Wednesday, October 12, 2011

TRÒ CHUYỆN cùng ANH HAI AN PHÚ nhơn NGÀY GIỖ THỨ TƯ của NHÀ VĂN PHONG HƯNG LƯU NHƠN NGHĨA (Hai Trầu)


27.09.2011

Chân dung nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa (1941-2007)
(Nguồn:
Thất Sơn Châu Đốc)

Lời giới thiệu của người thực hiện: Lúc thiếu thời, nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa cùng học trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc) với anh Hai An Phú tức nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung, dù khác niên học khá xa vì tuổi tác mỗi người có khác nhau, nhưng sau này khi cùng định cư tại Úc Đại Lợi, hai anh lại quen biết và gần gũi thân thiết với nhau. Nhơn dịp kỷ niệm ngày giỗ lần thứ tư của nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa,(mất ngày 27-9-2007), anh Hai An Phú có nhã ý nhắc lại vài kỷ niệm với người bạn năm xưa của mình qua buổi trò chuyện này. Xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn đọc xa gần…
Trân trọng,
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng, tháng 9 năm 2011

----------------------

Hai Trầu (HT)
Thưa anh Hai An Phú,
Anh và nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa quen nhau hồi còn theo học trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc) những năm 1950 hay mới quen nhau sau này, thưa anh Hai ?
Anh Hai An Phú (HAP)
Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Tôi học Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc đến hết lớp Đệ Tam (Niên khóa 1954/55), tôi đi Sài Gòn học, không biết anh Nghĩa nhập học Thủ Khoa Nghĩa năm nào, trước hay sau khi tôi đi Sài Gòn học. Do đó anh Nghĩa và tôi không có quen nhau lúc còn ở Việt Nam, nhưng có biết vợ chồng tôi là người Châu Đốc lớn tuổi hơn anh và là đồng môn Thủ Khoa Nghĩa đang định cư ở Sydney và đang làm công quả ở một chùa Phật, anh muốn tìm thăm.
Khoảng năm 2003 (tôi nhớ không rõ), có một Sư Cô từ chùa Phước Huệ Sydney đi thăm các chùa ở Brisbane (Tiểu bang Queensland-Úc), gặp anh Nghĩa công quả ở một trong các chùa đó, anh Nghĩa hỏi thăm Sư Cô có người nào tên Chung và vợ là chị Phấn, người Châu Đốc, đang công quả ở chùa Phước Huệ không? Sư Cô nói không biết tên ngoài đời nhưng có cặp vợ chồng có pháp danh Thiện Châu và Huệ Ngọc, người Châu Đốc, đang công quả ở đó. Anh Nghĩa gởi Sư Cô tên, địa chỉ và số điện thoại của anh, nhờ Sư Cô đưa cho tôi và dặn nếu đúng là vợ chồng tôi thì liên lạc với anh, anh rất mong tiếp chuyện với chúng tôi.
Chúng tôi quen biết nhau từ đó và liên lạc bằng thư từ và điện thoại nhắc lại nhiều kỷ niệm về Châu Đốc và trường cũ. Chính anh Nghĩa giới thiệu tôi mới biết có Trang nhà Thất Sơn Châu Đốc mà những người sáng lập là hai bạn đồng môn Đoàn Đông và Lộc Tưởng.

HT:
Thưa anh Hai An Phú,
Trong những câu chuyện hai anh cùng nhắc lại, có câu chuyện nào mãi đến nay anh còn nhớ? Ngoài ra, lúc bấy giờ anh có biết anh Lưu Nhơn Nghĩa là nhà văn Phong Hưng chưa, thưa anh Hai ?
HAP:
Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Trước khi trả lời câu hỏi của anh Hai về những chuyện trao đổi giữa anh Nghĩa và tôi, tôi xin đính chánh lại về thời gian anh Nghĩa và tôi bắt đầu quen nhau, tôi nhớ lại là khoảng trên 15 năm rồi, như vậy là khoảng năm 1994-1995, không phải năm 2003.
Đúng như anh Nghĩa có lần nhìn nhận trong Những Mảnh Vụn Cuộc Đời, anh là một người già chuyện, mỗi khi điện cho tôi, hai đứa nói với nhau “gần cháy máy điện thoại”, anh nói chuyện rất vui, rất hấp dẫn, rất chân tình.
Mặc dầu là đồng môn Thủ Khoa Nghĩa, nhưng không đồng thời, nên chẳng có nhiều kỷ niệm chung nơi trường cũ, quý vị Hiệu Trưởng và quý Thầy Cô thời tôi học hầu hết đã rời khỏi trường trước khi anh Nghĩa đến học.
Lúc trò chuyện với nhau, có lẽ Nghĩa cũng như tôi đều mường tượng đến một ngôi trường cũ ở một tỉnh giáp biên giới Miên, từ văn phòng cho đến các dãy lớp học, từ cái cổng trường cho đến cây cột cờ. Anh cũng đưa tôi đi trên “Con Đường Cũ”, con đường Bảo Hộ Thoại có dãy phố công chức mà anh và vợ chồng tôi đã từng sống ở đó. Nghĩa ở trọ nhà Thầy Giáo Khá, mấy căn kế cận có nhà Ông Đốc Đồng, Nhà Thầy Phương, Thầy Rớt…v.v. Đi tới một chút nữa, bỏ một con đường nhỏ thì tới dẫy phố Ông Bà nhạc của tôi ở, lân cận có nhà Thầy Giáo Tỵ; Thầy Ba Minh và Thầy Ba Ngươn làm việc ở Tòa Bố (Tòa Hành Chánh Tỉnh), Ông Bác Vật (Kỹ sư) Kim tức là Thầy Trần Sun, thầy dạy chúng tôi ở trường Thủ Khoa Nghĩa, Thầy Ba Thoại làm việc ở Ty Nông Nghiệp, còn Ông nhạc của tôi là Thầy Hai Tấn làm ở Nhà Thương (Bệnh viện) Châu Đốc. Làm sao tôi quên được con đường Bảo Hộ Thoại mà vợ chồng tôi có nhiều kỷ niệm từ lúc mới quen nhau cho đến khi thành vợ thành chồng.
Anh Nghĩa là người đi săn tìm kỷ niệm, anh thường hỏi tôi về những ngày xa lắt xa lơ. Sau khi mẫu thân của anh Nghĩa mất tại Úc, anh đem tro cốt về quê nhà, anh có đến thăm ngôi trường Thủ Khoa Nghĩa, anh muốn chụp hình ngôi trường để làm kỷ niệm, người giữ trường không cho và nói rằng trường đã quá cũ, xấu xí, anh chụp hình đem ra nước ngoài, người ta sẽ khinh nước mình nghèo, anh Nghĩa thăm Tri Tôn (Xà-Tón) thì cảnh đã quá đổi thay, anh không còn nhận ra vị trí ngôi nhà cũ của anh, phố xá hoàn toàn khác, người cao tuổi đã chết, tốp trẻ thì anh không quen. Khi trở qua Úc anh than với tôi: Về quê nhà, tôi hăm hở đi tìm kỷ niệm, nhưng đã thất vọng não nề, mọi việc đều xa lạ.
Tôi rất thông cảm với Nghĩa, năm 2007 trong chuyến về thăm Việt Nam, tôi ghi tên đi du ngoạn Hà Tiên, mục đích để có dịp gợi lại những kỷ niệm cũ ở những nơi tôi đã từng sống: con đường về miền Tây qua cây cầu Bến Lức một chiều, ở hai đầu cầu có bán khóm ngọt lịm như rim đường, qua Trung Lương có quán hủ tiếu Mỹ Tho, Bắc Mỹ Thuận phải chờ đò, hàng quán mua bán tấp nập…, qua Long Xuyên đến Châu Đốc quê tôi, tôi ước mơ nhìn lại dãy phố Bảo Hộ Thoại ngày xưa, rồi con đường vào Núi Sam mà hai bên đường nhà cửa lưa thưa, ngồi trên xe sẽ nhìn thấy được nước ruộng hai bên bờ, rồi đến Núi Sam với Miểu Bà Chúa Xứ, qua Nhà Bàng, Núi Két đến Văn Giáo, Chợ Voi, rồi đến Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng, nơi tôi từng làm việc trong thời gian tại ngũ, Hà Tiên là nơi vợ chồng tôi đến thăm sau ngày cưới.
Tôi cũng thất vọng như anh Nghĩa: Cầu Bến lức bây giờ hai chiều, xe chạy thông thương ít khi dừng lại để khách mua khóm ngọt, Trung Lương bây giờ cất lại mới, cầu Mỹ Thuận thay cho bến Bắc, hàng quán và mấy chiếc bắc bây giờ còn đâu, không còn nghe tiếng rao hàng lảnh lót, Long Xuyên phố xá tráng lệ, khang trang, nhà lồng chợ Châu Đốc vẫn còn cũ kỷ như xưa, nhà cửa xây cất lại, dãy phố Bảo Hộ Thoại đổi khác, đường vào Núi Sam nhà cửa bít kín hai bên đường, Miểu Bà bây giờ là khu thương mại tấp nập, cây cối và nhà cửa sầm uất che mất Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng. Hỏi Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng cũ ở chỗ nào thì lơ xe trả lời chỗ bảng “Quân Đội Nhân Dân” vừa chạy qua khỏi, đi vào sâu phía trong, bến Đò Tô Châu một cái tên thân thương và thơ mộng ở Hà Tiên bây giờ không còn nữa, thay vào đó là một cây cầu. Tôi cũng thất vọng như anh Nghĩa, hai đứa tôi đều có chung cái cảm giác ngỡ ngàng trước những đổi thay giống như hai chàng Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai trở về.
Thưa anh Hai,
Lúc mới quen anh Nghĩa tôi không biết anh ấy viết văn. Dần dần anh gởi cho tôi những truyện ngắn anh viết, viết tay hoặc đánh máy, ký tên Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa. Vợ chồng tôi và sắp nhỏ thích đọc truyện ngắn của anh, vì lối văn binh dân của anh dễ thấm nhập vào tâm hồn của những người xuất thân từ nông thôn như chúng tôi. Tôi thường nói Nghĩa là cháu ruột của Hồ Biểu Chánh. Đến năm 2001, Nghĩa tặng tôi quyển Như Cánh Chuồn Chuồn, các con tôi chuyền tay nhau đọc.

HT:
Thưa anh Hai An Phú,
Là một người đồng hương, cùng trường, cùng xa cố hương, cùng có ý tìm về cái cũ hầu tìm lại chút hình bóng xưa vào những ngày còn ngụ cư nơi con đường Bảo Hộ Thoại, Châu Đốc, một thời tuổi học trò ấy và rồi anh không vui vì thời gian và cảnh đời dời đổi quá nhiều. Nhưng khi anh đọc văn của anh Lưu Nhơn Nghĩa anh rất thích như anh tâm sự:"Vợ chồng tôi và sắp nhỏ thích đọc truyện ngắn của anh, vì lối văn binh dân của anh dễ thấm nhập vào tâm hồn của những người xuất thân từ nông thôn như chúng tôi.". Vậy, thưa anh Hai, qua các truyện ngắn và bút ký trong hai tác phẩm Như Cánh Chuồn Chuồn (1) và Con Đường Cũ (2), xin anh Hai có thể kể cho biết anh mê nhất truyện nào và vì sao thưa anh ?
HAP:
Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Tôi rất khó trả lời câu hỏi của anh Hai: qua các truyện ngắn và bút ký trong hai tác phẩm Như Cánh Chuồn Chuồn và Con Đường Cũ, tôi mê nhất truyện nào và vì sao?
Khó trả lời là vì truyện nào tôi cũng mê, mỗi truyện có cái đặc sắc của nó, cứ để thử hai truyện nào đó lên hai bàn tay để cân hạo, khó kết luận truyện nào nặng hơn, ví dụ trong Như Cánh Chuồn Chuồn, Chuyến Xe Cuối Năm, tôi xem là tiểu thuyết vì có nhiều chỗ hư cấu, trong đó nhân vật chánh là Chú Bảy Tề tài xế, từng trải việc đời, có tay nghề, hào hoa phong nhã, tằng tịu với Cô Út, “khách bộ hiền”, chở hàng đi bán; về sau già yếu, lụt nghề, bị chủ xe bỏ rơi, người yêu rời xa, lơ xe cũng ăn hiếp, “nhà sập bìm bìm leo” mà “bìm bìm leo thì hắc sửu cũng leo”, tôi nói truyện này hay vì nội dung câu chuyện rất sát với đời thường, lại còn đệm thêm nhiều câu hát huê tình rất đúng chỗ.
Nhưng tôi lại chọn truyện Như Cánh Chuồn Chuồn hơn vì nó phản ảnh gần một nửa cuộc đời lêu lỏng của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, Nghĩa như con cóc, bị Ông thân bắt bỏ trong cái dĩa, mới để vào cái dĩa, con cóc lại nhảy ra, mới được đưa vào học ở trường Hoa, bắn nạng dàng thung gây thương tích cho học sinh trường khác, bị đuổi học, Ông già đưa vào học chữ Miên rồi cũng nghỉ, đưa qua học chữ Pháp, chữ Việt thì rớt lên rớt xuống, thi sáu lần không đậu bằng Trung học đệ nhất cấp…; đặc biệt trong truyện có mối tình e ấp giữa Lưu Nhơn Nghĩa và cô bạn học người Hoa ở tiệm đối diện tên Thục Linh, đẹp và khả ái, có duyên với nhau nhưng không có nợ; trong truyện nầy, tác giả có những cú pháp rất chuẩn xác, như: Bầm dập cuộc đời...(trang 5/6)
Tả lúc Thục Linh dẫn ba đứa con nhỏ đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thăm chồng đi quân dịch, khi ra về tay ẵm tay bồng, mà còn một đứa níu vạt áo chạy theo, Trung Úy Nghĩa hào hiệp tiếp cõng một đứa đưa lên xe lam, Thục Linh và Nghĩa mới bất chợt nhận ra nhau, ngỡ ngàng, Nghĩa viết: “Khách bộ hành xô đẩy ba mẹ con Thục Linh vào trong xe nổ máy ầm ầm chạy khỏi bến. Thục Linh ôm ba con cúi đầu chào, tôi bất giác cúi chào lại, cả hai cúi chào duyên số hẩm hiu” (Trang 5/6).
Tả lúc Ông Thoại Ký, cha của Thục Linh, khổ sở vì phải hối lộ dài dài cho cảnh sát, quân cảnh… để lo cho chồng Thục Linh đào ngũ, Nghĩa viết: “Ông lắc đầu, uống ngụm cà phê đen, nhìn ông thân tôi, nuốt cà phê như nuốt hận vào lòng:-Phải mình là xin kê, tôi đâu có lo lính tráng cho thằng Din Nghĩ?” (Trang 6/6).
Như Cánh Chuồn Chuồn đã ghi lại hơn một phần ba cuộc đời của Lưu Nhơn Nghĩa, từ niên thiếu đến tuổi biết yêu, anh nói tất cả những khuyết điểm của mình như một con chiên xưng tội, tôi mến phục Lưu Nhơn Nghĩa ở cái tánh chân thật của anh.
Nếu chọn Như Cánh Chuồn Chuồn mà không chọn Kết Toán Sổ Sách Cuối Đời trong quyển Con Đường Cũ (trang 177-185) sẽ bị trách là không đầu không đuôi. Kết Toán Sổ Sách Cuối Đời là bài mà tôi mê nhất đó anh Hai, vì:
Tôi chưa từng thấy ai binh tĩnh như Lưu Nhơn Nghĩa trước cái chết gần kề; anh chuẩn bị dời về căn nhà cũ gần thành phố, nhìn từng đồ vật mà anh tích tụ bấy lâu, từ phim ảnh, dĩa nhạc đến sách truyện, anh nhớ từng nhân vật trong phim, trong truyện, anh phê binh các bản dịch thơ phú, văn chương, hiểu biết của anh quá sâu rộng qua những tác phẩm viết bằng Anh, Pháp, Việt và Hán. Anh nhìn 78 cuốn nhựt ký và bao nhiêu vật kỷ niệm trong cuộc đời, anh không biết thứ nầy cho ai, thứ kia tặng ai; bao nhiêu chuyện quá khứ hiện về, thành có, bại có, nên có, hư có, rồi anh thành tâm sám hối:
“Sinh vùng quê nghèo, lớn lên thiếu sức khỏe, 11 tuổi xa quê tới nay, thiếu không khí và giáo dục gia đình. Suốt bao nhiêu năm sống, đủ hỷ nộ ái ố, tham sân si. Tính tôi đơn giản, nông cạn, kém thông minh, học rất chậm mà siêng năng, không ưa danh vọng, chỉ ham sắc, ham tiền và du lịch. Lúc thì mặc cảm lẫn tránh, lúc thì nông nỗi, tự cao tự đại, mục hạ vô nhân, lúc ti tiện từng xu, lúc xài vô lối, tính bất thường, nhiều người ơn kẻ oán, thù chắc không có.
Trước khi đi, còn nhớ, xin thế gian quên cho những lỗi lầm vô tình hay cố ý, cám ơn ân nhân giúp đỡ khi túng bấn, nguyện trả khi có cơ hội kiếp lai sinh.”
Thật là vẹn tròn, còn ai nỡ hờn ghét gì anh nữa?
Anh nói:
“Ngày đi đầu thai, biết về đâu? Về VN là hết hy vọng, ai bảo lãnh qua ngoại quốc. Nghiệp dẫn đi đâu, làm đơn gởi xin được thác về làng Muruparra Bắc New Zealand vắng vẻ, đào củ kumera nung đá, thành món hangi thơm mùi khói, ăn no, chạy chơi thong dong qua cánh rừng thưa bạt ngàn.”
Sau cùng với tư tưởng Phật giáo, anh niệm câu chú trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, nguyện được đến bờ giác bên kia:
“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha.”
Hy vọng anh Nghĩa được toại nguyện.
Còn anh thì anh mê truyện nào của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, anh Hai?

HT:
Rất cảm ơn anh Hai chia sẻ vài cảm nhận qua các truyện của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, những nhận xét rất khách quan mà gần gũi, rất thân thiết mà trung thực. Riêng tôi, cùng tuổi già như anh Hai, cùng nhớ về một thời quê nghèo, cùng thương mến sông nước vùng mình và nhứt là cùng lận đận trong những ngày còn nhỏ học hành trễ nải, rồi cứ rớt lên rớt xuống nhiều keo, nên tôi rất cảm thông với những đoạn đời nhiều nhiêu khê qua những mùa thi cử ấy của anh Lưu Nhơn Nghĩa. Nhưng tôi dở hơn anh Lưu Nhơn Nghĩa nhiều vì thời tiểu học rồi trung học anh ấy lận đận như vậy nhưng nhờ ý chí vươn lên, nhờ trời phú cho tính nhớ dai và nhờ thông thái ở những ngày học đại học nên anh ra trường với bằng Đại học Sư Phạm và bằng Cử nhân Anh Văn, những mảnh bằng rất mực hiếm hoi lúc bấy giờ và cả sau này khi tôi vào đời, quả là một điều mà tôi vô cùng nể phục. Anh ấy xứng đáng là bậc thầy của tôi đó anh Hai.
Còn văn anh Lưu Nhơn Nghĩa thì khó so sánh với ai vì cái nét độc đáo trong cách viết riêng của ảnh vừa bác học mà vừa bình dân, vừa kể chuyện mà cũng vừa viết truyện, vừa chua chát mà vừa dí dỏm, vừa trách hờn mà cũng vừa thương cảm những cảnh đời nữa nên tôi nghĩ văn Lưu Nhơn Nghĩa là một bức tranh đời cùng khắp những nơi anh đã đi qua và sống với nó như hình với bóng khó mà ai đủ tài năng vẻ lại những cảnh đời như anh ấy được anh Hai à! Thành ra, tôi chỉ còn biết bái phục một nhơn tài của vùng Tri Tôn-Xà Tón như ảnh mà tôi tin còn lâu lắm vùng đất heo hút này mới có được một người thứ hai như anh ấy.
Nhớ có lần anh có kể là anh đi thăm anh Lưu Nhơn Nghĩa tuốt dưới Brisbane, anh có thể nhắc lại chuyến đi này cho em út nghe chơi anh Hai. Có gì vui, có gì lạ và có gì làm anh còn nhớ tới bây giờ ?
HAP:
Thưa anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,
Nghe tin bệnh của anh Nghĩa không thuyên giảm và bệnh viện chưa tìm được tủy sống thích hợp để cấy trị bệnh cho anh, khoảng tháng 02/2006, tôi cùng với Giáo sư Trần Thiện Hiếu đi máy bay đến Brisbane thăm anh Nghĩa. Giáo Sư trước kia là Thầy dạy anh Nghĩa môn Việt Văn lớp Đệ Ngũ tại Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc, hiện Thầy đang định cư tại Sydney, cách nhà tôi chừng năm phút lái xe.
Thầy Hiếu và tôi rất đỗi vui mừng khi gặp anh Nghĩa ra đón chúng tôi tại phi trường Brisbane. Tuy mặt anh Nghĩa hơi xanh -hình như da dẻ của anh lúc nào cũng vậy-nhưng anh có vẻ khỏe khoắn, linh hoạt và cười nói không dứt. Tôi nói như để ủy lạo anh: bữa nay coi anh khỏe ra! Anh cười: Mới vô máu thì khỏe vậy đó, gần tới ngày vô máu nữa thì bèo nhèo. Hôm đó là ngày Thứ sáu, anh Nghĩa đưa Thầy Hiếu và tôi về khách sạn nhận phòng, rồi anh nói xin phép đi ra Tòa làm thông dịch, xong anh sẽ trở lại. Thông dịch xong, anh quay trở lại khách sạn hàn huyên với Thầy Hiếu và tôi đến khuya.
Anh Nghĩa rất bận rộn, những ngày cuối tuần anh vẫn đi hội họp, làm Hiệu Trưởng một trường Việt ngữ, gồm 14 lớp, 240 học sinh, chia ra 9 cấp lớp (mở tại Trường Tiểu học công lập Darra State School). Học sinh học Việt ngữ mặc đồng phục, chào cờ và xếp hàng trước khi vào lớp, đang học thấy có khách đến, cả lớp nhất loạt đứng lên chào kính. Nhìn thấy sinh hoạt của các em, tôi nhớ lại tuổi học trò thời của anh em mình, công dân giáo dục và luân lý là môn học được xem trọng, đang đi trên đường gặp người già cả cũng giở nón cúi chào. Dạy học trò có nề nếp theo thuần phong mỹ tục ngày xưa như ở trường Việt Ngữ của anh Nghĩa thật là hiếm có.
Ngày Chủ nhật anh Nghĩa lái xe đưa Thầy Hiếu và tôi ra phi trường Brisbane để trở về Sydney. Giọng nói và nụ cười của anh Nghĩa vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi đến bây giờ.
Vào khoảng đầu hạ tuần tháng 09 năm 2007, anh Nghĩa gọi điện thoại cho tôi biết anh sẽ nhập viện trở lại và lần nầy có thể người ta sẽ hóa trị cho anh, một là anh sẽ khỏi, hai là anh sẽ đi luôn. Qua ngày sau tôi điện thoại vô bệnh viện, họ chuyển điện thoại cho anh, tôi hỏi thăm sức khỏe của anh và hỏi anh đang làm gì. Nghĩa trả lời bệnh viện đang xét nghiệm thêm gì đó, anh tận dụng thời gian trống, tiếp tục viết bài. Thật đáng bái phục! Anh đã làm việc và viết văn đến hơi thở cuối cùng!

HT:
Thưa anh Hai,
Quả đúng như anh nói, trong văn giới hiện nay tôi chỉ thấy có hai người “viết văn đến hơi thở cuối cùng”. Đó là nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa với “Kết Toán Sổ Sách Cuối Đời” (3) và nhà văn Phạm Chi Lan với “Những Giấc Mơ Trong Bịnh Viện”(4). Theo tôi, đây là hai áng văn tuyệt tác chẳng những nó hay vì văn chương đã đành, mà nó còn là một vẻ đẹp tuyệt diệu ngời sáng do bởi tấm lòng, nghị lực và ý chí chống chọi của hai anh chị nhà văn với những cơn đau hành hạ bởi căn bệnh quái ác, cùng sự hung bạo của tử thần bằng những dòng chữ mang chứa những ý nghĩa cao đẹp cùng mầm sống trong mỗi nhà văn nó mãnh liệt biết bao!
Qua “Lời phân trần” trong cuốn Như Cánh Chuồn Chuồn, Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa viết: “Tôi không phải là nhà văn như vài người bạn vui đùa quá lời. Tôi viết vì ở thế cùng cực, như viết nhựt ký và hồi ký, để giải tỏa căn bịnh ẩn uất tâm lý, tôi mắc bịnh này từ nhỏ, đang lành bịnh khi xong nợ ngân hàng, bịnh lành hẳn, lúc đó hết luôn nghiệp văn.
Hỏi cây, hỏi thú
“Hết rồi !”
Hỏi chim, hỏi cá, hỏi người
“Còn đâu
!”
Với tư cách một người bạn rất thân của anh Lưu Nhơn Nghĩa, anh nghĩ gì về “lời phân trần “ này của tác giả “Như Cánh Chuồn Chuồn” và “Con Đường Cũ”, thưa anh Hai?

HAP:
Thưa anh Hai,
Tôi mới làm bạn với anh Nghĩa chưa đầy hai mươi năm, tôi không biết hoàn cảnh thực tế của anh Nghĩa lúc còn trẻ, nhưng qua hai quyển truyện Như Cánh Chuồn Chuồn và Con Đường Cũ, cũng như nghe những lời tâm sự sau khi quen với anh, được tiếp xúc với anh, tôi thấy lời phân trần của anh Nghĩa là hết sức thành thật. Lúc còn nhỏ anh không thành công trong việc học như cha mẹ mong muốn, một tình cảm e ấp buổi đầu đời không thành, một cuộc sống dày dạn phong sương trước những éo le cay đắng của cuộc đời và của gia đình, những ngang trái đó anh bày tỏ cùng ai, nó đã trở thành những “ẩn uất tâm lý” nếu không có những bài nhựt ký và hồi ký làm lối thoát. Anh viết để giải tỏa những” ẩn uất”, anh không viết để trở thành một nhà văn, nhưng có lẽ nhờ những “ẩn uất” đó cộng thêm cái vốn liếng văn chương sẵn có trong tâm hồn anh, anh viết được những áng văn bất hủ để người đọc kính ngưỡng anh là một nhà văn. Anh hỏi cây, hỏi thú, hỏi người, anh tự trả lời “hết rồi”, “còn đâu”, anh cũng không còn, nhưng chỉ có vài ba ngày trước khi lâm chung, đang ở trong bệnh viện, anh cho tôi biết anh đang viết, như vậy tôi nghĩ nghiệp văn chương của anh chưa dứt và anh đã mang cái nghiệp đó theo anh qua bên kia.

HT:
Xin chân thành cảm ơn anh Hai An Phú đã chia sẻ những kỷ niệm cùng những suy nghĩ của anh dành cho một người bạn, nhà văn Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, nhơn dịp kỷ niệm ngày giỗ thứ tư của tác giả “Như Cánh Chuồn Chuồn” và “Con Đường Cũ”. Những chi tiết anh kể chẳng những là những kỷ niệm giữa anh và Phong Hưng, mà nó còn là những tài liệu rất quý cho những nhà biên khảo hôm nay và sau này muốn tìm hiểu về một văn tài của vùng xà Tón- Tri Tôn với cái tên rất quen quen: “Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa,” nhưng nay đã ra người thiên cổ có tới bốn năm rồi !!!
Kính chúc anh chị Hai cùng gia đình dồi dào sức khỏe và vạn điều may mắn, an vui.
HAP:
Cảm ơn anh Hai có lòng đã tạo cơ hội cho tôi có dịp nhắc về một người bạn cùng trường, cùng cảnh ngộ tha hương và cùng có với nhau nhiều kỷ niệm khó quên ở những ngày tháng xa xứ và nhớ nhà này. Xin kínhchúc anh và chị Hai cùng gia đình mọi điều an lạc.
Trân trọng,
Hai An Phú

——

Cước chú:
1/ Như Cánh Chuồn Chuồn của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa do chùa Viên Giác, Đức quốc, xuất bản năm 2001.
2/ Nhằm tưởng nhớ nhà văn họ Lưu sau khi anh từ giã cõi đời, TSCĐ tuyển chọn và in thành sách các bài viết của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa trên trang nhà TSCĐ thành cuốn Con Đường Cũ tháng 12-2007
3/ “Kết Toán Sổ Sách Cuối Đời” trên www.thasonchaudoc.com ngày 16-03-2007, sau in lại trong “Con Đường Cũ” như chú thích (2)
4/ “Những Giấc Mơ Trong Bịnh Viện” của Phạm Chi Lan đăng trên tạp chí văn chương Da Màu (www.damau.org) ngày 07 tháng Giêng năm 2009.
.
.
.

No comments: