22.09.2011
Đêm Tây Đô, cơn mưa phùn ban chiều làm dịu đi đôi chút cái nóng mùa hạ. Chúng tôi ngồi trong một chòi lá ven giòng sông Hậu, thỉnh thoảng nghe tiếng xình xịch của một chiếc tắc ráng chạy vội trong đêm. Ánh trăng rằm vằng vặc một vùng sông nước, đủ soi rọi những nhánh lục bình đang hững hờ hay bị con nước cuốn trôi. Tiếng đàn vọng cổ bổng trầm và người ca sĩ đang xuống giọng. Dường như bài ca về Huyền Trân Công Chúa, đang ngậm ngùi từ giã người yêu đi theo chồng. Tôi quay lại cùng cuộc vui mà lòng lại man mác theo giọng ca. Bài vọng cổ buồn quá. Tiếng đàn buồn quá. Và giọng ca cùng khuôn mặt cô gái cũng buồn. Không biết vì nét mặt hay cô đang nhập vai Huyền Trân. Trong khi đó là cuộc vui. Một cuộc vui có tiếng đàn và những giọng ca cải lương tài tử đến góp vui …
------------------------
Chuyến đi Việt Nam lần này, tôi vẫn mang ý định sẽ xuống lại miền Tây. Có dễ cũng đến hơn 25 năm, từ khi tôi xuống vùng sông nước này lần đầu. Tôi không còn nhớ những con đường quê, chiếc cầu khỉ gập ghềnh và những chuyến phà sang Bắc Mỹ Thuận hay Bắc Cần Thơ thuở xưa. Mà tôi nhớ về một đêm uống rượu đế pha cam sành bằng chén ăn cơm, nhậu với khô cá khoai trộn bưởi mới hái từ vườn nhà… Đó là những năm đầu đại học, khi bạn bè tứ xứ gặp nhau tại khuôn viên đại học Sàigòn và rủ nhau về thăm quê những ngày cận Tết. Người miền Tây vốn hào sảng, đón thêm dăm đứa sinh viên bạn bè của con từ SG về thăm nhà, với họ là lại thêm một niềm vui lớn. Và cái vui của họ chuyển thành những chén rượu mời. Mời mà như thúc ép. Để rồi chỉ sau dăm vòng, dăm đứa “thư sinh” chúng tôi nằm lăn đùng ra như những con cá khô trên chiếu nhậu. Cá khô nên nằm yên chứ không giẫy, đến tận trưa hôm sau thức dậy mà cái đầu còn bưng bưng. Và từ đó, cái đầu bưng bưng lại mang theo dăm mảnh vụn ký ức của một thời mới lớn. Chuyến xuống miền Tây lần này, cũng là chuyến đi cùng những người bạn đồng học của một thời sinh viên “bao cấp” ngày đó, được lãnh gạo hay cá thịt theo “tiêu chuẩn” … công nhân.
Bây giờ họ đã là những thương gia khá thành đạt, mở rộng cơ sở làm ăn xuống tận miền Tây và thỉnh thoảng làm “mạnh thường quân” cho các hoạt động của trường xưa. Rất chân tình để nói thật cho nhau nghe những điều có thể, những người bạn tôi thú nhận rằng họ phất lên được vì “sự hỗn mang” của một thời được cho là “kinh tế thị trường” như các năm qua. Và có lẽ đó cũng là tình hình chung của một số ít dân thường miền Nam phất lên không từ những dây mơ rễ má với các thế lực chính trị đương thời. Nhưng những sự “cống nạp” là bắt buộc để họ tồn tại và phát triển, và tạo ra những “quan hệ” không thể thiếu, một khi đã phất lên. Hơn ai hết, Trung Cộng và những nhà đầu tư Á châu hiểu được “văn hóa cống nạp” này để nhảy vào làm ăn tại VN với loại "văn hoá" mới này.
Với 17 triệu dân cùng sự ưu ái của thiên nhiên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từ thời khai cõi đã là kho lúa gạo, nông sản thực phẩm cung cấp khắp miền Nam và cho cả nước sau này. Sự ví von chỉ mang tính ước lệ, nhưng tôi vẫn liên tưởng về người dân miền Tây qua hình ảnh cái lẩu mắm và dĩa rau bắt mắt đi kèm của người dân vùng này. Hào phóng, phong phú đến dư thừa. Bắt mắt nhưng chân quê, hồn hậu. Nhưng người dân miền Tây bị bỏ quên cho đến vài năm qua, khi hai chiếc cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ được xây dựng từ nguồn tiền ODA của Nhật tài trợ. Và mới nhất là xa lộ cao tốc chỉ khoảng sáu chục cây số, bắt đầu từ chợ Đệm, cuối một vùng ven Sàigòn kéo đến Trung Lương. Đường ngang qua Long An và Tiền Giang, cũng được khánh thành dăm tháng trước khi khai thông cầu Cần Thơ. Nếu ngày xưa từ SG xuống Cần Thơ đi theo quốc lộ 1, kể cả thời gian chầu chực qua hai bến phà, thời gian không dưới 6-7 tiếng đồng hồ thì nay thời gian rút còn dưới một nửa. Người ta bảo rằng những con đường huyết mạch này được xây dựng vì nhờ có các quan to trung ương gốc miền Tây, hơn là chúng được xây dựng vì tầm nhìn chiến lược quốc gia. Vì lẽ ra, chúng phải được xây dựng và khai thông từ lâu hơn. Nhưng những chiếc cầu này không chỉ ra đời và đem lại sự tiện lợi, tự hào chung cho người dân miền Tây, mà chính họ đã phải trả giá bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu mình.
Những dầm cầu Cần Thơ bị sập khi đang xây dựng đã làm hàng trăm gia đình mất chồng, mất cha. Ngang qua làng Bình Minh, Vĩnh Long nơi tập trung hầu hết những người công nhân bị thiệt mạng hay thương tật vĩnh viễn trong vụ sập cầu, tôi được nghe dăm câu chuyện kể về nơi này. Sau tai nạn thương tâm và những món tiền bồi thường to lớn từ chủ đầu tư phía Nhật, làng này bỗng “phát triển” thành nơi ăn chơi, mua sắm phồn thịnh nhờ những đồng tiền nhuộm máu đó. Chuyện thương tâm và đoạn kết cũng không lấy gì làm vui, nhưng ít ra những gia đình các nạn nhân này cũng còn may mắn vì được phía Nhật bồi thường. Vì thông thường, có ai bồi thường cho hàng ngàn vụ tai nạn lao động thương tâm khác đã xảy ra cho người nhân công VN khắp cả nước trong bao năm qua, ngoài những khoản tiền ít ỏi gọi là “hỗ trợ ma chay”.
Ngoài những chiếc cầu đẹp đẽ và xa lộ cao tốc vừa được khánh thành kia, dọc hai bên đường về miền Tây dường như không thay đổi nhiều, mức độ đô thị hoá không rõ nét. Ngang qua những cái tên rất mộc mạc miền Tây như Kênh Xáng , Chợ Gạo, cầu Cái Vồn… sự phát triển hay xây dựng chỉ mang tính cá nhân, gia đình. Chỉ dăm những biệt thự, vườn cây ăn trái to lớn của những “lãnh chúa miệt vườn”, tức của những tay cán bộ đầu tỉnh hay các quan ngành trọng yếu như điện lực, thuế vụ… mà đi ngang qua ai cũng biết. Còn với người dân, ai ăn nên làm ra hay con cái lập nghiệp phương xa giúp đỡ thì xây sửa nhà cao, cửa… hẹp, vì nhà cửa VN hầu như chỉ phát triển chiều cao. Và đó cũng chỉ là bộ mặt dọc theo đường lộ, vì tôi không có cơ hội đi vào những con đường làng, băng qua cầu khỉ như năm xưa. Dừng lại một điểm bán trái cây ven đường tại Vĩnh Long, khi ra sau rửa mặt, tôi lại nhìn lại chiếc “cầu cá” trên ao. Bao năm qua, chúng vẫn thế hay được “hiện đại hoá” khi xây bằng gạch thay vì gỗ ván như xưa. Và cũng chẳng cần đi sâu hay đi xa hơn, chỉ tại bến Ninh Kiều ngay giữa Cần Thơ, phía bên này là nhà hàng, khách sạn và tàu hay ca-nô chờ chực đưa du khách đi dạo vùng sông nước, thì cũng ngay đó, hình ảnh đời sống thương hồ của người dân ăn, ngủ, vệ sinh ngay trên những chiếc thuyền cũ kỹ của mình cũng đập ngay vào mắt du khách. Ở đó là cuộc sống của những thương hồ lang bạt, rày đây mai đó, nổi trôi theo những mùa gió chướng hay con nước lớn, nước ròng.
Đêm trước, nghe người nghệ sĩ tài tử ca bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu, tôi lại háo hức cho buổi sáng hôm sau đi xem chợ nổi, vì cứ ngỡ chợ nổi Cần Thơ nằm trên “bờ kinh ngã Bảy”, nơi con sông chia làm bảy nhánh nhắc trong bài vọng cổ. Nhưng té ra, khi hỏi chuyện người lái xuồng máy đưa chúng tôi đi, mới biết mình đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chỉ 30 phút từ bến Ninh Kiều, là khu chợ mà cùng với chợ Phụng Hiệp và chợ Cái Bè Tiền Giang là ba chợ nổi lớn nhất miền Tây. Muốn xuống chợ nổi Phụng Hiệp bờ kinh ngã Bảy, phải đi thêm vài chục cây số theo đường sông. Chợ Cái Răng với hàng trăm chiếc thuyền nhóm họp vài tiếng mỗi ngày từ 5 giờ sáng, mua bán các loại trái cây, nông sản của miền sông nước. Bán thứ gì cứ treo thứ ấy lên sào cao trước mũi thuyền, kêu bằng treo “bẹo”. Người ta đi ngang thấy treo “bẹo” bí đỏ hay hành tây, chôm chôm thì ghé vào thứ mình cần, thay vì phải ghé từng thuyền để xem họ bán thứ gì. “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng, Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn. Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng, Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ”. Tôi chỉ tiếc đã quên hỏi người đưa ghe về ý nghĩa hay xuất xứ chữ “bẹo” này. Ghe lớn nhỏ san sát mua bán tấp nập, cùng những chiếc ghe bầu chở hàng hoá đi khắp lục tỉnh hay sang tận Kampuchia hay Trung Hoa. Vừa đến khu vực chợ nổi, quả thú vị khi nhìn những chiếc ghe nhỏ bán cà phê, phở, hủ tíu, cháo lòng điệu nghệ luồn lách và cặp ngay mạn ghe chúng tôi để mời mọc. Uống ly cà phê sáng ngay trên sông, mà nhiều phần có thể đã pha từ nước sông và ăn sáng bằng chiếc bánh ú dừa chắc cũng luộc từ nước sông, quả là một điều nhớ đời cho một khách phương xa đến với Cần Thơ.
Buổi chiều mưa phùn, từ bên này sông nhìn mờ ảo qua chiếc cầu Cần thơ sừng sững, tôi thật sự vui mừng cho người dân sông nước miền Tây. Ít ra họ đã được hưởng đôi chút từ những điều gọi là “phát triển” tại VN hiện nay. Không nhiều, nhưng cũng phần nào bù đắp cho tâm trạng trong những câu cải lương, câu hò và những bản nhạc da diết. “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào”, giọng ca Út Trà Ôn một thời lại văng vẳng qua tiếng xuống giọng của người nghệ sĩ đêm trước. Nếu biển cả mang lại cho người ta cảm giác cô đơn, bé nhỏ thì những giòng sông thường mang lại cho người ta cảm giác man mác, trầm mặc u hoài. Mà miền Tây lại quá nhiều sông nước. Nên lời ca tiếng nhạc của họ cũng buồn. Và những cô gái miền Tây đã chán ngồi nhìn lục bình trôi trên sông, mà tự mình làm nhánh lục bình với hy vọng đổi đời. Không biết bao nhiêu người đổi đời, nhưng miền Tây bây giờ không chỉ là vựa lúa gạo, hoa trái thực phẩm, mà còn cung cấp các cô gái đẹp cho khắp chốn ăn chơi thành thị. Quán nhậu, bia ôm, mát-xa, gái bao, nghe bảo phần nhiều là những thiếu nữ miền Tây. Tôi nghi ngờ về nhận xét này và không muốn nghĩ oan cho họ, nhưng đâm ra đó lại là điều có thực, khi chính mình tìm hiểu về điều này. Cạnh đó, phong trào lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn xem ra vẫn còn là điều mời gọi, cho dù báo chí đăng lắm cảnh thương tâm. Chỉ đôi ba cô gái may mắn, hay tưởng như may mắn, khi lấy chồng ngoại rồi gởi tiền về giúp cha mẹ, đã kéo theo hàng trăm cô gái khác lao vào con đường này. Xuống Cần Thơ, hỏi xóm Đài Loan, ai cũng rõ. Đó là nơi hàng trăm gia đình có con gái mới lớn đều rủ nhau lấy chồng xa xứ. Có nhà cả mấy chị em đều đi chung một đường. Chẳng có anh bán chiếu hay ghe chiếu Cà Mau nào còn giữ nổi chân những cô gái quê. Công Chúa Huyền Trân gạt lệ ra đi, còn đánh đổi hai châu Ô, Lý. Những Huyền Trân thời đại này, đánh cược điều gì trên chính cuộc đời mình qua những cuộc rủi may duyên phận? Vì xét cho cùng, họ cũng chỉ là những nạn nhân, dù tưởng như chính họ đã tự chọn lựa con đường của mình.
Lẽ ra tôi kể cho bạn nghe về Cần Thơ và miền Tây trong những bài viết sau cùng của loạt bút ký này, vì đó là thành phố cuối cùng tôi ghé thăm trong chuyến đi. Nhưng tôi vẫn muốn viết về nó trước, vì tôi sợ rằng những hình ảnh đẹp và cảm xúc của mình trong chuyến ghé thăm nơi này sẽ bị những tất bật của đời sống làm nhạt nhòa. Dăm sách du lịch hay văn hoá về Cần Thơ đã thêu dệt cái tên Cần Thơ qua những truyền thuyết đại loại như nó được chính vua Gia Long đặt tên khi trên đường bôn tẩu và ghé ngang thành phố này. Đêm nghe tiếng đàn giọng hát trên giòng Trấn Giang nên Ngài đặt tên nó là Cầm Thi Giang, giòng sông vang vọng tiếng đàn câu thơ. Rồi Cầm Thi biến thành Cần Thơ, lúc nào chẳng ai hay. Hay giả cũng có tích khác bảo rằng Cần Thơ được đọc trại từ “Cần thơm”, loại cần nước mọc đầy ven sông những ngày còn khai hoang. Chẳng có gì xác thực trong những cách lý giải này. Nhưng mỗi địa danh được thi vị hoá qua những truyền thuyết như vậy âu cũng là điều thú vị. Chúng như những hạt phù sa màu mỡ, bồi đắp vào văn hoá riêng biệt Cần Thơ hay miền Tây nói chung. Hoặc giả cũng có người lớn tuổi hơn chỉ nhắc cái tên Phong Dinh, tên gọi một thời của Cần Thơ, mà bây giờ chẳng mấy người trẻ còn biết tới. Còn riêng tôi, tôi vẫn thích gọi Cần Thơ bằng cái tên Tây Đô, như khi đặt tựa cho bài viết của mình. Bởi nó bộc tả được tính chất thủ phủ, kinh đô của thành phố này tại một vùng sông nước miền Tây. Hay cũng có thể bản nhạc “Chiều Tây Đô” của nhạc sĩ Lam Phương lại chất chứa một kỷ niệm rất riêng trong tôi.
Đêm nguyệt thực Tây Đô, đêm rằm nhưng trăng lại khuyết. Tôi nghĩ đời sống người dân miền Tây đã có thể vui hơn những giọng hò, bài vọng cổ của họ. Tiếng gió bời bời từ ngoài sông thổi vào. Thôi hãy cứ chảy đi, giòng sông đêm!
.
.
.
No comments:
Post a Comment