Tuesday, October 18, 2011

TÌM HIỂU VỀ SỨC MẠNH MỀM CỦA TRUNG QUỐC (Đoàn Thanh Liêm)




Từ xưa, cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở cho con cháu mình với câu văn thật ngắn gọn như sau: “Mạnh thì dùng Sức, Yếu thì dùng Chước”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì chữ Sức ở câu trên có thể gọi là “Sức mạnh Cứng” (Hard Power), và chữ Chước thì đúng là “Sức mạnh Mềm” (Soft Power).

Trong cuốn sách Việt Nam trong Chiến tranh Tư hữu ” xuất bản năm 2010 mới đây ở Mỹ, tác giả Nguyễn Cao Quyền có nêu ra một nhận định như sau: “Bắc kinh tiến hành xâm thực Việt nam bằng cả sức mạnh quân sự lẫn sức mạnh “mềm”.Họ dùng” sức mạnh cứng” ở biển Đông và “sức mạnh mềm” trong lãnh thổ và xã hội Việt Nam” (trang 434). Và tại nơi khác, tác giả viết: “Về phần mình, Việt nam chẳng có sức mạnh cứng đủ tầm cỡ để đương đầu với kho vũ khí hiện đại của Trung Quốc, cũng chẳng có sức mạnh mềm nào để thuyết phục. Sức mạnh mềm duy nhất Việt nam có trong tay là lòng yêu nước và niềm tin của người dân sẽ được sống trong một xã hội tự do dân chủ.” (trang 436).
Sự nhận định này có thể gợi ý cho chúng ta cùng nhau tổ chức một thứ “Hội Nghị Diên Hồng” nhằm thảo luận về phương thức làm sao để người Việt nam có thể phát triển cái sức mạnh của lòng yêu nước và niềm tin đó thành một khả năng hiện thực khả dĩ chống đỡ lại được với hiểm họa xâm lăng thâm độc của Trung quốc.

Trong khi chờ đợi sự lên tiếng của các thức giả có sự quan tâm lo lắng đến sự sống còn của dân tộc, người viết bài này xin được trình bày về Sức Mạnh Mềm của Trung quốc vào đầu thế kỷ XXI hiện nay. Chúng ta cần phải biết rõ ràng về nội tình thực lực của đối phương, hầu có thể tìm ra được biện pháp đối phó thích ứng đối với kẻ địch.

1 – Khái niệm về Sức mạnh Mềm.
Thuật ngừ này mới trở thành thông dụng trong chừng 15 – 20 năm gần đây, thọat đầu do vị giáo sư tại Đại học Harvard là Joseph Nye, Jr đưa ra. Ông viết: “Sức mạnh mềm của một nước, đó chính là khả năng làm ảnh hưởng đến cung cách ứng xử của những quốc gia khác, bằng cách lôi cuốn và thuyết phục những nước đó chấp nhận những mục tiêu của mình”. Trong bang giao quốc tế hồi xưa, người ta hay nói đến cái chính sách “ Cái gậy và củ cà rốt”, tức là một nước lớn đưa cái gậy ra (sức mạnh cứng) để răn đe hù dọa, và cũng đưa ra củ cà rốt (sức mạnh mềm) để dụ dỗ thuyết phục đối với một nước nhỏ bé yếu đuối. Ngày nay, thì mấy nước lớn hay dùng cách phổ biến văn hóa, phát triển nền ngọai giao, cấp phát viện trợ kinh tế, mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư… nhằm lôi cuốn các nước khác theo vào với phe của mình.
Điển hình như nước Mỹ, thì những phim ảnh của Hollywood, các Đại học, các Foundation… là những yếu tố căn bản thiết yếu tạo thành cái sức mạnh mềm thật mạnh mẽ vững chắc cho cường quốc này, ngòai sức mạnh quân sự và kinh tế.

2 – Chính sách của Trung quốc nhằm phát triển sức mạnh mềm.
Giới thức giả tại lục địa Trung hoa từ lâu đã nghiên cứu và thảo luận về chuyện sức mạnh mềm. Mà cả đến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong dịp Đại hội lần thứ 17 của Đảng cộng sản Trung quốc cũng đã phát biểu công khai vào ngày 15 tháng 10 năm 2007 rằng: “Đảng cộng sản phải củng cố nâng cao văn hóa như là một phần của sức mạnh mềm của đất nước… một yếu tố có ý nghĩa mỗi ngày thêm lớn mạnh trong sự tranh đua về sức mạnh tòan diện của quốc gia”.
Với sự thành công về mặt kinh tế, nhà nước Trung quốc đã phát động cả một chiến dịch quảng cáo và tuyên truyền rất mạnh mẽ về tính cách ưu việt của văn hóa Trung hoa. Điển hình là họ đã cho thiết lập hàng mấy trăm Học viện Khổng tử (Confucius Institutes) tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm giảng dậy về ngôn ngữ và văn hóa. Trong vòng 30 năm từ 1978 đến 2008, đã có đến 1.4 triệu sinh viên Trung quốc đi du học ở nước ngòai. Và vào năm 2009, thì có đến 220,000 sinh viên ngọai quốc đến học tại các đại học ở Trung hoa. Trong khi Đài Tiếng nói Hoa kỳ bớt giờ phát thanh bằng tiếng Trung hoa từ 19 xuống còn có 14 giờ mỗi ngày, thì Ban Quốc tế của Đài Phát thanh Trung quốc lại tăng lên đến 24 giờ mỗi ngày.

3 – Những con số thống kê đáng chú ý.
Để bạn đọc có một số khái niệm tương đối rõ ràng về tầm vóc lớn lao trong lãnh vực sức mạnh mềm của Trung quốc, người viết xin trưng ra một số dữ liệu thống kê cụ thể, trích từ tài liệu đáng tin cậy do giới nghiên cứu quốc tế thâu thập được trong thời gian gần đây.
Trong năm 2009 – 2010, Trung quốc đã đầu tư đến 8.9 tỷ dollar vào “công trình quảng cáo ở ngọai quốc”, kể cả kênh truyền hình liên tục 24 giờ Tân Hoa, bắt chước theo Al Jazeera. Trung quốc cũng gửi 3,000 quân tình nguyện để phục vụ trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Và đại diện Trung quốc cũng tham gia vào nhiều hội nghị cấp vùng như Hội nghị Thương đỉnh Đông Á, nhằm tạo uy tín và thiện cảm đối với các quốc gia lân cận.
Trung Quốc cũng chú trọng nhiều đến những động tác gây chú ý trong công luận, cụ thể như giúp việc tái thiết trụ sở Quốc hội của Cambodia hay trụ sỡ Bộ Ngọai giao của Mozambique. Đặc biệt nhân Thế vận Hội năm 2008 tại Bắc kinh, Trung quốc đã dồn mọi nỗ lực về tài chính cũng như về kỹ năng tổ chức để quảng cáo cho vị thế nổi bật của mình trên thế giới. Năm 2009, Trung quốc công bố những kế hoạch chi tiêu hàng nhiều tỷ mỹ kim để phát triển những cơ sở truyền thông đồ sộ nhằm cạnh tranh với các hãng Bloomberg, Time Warner và Viacom “để sử dụng sức mạnh mềm hơn là sức mạnh quân sự nhằm tạo thêm được nhiều bạn bè thân hữu ở nước ngòai”.
Và còn hơn thế nữa, những viện trợ của Trung quốc cho nước ngòai thường không đòi hỏi điều kiện gì như là phải có sự điều hành tốt trong guồng máy chính quyền (good governance) hay là phải tôn trọng nhân quyền mà các nước Âu Mỹ thường nêu ra. Mà Trung quốc chỉ yêu cầu các nước nhận viện trợ là “Không được công nhận Đài Loan” hoặc “Ủng hộ lập trường của Trung quốc trên diễn đàn quốc tế”; đó là 2 điều kiện quá dễ dàng, nhất là đối với các nước theo chế đô độc tài chuyên chế, thường hay đàn áp đối lập chính trị trong nước.

4 – So sánh giữa sức mạnh mềm của Trung quốc với của Ấn độ.
Ta cần chú ý đến hai nước lớn và có đông dân số nhất tại Á châu và khôn khéo tạo được cái thế dựa vào Ấn độ để kiềm chế bớt được áp lực của Trung quốc vốn là kẻ thù truyền kiếp đối với Việt nam. Ấn độ thua xa Trung quốc về sức mạnh cứng do thực lực cũng như do tiềm năng quân sự và kinh tế. Nhưng về mặt sức mạnh mềm, thì Ấn độ tỏ ra có một số ưu điểm, cụ thể như sau:
a/ Ấn độ có một nền văn hóa đại chúng (popular culture) và những kỹ nghệ văn hóa (cultural industries) vượt xa Trung quốc, điển hình như các phim ảnh do Bollywood của Ấn sản xuất thì hấp dẫn gấp nhiều lần so với lọai phim của Trung quốc. Lại nữa, có đến hàng trăm triệu người Ấn nói thông thạo tiếng Anh, có một giai cấp trung lưu khá đông đảo gồm nhiều trăm triệu người, do đó Ấn độ dễ dàng mở rộng sự tiếp cận và giao lưu văn hóa kinh doanh với thế giới hơn Trung quốc gấp bội.
b/ Thể chế tự do dân chủ đã ăn rễ sâu xa nơi xã hội Ấn độ, đặc biệt là khu vực Xã hội Dân sự với hàng triệu những tổ chức phi chính phủ – bất vụ lợi, thì có sức lôi cuốn đối với công cuộc xây dựng tự do dân chủ và bảo vệ nhân quyền tại khắp nơi trên thế giới hiện nay, hơn rất nhiều so với mô hình Trung quốc hiện vẫn còn dựa trên cơ sở độc tài chuyên chính của Lénine và Mao Trạch Đông.
c/ Sự tranh chấp căng thẳng giữa Ấn độ với Trung quốc kể từ cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Do đó Ấn độ sẽ dễ dàng kết hợp với các quốc gia Á châu khác để tạo thành được cái thế quân bình tại khu vự Á châu, hạn chế được tham vọng lấn áp bá quyền của Trung quốc vốn từ lâu vẫn theo truyền thống cố hữu cường quyền Đại Hán.

5 – Người Việt hải ngoại chúng ta có thể làm gì để góp phần làm gia tăng sức mạnh mềm của đất nước?
Đây là một câu hỏi rất cấp bách đặt ra cho tất cả trên 4 triệu người Việt hiện đang sinh sống tại mấy chục quốc gia trên thế giới. Nó đòi hỏi một sự tìm tòi và thảo luận nghiêm túc của mọi người trong một thứ Hội nghị Diên Hồng với phương tiện trao đổi suy nghĩ trong thời đại kỹ thuật Internet ở thế kỷ XXI hiện nay.
Trong khi chờ đợi ý kiến của các bậc thức giả có sự quan tâm sâu sắc đối với hiểm họa mất nước, người viết bài này xin tạm nêu ra một vài suy nghĩ sơ khởi tóm lược như sau:
a/ Thế hệ con và cháu chúng ta, tính từ 40 tuổi trở xuống, thì hầu hết đều tốt nghiệp đại học và thông thạo ngôn ngữ của quốc gia sở tại nơi mình định cư. Do đó, các cháu dễ dàng hội nhập sâu đậm vào với dòng chính của xã hội nơi mình cư ngụ và làm việc. Vì thế các cháu có thể tham gia vào việc vận động dư luận quần chúng, kêu gọi các nhân vật lãnh đạo chính quyền, các tổ chức văn hóa, tôn giáo, xã hội… để tạo được sự thông cảm, hiểu biết và yểm trợ rộng rãi cho công cuộc tranh đấu vì sự sống còn của dân tộc Việt nam trước hiểm họa xâm lăng rất thâm độc của Trung quốc. Thế giới ngày nay đang mỗi ngày một tiến xa trên quá trình tòan cầu hóa, nên cái chính nghĩa sáng ngời của chủ trương dân tộc sinh tồn tại Việt nam sẽ dễ có điều kiện được sự ủng hộ của khắp thế giới, miễn là thế hệ thứ hai và thứ ba của khối người Việt hải ngọai chúng ta nhiệt tâm dấn thân vào công cuộc vận động nơi các quốc gia sở tại.

b/ Việt Nam lúc này vừa bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm, vừa bị phá hoại bởi nạn nội xâm do chính quyền tham nhũng độc tài cộng sản gây ra. Do đó việc giải cứu khỏi nguy cơ bị xâu xé thôn tính bởi cái thứ “Thù trong Giặc ngòai” này rất là khó khăn phức tạp cho tòan thể dân tộc chúng ta. Một trong các phương thức vận động và duy trì được một cao trào quần chúng tham gia tích cực bền bỉ vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, thiết nghĩ là phải phát triển mạnh mẽ Xã hội Dân sự trong mọi lãnh vực nhân đạo xã hội, văn hóa giáo dục và cả tôn giáo tâm linh nhằm lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân cùng nhất tề tham gia vào các dự án cụ thể, thiết thực và thường xuyên để cải tiến xã hội và xây dựng quốc gia. Người hải ngoại có thể lôi cuốn cả nguồn tài nguyên vô biên của Xã hội Dân sự ngọai quốc nơi mình cư ngụ, cũng như của Xã hội Dân sự Tòan cầu (the Global Civil Society) vào việc hỗ trợ tích cực và hữu hiệu cho các tổ chức, đòan thể phi chính phủ ở trong nước vốn có nhiệm vụ trực tiếp và chính yếu đối với sự thịnh suy của nước nhà.

c/ Đặc biệt cần tạo được một thế liên hòan vững chãi giữa nhân dân các quốc gia Á châu từ Nhật bản, Đại Hàn, Đài Loan, đến Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore, Indonesia, Thái Lan và nhất là Ấn Độ với nhân dân Việt nam hầu cùng đối phó được với mối đe dọa cho an ninh và thịnh vượng chung của tòan thể khu vực. Việc này có thể làm được trong khả năng của Xã hội Dân sự Việt nam và của nền Ngọai giao Nhân dân của chúng ta (People’s Diplomacy), chứ không phải chỉ là thẩm quyền chuyên biệt riêng của một chính quyền Nhà nước nào cả. Với khả năng chuyên môn cao về khoa học kỹ thuật của thế hệ thứ hai, thứ ba, cùng với một tầm nhìn xa rộng toàn cầu, người Việt hải ngọai có dư điều kiện để hòan thành nhiệm vụ cao cả này đối với quê hương yêu quý của mình vậy.

San Jose, tháng Mười năm 2011
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
————————————————-

Ghi chú về tài liệu tham khảo
Bài viết này được xây dựng trên nhiều tài liệu có ghi trên Internet như Google, Yahoo. Và đặc biệt các số liệu thống kê được trích dẫn từ cuốn sách vừa do nhà xuất bản Public Affairs tại New York cho ấn hành vào đầu năm 2011, có nhan đề như sau:
The Future of Power
Cuốn sách được biên sọan bởi Joseph S. Nye, Jr là giáo sư lâu năm tại Đại học Harvard và là tác giả nhiều cuốn sách rất có giá trị về lãnh vực ngọai giao quốc tế.
Bạn đọc muốn tìm hiểu chi tiết hơn về đề tài rộng lớn này, thì có thể tham khảo nơi cuốn sách nói trên, cũng như trong các sách báo mà tác giả đã ghi ra ở phần cuối sách. Đồng thời bạn đọc cũng có thể tìm trên Google hay Yahoo, bằng cách gõ các chữ: Soft Power và China’s Soft Power nữa.

.
.
.

No comments: