Sunday, October 9, 2011

ANN PHONG & NGUYỄN VIỆT HÙNG "VIẾT SỬ BẰNG TRANH & ĐƯA TRANH VÀO TRIẾT HỌC" (Nguyên Huy/Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Chiều hôm Thứ Bẩy, 8 tháng 10, hai họa sĩ rất quen thuộc trong cộng đồng người Việt, Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng, lại mở một cuộc triển lãm tranh của mình tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, trình bày cùng người xem hai “trường phái” mới: viết sử bằng tranh và đưa tranh vào triết học.

Quang cảnh khai mạc phòng tranh của Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Mười lăm bức tranh của Ann Phong và 17 bức của Nguyễn Việt Hùng trải kín ba bức tường của phòng sinh hoạt. Một bức lớn 4 mảnh của Nguyễn Việt Hùng chiếm trọn không gian sân khấu.

Trên một tờ tóm tắt, nơi cho quan khách ghi danh, Ann Phong có viết: “Những tranh lần triển lãm này, tôi muốn giữ nước biển làm điểm tựa tạo cảm xúc cho tác phẩm.”

Quả thật, khi nhìn ngắm và suy ngẫm 15 bức của Ann Phong, người xem thấy tất cả đều là về biển. Nhưng biển với Ann Phong không là những hình ảnh như ta thường thấy trên bề mặt, mà biển của Ann Phong là những ngọn sóng quặn thắt, là sự đe dọa những con thuyền mong manh của thuyền nhân, là những đời sống của rong rêu, ốc đá...

Nơi bức vẽ thứ 3 và thứ 7 được chú thích là “Cruelly Go Round” và “Up and Down,” khối mầu con thuyền như đã tan nát nhưng lại đã gối sóng mà bật ra khỏi mặt phẳng bức tranh thành một khối mầu sắc thể hiện những cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử của người Việt sau năm 1975.

Ðem ý nghĩ và cảm xúc này đi tìm gặp tác giả thì Ann Phong rất vui mà trả lời rằng: “Quả là sung sướng và hạnh phúc mỗi lần được một khách xem tranh đến bày tỏ ý nghĩ và cảm xúc khi xem tranh của mình. Khi cấu tứ và thể hiện bức tranh này, Ann Phong đã đi từ những ý nghĩ và cảm xúc rằng những con thuyền vượt biên ngày nào nay đã bị phai mờ cả rồi. Mỗi lần nhìn thấy biển, là mỗi lần Ann Phong lại thấy ý nghĩ đó nổi lên xáo động tâm hồn mình.”

“Phải vẽ, phải viết lại một giai đoạn lịch sử ấy dù bằng cái cọ và những tảng mầu, không thể để nó phai mờ được. Mới chưa qua một thế hệ mà những chiếc thuyền ấy như đã phai mờ, thì những thế hệ kế tiếp có còn hình dung được nổi không cho dù có nghe nói tới. Còn nữa, Ann Phong cũng nghĩ con thuyền trước biển bao la cũng như thân phận của người phụ nữ Việt Nam khi chưa lập gia đình. Nhất là những phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay, biết bao là gian khó trong tương lai khi lập gia đình như con thuyền khi lao vào biển cả,” nữ họa sĩ nói tiếp.

Lại chợt nhớ đến lời của Ann Phong viết trên tờ tóm tắt rằng: “Ann Phong muốn tìm sự đồng cảm từ những thế hệ sau, kể cả những thế hệ mà Ann Phong phải ra đi trước khi được gặp họ.”

Qua tâm tình đó thì có coi Ann Phong như người viết sử bằng cây cọ và những tảng mầu cũng không có gì là quá đáng. Ðem ý nghĩ này nói với Ann Phong thì người nữ họa sĩ cười rất tươi trả lời: “Ann Phong lấy làm lạ là sao thời chiến tranh, không thấy có một họa sĩ nào để lại những tác phẩm của thời chinh chiến mà mình đang sống. Khi ấy Ann Phong còn quá nhỏ nhưng nay, Ann Phong thấy rằng Ann Phong vẽ như viết nhật ký. Những gì xẩy ra trong cuộc sống mà Ann Phong trải qua, Ann Phong chắc chắn sẽ ghi lại trong những tác phẩm của mình. Như thế có thể gọi là viết sử bằng cọ không thì tùy khách thưởng ngoạn thôi.”

Nữ họa sĩ Ann Phong như chúng ta được biết qua hơn 70 lần có tranh tham dự trong các cuộc triển lãm tranh từ cộng đồng người Việt đến các cộng đồng bạn, chúng ta đã thấy Ann Phong là một nghệ sĩ luôn luôn đi trong cuộc sống chung. Họa phẩm của Ann Phong là những tiếng nói của con người đang sống, đang yêu, đang nỗ lực, đang hy vọng. Bằng đường nét và mầu sắc Ann Phong đã có những đột phá bão táp trong hội họa. Như các bức tranh về biển được triển lãm lần này, Ann Phong thể hiện biển dưới những khía cạnh khác. Những rong rêu, những ngóc ngách trầm tích, những con sò, ốc biển... tất cả được thể hiện trong tác phẩm không chỉ bằng nét vẽ, mầu sắc mà bằng cả khối mầu, tượng hình trong không gian ba chiều, nghĩa là nổi hẳn lên (relief) trên mặt phẳng không gian hai chiều khiến cho cái nhìn của khách thưởng ngoạn phải bật lên những suy nghĩ về sự gợi ý từ tác phẩm.
Xem tranh Ann Phong, khách thưởng ngoạn như được khám phá kỳ thú những ngóc ngách của cuộc sống mà chúng ta vô tình đã lãng quên đi.

Với tài năng này rất may là Ann Phong đã đi vào dòng sinh hoạt nghệ thuật chính Hoa Kỳ nên họa phẩm của Ann Phong thể hiện một phần tiếng nói Việt Nam cũng sẽ đi vào lịch sử, văn hóa Mỹ.

Bức tranh “Cruelly Go Round” của Ann Phong như một trang sử về thuyền nhân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Về người họa sĩ trẻ Nguyễn Việt Hùng, anh cũng đã qua hơn 60 lần có tranh trong các cuộc triển lãm của dòng sinh hoạt văn học nghệ thuật Hoa Kỳ. Lần triển lãm này, Nguyễn Việt Hùng có một đề tài làm thức tỉnh mọi người trước “Vòng Ðời Nghiệt Ngã.”

Hầu hết 17 bức tranh của anh đều bằng oil-gold leaf/wood để thể hiện một đề tài “Vòng Ðời Nghiệt Ngã.” Mười bảy bức tranh là 17 hình ảnh “Cá lớn nuốt cá bé,” sinh vật lớn nuốt sinh vật nhỏ. Cái vòng sinh tồn ấy đã diễn ra từ ngày khai thiên lập địa và nó sẽ còn diễn ra đến vĩnh cửu để tạo ra cuộc sống trên trái đất. Có ai thấy lạ không? Chuyện quá hiển nhiên đến độ ai nấy đều không coi là vấn đề. Có người còn cho là quy luật của cuộc sống.

Nhưng ở họa sĩ Nguyễn Việt Hùng thì nó là “Vòng Ðời Nghiệt Ngã” mà con người phải chấp nhận. Con cá lớn nuốt con cá nhỏ để sống. Con cá nhỏ nuốt con cá nhỏ hơn. Con cá nhỏ hơn nuốt sâu bọ dưới sông ngòi biển cả. Sâu bọ lại tàn phá rong rêu, các loài sinh thực... Vòng đời nghiệt ngã ấy lại là cuộc sống của chúng ta trên trái đất. Nó đã tự quân bình, hài hòa để tạo ra cuộc sống, nuôi dưỡng cuộc sống, kiến tạo muôn hình muôn vẻ trong thiên nhiên để không biết... để làm gì?

Tranh của Nguyễn Việt Hùng cho chúng ta ý nghĩ đó nên anh đã bày tỏ khi viết trên bản tóm tắt rằng “khách xem tranh có thể trở thành triết gia.”

Ðiều vui thú nhất là Nguyễn Việt Hùng đã quan niệm rằng: “Tôi cho rằng một tác phẩm hội họa khi được đem ra công chúng thì nó đã ra khỏi tác giả mà có một đời sống riêng, hoàn toàn độc lập. Tác giả không nên áp đặt một định kiến nào vào tác phẩm.”

––

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com
.
.
.


No comments: