Tuesday, October 6, 2015

Đạt thỏa thuận TPP: VN sẽ gia tăng mạnh về đầu tư, thu nhập (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Monday, October 5, 2015 7:27:21 PM

ATLANTA, Hoa Kỳ (NV) - Hoa Kỳ, Nhật và 10 quốc gia khác trong đó có Việt Nam hôm Thứ Hai đạt thỏa thuận về TPP (Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương).

Đây là một nỗ lực đầy tham vọng của Tổng Thống Barack Obama nhằm liên kết các nền kinh tế trong một khu vực rộng lớn của thế giới.

Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Michael Froman trong cuộc họp báo sáng Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015, ở Atlanta vui mừng loan báo tin này sau 5 năm đàm phán tích cực.

Cùng hiện diện trong cuộc họp báo là các bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Từ tuần trước các bộ trưởng đã làm việc thâu đêm để cố gắng thanh toán những bất đồng còn tồn tại.

Ông Michael Froman nói rằng TPP sẽ “mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước thành viên, hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố phát triển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.” Cũng theo ông, hiệp định này là một dấu mốc trong sự thiết lập hệ thống tiêu chuẩn cao cho khu vực chiếm lãnh gần 40% kinh tế toàn cầu - tính về GDP, giải quyết các thách thức của thế kỷ 21 nhưng vẫn có điều chỉnh tùy vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), bà Christine Lagarde đánh giá thỏa thuận đạt được giữa các nước đang tham gia TPP là một bước phát triển rất tích cực. Bà cho hay IMF sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết trước khi đưa ra một đánh giá toàn diện. “Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng TPP có thể mở đường cho một loạt nỗ lực hội nhập thương mại sâu rộng của tất cả các quốc gia khác.”

Tổng Thống Obama ca ngợi TPP, thỏa hiệp tự do mậu dịch lớn nhất từ nhiều thế hệ, là bước ngoặt quan trọng hướng tới mục tiêu mở cửa thương mại và hội nhập trong toàn khu vực. Ông cho rằng TPP tạo điều kiện cho háng hóa và dịch vụ Mỹ đi vào thị trường quốc ngoại, đem lại cho các công nhân của chúng ta sự thành công mà họ xứng đáng.”

Bản thông cáo do tòa Bạch Ốc đưa ra nói là TPP sẽ xóa bỏ hơn 18,000 loại thuế các nước đánh trên các sản phẩm Made-in-America, và “Với TPP chúng ta có thể viết ra những luật lệ mậu dịch có lợi ích cho giới trung lưu. Nếu không những thế lực cạnh tranh như Trung Quốc sẽ nhảy vào lấp khoảng trống ấy.”

Hiệp định sẽ còn cần được Quốc Hội của 12 nước phê chuẩn. Quốc Hội Hoa Kỳ trước đây đã thông qua điều luật Fast Track dành cho tổng thống quyền thúc đẩy thương lượng các thỏa hiệp thương mại, và quốc hội sẽ chỉ có thể chấp thuận hay bác bỏ chứ không sửa đổi. Tổng Thống Obama cam kết là Quốc Hội và người dân sẽ có nhiều thời gian “để đọc kỹ từng chữ” trước khi ông ký ban hành.

Thỏa hiệp chi tiết được công bố phải có thời gian 60 ngày để công chúng xem xét và nêu ý kiến qua Quốc Hội. Quốc Hội có thời gian 90 ngày để nghiên cứu, kể cả đòi hỏi hành pháp điều trần giải thích, trước khi đi đến biểu quyết. Theo dự đoán, TPP sẽ chỉ được quốc hội thảo luận và thông qua từ đầu năm tới cho đến tháng 4.

Những người ủng hộ TPP hoan nghênh một số điều khoản được thỏa thuận vào phút chót như quy định mới về tiêu chuẩn lao động nhằm bảo vệ công nhân. Đồng thời cũng có điều khoản không cho phép các công ty thuốc lá tham gia vào ủy ban dàn xếp quốc tế. Bà Elizabeth Warren, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ-Massachusetts, trước kia đã từng chỉ trích TPP về việc có thể để cho những đại xí nghiệp kiện các nước thành viên vì sự thua lỗ nếu các nước này thay đổi luật lệ y tế công cộng hay những quy định khác.

Tuy nhiên cái khó khăn cho Tổng Thống Obama là nhiều người, trong đó có những Thượng Nghị Sĩ đàng Dân Chủ, có phản ứng tiêu cực với TPP do ảnh hưởng bởi các công đoàn lo ngại nhiều việc làm sẽ bị chuyển ra nước ngoài.

Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders tiểu bang Vermont, ứng cử viên tổng thống, nhanh chóng lên án TPP ngay sau khi kết quả đàm phán được công bố, cho rằng “thỏa hiệp này gây tổn hại chon người tiêu dùng và việc làm của dân Mỹ.”

Ông lập luận, “Đây là chiến thắng của Wall Street và các tập đoàn đa quốc gia khác, hệ thống này khiến họ thu được lợi nhuận từ tiền của chúng ta.”

Ứng cử viên Tổng Thống Donald Trump đang dẫn đầu trong đảng Cộng Hòa, là người luôn luôn đả kích các thỏa hiệp thương mại rộng lớn như vậy. Bà Hillary Clinton cũng tránh không gắn bó với thỏa hiệp, mặc dầu khi còn là ngoại trưởng bà đã ủng hộ TPP.

Những người Cộng Hòa vẫn ủng hộ TPP, nhưng đến nay một số tỏ ra hoài nghi về kết quả đàm phán vì theo họ áp lực vào giờ cuối để đi đến thỏa thuận có thể khiến phái đoàn Mỹ chấp nhận những thỏa hiệp không tốt. Thượng Nghị Sĩ Orrin Hatch, Cộng Hòa-Utah, chủ tịch ủy ban tài chính Thượng Viện, nói: “Kết thúc được một thỏa hiệp chỉ là một thành tựu cho quốc gia chúng ta nếu giúp ích cho dân Mỹ và đạt tới những tiêu chuẩn cao như các nhà lập pháp đã đề ra hồi mùa xuân để có thể được quốc hội thông qua.” Theo ông: “Còn nhiều chi tiết chưa rõ và tôi sợ rằng thỏa hiệp này không đạt được đến chuẩn mực ấy.”

TNS Hatch dường như không hài lòng với những điều khoản về bản quyền thuốc. Luật Mỹ bảo vệ bản quyền sản xuất một loại thuốc của công ty chế tạo dược phẩm 12 năm, nhưng thời hạn này rút lại chỉ còn vào khoảng 5 năm trong thỏa hiệp mới ở TPP, theo luật của Australia.

Cùng với thuốc, những sản phẩm từ sữa, hay các vấn đề tiền tệ, lao động, là những trở lực lớn làm kéo dài các cuộc thương lượng trước khi đi đến thỏa hiệp. Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand là những nước có nhiều liên quan đến lãnh vực sữa. Thủ Tướng Stephen Harper của Canada ca ngơi TPP là một dấu mốc lịch sử sẽ thiết lập tiêu chuẩn vàng cho các thỏa thuận thương mại toàn cầu trong tương lai. Thủ Tướng John Key của New Zealnd nói, “Chúng tôi thất vọng vì không có thỏa thuận về việc xóa bỏ hoàn toàn thuế sữa, nhưng nhìn chung đây là một hiệp định rất tốt cho New Zealand.”

Tổng Thống Obama cũng nhiều lần đích thân can thiệp vào những ngày cuối của cuộc thảo luận, gọi điện thoại cho một số nhà lãnh đạo, kể cả Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull.

Việt Nam sẽ được lợi gì từ TPP?

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, ông Vũ Huy Hoàng, trả lời câu hỏi của một phóng viên trong cuộc họp báo ở Atlanta, nói rằng, “Dệt may đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của Việt Nam. Khi tham gia TPP, lĩnh vực dệt may của chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn, làm lợi cho người nghèo. Ngành này tại Việt Nam đang sử dụng khoảng một triệu lao động. Tôi muốn cảm ơn các quốc gia TPP vì đã tạo các điều kiện thuận lợi cho dệt may Việt Nam.”

Ông cũng cho biết, “Lao động là một trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất trong quá trình đàm phán của chúng tôi. Tuy nhiên, các điều kiện về lao động trong TPP được quy chiếu theo chuẩn của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO). Vì vậy, là thành viên của ILO, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu này.”

Những bế tắc lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cùng 10 nước khác trong vòng đàm phán song phương ở Hawaii đã vượt qua được hồi đầu tháng 8. Chi tiết đầy đủ không rõ nhưng người ta biết rằng trong số đó có vấn đề nghiệp đoàn và định nghĩa về nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Các quan sát viên cho rằng sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, lập trường hai nước đã xích lại gần nhau hơn và mỗi bên đều có những điều chỉnh thích ứng.

Hãy còn quá sớm để đánh giá kết quả sự gia nhập TPP của Việt Nam như thế nào. Có thể là xuất cảng của Việt Nam giảm vì sản xuất ở nhiều ngành đi xuống do cạnh tranh với các nước ngoài. Tuy nhiên dự đoán ấy chưa thể là chính xác, bởi lẽ cấu trúc của nền kinh tế sẽ thay đổi đồng thời với đầu tư. Như thế TPP là cơ hội và môi trường mới và tốt hay xấu còn phụ thuộc nhiều yếu tố do từ Việt Nam.

Về mặt chính trị, người ta hy vọng là sự gắn bó nhiều hơn với nền dân chủ tư bản lớn nhất thế giới sẽ có thể đẩy Việt Nam đến chỗ cởi mở hơn về mặt chính trị. Ngược lại một số người lo ngại là quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ sẽ củng cố vị thế cho chính quyền độc đảng.

BBC dẫn tin trong một bài báo của tờ Quân Đội Nhân Dân, nói ràng, “Trên bàn đàm phán, TPP chỉ thương lượng các vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ chứ không đặt ra vấn đề áp đặt về thể chế chính trị.” Do đó tờ báo khẳng định, “Không một ai, một thế lực nào có thể ép buộc Việt Nam hành động đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc.” Như thế không thể mong đợi có liên quan gì giữa TPP và những cải cách về chính trị.

TPP là thỏa hiệp mậu dịch quốc tế quan trọng nhất được Hoa Kỳ ký kết kể từ NAFTA (Thỏa hiệp mậu dịch tự do Bắc Mỹ) năm 1993 với Canada và Mexico. Các quốc gia không ở trong số 12 thành viên đầu tiên của TPP có thể tham gia hiệp định sau này nếu cam kết thi hành đủ tiêu chuẩn quy định. Nam Hàn là một trong những quốc gia đã cho biết là có quan tâm muốn xem xét để tham gia.

Các phụ tá tòa Bạch Ốc nói rằng đây là một bộ phận quan trọng trong chiến lược ngoại giao của chính quyền Obama nhằm giữ vị thế kinh tế ưu việt đối với Trung Quốc đang cố gắng bành trướng ảnh hưởng tại Châu Á.

Theo một nghiên cứu của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson, Việt Nam - nước hiện chỉ có GDP $190 tỷ, đứng hàng thứ 11 trong 12 nước TPP, sẽ là nước gia tăng mạnh nhất về đầu tư, thu nhập (13.6%) và xuất cảng (31.7%). Những nước đứng ngoài TPP bị thiệt hai do giao thương chuyển hướng, trong đó xuất cảng của Trung Quốc sẽ giảm 1.2%.






No comments: