Ngô
Nhân Dụng
Friday,
October 16, 2015 6:39:38 PM
Tổng
Thống Vladimir Putin có vẻ sốt ruột. Ðến thành phố Astana ở nước Kazakhstan,
ông lại lên tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ không chịu cộng tác với ông ở Syria.
Ông Putin đã đề nghị Mỹ cử một phái đoàn cao cấp sang Nga thảo luận; hoặc Nga sẽ
gửi Thủ Tướng Dmitri Medvedev cầm đầu một phái đoàn sang Washington. Chính phủ
Mỹ từ chối cả hai.
Ngay
khi gửi hơn 30 máy bay quân sự qua Syria, ông Putin đã mong Mỹ cộng tác. Hơn nữa,
ông muốn mời cả các nước Âu Châu (Anh và Pháp đóng góp máy bay oanh tạc quân
IS). Hôm trước, khi ông Putin qua dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, được gặp ông
tổng thống Mỹ trong 90 phút (lần đầu tiên trong hai năm), báo chí Nga ồn ào ca
tụng cuộc hội đàm như một thắng lợi ngoại giao của người hùng Putin. Ngoại Trưởng
Sergei Lavrov còn báo trước với thế giới (nói bằng tiếng Anh) rằng hai lãnh tụ
“sẽ tiếp tục thảo luận cộng tác chặt chẽ trong các vấn đề nóng bỏng trên thế giới,
trước mắt là Syria!” Rõ ràng, Putin rất nóng lòng cho dân Nga thấy ông vừa biết
đánh judo, vừa biết chơi hockey, lại vừa giỏi về ngoại giao.
Nhưng
ông tổng thống Mỹ tỏ ra lạnh nhạt. Ông Barack Obama còn nói rằng việc Nga đem
quân tới Syria cứu chính quyền Assad sẽ thất bại, quân Nga sẽ bị sa lầy. Bộ Trưởng
Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cũng công khai phê bình hành động của ông Putin ở
Syria là “phi lý,” hiểu theo nghĩa kinh tế học là không có lợi gì cả. Ông
Carter còn xác định rằng chính phủ Mỹ không hề tính chuyện phối hợp với Nga tại
Syria.
Ông
Putin nổi giận! Ông tố cáo chính nước Mỹ tạo ra nội loạn ở Syria, và bây giờ
thì không muốn tiêu diệt quân IS cực đoan! (Máy bay Mỹ và các nước đồng minh đã
đánh lực lượng IS hơn 7,000 lần ở Syria và Iraq trước khi máy bay Nga tham dự).
Ông Putin nói thẳng rằng chính phủ Mỹ không chịu hợp tác đến mức họ từ chối
không đưa danh sách những cứ điểm của quân IS mà máy bay Nga nên oanh tạc. Và
khi được hỏi ý kiến, Mỹ cũng không cho biết các địa điểm nào ở Syria nên tránh,
không đánh bom! Rõ ràng là thái độ dửng dưng, chuyện ai người ấy lo! Liên lạc
giữa hai bên nằm ở cấp thấp, giữa các tướng chỉ huy tại chỗ, để tránh cho máy
bay của Mỹ và các nước đồng minh không đụng độ với máy bay Nga trong khi cùng
đánh quân IS.
Chỉ
có thể hiểu được thái độ bất hợp tác của chính phủ Mỹ, và hiểu lý do ông Putin
tức giận, khi nhìn nhận rằng Nga và Mỹ có những mục tiêu chiến lược hoàn toàn
khác nhau ở Syria.
Nước
Mỹ chiếm thế thượng phong trong cả vùng Trung Ðông. Hạm đội số 6 bao sân Ðịa
Trung Hải; Hạm đội số 5 đặt căn cứ ở Bahrain, trông coi Hồng Hải, Biển Á Rập, Vịnh
Ba Tư và phía Tây Ấn Ðộ Dương. Các nước Á Rập bán dầu lửa cho Mỹ và mua vũ khí
của Mỹ. Sau kinh nghiệm chiến tranh Iraq, Mỹ tránh không đem quân vào vùng này.
Ngay cả trong chiến dịch thay đổi chế độ ở Lybia, Mỹ cũng chỉ phóng hỏa tiễn từ
ngoài khơi vào hỗ trợ các nước Châu Âu. Syria trở thành một lò lửa trong vùng,
nhưng đó là cuộc tranh chấp giữa các nước Á Rập và Iran, Mỹ có thể đứng ngoài
nhìn họ giết lẫn nhau bao lâu cũng được. Israel là đồng minh của Mỹ sẽ được yên
thân hơn. Vùng Trung Ðông còn bất ổn thì các nước Á Rập càng cần tiền bán dầu lửa
để mua khí giới. Giá dầu sẽ thấp, kinh tế Nga sẽ thiệt hại, Mỹ vẫn dư dầu.
Ðối
với ông Putin, việc can thiệp vào Syria có nhiều mục đích. Từ thời Nga Hoàng
qua thời Xô Viết, nước Nga vẫn tìm một hải cảng nước ấm. Nga chỉ có một căn cứ
hải quân duy nhất trong vùng Ðịa Trung Hải, bên bờ biển Syria; nếu Assad đổ và
một chính quyền khác lên thay thì Nga có thể bị mời đi chỗ khác. Nga đến Syria
để cứu Assad sau khi quân đội của ông ta thua nặng từ đầu năm nay. Nga có thể
chấp nhận Assad ra đi, nhưng muốn được ngồi vào bàn chọn những người thay thế.
Nga can thiệp trực tiếp vào Syria cũng để tạo một cơ hội trao đổi: Nga sẽ đứng
cùng một phía với Mỹ và Châu Âu trong việc đánh quân IS, để dễ tìm đường thỏa
hiệp với Mỹ và Châu Âu chấm dứt vụ cấm vận vì xâm lấn Ukraine.
Về
mục tiêu này, ông Putin đã thất vọng. Thủ Tướng Ðức Angela Merkel, sau khi gặp
cả ông Putin và Tổng Thống Pháp Hollande, đã tuyên bố dù Nga giúp giải quyết
chuyện Syria, phương Tây sẽ không nhượng bộ Nga trong vụ cấm vận: “Hai vấn đề
này không dính gì đến nhau!”
Trước
khi đưa máy bay sang Syria, ông Putin đã gặp gỡ đại diện các nước trong vùng,
Saudi Arabia, Jordan, Egypt, Turkey, Israel, Palestine và Iran; tất cả đều dính
líu vào cuộc nội chiến ở Syria. Vụ can thiệp giúp ông có dịp tạo quan hệ thân
thiện với họ, chuẩn bị cho thế cờ ngoại giao sau này.
Nhưng
điều khó khăn cho ông Putin là đa số các nước đó đều muốn trước hết phải xóa bỏ
chế độ Assad mà Nga và Iran đang bảo vệ. Công tác ngoại giao tăng cường sau khi
Putin đưa máy bay chiến đấu sang Syria, nhưng kết quả không có gì.
Từ
Tháng Sáu năm 2015, Nga đã vận động ngoại giao với Mỹ và các nước trong vùng, tỏ
ý có thể chấp nhận một chính quyền chuyển tiếp ở Syria, sau khi Assad ra đi. Chủ
Nhật vừa qua, 11 Tháng Mười, 2015, ông Putin gặp ông Hoàng Mohammad bin Salman,
bộ trưởng Quốc Phòng Á Rập Saudi, bảo đảm rằng Nga không hề liên minh với Iran,
một nước kình địch của Saudi; mặc dù cả Nga và Iran đều ủng hộ Assad. Thổ Nhĩ Kỳ
phản đối máy bay Nga lạc từ Syria sang đất Thổ, Putin đã lập tức xin lỗi và gửi
phó tư lệnh Không Quân sang Ankara bàn việc lập một ủy ban hai nước để theo dõi
và tránh sự kiện này. Putin cũng thỏa thuận với Benjamin Netanyahu, thủ tướng
Israel, thiết lập một ủy ban tương tự, với đường dây điện thoại trực tiếp giữa
tướng lãnh hai bên, để tránh máy bay Nga xâm phạm không phận Israel.
Nhưng
Tổng Thống Thổ Recep Tayyip Erdogan vẫn lên tiếng cực lực phản đối máy bay Nga
đánh cả các đạo quân chống Assad được Thổ ủng hộ, thay vì chỉ đánh quân IS. Ông
Erdogan còn dọa rằng nước Thổ sẽ ngưng mua khí đốt của Nga nếu chính phủ Nga
không thay đổi đường lối này. Lời đe dọa này được tuyên bố sau khi ông Erdogan
qua Bruxelles, trung tâm của Liên Hiệp Châu Âu; cho thấy một vũ khí của ông
Putin đã mất hiệu lực: Ðe dọa cắt không cung cấp hơi đốt cho các nước Châu Âu.
Bởi vì kinh tế Nga đang sa lầy kể từ khi ông Putin xâm lăng Ukraine và bị phong
tỏa.
Trong
bốn tháng qua, Putin đã giảm bớt can thiệp vào miền Ðông nước Ukraine, các phiến
quân do Nga xúi giục tỏ ra tôn trọng cuộc đình chiến được các nước Âu Châu và
Nga ký kết. Một lý do là ông Putin chứng kiến kinh tế Nga trên đà xuống dốc, tổng
sản lượng nội địa (GDP) sẽ giảm 3.8% trong năm nay, theo tiên đoán của Ngân
Hàng Thế Giới; và sang năm 2016 cũng chưa hồi phục. Vì đồng rúp mất giá một nửa
so với đô la Mỹ, lạm phát gia tăng, đồng lương thực thụ của công nhân Nga đã bị
giảm hơn 8%, mãi lực giảm khiến số tiêu thụ cũng xuống. Trong Tháng Sáu, số xe
hơi bán giảm 30% so với năm trước. Số tiền vay để mua nhà cũng giảm 40% trong bốn
tháng đầu năm nay.
Kế
hoạch phong tỏa kinh tế Nga của Mỹ và các nước Châu Âu nhắm những mục tiêu cụ
thể. Các ngân hàng và xí nghiệp Tây phương không được làm ăn với một số công ty
và ngân hàng Nga, đặc biệt nhắm vào các công ty dầu khí lớn. Chính phủ Mỹ mới
tăng thêm 29 công ty Nga vào sổ đen, trong đó có Rosneft, một hãng dầu khí khổng
lồ, và nhà sản xuất súng AK, Kalashnikov, một nguồn ngoại tệ xuất cảng của Nga.
Mục
đích cuộc cấm vận là cắt đứt nguồn cung cấp vốn cho các xí nghiệp Nga và nguồn
hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật khai thác dầu mà các công ty quốc doanh của
Nga tiến chậm hơn các công ty tư nhân ở Âu Mỹ hàng mấy chục năm. Ngày 6 Tháng
Mười vừa qua, Bộ Năng Lượng trong chính phủ Nga đã phải hoãn tất cả các cuộc
đào tìm dầu ở vùng Bắc Cực trong ba năm. Lý do chính vì các công ty dầu khí Âu
Mỹ rút lui không cộng tác với các công ty Nga, theo lệnh cấm vận.
Ông
Putin can thiệp vào Syria với một mục tiêu là tạo cơ hội cộng tác với Mỹ trong
việc tiêu diệt quân IS trong khi ngưng gây rối ở Ukraine, để đổi lại sẽ được giảm
cấm vận.
Ðiều
đáng lo ngại cho ông ta là dù Nga ngưng can thiệp vào nội tình Ukraine thì các
biện pháp phong tỏa khác sẽ tiếp tục được duy trì. Ðó là những lệnh cấm vận được
đưa ra khi Nga chiếm bán đảo Crimea, trước khi Putin hỗ trợ người gốc Nga nổi dậy
tại miền Ðông Ukraine. Khi chiếm đóng rồi sáp nhập Crimea vào nước Nga, ông
Putin đã vi phạm luật pháp quốc tế. Không một quốc gia nào được chiếm và sáp nhập
lãnh thổ một nước khác, đó là một “luật chơi” không ai được vi phạm, nếu không
thế giới sẽ hỗn loạn. Các nước Tây phuong không thể nhắm mắt khi luật chơi này
bị Nga xóa bỏ. Cho nên, dù Nga có chấm dứt can thiệp vào Ukraine, việc phong tỏa
kinh tế vì vấn đề Crimea vẫn tiếp tục không biết đến bao giờ. Thương thuyền Mỹ
không được ghé các hải cảng trong vùng Crimea mà Nga đã chiếm của Ukraine.
Ðiều
đáng lo ngại khác của ông Putin là việc can thiệp của Không Quân Nga không làm
thay đổi tình thế trên mặt trận. Hiện quân đội chính quyền Assad đang phản công
tiến chiếm lại một số thành phố lớn đã mất vào tay các nhóm nổi dậy; với máy
bay Nga hỗ trợ trên trời và quân đội Hezbollah từ Lebanon tới, do Iran chỉ huy,
đánh dưới đất.
Ở
Aleppo, với hai triệu dân nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, những nhóm nổi dậy đang
kiểm soát thành phố là Ahrar al-Sham, Suqour al-Sham và Failaq al-Sham và Nusra
Front, một chi nhánh của al Qaeda tại Syria, đều là những nhóm cực đoan quá
khích chống Assad nhưng cũng chống quân IS. Ngoài ra, binh đoàn Fursan al Haq,
do các nước Á Rập trong vùng yểm trợ tập hợp dưới danh nghĩa Quân Ðội Syria Tự
Do, đang sử dụng hỏa tiễn TOW do Mỹ cung cấp để chống lại quân của Assad, quân
Hezbollah và máy bay Nga.
Chiến
trường Syria không phải là nơi tranh hùng giữa Nga và Mỹ. Các nước Á Rập, Thổ
Nhĩ Kỳ và Iran đang tham dự. Quân đội của Assad có thể tan rã, mà ông Putin không
thể gửi quân Nga sang, vì dân chúng Nga không chấp nhận. Nhiều bà mẹ người Nga
đã đi biểu tình phản đối khi con họ đến tuổi đi lính bị gửi sang Ukraine. Dân
Nga chưa thấy một mối lợi nào nhờ chiếm lại Crimea, mà chỉ tốn tiền nuôi chính
quyền và dân sống ở đó.
Kinh
tế Nga suy yếu, ngân sách khô cạn vì giá dầu xuống không cho phép kéo dài việc
can thiệp vào Syria. Vì vậy, ông Putin cần lôi kéo Mỹ vào cùng một phe đánh lực
lượng IS, hy vọng các nước Âu Mỹ sẽ giảm bớt lệnh cấm vận. Nhưng chính quyền Mỹ
vẫn dửng dưng, đứng ngoài chờ coi Nga sa lầy ra sao. Ðể tránh khỏi bị sa lầy
như quân đội Xô Viết đã thảm bại ở Afganhistan trong thập niên 1980, ông Putin
chỉ còn một đường là kiếm một cớ nào đó mà tuyên bố mình đã thành công, rồi rút
quân về! Có thể ông cố giúp quân của Assad thắng một trận nào đó, hoặc chờ các
nước Á Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng ý ngồi vào bàn hội nghị thương thuyết về
tương lai một nước Syria không có Assad.
No comments:
Post a Comment