Thursday, October 22, 2015

Suy nghĩ về nội dung bài diễn văn của cô nữ sinh lớp 10 Trung Quốc (Trần Phong Vũ)





Trần Phong Vũ
Posted by: Viet VungVinh on 07/27/2015

Lang thang trên mạng, tình cờ tôi đọc được bài diễn văn của một nữ sinh Trung Quốc 17 tuổi đang học lớp 10. Tiêu đề bài diễn văn là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ‘ông’ sẽ là ai?”

Bài này do dịch già Tiêu Thiện chuyển sang Việt ngữ. Mở đâu bài diễn văn, cô bé tư xưng danh tính là Vương Khả Nhi đang theo học lớp 10A6 tại một trường Trung Học Phổ Thông ở Trung Quốc. Bài diễn văn được trình bày trong một cuộc thi do trường tổ chức với chủ đề “Tổ Quốc Thân Yêu”. Theo nhận định của dịch giả thì đây là một hiện tượng khác thường. Nội dung bài diễn văn, thái độ can trường hàm ẩn nỗi trăn trở và khát vọng cao vời của cô bé họ Vương vượt xa lối suy tư cùn mằn của thế hệ trẻ Trung Quốc thời cộng sản khiến ông nêu lên câu hỏi: liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?

Đắm hồn dõi theo dòng tư tưởng của cô bé, cá nhân người viết cũng không khỏi ngỡ ngàng và suy nghĩ. Suy nghĩ về những khát khao, trăn trở của Vương Khả Nhi, về cảnh ngộ o ép mà hơn một tỷ đồng bào cô đang phải đối diện từng ngày tại Hoa lục. Và từ đấy không khỏi suy nghĩ về hiện tình đất nước Việt Nam hôm nay.

Sau khi giới thiệu họ tên và đề tài diễn văn, Vương Khả Nhi khiêm tốn nói:

“Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác đối với hai từ “tổ quốc”. Cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi. Tôi cảm thấy rằng xã hội chúng tôi không thiếu những người đứng đầu về tri thức, nhưng cái thiếu chính là những người có tư duy.”

Ẩn sâu bên trong thái độ khiêm cung lễ nhượng của cô bé sinh sau đẻ muộn là một nhận thức sâu sắc về thực trạng giới trí thức ở Hoa Lục trong thời đại cô, khi chủ nghĩa cộng sản đã ngự trị trên đất nước này hơn nửa thế kỷ. Theo cô, xã hội nước Tàu ngày nay không thiếu những trí thức hàng đầu. Dĩ nhiên, có nhiều trí thức –nhất là trí thức hàng đầu- là điều tốt. Nhưng, tuồng như vẫn còn thiếu. Và cái thiếu quan trọng ấy, theo cô, là trong hàng ngũ trí thức Trung Quốc ngày này thiếu những bộ óc biết tư duy!

Khuôn khổ một diễn từ ngắn không cho phép cô diễn giải dài dòng. Nhưng, ý ở ngoài lời. Người đọc hiểu được ý tưởng cô bé muốn giãi bày. Hiển nhiên cô muốn nói tới lớp trí thực bị đúc khuôn dưới một chế độ độc tài chuyên chính, nơi con người được đào tạo trong khuôn khổ bày đàn, như những con ngựa bị che mắt để chỉ biết hướng về một phía dưới ngọn roi của người xà ích. Trong trường hợp ấy làm sao người trí thức có thể tư duy theo chiều hướng suy nghĩ thông thoáng, tư do của mình? Đấy là chưa nói tới một số không nhỏ những người được gọi là trí thức này luôn bị ám ảnh vì nỗi sợ hãi kinh niên trước cường quyền bạo lực, nên đã đánh mất chính mình. Từ đấy, tự biến mình thành những con người vô cảm trước nỗi đau chung của Hán tộc, để cuối cùng chỉ biết co rút trong vỏ ốc của lối sống ích kỷ cho mình, cho gia đình mình.

Là một người trẻ, cô thả lỏng cho dòng tư tưởng ngược về quá khứ qua những giai đoạn hưng vong của đất nước rồi nhìn vào hiện tại với câu hỏi lớn vẩn lên trong đầu: “Nếu tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai?”

Đào bới trong kho tàng lịch sử cổ kim của đất nước Trung Hoa, cô tự trả lời. và từ câu trả lời ấy lại bật lên trong tâm tưởng cô những câu hỏi nhức nhối.

“Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?”


Từ những vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc qua các triều đại Nguyên Mông, Mãn Thanh, môi miệng Vương Khả Nhi bật ra những câu hỏi cay đắng: không lẽ tổ quốc của cô là Đại Nguyên, Đại Thanh? Và có lý do nào buộc cô phải yêu thương nó?

Những câu hỏi thật đơn sơ nhưng có giá trị như những mũi tên nhọn cắm sâu vào tim óc, vào tư duy những người trẻ, bao gồm giới trí thức, còn quan tâm tới tương lai của một dân tộc, của một đất nước đã được làm nên bằng công lao, huyết hãn của tiền nhân mà hiện tại đang bị đặt dưới ách thống trị hà khắc của một chế độ độc tài, gian ác, vô nhân tính là chế độ chuyên chính cộng sản núp dưới cái vỏ dân tộc chủ nghĩa cực đoan lâu nay. Từ bối cảnh tang thương, đau đớn ấy, tâm tư cô phóng chiếu tới viễn cảnh cà ngàn năm sau, công khai bộc lộ tinh thần yêu nước cách chính đáng của mình để mơ về một đất nước Trung Hoa an bình, thịnh vượng, trong đó mọi người biết yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, cùng chung tay xây dựng xã hội; thắng không kiêu, bại không nản và cũng không lấy chuyện thắng thua để phân biệt chân giá trị con người.

Và cô cao giọng cất tiếng tuyên xưng:

“Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây? Điều này quả thật khiến cho tôi mơ màng khó hiểu.

Trong tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục.

Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ‘ông’ lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng tôi và bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.”


Để cho trí tưởng vượt khỏi biên cương quốc gia, cô bé nghĩ tới những danh nhân thế giới như Washington của Hiệp Chủng quốc, Churchill của Anh để từ đấy suy nghĩ, ước mơ về thế hệ trẻ của cô, những người sẽ thay đổi vận mạng đất nước Trung Hoa theo một chiều hướng nhân bản, tự do, dân chủ, tiến bộ, khiến thế giới phải nghiêng mình nể phục, không phải vì thái độ kiêu căng, hãnh tiến dối trá, với tham vọng bá quyền của giới lãnh đạo như đang xảy ra, mà vì một đất nước Trung Hoa dân giàu nước mạnh, tiến bộ về mọi phương diện trong một môi trường trong sáng, sạch sẽ khiến cho nước Mỹ, nước Đức và người dân Tân Gia Ba phải ngưỡng mộ.

Đưa cặp mắt thơ dại trong veo của một nữ sinh 17 tuổi nhìn bao quát đám đông đồng bạn đang hướng về mình, cô bé nói tiếp ước mơ của cô đặt vào thế hệ trẻ khi hình dung về một Tổ Quốc Trung Hoa Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, Văn minh, Tiến bộ của cô trong tương lai mà cô nhân cách hóa bằng tiếng “Ông” vừa trang nghiêm vừa thân thương, trìu mến.

“Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn. Trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm trong tay thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia; thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh; thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập; thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới.

Trong tay thế hệ trẻ chúng ta, nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta. ‘Ông’ sẽ để cho mỗi người đều yêu mến “Ông” sâu sắc từ tận đáy lòng, “Ông” sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta.

Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.”


Đóng lại bài diễn văn, Vương Khả Nhi gợi nhắc ba giấc mộng của dân tộc Trung Hoa thời cổ cùng với ba giấc mộng thời nay theo dự kiến và khát vọng của cô và những người trẻ thuộc thế hệ cô luôn mơ về một đất nước Tư Do, Dân Chủ, Văn Minh, Tiến Bộ, trong đó nhân quyền và nhân phẩm con người luôn được phát huy và bảo vệ.

Cô nói:

“Người Trung Quốc thời cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa:

Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi điều tốt đẹp đều đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị.

Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan. Nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, với bản chất thanh liêm chính trực, có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế.

Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách. Nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.

Trong khi ấy, ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay rất khác.

Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do. Đấy chính là mộng thoát ra khỏi sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, để không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền uy hống hách lộng hành.

Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền. Đấy là giấc mộng làm sao cho tất cả người dân đều có thể hưởng quyền bình đẳng, không còn có bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì.

Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ. Đây là giấc mộng về một chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản, dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.

Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động, tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.

Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ. Và ngày ấy nhất định sẽ đến”.


Từ nội dung bài diễn văn của cô nữ sinh Trung Quốc 17 tuổi nói về những ước mơ và khát vọng của cô và thế hệ trẻ hướng tới tương lai của một đất nước Tàu tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ ngay giữa lòng chế độ độc tài đầy tham vọng bá quyền thời Tập Cận Bình khiên cho dòng tư tưởng của người viết không thể không suy nghĩ tới hiện tình quê hương Việt Nam hôm nay.

Trong suốt một phần tư thế kỷ qua kể từ Hội Nghị Thành Đô 1990, bô máy nhà nước và đảng CSVN ngày càng lún sâu vào tình trạng lệ thuộc Trung Quốc. Không phải một Trung Quốc trong ước mơ của cô bé Vương Khả Nhi mà là một Trung Quốc tàn ác, độc tài, đầy tham vọng bá quyền dưới các triều đại Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bính, Tập Cận Bình! Và sự lệ thuộc này đã đến mức báo động đỏ trong khoảng 5 năm trở lại đây mà giai đoạn quá độ được biểu thị qua những cuộc chuyển nhượng, thuê mướn đất đại, những vụ đấu thầu, buôn lậu lớn nhỏ do các thương lái Tàu chủ động dưới sự chỉ đạo của đảng và nhà nước CS Trung Quốc, trong đó những di lụy của việc khai thác Bô Xít ở Tây Nguyên hiện nay là một điển hình. Chủ trương đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988, tiếp theo là việc vận dụng cơ giới phun đất biến cả một vùng đá ngầm tại đây thành đảo nhân tạo rộng 2000 dậm Anh với các phi đạo, các cứ điểm quân sự, các hải cảng nước sâu được thiết trí trên đó, nhất là hành vi điều động giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đầu tháng 5-2014… đã mặc nhiên tố cáo trước công luận chính sách bá quyền của Bắc Kinh. Hiển nhiên nó đã và đang trở thành mối họa tâm phúc đối với sự tồn vong của Tổ Quốc VN.

Trong điều kiện như thế, thái độ cương trực, can trường và khát vọng thâm sâu của cô bé 17 tuổi Vương Khả Nhi khi nhìn vào chính đất nước Tàu của cô phải là một bài học cho giới trẻ và giới trí thức Việt Nam suy gẫm.

Cô bé học sinh Trung Học 17 tuổi họ Vương đã nhìn rõ những nhược điểm trong tập thể đông đảo những người được gọi là trí thức trên đất nước Tàu rộng lớn của cô hiện nay. Họ có học vị cao đang nắm những vai trò quan trọng trong xã hội, -kể cả trong cơ chế quyền lực ở Bắc Kinh-, nhưng đáng tiếc là thiếu hẳn cái tư duy cần phải có của người trí thức đúng nghĩa, vừa có tầm vưà có tâm, biết nhìn vế quá khứ đối chiếu với hiện tại để nhân ra vai trò và trách nhiệm của kẻ sĩ trước sự suy vi của dân tộc.

Khi công khai nhắc lại ba giấc mộng của dân tộc Trung Hoa thời phong kiến và ba giấc mộng ngày nay của thế hệ cô, Vương Khả Nhi không chỉ trực diện nhín thẳng vào cơ chế độc tài, độc đảng trên đất nước cô hôm nay để lớn tiếng nói lên tâm tưởng của thế hệ cô đang khát khao, mong ước điều gì. Hơn thế, cô bé họ Vương còn muốn chuyển tải dòng suy tư tinh tuyền, trong sáng của những người trẻ như cô gửi gấm vào tầng lớp trí thức trong đại khối một tỷ ba trăm triệu người dân tại Hoa Lục, khơi động trong tư duy và lương tâm họ niềm trăn trở thao thức không thể thiếu của tầng lớp được coi là tinh hoa, là lương tri của một dân tộc.

Suy nghĩ cuối của người viết sau khi đọc đến giòng chót bài diễn văn của cô nữ sinh Tàu 17 tuổi. Đó là sự kiện cô nhắc tới những triều đại Nguyên Mông, Mãn thanh để nêu câu hỏi: nếu cô phải sống dưới những triều đại tệ mạt như thế liệu có gì ràng buộc để cô phải yêu thương và cúi đầu tuân phục như là công dân hạng hai của nó?

Vẫn là ý ở ngoài lời.

Hiển nhiên cô bé muốn những người đọc và nghe cô hiểu rằng: căn cốt hai triều đại Nguyên Mông, Mãn Thanh của nước Tàu thời cổ chính là tấm gương phản chiếu vào xã hội Trung Quốc hiện nay dưới triều đại Tập Cận Bình. Tâm tưởng này được bộc bạch công khai trong mấy giòng cuối bài diễn văn của cô:

“Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ. Và ngày ấy nhất định sẽ đến”.

Không biết khi có cơ hội đọc hoặc nghe hiểu được tâm tư kể trên của một học sinh miễn cưỡng phải sống dưới guồng máy độc tài độc đảng Trung Quốc, mấy chục triệu người trẻ Việt Nam trên quê hương ta hôm nay suy nghĩ gì và phản ứng ra sáo? Riêng 16 khuôn mặt chóp bu trong đảng cộng sản Hà nội lâu nay từng cam tâm gục mặt làm tôi mọi cho guồng máy độc tài độc đảng ấy có còn đôi chút lương tri để biết nhục không?

Nam California những ngày cuối tháng 7 năm 2015
Trần Phong Vũ

-----------------------------

Tiểu Thiện chuyển ngữ
09/07/2015

Bài diễn văn của một nữ sinh 17 tuổi “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”, có lẽ sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “giấc mơ Trung Hoa”.

Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?

Dưới đây là toàn bộ bài nội dung bài diễn văn:

Vương Khả Nhi

Kính thưa các thầy cô, bạn bè thân mến,

Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai ?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.

Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?

Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?

Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu .

Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.

Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.

Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.

Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi  sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền uy hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có  bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.

Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.

Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.

Tiểu Thiện, dịch từ NTDTV







XEM THÊM :

Trần Phong Vũ
Posted on August 27, 2015 by editor — 1 Comment

“Hãy lên tiếng đòi hỏi một nền giáo dục độc lập, nhân văn và tiên tiến để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho con em của chúng ta, chẳng có điều gì tự nó tốt đẹp lên và chẳng có điều tốt đẹp nào tự đến với những người chỉ biết trông chờ. Hãy hành động.” – Lê Văn Thành, Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?  (You Tube)








No comments: