Sunday, October 18, 2015

Trung Quốc chiêu dụ Đông Nam Á (Người Việt Online)





Người Việt Online
Sunday, October 18, 2015 4:05:59 PM

Bài liên quan




BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - Tại Diễn Đàn Hương Sơn lần thứ sáu tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc vừa đưa ra một đề nghị nhằm phát triển sự hợp tác về an ninh và quốc phòng với ASEAN.

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã giới thiệu Diễn Đàn Hương Sơn, hội nghị không chính thức giữa các bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc và ASEAN (một hoạt động của diễn đàn) như các cơ chế mới mà Trung Quốc muốn thay thế cho những cơ chế hiện có, vốn đang giúp Hoa Kỳ hình thành các liên minh tại Châu Á.

Tướng Thường Vạn Toàn, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, nhấn mạnh, gia tăng hợp tác đa lĩnh vực an ninh, quốc phòng, chống hải tặc, chống khủng bố, hoạt động nhân đạo và giải quyết bất đồng sẽ hỗ trợ việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN.

Để chứng minh thiện chí, Trung Quốc đề nghị ASEAN cùng luyện tập chung về việc thực hiện các quy tắc ứng xử khi diễn ra những vụ đối đầu ngoài dự kiến trên biển, cũng như tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ thiên tai ở Biển Đông.

Lần này, các viên chức quốc phòng đại diện Trung Quốc không nói đến chuyện Biển Đông là “sân riêng” hay là “ao nhà” của mình như các viên chức ngoại giao Trung Quốc liên tục khẳng định trong thời gian vừa qua.

Thậm chí, một vị tướng tên là Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, còn phân tích nhằm chứng minh, chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp xong ở quần đảo Trường Sa, không những không gây phương hại cho tự do lưu thông mà còn rất hữu ích cho hoạt động hàng hải.

Vị tướng này nói thêm là Trung Quốc không bao giờ sử dụng vũ lực một cách cẩu thả, ngay cả khi có bất đồng về chủ quyền và đã làm hết sức để tránh xung đột.

Tướng Phạm Trường Long dẫn việc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa như một bằng chứng về thiện ý của Trung Quốc: Cung cấp dịch vụ hàng hải cho tất cả các quốc gia cùng hưởng dụng.

Hai hải đăng vừa kể được xây dựng trên hai đảo nhân tạo Châu Viên và Gạc Ma, vốn là hai bãi đá mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988. Riêng tại Gạc Ma, Trung Quốc đã thảm sát 64 người lính hải quân của CSVN.

Chưa kể việc Trung Quốc đơn phương bồi đắp bảy bãi đá tại quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo đã khiến cho tình hình trong khu vực Biển Đông trở thành hết sức căng thẳng, cộng đồng quốc tế cảm thấy bất an và vì Trung Quốc không ngưng xây dựng tại những đảo nhân tạo này, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đưa chiến hạm vào sâu trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo đó nhằm chứng minh tự do hàng hải ở Biển Đông là bất khả chiếm đoạt.

Hiện ASEAN chưa có ý kiến chính thức về các đề nghị của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với đề nghị cùng Trung Quốc “luyện tập chung” trên Biển Đông, một sĩ quan chỉ huy hải quân Philippines nói với Reuters là Manila sẽ hoan nghênh đề nghị này nếu Bắc Kinh tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế kiểm chứng xem có đúng là những công trình mà Trung Quốc đã và đang xây dựng trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa chỉ phục vụ những mục đích thuần túy dân sự hay không. Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia thì bảo rằng, cách tốt nhất để xóa bỏ mọi lo ngại là sớm hoàn tất và thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (COC).


ASEAN đã từng đề cập đến COC từ năm 1996, đặc biệt là từ khi tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc với bốn quốc gia thành viên của khối này là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei càng lúc càng căng thẳng.

ASEAN liên tục hối thúc sớm hoàn tất COC để tránh xung đột, nhưng Trung Quốc đã tìm mọi cách để trì hoãn. (G.Đ.)







No comments: