Thursday, March 17, 2016

ĐẰNG SAU BỨC TƯỜNG CỦA THẾ GIỚI RIẾNG CHO NGƯỜI GIÀU HÀ NỘI (Hương Giang, theo The Guardian)





Hương Giang (theo Guardian)
Thứ Ba, 16/02/2016 08:00:00

Vntinnhanh.vn  -  Sự tăng trưởng mạnh mẽ của giới siêu giàu tại Việt Nam đồng nghĩa với những khoản tiền khổng lồ được đổ vào những khu tổ hợp nhà ở hiện đại. Điều này càng làm ngày càng ngăn cách người giàu với người nghèo, cũng như xây dựng một bức tường bảo vệ người giàu khỏi những vấn đề thường ngày như tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Bài viết trên báo Guardian - Anh về tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo tại Hà Nội, qua hình ảnh các bức tường ngăn cách giữa các khu đô thị mới và phần còn lại.

*
Nơi ở dành riêng cho người giàu

Một góc khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Bloomberg.

Theo Guardian, Khu Đô Thị Quốc Tế Ciputra (Ciputra International City), nằm trên một khu vực rộng 300 ha ở Tây Bắc Hà Nội. Đây từng là khu đất ruộng, nhưng nay đã chứa đầy các biệt thự, trường tư, một khu thể thao giải trí và một cửa hàng rượu vang cao cấp.

Được bao quanh bởi các bức tường bê tông dày và các cánh cổng có bảo vệ đứng gác, đây là một vương quốc riêng của những người giàu – một thiên đường cho người nước ngoài và các cá nhân thuộc giới thượng lưu ở thủ đô Việt Nam. Bên trong các cánh cổng, những con đường rộng rãi tại khu đô thị này chứa đầy xe sang, các cây cọ và các bức tượng cỡ lớn, mô tả những vị thần Hy Lạp.

Ở một khu vực khác tại phía Đông Hà Nội, hoạt động xây dựng đang diễn ra tại Ecopark, một dự án bất động sản tầm cỡ trị giá 8 tỷ USD. Dự kiến hoàn tất toàn bộ vào năm 2020, nơi này hứa hẹn sẽ mang tới cuộc sống sang trọng, biệt lập, với một trường đại học tư nhân, một khu “phố cổ” và một sân golf 18 lỗ.

Khu đô thị Ecopark. (Ảnh: VTC News)

Căn hộ rừng cọ của khu đô thị Ecopark

Giai đoạn đầu của hoạt động phát triển Ecopark, có tên Palm Springs – được đặt theo một thành phố resort nghỉ dưỡng của bang California, nổi tiếng vì các suối nước nóng, sân golf và khách sạn 5 sao – vừa mới hoàn thành.

Các cộng đồng kín cổng cao tường – các khu đô thị mới do tư nhân xây dựng, quản lý – như thế thi nhau mọc lên khắp Đông Nam Á suốt 20 năm qua. Trong cùng khoảng thời gian đó, Việt Nam đã giảm mạnh tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên bất bình đẳng vẫn tăng lên và ghi lại dấu ấn ngày càng rõ rệt tại các khu vực đô thị đang mở rộng liên tục của Việt Nam.

“Trước kia, phần lớn người ta đều nghèo. Nay thì chuyện khác rồi”, anh Lâm, 40 tuổi, người từng lớn lên tại rìa phía Tây Hà Nội, giữa một cánh đồng lúa, đào, giữa những cây quất và dừa, cho biết. Ngày hôm nay anh sở hữu một cửa hàng nhỏ chuyên bán khung tranh, nằm ngay trước nhà. Các cánh đồng đã biến mất từ lâu và ở bên kia con đường, một bức tường bê tông dày và cao đã ngăn cách nơi Lâm ở – một cuộc sống xô bồ với những chiếc xe máy chạy ngược xuôi – với tổ hợp Ciputra kín cổng cao tường và được bảo vệ tư nhân canh chừng 24/24 giờ.

Khung cảnh xa hoa tại Ciputra đối lập hoàn toàn với cuộc sống của người dân xung quanh.

“Ở bên này chỉ có dân bình thường. Bên kia là những người giàu”, bà Miên, 59 tuổi, người cũng sống cạnh Ciputra như Lâm, cho biết. Bà kiếm sống nhờ bán hàng lặt vặt gồm chè, thuốc lá, các chai nước suối và nước ngọt. Những chiếc ghế nhựa nằm rải rác bên vệ đường, trước căn nhà một gian của bà. Khi vắng khách, bà thường ngả lưng trên chiếc giường xếp đơn giản. “Ở đây chúng tôi chỉ kiếm vừa đủ tiền để sống”, bà nói tiếp.

Trên khắp Việt Nam, tỷ lệ người sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ đã giảm từ gần 60% xuống chỉ còn hơn 20% trong 20 năm qua. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng Việt Nam là một nước “thu nhập trung bình”. Đồng thời, khi Việt Nam tự do hóa nền kinh tế, số người siêu giàu đã tăng vọt. Theo một ước tính, con số người siêu giàu, với gia sản hơn 30 triệu USD, đã tăng rất mạnh trong 10 năm qua.

Thường thì khoảng cách giàu nghèo giữa người nghèo sống ở nông thôn và người thượng lưu ở thành thị luôn là lớn nhất. Tuy nhiên, người ta lại nhìn thấy khoảng cách này rõ nhất tại các thành phố, nơi người giàu và người nghèo sống ngay bên nhau. Xe đạp lướt đi bên những chiếc Mercedes cùng Range Rover. Các bức tường ngày càng vươn cao, ngăn cách những khu đô thị cao cấp với các ngôi làng, cánh đồng, các căn nhà nhỏ chỉ có một gian, được những gia đình nghèo ngăn đôi để mở quán bán chè hoặc sửa xe kiếm sống.

Một siêu xe Lamborghini tại Việt Nam phải "méo mặt" vì đi vào khu đường toàn vũng lầy. (Ảnh: Gia đình VN)

“Mối quan tâm về tình trạng bất bình đẳng sẽ tăng lên, khi ngày càng có nhiều người Việt chuyển tới sống ở đô thị và trực tiếp chứng kiến khoảng cách giữa người giàu, người nghèo“, Gabriel Demombynes, một nhà kinh tế cao cấp ở WB, tuyên bố hồi năm 2014. Hiện khoảng 8/10 dân sống ở đô thị tại Việt Nam nói rằng họ lo lắng về sự chênh lệch trong tiêu chuẩn sống ở Việt Nam, theo một cuộc khảo sát do WB cùng Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội Việt Nam thực hiện.

Khu đô thị Ecopark. (Ảnh: VTC News)http://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg

Những vết nứt bất bình đẳng

Hà Nội là một thành phố cổ, có lịch sử kéo dài. Năm 2010, nơi này đã kỷ niệm 1.000 năm thành lập. Nhưng nay đã có những kế hoạch giãn dân khu phố cổ, với các tuyến phố nổi tiếng như Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Gai, thông qua việc đưa hàng ngàn người dân phố cổ đi nơi khác vào năm 2020.

Tại những vùng ngoại ô Hà Nội, các tòa chung cư cao cấp đang mọc lên và nhiều kế hoạch phát triển khu đô thị lớn đang xóa dần các ruộng lúa. Trên khắp thành phố, nhiều khu nhà tập thể ngày xưa đang bị phá đi và thay thế chúng bằng các khu nhà ở cao cấp. Trong trung tâm thành phố, các cô gái trẻ trong độ tuổi đôi mươi khoe ra những chiếc Vespa mới cáu cạnh của họ, khi thảnh thơi ngồi thưởng thức đồ uống trong các quán cà phê thời thượng.

Những khu nhà cao tầng đang dần mọc lên thay thế ruộng lúa ở ngoại ô Hà Nội. (Ảnh: Báo xây dựng)

Lisa Drummond, một giáo sư nghiên cứu đô thị ở Đại học York tại Toronto, Canada, đã nghiên cứu Hà Nội trong nhiều thập kỷ. Bà nói rằng “vết nứt bất bình đẳng đã bắt đầu hình thành” giữa người nghèo và người giàu trong thành phố. Sự phát triển của các khu đô thị như Ciputra và Ecopark đã phản ánh những sự bất bình đẳng ấy.

“Các khu đô thị này đưa một nhóm người tách ra khỏi các hoạt động thường nhật của thành phố“, Drummond nói. “Chúng rút nhóm người ấy khỏi khung cảnh chung đô thị, đưa họ ra phía sau những bức tường, cho họ có những nơi ở riêng tư, trong những không gian sinh thái. Bởi vì phải có tiền mới vào được trong các không gian đó nên cũng chỉ người có tiền mới được sống tại các không gian như thế”.

Quả thực, đằng sau các bức tường của khu Ciputra là những căn biệt thự được sơn màu be, nằm giữa những khu vườn riêng xanh mướt. Giá thuê nhà ở đây cao nhất ngưởng, có thể tới 4.200 USD mỗi tháng. Đây là một thế giới biệt lập, một nơi đầy các tòa nhà mô phỏng kiến trúc Hy Lạp, sân tennis, cửa hàng làm đẹp và cả một bưu điện riêng. Trường quốc tế LHQ chuyển về đây từ năm 2004, theo sau 2 ngôi trường tư khác và một nhà trẻ tư. Hiện một siêu thị cỡ lớn và một bệnh viện thuộc sở hữu tư nhân đang được xây dựng.

Khu biệt thự và nhà ở cao cấp Ciputra tách riêng một bộ phận người giàu Hà Nội khỏi phần còn lại của thành phố.

Được khởi công xây dựng từ đầu những năm 2000 để chứa 50.000 người, Ciputra là “tổ hợp khu đô thị mới” đầu tiên của Hà Nội và là dự án hải ngoại đầu tiên của Tập đoàn Ciputra – một tập đoàn Indonesia được đặt theo tên tỷ phú sáng lập, chuyên phát triển các khu bất động sản quy mô lớn và các khu đô thị thuộc sở hữu tư nhân.

Được thiết kế để cư dân sống tại đây gần như không cần phải đi đâu, hay giao tiếp với thế giới xung quanh, công ty nói rằng khu đô thị này mang tới trải nghiệm sống, kinh doanh, mua sắm, nghỉ dưỡng và giải trí tuyệt vời, tại một vị trí đắc địa. Ngày hôm nay, đây chỉ là một trong số các cộng đồng dân cư cao cấp nằm trong và quanh thành phố.

Bà Danielle Labbé, giáo sư quy hoạch đô thị ở Đại học Montreal, đã theo dõi hoạt động bùng nổ của cái gọi là "các khu đô thị mới" ở Hà Nội trong nhiều năm. Bà ước tính rằng có khoảng 35 dự án như thế đã hoàn tất ở Hà Nội và khoảng 200 dự án khác đang ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Labbé cho biết không phải tất cả các dự án này đều thuộc loại kín cổng cao tường. Ngoài ra, đa phần chúng không to lớn như Ciputra hay Ecopark. Tuy nhiên các dự án này đều chia sẻ cùng một đối tượng khách hàng: những người giàu nhất, sống ở Hà Nội. "Thực tế là các dự án này, gồm cả nhà ở và môi trường sống kèm theo, về cơ bản đều nằm ngoài tầm với của đại đa số dân," Labbé nói.

ại đa số người dân không thể với tới những khu căn hộ hạng sang thế này. (Ảnh: IDP Travel)

Môi trường sống lý tưởng cho người có tiền

Các nhà phát triển bất động sản và đầu tư trên thế giới đã luôn đổ hàng tỷ đô la vào các cộng đồng kín cổng cao tường và những kế hoạch phát triển bất động sản cao cấp tham vọng. Tại Tây Ấn Độ, Lavasa là một dự án quy mô, trị giá 30 tỷ USD, nhằm xây dựng thành phố tư nhân đầu tiên. Từ Punta del Este ở Uruguay tới Bangkok, Thái Lan, các cộng đồng cao cấp đang xuất hiện liên tục tại nhiều thành phố, nằm trên mọi châu lục.

Nhưng trong khi mối quan ngại về an ninh là động cơ khiến người giàu sống sau tường cao ở nhiều nước Nam Mỹ và vùng cận Sahara của châu Phi, tại Hà Nội, các khu đô thị mới lại được quảng bá như những vương quốc “tiện nghi và đầy khí sạch”, tránh xa tình trạng ô nhiễm không khí và hoạt động tắc nghẽn giao thông tại thành phố.

Trong ngày tồi tệ nhất ở Hà Nội, khói bụi bao phủ khắp nơi. Những người bán hàng rong thi nhau chào bán các tấm khẩu trang nhiều màu sắc. Hàng triệu chiếc xe máy và vô số chiếc ô tô thi nhau bóp còi inh ỏi, nẹt pô um xùm. Đi bộ qua phố có thể là một trò mạo hiểm, đặc biệt là với trẻ em hoặc người già. Ngoài ra còn phải kể tới nỗi lo rằng tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe mỗi người.

Cảnh giao thông thường ngày tại Hà Nội

Theo quan sát của phóng viên Guardian, trong một buổi chiều của ngày lao động bình thường, xe cộ đi lại như mắc cửi bên ngoài khu đô thị Ciputra, nhưng bên trong không gian hoàn toàn yên tĩnh. Những người bán rong không được vào đây và âm thanh duy nhất của cuộc sống là tiếng trẻ em chơi đùa trong sân của một ngôi trường tư thuộc khu đô thị này.
Ở rìa phía Tây Hà Nội, Ecopark cũng quảng bá về việc có môi trường sống hài hòa hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên, gồm rất nhiều không gian mở nơi cư dân và gia đình có thể đi bộ hoặc ngồi dưới một tán cây và vui hưởng thiên nhiên.

Ở rìa phía Tây Hà Nội, Ecopark cũng quảng bá về việc có môi trường sống hài hòa hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên, gồm rất nhiều không gian mở nơi cư dân và gia đình có thể đi bộ hoặc ngồi dưới một tán cây và vui hưởng thiên nhiên.

Khu đô thị này được phát triển bởi công ty phát triển và đầu tư đô thị Việt Hưng, một doanh nghiệp do vài công ty bất động sản góp vốn tạo thành. Ecopark là một dự án quy mô lớn, nằm trên diện tích đất rộng tới 500 ha. Được thiết kế để phát triển hoàn chỉnh vào năm 2020, Ecopark hiện vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, với cộng đồng Palm Springs hiện đã hoàn thành, chứa 500 biệt thự, 1.500 căn hộ và 150 cửa hàng.

Dần dần, khu đô thị mới này sẽ có các khu vực biệt lập nhưng kết nối với nhau, bao gồm một cộng đồng kiểu resort, mang tới các tiện nghi và tiêu chuẩn sống cao nhất, gồm nhiều bể bơi, sân tennis và trung tâm mua sắm thời thượng. Đại học Anh tại Việt Nam hiện cũng đang xây dựng một giảng đường trị giá 70 triệu USD và trường có thể đón nhận 7.000 sinh viên theo học.

Người bán hàng rong tại Hà Nội (ảnh: Getty Images)

Trong một ngày buổi chiều bình thường, cuộc sống trong Ecopark khá yên tĩnh. Bảo vệ tuần tra trên phố còn nhiều hơn là khách bộ hành. Phía sau các bể bơi và thảm cỏ xanh mướt, một cửa hàng vắng khách trưng ra một cây đèn trang trí phòng khách có giá tới gần 2.000 USD, tức hơn 10 lần mức lương tháng tối thiểu cho một lao động ở Việt Nam.

Trong một quán cà phê nhỏ nằm ngay bên trong các cánh cổng của Ecopark, 3 người đàn ông chịu trách nhiệm quản lý công nhân cho một nhà thầu ở đây nói rằng họ sẽ dọn tới Ecopark nếu có tiền. “Đây là nơi ở rất dễ chịu. Môi trường tuyệt vời. Người dân thân thiện. Dịch vụ tốt. Chúng tôi làm việc ở đây và hy vọng ngày nào đó có đủ tiền để mua nhà ở đây”, anh Hải, 38 tuổi, chia sẻ.

Nhưng với không ít người Việt Nam, sống ở Ecopark vẫn là giấc mơ ngoài tầm với.

Những hệ lụy của các khu đô thị mới

Ngoài ra, việc phát triển các khu đô thị này cũng để lại nhiều vấn đề. Nhiều cộng đồng đã phản đối việc họ chỉ được đền bù ít, cho các mảnh đất đã bị thu hồi để phục vụ phát triển công nghiệp quy mô lớn hoặc phát triển bất động sản.

Người dân từng bị cưỡng chế di dời khỏi khu đất nay là khu đô thị Ecopark. (Ảnh: VnExpress)

Ngoài ra, bà Labbé nói rằng những người bị thu hồi đất cũng có rất ít cơ hội việc làm trong các dự án đô thị mới. “Những dự án này không có kế hoạch tạo ra nhiều việc làm, ngoài các nghề giúp việc, vốn không phải là dạng công việc mà dân làng và con cái họ muốn làm”, bà Labbé nhận xét.

Ciputra và Ecopark không trả lời câu hỏi của phóng viên Guardian về việc hoạt động phát triển bất động sản của họ tác động ra sao tới các cộng đồng và địa phương và thành phố nói chung.

Có thể thấy rằng các cộng đồng dân cư cao cấp như thế vẫn sản sinh ra rất nhiều tiền và việc chăm lo cho những người giàu có đã khiến vài người Việt trở nên giàu có hơn. Khi Forbes Việt Nam đi vào hoạt động hồi năm 2014, một trong những số báo đầu tiên của tạp chí là viết về tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng. Gia sản ước tính 1,9 tỷ USD của ông có một phần lớn nằm trong Vingroup, một trong những công ty phát triển bất động sản cao cấp lớn nhất Việt Nam. Tại Hà Nội, Vingroup sở hữu khá nhiều khu đô thị cao cấp như Royal hay Time City.

Ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đô la duy nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Forbes)

Và không chỉ ở thủ đô Việt Nam mới có sự xuất hiện mạnh của nhiều khu đô thị cao cấp. Dọc theo đất nước hình chữ S này, hoạt động xây dựng nhà ở cao cấp cũng đang bùng nổ. Cụ thể, các tập đoàn bất động sản Keppel Land và Banyan Tree Holding của Singapore, Lotte (Hàn Quốc), Sun Wah Group (Hong Kong) đang đầu tư phát triển bất động sản lớn ở Việt Nam. Công ty Rose Rock của Mỹ thì đang phát triển một tổ hợp bất động sản trị giá 2,5 tỷ USD nằm dọc theo bờ biển Đông Nam Việt Nam.

Labbé cho biết sự bùng nổ này hình thành nhờ hai sự thay đổi luật chính: Luật đất đai mới ban hành vào năm 2003 và một nghị định ra năm 2007, cho phép địa phương quản lý sử dụng đất đai. Năm ngoái, Việt Nam tiếp tục thay đổi quy định, áp dụng các chính sách mới khuyến khích kiều bào đầu tư vào bất động sản. Những điều này có thể khiến xu hướng bùng nổ phát triển bất động sản tiếp tục gia tăng ở Việt Nam.

Trở lại khu vực bên cạnh Ciputra, Lâm nói rằng thi thoảng anh có kiếm được vài việc vặt từ những người sống trong khu đô thị. Trên bàn anh là 3 bức tranh với gam màu sáng, được để trong khung làm từ gỗ màu đen trông rất đẹp – những mặt hàng cho các vị khách sống trong Ciputra. Nhưng anh nói rằng hiếm khi mới có người đặt mình làm việc như thế.

“Người giàu, người nước ngoài thường tới các siêu thị lớn và hào nhoáng. Chúng tôi sống ngay cạnh, nhưng chẳng nhiều người (từ Ciputra) lai vãng tới đây“, anh nói. “Tôi vẫn kiếm đủ sống nên chẳng suy nghĩ nhiều về chuyện này. Nhưng đúng là một số người quá giàu, còn một số thì quá nghèo”.

Hương Giang (theo Guardian)

*
Inside Hanoi's gated communities: elite enclaves where even the air is cleaner





No comments: