Tú Anh - RFI
Thứ ba 11 Tháng Mười 2011
Bà Angela Merkel đã đến Hà Nội vào hôm nay 11/10/2011 để khuyến khích Việt Nam gia tăng trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu và để nêu lên vấn đề vi phạm nhân quyền. Thủ tướng Merkel đến Việt Nam lần đầu tiên vào lúc nước này đang bị khủng hoảng nghiêm trọng với tỷ lệ lam phát hơn 20%.
Hôm nay tại Hà Nội, ngày thứ nhất trong hai ngày công du Việt Nam của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã có một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hai bên đã ký một hiệp ước hợp tác tài chính và đối tác chiến lược trong khuôn khổ một kế hoạch tăng cường quan hệ kính tế, cũng như đã thảo luậ về khả năng ký kết một thỏa thuận về tự do hóa thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam.
Trước khi lên đường sang Hà Nội, Thủ tướng Đức nhận định « Việt Nam là một quốc gia đang trỗi dậy tại châu Á và càng ngày là một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc ».
Một nguồn tin từ chính phủ Berlin cho biết Đức là « ủng hộ viên nhiệt tình » khuyến khích Việt Nam ký hiệp ước mậu dịch tự do với Liên Hiệp Châu Âu, trong đó Đức là bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam. Theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì thương mại giữ hai nước đạt mức 5 tỷ đôla trong năm 2010.
Theo AFP, Thủ tướng Đức đến Việt Nam vào lúc quốc gia Đông Nam Á này bị khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát hơn 20% và cán cân thương mại thâm thủng 12,4 tỷ đôla trong năm 2010. Tình trạng này buộc đảng Cộng sản Việt Nam phải bỏ giáo điều chạy theo tăng trưởng và phải áp đặt các biện pháp thuế khóa và tiền tệ gắt gao.
Thủ tướng Angela Merkel đã hứa là sẽ nêu lên tình trạng « thiếu nhân quyền » tại Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, bà lên tiếng yêu cầu Hà Nội trả tự do cho blogger Phạm Minh Hoàng, giảng viên trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Minh Hoàng bị kết án 3 năm tù giam với tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền ».
Trong chương trình hai ngày thăm viếng, Thủ tướng Đức sẽ tiếp xúc với đại diện xã hội dân sự, Phật Giáo, Công Giáo và Tin Lành và sẽ đọc một bài diễn văn tại Diễn đàn kinh tế Việt –Đức. Sau Việt Nam, bà Angela Merkel cùng với phái đoàn doanh nhân hùng hậu bay sang Mông Cổ.
Trong khi đó thì Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cùng với một phái đoàn bộ trưởng lên đường thăm Ấn Độ, từ 11 đến 13/10 và Sri Lanka từ 13 đến 15/10.
Cùng thời gian này ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam sang Trung Quốc cũng trong vòng năm ngày từ 11 đến 15/10 nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 100 năm cách mạng tư sản Tân Hợi, lật đổ Thanh triều, khai sáng chế độ Cộng Hòa do Quốc Dân Đảng tiến hành.
TIN LIÊN QUAN :
Tú Anh - RFI
Thứ hai 10 Tháng Mười 2011
--------------------
BBC
Cập nhật: 11:19 GMT - thứ ba, 11 tháng 10, 2011
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Tuyên bố chung Hà Nội, đưa quan hệ giữa hai quốc gia lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Bà Merkel đang ở Hà Nội trong chuyến thăm hai ngày, chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á.
Các lĩnh vực hợp tác Việt-Đức then chốt bao gồm chính trị chiến lược; thương mại đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Thủ tướng và các quan chức cao cấp của hai nước cũng đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác.
Quan hệ đối tác chiến lược được ký kết giữa hai quốc gia này cũng tương tự như Việt Nam đã từng ký với bảy quốc gia khác trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thương mại
Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Hà Nội sau khi gặp người tương nhiệm chủ nhà, Thủ tướng Merkel nói: "Các quốc gia trong khu vực đồng euro có quyết tâm chính trị để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Cội rễ của vấn đề là ở các ngân hàng."
So sánh Việt Nam với các nước khác có dân số trẻ, bà Merkel nói thêm rằng các nước châu Âu sẽ phải đương đầu với những thách thức to lớn hơn khi họ cố gắng giảm mức nợ công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì nói tại cuộc họp báo chung rằng vẫn có thể mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước, mà hiện đang ở mức 5 tỷ đôla vào năm ngoái.
Đức là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó quan hệ thương mại song phương của Việt Nam đạt mức 30 tỷ đô với Trung Quốc và hơn 20 tỷ đô với Mỹ.
Hãng AFP trích một nguồn tin cao cấp trong chính phủ tại Berlin, cho biết trước chuyến viếng thăm này, rằng bà Merkel dự định thúc đẩy một hiệp ước tự do thương mại giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam.
Vẫn theo AFP trích một nguồn tin từ Bộ ngoại giao Đức, có hy vọng vòng một thương thuyết cho hiệp ước này sẽ được bắt đầu "trong vài tháng tới".
Đức cũng là nước có cộng đồng người Việt lao động và học tập khá đông, tới gần 100 ngàn người, theo số liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức.
Nhân quyền
Tuy nhiên Thủ tướng Merkel nói hợp tác kinh tế phải gắn liền với tuân thủ các tiêu chuẩn về các quyền và nhân quyền; và rằng bà sẽ không ngại động chạm tới những gì chính phủ Đức xem là một sự "thiếu hụt" về thành tích nhân quyền của Việt Nam.
"Phát triển nhân quyền cũng như tự do tôn giáo và tự do báo chí là rất quan trọng," bà Merkel nói.
Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu vẫn thường chỉ trích Việt Nam về việc hạn chế tự do ngôn luận, bỏ tù các blogger và các nhà hoạt động dân chủ, những người thách thức sự cầm quyền độc đảng của chính phủ Hà Nội. Hồi tháng Tám, Liên hiệp châu Âu đã kêu gọi thả blogger người Pháp gốc Việt Phạm Minh Hoàng.
Thủ tướng Merkel sẽ rời Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh vào thứ Tư 12/10 trước khi tới Mông Cổ vào chiều tối cùng ngày.
.
.
.
No comments:
Post a Comment