Thursday, October 22, 2015

Tố Hữu – nhà văn hóa dân tộc ? (FB Nguyễn Văn Tuấn)






Nhiều khi đọc báo Việt Nam bắt gặp những bài làm tôi (và có lẽ các bạn) … nhăn mặt. Chẳng hạn như bài này, “Khẳng định vai trò của nhà thơ Tố Hữu trong văn hóa dân tộc“, thì thật là khó nuốt.

Số là tuần qua người ta có cái hội thảo “Tố Hữu với văn hoá dân tộc” nhân kỉ niệm 95 năm ngày sinh của thi sĩ Tố Hữu. Dĩ nhiên, hội thảo về một nhân vật thì chỉ có bài ca ngợi, chứ chắc không có bài “critical”. Dễ hiểu. Trong hội thảo có một nhà thơ nổi danh nhận xét rằng “Tố Hữu là một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên định, cao quý. Là nhà thơ của dân tộc, nhà văn hóa lớn của cách mạng, ông góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho nền văn hóa mới của dân tộc.”

Nói rằng Tố Hữu là nhà văn hoá của cách mạng thì chắc ít ai phản đối, nhưng cho rằng ông là “nhà thơ của dân tộc” thì tôi sợ là có rất nhiều người không đồng ý. Người không đồng ý đầu tiên chắc chắn phải kể đến một thi sĩ thứ thiệt: Trần Dần. Từ năm 1957, khi Tố Hữu đang thăng quan tiến chức và được các đồng chí của ông cưng, thì Trần Dần đã thẳng thừng nhận xét rằng “[…] cách nhìn của nhà thơ Tố Hữu (trong tập Việt Bắc) đối với cuộc đời, đối với sự thực. Ðiểm thứ nhất: thơ Tố Hữu không có cách nhìn mới nào rõ rệt. Cách nhìn của Tố Hữu không có gì là đặc sắc cả.” 

Người thứ hai cũng là một thi sĩ “nặng kí” và tài ba thực sự là Lê Đạt cũng không đánh giá cao thơ của Tố Hữu. Lê Đạt cho rằng thơ lục bát của Tố Hữu “không có gì mới, nội dung vân vê kỷ niệm không lấy gì làm sâu sắc”. Tại sao hai thi sĩ đó nhận xét thơ của Tố Hữu như thế. Cũng có lí do. Thử đọc vài câu Tố Hữu viết để hiểu những nhận xét của Trần Dần và Lê Đạt:

Má thét lớn tụi bay đồ chó
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao

Đây là người cộng sản mẫu mực?

Lạ một điều là khi nhắc đến Tố Hữu, tôi chỉ toàn nhớ mấy vần thơ sắt máu, quá khích, nịnh, xạo, và tuyên truyền. Thật vậy, ngoài những bài thơ mang tính vè như thế, Tố Hữu toàn ca tụng Mao Sít Lê (Mao Trạch Đông, Stalin, Lenin). Chẳng hạn như câu thơ nổi tiếng ông ca ngợi tên đồ tể Stalin là [nói theo dân miền Nam] quá xạo:

Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

Cần nói thêm rằng bài đăng tạp chí Văn Nghệ 1953 là “Tiếng đầu lòng nó gọi Ông Lin”, nhưng bản in vào sách Việt Bắc, 1955 sửa thành “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”.

Lại có những câu thơ trơ trẽn:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Chữ “Ông” viết hoa! Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân nhận xét rằng những câu trên “Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem lạ kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái, lương thiện) lại ngợi ca ‘công đức’ một Bạo Chúa, một Hung Thần, một Độc Tài khét tiếng, một Đao Phủ Thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại.”

Còn đoạn ca ngợi Mao Trạch Đông (lại một tên đồ tể kinh khủng) càng khó đọc vì những chữ không thuộc phạm trù thơ mà còn sắt máu:

Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt.

Chẳng biết những câu trên có thể xem là “thơ”? Tôi không rành văn chương, nhưng cá nhân tôi nghĩ nó là vè tuyên truyền chứ không phải thơ. Kêu gọi người Việt Nam thờ hai tên đồ tể, hai tên tội phạm khét tiếng?! Do đó, những học giả trong hội thảo nhận định rằng Tố Hữu là nhà văn hoá của cách mạng thì chắc đúng, nhưng cho rằng thơ của Tố Hữu “mang tâm hồn dân tộc” thì tôi e rằng dân tộc Việt Nam không dám nhận đâu.





No comments: