Thursday, March 17, 2016

VIỆT NAM ĐI VỀ ĐAU SAU ĐẠI DỘI ĐẢNG 12 ? (Thụy My - RFI)





Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 16-03-2016 

« Chiến lược mở cửa kinh tế trong chủ trương Đổi Mới được khẳng định. Sau Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản, Việt Nam đi về đâu ? ». Câu hỏi này được nhật báo cộng sản L’Humanité đặt ra với hai nhà nghiên cứu trên mục tranh luận của số báo hôm nay 16/03/2016. Đó là giáo sư Pierre Journoud chuyên về lịch sử đương đại của trường đại học Paul-Valéry Montpellier III, và ông Benoît de Tréglodé, giám đốc chương trình châu Á của Irsem, thuộc Học viện Quân sự Pháp.

Thay đổi trong sự kế tục, đó là nhận xét của giáo sư Pierre Journoud. Trong khi nước Pháp đang bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống, Việt Nam đang tổng kết lại Đại hội Đảng lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20 đến 28/01/2016, hơn 80 năm sau Đại hội đầu tiên tổ chức tại Quảng Đông. Một tuần lễ thương lượng gay go để bầu lại 180 ủy viên trung ương và 19 ủy viên Bộ Chính trị.

Không hẳn thân Tàu hay Mỹ, mà thực dụng
Sự rút lui đã được định trước của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì ông ta chủ trương quan hệ chặt hơn với phương Tây và Hoa Kỳ đồng thời được cho là kiến trúc sư của Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đánh dấu sự thất bại của các nhà cải cách ? Ngược lại, thắng lợi của đối thủ Nguyễn Phú Trọng – tiếp tục giữ chức tổng bí thư trong khi được cho là thân Trung Quốc, có phải là chiến thắng của phe bảo thủ, có thể làm ảnh hưởng đến cải cách kinh tế và xích lại gần hơn với Hoa Kỳ ?

Nhưng theo ông Pierre Journoud, nếu đơn giản hóa những bất đồng về các vấn đề nhạy cảm, cú sốc tham vọng và tương quan lực lượng vốn đi kèm với mọi sự tranh giành quyền lực ; thành một sự đối đầu giữa hai phe chống và thân Trung Quốc hay Mỹ, là chưa biết hết về tính thực dụng của hai nhà lãnh đạo trên.

Ông Trọng rốt cuộc đã đồng tình với việc ký kết TPP, trước khi tiến hành chuyến viếng thăm lịch sử tháng 5/2015 - lần đầu tiên Hoa Kỳ tiếp đón thượng khách chính thức là một tổng bí thư đảng. Còn ông Dũng đã đón tiếp nồng hậu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2015, làm dịu nhẹ đi những tuyên bố công khai chống Tàu rất cứng rắn của ông, khi Bắc Kinh cho đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trên thềm lục địa Việt Nam, ở ngoài khơi Hoàng Sa.

Đó cũng là đã đánh giá thấp sự thăng bằng tinh tế trong cơ cấu ban lãnh đạo mới. Đại hội 12 đã tái khẳng định sự cần thiết phải duy trì sự độc tôn của Đảng Cộng sản và tăng cường kiểm soát, với việc giao những chức vụ quan trọng cho các nhân vật trong Bộ Công an hay cựu ủy viên Bộ Chính trị, như tướng Ngô Xuân Lịch, tân bộ trưởng Quốc phòng. Tuy vậy vẫn đảm bảo đối trọng : duy trì những nhân vật có nỗ lực hiện đại hóa kinh tế và quân sự của Việt Nam cũng như đa dạng hóa quan hệ ngoại giao như và quốc phòng, như ngoại trưởng Phạm Bình Minh và thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.

« Đổi Mới » là không thể đảo ngược
Nhất là chiến lược « Đổi Mới » (bằng tiếng Việt trong nguyên văn) và mở cửa kinh tế được liên tục theo đuổi từ sau Đại hội 6 năm 1986, dường như được đồng thuận khá cao, đủ để không thể quay ngược lại trong ngắn hạn và trung hạn. Và tại sao lại phải thay đổi ?
Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng kỷ lục ở châu Á, và đã bắt đầu tái định hướng về phía nhu cầu nội địa. Chưa bao giờ Việt Nam thu hút được đầu tư ngoại quốc nhiều như thế. Chính sách đa phương hóa về ngoại giao được kích hoạt từ thập niên 90, rồi đến đối tác quốc phòng trong những năm 2000, đã đưa Việt Nam lên hàng nhân tố có trách nhiệm và được tán tỉnh, dù tồn tại những khuyết điểm và nghịch lý (tham nhũng, trấn áp các nhà ly khai…). 

Trước một Trung Quốc - mà các yêu sách tối đa ở Biển Đông đã đụng chạm đến khát vọng của Việt Nam và đang trở thành người cạnh tranh duy nhất với Hoa Kỳ - không có chiến lược nào tốt hơn cho Hà Nội : không theo bên nào cả, lại càng không nên chống lại một trong hai đại cường trên, mà phải giao du với cả hai.

Các nhà lãnh đạo được bầu lên từ Đại hội 12 cũng không có ý định thay đổi sự thăng bằng đã được thận trọng thiết lập trong khuôn khổ chính sách ngoại giao linh hoạt, đa phương và khéo léo ; mà họ biết rằng phạm vi can thiệp bị hạn chế trước tham vọng của Trung Quốc và sự căng thẳng Mỹ-Trung, cũng như sự nôn nóng ngày càng tăng lên của xã hội dân sự mới được hình thành.

Giáo sư Pierre Journoud kết luận, khẩu hiệu « Thay đổi trong sự kế tục » như của cựu tổng thống Pháp Georges Pompidou khi tranh cử để lên thay tướng De Gaulle năm 1969, sẽ là chủ đạo, dù có phải biến tấu đi một ít.

Đảng Cộng sản Việt Nam có còn là một đảng mác-xít ?
Còn chuyên gia Benoît de Tréglodé đặt câu hỏi : Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) liệu vẫn là một đảng mác-xít ? Ông nhận xét, tại Việt Nam người dân chẳng còn quan tâm mấy đến tính mác-xít của đảng. Theo dòng lịch sử, những tuyên bố của ĐCSVN chất chứa nhiều bối cảnh chiến tranh và địa chính trị khác nhau.

Nghiên cứu về Việt Nam, nhà sử học phải đặt câu hỏi về những giai đoạn quan trọng trong việc phổ biến một ý thức hệ được nhập cảng vào một đất nước nhỏ bé đang có chiến tranh, nằm cách xa Liên Xô. Việc tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lê với cấp độ cao nhất tại Việt Nam dựa trên một sự diễn dịch Trung Quốc hóa, hay nói cách khác là « Khổng giáo hóa » một ý thức hệ nhập khẩu từ phương Tây.

Tác giả dẫn ra ba văn bản chính yếu để tạo ra « chủ nghĩa mác-xít theo kiểu Việt Nam ». Đó là « Đề cương văn hóa Việt Nam » do Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương công bố năm 1943, và hai cuốn sách của tổng bí thư Trường Chinh. Cuốn thứ nhất ra đời năm 1947 mang tên « Kháng chiến nhất định thắng lợi », và cuốn thứ hai năm 1948, « Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam ».

Hai cuốn sách trên có xuất xứ từ tác phẩm « Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản » do Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) phổ biến trong hội nghị của Viện Mác-Lê ở Diên An tháng 7/1937. Trước tác này đã trở thành sách gối đầu giường cho công tác đào tạo đảng viên cộng sản Trung Quốc, gợi hứng cho các tác giả Việt Nam.

« Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản » là cơ sở cho sự chuyển đổi chủ nghĩa mác-xít nhằm thích ứng với cơ cầu văn hóa Khổng giáo truyền thống. Lưu Thiếu Kỳ khoác cho chủ nghĩa mác-xít một lý tưởng đạo đức. Ngay từ thập niên 40, chủ nghĩa Mác-Lê tại Trung Quốc và Việt Nam dần dà trở thành một hệ tư tưởng tập trung vào vấn đề đạo đức.

Chủ nghĩa Mác-Lê không có khái niệm « đạo đức cách mạng » 
Các bài viết của các nhà tư tưởng lớn Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Vũ Khiêu liên tục nêu ra khái niệm « đạo đức cách mạng ». Trong thập niên 50, việc nghiên cứu chủ nghĩa mác-xít tại Việt Nam cũng là nghiên cứu các phẩm chất về trí thông minh và đạo đức của Mác và Lênin. « Cuộc sống, hành động và phẩm chất của các khuôn mặt mác-xít, bên cạnh đó là những người hùng của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phải trở thành tiêu chuẩn học tập về đạo đức của toàn thể nhân dân ».

Tuy vậy lý thuyết mác-xít cổ điển, nhất là với Lênin, ít nói đến mặt đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lê. Đối với Mác, xã hội cộng sản lý tưởng dựa trên việc phát triển lực lượng sản xuất, còn Lênin nhấn mạnh đến sự quan trọng của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Cả Mác lẫn Lênin và Stalin, không có ai cho rằng việc tiến lên chủ nghĩa cộng sản phải đi kèm với đạo đức hóa giai cấp vô sản.

Tại Việt Nam, những người cộng sản ngay từ đầu đã tìm kiếm trong chủ nghĩa Mác-Lê phương tiện để giáo dục đạo đức cho nhân dân, nhằm thành lập một « chính phủ lý tưởng »để giải phóng đất nước khỏi ngoại bang xâm lược. Và bốn mươi năm sau đó, khi tái hòa nhập cộng đồng quốc tế trong thập niên 90, đảng cũng đi theo lôgic này. ĐCSVN rao giảng các giá trị đạo đức của tư tưởng Hồ Chí Minh, các nguyên tắc của chính phủ tân Khổng giáo, ái quốc và được nhiều người thông cảm.

Trong một đất nước vừa ra khỏi 15 năm căng thẳng với nước Trung Quốc cộng sản và không còn viện trợ của đất nước Liên Xô đã tan rã, ĐCSVN đã nhẹ nhàng chọn lựa thích ứng với bối cảnh quốc tế mới, và mục đích hàng đầu là không mất đi chút quyền lực nào trong chính phủ.

Rút khỏi Syria : Nước cờ cao của Putin
Luật Lao động sửa đổi, chi tiêu công, cuộc chiến giữa ngành thuế và Bộ Kinh tế Pháp về các tài khoản tiết kiệm, trí tuệ nhân tạo, nạn ấu dâm…là những đề tài khác nhau trên trang nhất các nhật báo lớn Paris hôm nay. Tuy nhiên việc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Syria là chủ đề được tất cả các báo Pháp quan tâm.

L’Humanité chạy tựa trang đầu « Nga rút khỏi Syria, cơ hội cho một giải pháp chính trị ». Ở trang trong, đặc phái viên của tờ báo tại Damas cho rằng quyết định này đã thay đổi tương quan lực lượng tại Syria.

Tương tự, La Croix nhận định Nga tự cho đã « hoàn thành nhiệm vụ », và việc rút quân từng phần này có thể giúp khởi động cuộc thương lượng gay go ở Genève giữa chế độ Assad và phe nổi dậy. Còn Le Figaro nhận xét « trò chơi của Putin đã tác động đến Assad » : việc Matxcơva bắt đầu rút quân đã làm đậm nét thêm một loạt những xích mích giữa tổng thống Syria và người bảo hộ ở điện Kremli.

Trong bài phân tích mang tên « Một bước ngoặt mới trong cuộc xung đột », Le Figaro nhắc lại bước ngoặt trước đây khi ông Barack Obama đột ngột bỏ rơi đồng minh Pháp, từ chối tấn công chế độ Assad vào phút chót dù tổng thống Syria đã vượt qua lằn ranh đỏ là sử dụng vũ khí hóa học. Với quyết định trên, ông Vladimir Putin đã chứng tỏ sự chủ động với lá bài Syria hơn phía Mỹ.

Le Monde có bài điều tra độc quyền mang tựa đề « Gián điệp, quân thánh chiến và sự do dự chết người của CIA ở Syria ». Còn Direct Matin nhận xét, quyết định rút quân mang lại nhiều lợi ích cho tổng thống Nga. Vừa chứng tỏ được thiện chí trước phương Tây, vừa là lời cảnh báo cho Assad, ông Putin còn khỏi phải chi tiêu quân sự khổng lồ trong thời buổi suy thoái. « Thành công » tại Syria là công cụ tuyên truyền đối với người dân Nga, và quyết định rút quân còn giúp tránh được sự trả thù của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.




No comments: