự do phá thai của dân Texas đã bị hạn chế. Tối Cao Pháp Viện sẽ quyết định luật mới liên can đến phá thai tại Texas có đúng tinh thần Hiến Pháp Mỹ hay không.

Nếu đa số các thẩm phán nói không, thì Texas sẽ không được áp dụng nữa. Nếu đa số nói có, họ sẽ mở đường cho các tiểu bang khác làm các luật lệ tương tự. Ðời sống của dân Mỹ, đặc biệt các phụ nữ còn trẻ, sẽ chịu ảnh hưởng của phán quyết này.

Ðiều rắc rối là tám vị thẩm phán tối cao có thể bỏ phiếu 4 thuận, 4 chống. Tình trạng bất phân thắng bại có thể xẩy ra vì Tối Cao Pháp Viện hiện nay chỉ còn 8 thành viên, sau khi Thẩm Phán Antonin Scalia qua đời đột ngột hai tuần trước. Trong Tối Cao Pháp Viện hiện có bốn vị thẩm phán được gọi là “cấp tiến;” họ có thể thường dễ dãi với việc phá thai. Bốn vị khác, được gọi là “bảo thủ” thì ngược lại. Ông Scalia trước đây là một tiếng nói mạnh nhất trong “phe” bảo thủ.

Trong phiên tòa kéo dài 85 phút tuần này, bốn vị thẩm phán cấp tiến, trong đó có ba phụ nữ, đã đặt cho luật sư bên bị những câu hỏi như: Quý vị có bằng cớ nào chứng tỏ nếu các y viện phá thai cứ theo luật lệ cũ thì sẽ nguy hiểm cho các bệnh nhân không? Ông bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Texas công nhận rằng chỉ có 1% gây ra các biến chứng không bình thường trong số 70,000 vụ phá thai mỗi năm ở Texas. Một phần trăm là nhiều quá hay ít quá, tùy quý vị quyết định.

Ngược lại, hai thẩm phán tối cao “bảo thủ” John Roberts (chánh án) và Justice Samuel Alito (cả hai được phong nhậm thời cựu Tổng Thống Goerges Bush) đã vặn hỏi luật sư bên nguyên, yêu cầu họ đưa bằng chứng là những phòng phá thai mới phải đóng cửa chỉ vì những điều luật mới gây tốn kém, hay còn lý do nào khác? Thẩm Phán Tối Cao Clarence Thomas, một người bảo thủ nổi tiếng vì trong mười năm không nói câu nào, Thứ Tư vừa qua ông vẫn giữ im lặng, nhưng ai cũng đoán ông muốn hạn chế bớt chuyện phá thai. Còn lại, vị thẩm phán bảo thủ thứ tư là ông Anthony Kennedy. Ông đặt mấy câu hỏi cho luật sư hai bên, nhưng không ai đoán được ý ông thuận bên nào.

Ông Kennedy do Tổng Thống Reagan, Cộng Hòa bổ nhiệm năm 1988, cũng vào năm sau cùng của nhiệm kỳ thứ hai của ông Reagan, giống ông Obama năm nay. Ông được coi là bảo thủ nhưng suy nghĩ rất độc lập, đã nhiều lần bỏ phiếu giống như các vị thẩm phán cấp tiến. Về vấn đề phá thai, năm 1992, ông Kennedy đã từng bỏ phiếu thuận mở rộng thêm quyền phá thai đã được công nhận từ năm 1973. Nhưng vào năm 2007, ông lại đứng về phía ủng hộ một lệnh của chính phủ liên bang cấm phá thai quá trễ.

Các quan tòa tối cao sẽ biểu quyết và tuyên án vào Tháng Sáu. Nếu năm nay ông Kennedy bỏ phiếu giống phe cấp tiến thì Texas sẽ thua, với tỷ số 5-3. Nếu ông bỏ phiếu với phía bảo thủ thì hai bên sẽ ngang phiếu 4-4, nhiều hậu quả có thể diễn ra.

Ý kiến chia đôi 4-4, tức là tòa không có phán quyết. Như vậy thì phán quyết của tòa dưới, chấp nhận điều luật của Texas, sẽ được giữ nguyên, điều luật tiếp tục được áp dụng. Nhưng vì tòa tối cao không có phán quyết cho nên sẽ không tạo ra một tiền lệ nào để các tiểu bang khác có thể bắt chước làm theo.

Trong phiên xử tuần này, Thẩm Phán Kennedy đề nghị tỏa hoãn xét xử, sẽ đem ra xử lại khi có thêm những hậu quả thực tế do điều luật gây ra đối với phụ nữ Texas. Họ có thể hoãn đến sang năm, lúc đó sẽ chắc sẽ có thêm vị thẩm phán tối cao mới cho đủ chín người. Nếu vị thẩm phán mới có khuynh hướng cấp tiến thì ai cũng biết chắc điều luận hạn chế phá thai ở Texas sẽ không được áp dụng nữa.

Hiện có nhiều vụ kiện khác đang được Tối Cao Pháp Viện thụ án. Vị thẩm phán thứ chín sẽ đóng vai quyết định trong các vấn đề liên can đến các luật về kỳ thị chủng tộc, nghiệp đoàn, di dân, quyền bỏ phiếu, vân vân. Nếu vị thẩm phán thứ chín thuộc khuynh hướng bảo thủ, thành phần Tối Cao Pháp Viện sẽ giống như cũ, 4 cấp tiến, 5 bảo thủ, trong đó ông Kennedy có khi theo lập trường cấp tiến. Nếu vị này có khuynh hướng cấp tiến thì Tối Cao Pháp Viện sẽ nghiêng hẳn về phía cấp tiến, với tỷ số 5-4. Năm nay, Tổng thống Barack Obama chắc sẽ không đề nghị một ứng viên bảo thủ. Nhưng nếu ông đề nghị một người cấp tiến thì Thượng Viện chắc chắn sẽ không đem ra thảo luận, hoặc thảo luận rồi bác bỏ. Năm 1988, ông Reagan Cộng Hòa làm tổng thống, lúc đó Thượng Viện do đảng Dân Chủ chiếm đa số.

Ông Kennedy chỉ được chấp thuận sau khi Thượng Viện đã bác bỏ ứng viên đầu tiên là Thẩm Phán Robert Bork với tỷ số 58-42.

Vụ kiện Texas chỉ là một thí dụ cho thấy tại sao việc phong nhậm một thẩm phán tối cao mới sẽ ảnh hưởng tới cả luật pháp lẫn phong tục nước Mỹ trong những năm sắp tới. Vì thế, cả hai đảng chính trị ở Mỹ, cả hành pháp và Quốc Hội, đều đang đấu trí với nhau nhân việc bổ nhiệm vị thẩm phán thứ chín, thay thế ông Scalia.

Ngày Thứ Ba vừa qua, Tổng Thống Obama đã mời các lãnh tụ Thượng Viện đến Tòa Bạch Ốc thỉnh ý, yêu cầu họ thử đưa ra những ứng viên mà họ có thể chấp thuận. Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện xã giao, không nghị sĩ nào đưa tên ai ra cả. Cả hai đảng đều tìm cách vận động dư luận dân chúng Mỹ nhân dịp tòa án tối cao thiếu vị thẩm phán thứ chín.

Ông Obama chắc chắn sẽ đề nghị một ứng viên, ông không có cách nào khác. Thông thường, sau khi một thẩm phán tối cao qua đời hay từ nhiệm thì chỉ 120 ngày là cùng sẽ có người lên thay. Nhưng các lãnh tụ Cộng Hòa tại Thượng Viện đã báo trước họ sẽ không chấp nhận một vị thẩm phán thứ chín, trước ngày nước Mỹ co một tổng thống mới. Họ muốn nhân năm bầu cử này, các cử tri Mỹ sắp bầu tổng thống thì hãy để vị tổng thống mới chọn vị thẩm phán thứ chín.

Trong chiến lược tranh cử, trì hoãn việc phong nhậm vị thẩm phán thứ chín sẽ giúp đảng Cộng Hòa một lợi khí, khích động các cử tri bảo thủ hăng hái đi bỏ phiếu nhiều hơn. Nếu sang năm nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống Dân Chủ thì chắc vị thẩm phán thứ chín sẽ có khuynh hướng cấp tiến. Tỷ lệ 5-4 nghiêng về phía cấp tiến có thể trở thành 6-3 và sẽ kéo dài không biết đến bao giờ; khi nhìn vào tuổi tác các thẩm phán tối cao.

Từ năm 1960 đến nay, các thẩm phán tối cao qua đời hoặc từ nhiệm ở lớp tuổi trung bình là 79, đúng tuổi ông Scalia khi tạ thế. Trong năm 2017 sẽ có ba vị thẩm phán lên tới tuổi 79 hoặc cao hơn. Nếu ba vị đó qua đời hay tự ý nghỉ hưu, thì vị tổng thống lên thay ông Obama sẽ có cơ hội đề nghị một đến ba người mới. Nếu người lên làm tổng thống sang năm mà thuộc đảng Dân Chủ thì phe cấp tiến sẽ chiếm đa số trong 20, 30 năm nữa, vì các vị thẩm phán tối cao mới thường ở lớp tuổi 50!

Ðảng Cộng Hòa có thể đưa viễn tượng trên ra để kêu gọi các cử tri bảo thủ đi bỏ phiếu. Tất nhiên, đảng Dân Chủ cũng có thể lợi dụng vụ này để vận động, không khác gì đảng Cộng Hòa. Họ sẽ kích động các cử tri cấp tiến đi bỏ phiếu thật đông, để có cơ hội thiết lập một tòa án tối cao nghiêng 5-4 về phía cấp tiến, sau khi phe bảo thủ chiếm số đông từ gần ba chục năm qua. Họ có thể nhắc đi nhắc lại câu hỏi: Quý vị có muốn ông Trump là người chọn hai, ba vị thẩm phán tối cao cho 20 năm sắp tới hay không?

Cuối cùng, trong năm nay dân chúng Mỹ có dịp bỏ phiếu bầu cho cả ba ngành: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp! Vị tổng thống sắp tới có thể là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump hoặc một người khác. Thượng Viện hiện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số 54 ghế; nhưng sẽ có 24 vị nghị sĩ Cộng Hòa tới lượt phải bầu lại, bên Dân Chủ chỉ có 10 vị. Ðảng Cộng Hòa phải bảo vệ 24 ghế nghị sĩ, trong đó có bảy ghế nằm ở những tiểu bang đã bỏ phiếu cho ông Obama trong cả hai lần tranh cử 2008 và 2012!

Cái ghế trống do ông Scalia để lại khiến cho cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay càng thêm sôi nổi.






No comments: