Thursday, March 17, 2016

TÂN CHÍNH PHỦ MIẾN ĐIỆN VỚI NHIỀU KỲ VỌNG & CHÔNG GAI (Trọng Nghĩa - RFI)





Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày 16-03-2016 

Miến Điện đã có tân tổng thống từ hôm qua, 15/03/2016, nhưng chưa có chính phủ mới, mà phải chờ đến ngày 30/03 tới đây. Các cuộc thương thảo hậu trường đang được ráo riết tiến hành để xem ai sẽ nắm bộ nào, nhưng theo nhận định chung của giới quan sát, chính phủ dân sự thực thụ đầu tiên từ hàng chục năm nay của Miến Điện đang được mong đợi với nhiều kỳ vọng từ phía người dân, nhưng cũng phải vượt qua không ít cản lực, đặc biệt trong guồng máy hành chánh.

Về mặt chính thức, một trong những ưu tiên mà chính quyền do đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đặt ra là tinh giản lại guồng máy hành chánh, từng bao gồm đến 36 bộ dưới thời chính quyền tiền nhiệm, nổi tiếng là một mê hồn trận, nơi ngự trị của tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả.

Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm qua, một quan chức cấp bộ xin giấu tên đã thừa nhận : «Chúng tôi hoàn toàn không biết là những gì sẽ xảy ra với chúng tôi, chúng tôi không có nhận được bất kỳ một sự hướng dẫn rõ ràng nào ».

Một số nguồn tin trong đảng sắp cầm quyền cho biết là nhiều thành viên cao cấp trong đảng đã họp riêng với nhau vào hôm nay để thảo luận về kế hoạch tinh giản bộ máy hành chánh dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai.

Đối với AFP, từ năm 2011 đến nay, Miến Điện đã thay da đổi thịt hẳn sau hàng thập niên bị cô lập dưới thời chế độ quân sự. Các cải tổ thực hiện dưới thời chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Thein Sein được quân đội hậu thuẫn, đã giúp đất nước này gỡ bỏ được hầu hết cấm vận của phương Tây, và thu hút giới đầu tư và du khách.

Một ví dụ rất cụ thể là số du khách ngoại quốc đến Miến Điện, từ không đầy một triệu vào năm 2011, đã tăng vọt lên thành 4,7 triệu vào năm ngoái 2015. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng gia tăng, dự kiến đạt mức 8% trong năm nay.

Vấn đề đối với Miến Điện tuy nhiên vẫn là guồng máy hành chánh, nổi tiếng là quan liêu, một môi trường nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng và tạo điều kiện cho một nền kinh tế chợ đen phát triển.

Chuyên gia Rajiv Biswas, của trung tâm nghiên cứu IHS Global Insight, cho biết những rào cản dựng lên trên đường đi của tân chính phủ Miến Điện rất lớn, vì đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ hoàn toàn « thiếu kinh nghiệm quản lý ».

Trong bối cảnh đó, ưu tiên hàng đầu tại Miến Điện phải là cải tạo bộ máy hành chánh, dịch vụ công ích. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là dù chưa hình thành, nhưng chính phủ của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã bị trói tay, với ngân sách cho năm nay đã được quốc hội do quân đội hậu thuẫn thông qua hồi tháng Giêng.

Chi tiết về ngân sách này không được loan báo, nhưng mới đây, giới bác sĩ chẳng hạn, đã phàn nàn với báo chí là ngân sách cho ngành y tế thường xuyên không đủ, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết.

Cản lực thứ hai đến từ quân đội, vẫn nắm giữ một phần tư số ghế quốc hội và ba bộ phụ trách an ninh : Nội Vụ, Quốc Phòng, Biên Giới. Quân đội cũng giám sát cục Quản Lý Hành Chánh, một cơ chế theo dõi công chức từ trung ương đến địa phương.

Do vậy, thành bại của tân chính quyền Miến Điện sẽ tùy thuộc vào quan hệ giữa đảng cầm quyền Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ với Quân Đội Miến Điện.

Dẫu sao thì cho đến lúc này, công việc chuyển giao quyền hành từ chính quyền thoát thai từ Quân Đội sang chính quyền dân sự đã diễn ra suôn sẻ, trái với kịch bản năm 1990, khi chiến thắng áp đảo của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ trong cuộc bầu cử đã bị giới quân sự thủ tiêu.

Thái độ hợp tác của Quân Đội Miến Điện lần này đã làm dấy lên hy vọng về khả năng tân chính quyền sẽ cải thiện được đất nước.

*


-------------------------

VietNamNet
15/03/2016  14:50 GMT+7

Quốc hội Myanmar vừa chọn ông Htin Kyaw làm Tổng thống mới, chính thức khép lại nhiều thập niên cầm quyền của quân đội nước này.

Hãng tin CNN đưa tin, cuộc bầu chọn sáng nay (15/3) mang về cho ông Kyaw 360 phiếu, chiếm hơn 1/2 trong tổng số 652 ghế tại quốc hội. Chính trị gia vốn là nhà văn này được cho là sẽ hành động như một người ủy nhiệm của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Ông Htin Kyaw. (Ảnh: Reuters)

Bà Suu Kyi không thể nắm giữ chức tổng thống theo quy định của Hiến pháp Myanmar bởi có chồng và hai con trai mang quốc tịch Anh. Trước đó, bà Suu Kyi đã tuyên bố sẽ "cao hơn cả Tổng thống".

Hai ứng viên khác mà quân đội và Thượng viện đề cử là Khin Aung MyintHenry Van Thio sẽ lần lượt làm Phó Tổng thống thứ nhất và Phó Tổng thống thứ 2.

Với kết quả bầu cử hôm nay, ông Htin Kyaw chính thức trở thành nhà lãnh đạo dân sự hoàn toàn đầu tiên của Myanmar trong 54 năm qua.

Ông Htin Kyaw xuất thân từ gia đình giàu truyền thống chính trị và được mô tả là một người chính trực. Tuy nhiên, rất ít người biết về ông.

Htin Kyaw là một đồng minh thân cận của bà Suu Kyi. (Ảnh: AP)

Năm nay 70 tuổi, ông là một đồng minh tin cậy của bà Suu Kyi, luôn bên cạnh bà kể cả lúc bà ngồi tù lẫn khi dẫn dắt NLD tới chiến thắng bầu cử lịch sử. Ông thường xuyên sát cánh cùng bà Suu Kyi, thậm chí có lúc làm tài xế riêng cho bà.

Ông Htin Kyaw nắm trong tay bằng Thạc sĩ kinh tế của trường Đại học Yangon năm 1962 và có thời gian làm việc tại Bộ Tài chính. Ông cũng từng học tại Đại học Oxford.

Theo hãng tin BBC, tân Tổng thống Myanmar được mô tả là người phong cách trầm tĩnh, mềm mỏng và có uy tín rất cao vì đức tính trung thành, trung thực.

Bố ông, nhà thơ Min Thu Wun và là một học giả uy tín tại Yangon, từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1990.

Vợ của ông Htin Kyaw tên là Su Su Lwin. Bà Lwin là một nhà lập pháp của NLD ở Hạ viện.

Bản thân ông Kyaw tham gia vào các hoạt động chính trị là nhờ bố vợ của mình, U Lwin, một trong những thành viên sáng lập ra NLD và giữ chức Thư ký của đảng này. Trước đây ông U Lwin từng đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Myanmar.

Ông Htin Kyaw là thành viên Ủy ban Điều hành trung ương của NLD và đóng vai trò lớn trong điều hành Quỹ Daw Khin Kyi, quỹ từ thiện mang tên mẹ bà Suu Kyi.

Thanh Hảo

------------------








No comments: