03/10/2011 - 11:00
Tóm lược
Nhà báo Nick Bryant đã có buổi thuyết trình ‘Những mặt thành công và thất bại của Australia’ (‘The Rise and Fall of Australia’) vào tối 21/9/2011 tại Học viên Ngoại giao Melbourne.
Ông Bryant vừa kết thúc nhiệm kỳ 5 năm là phóng viên thường trú của Hãng Truyền thông BBC tại Australia.
----------------------
Ảnh hưởng của Australia đang gia tăng trên các phương diện mức sống, văn hóa và kinh tế. Tuy nhiên, tình hình chính trị lại có vẻ như đang 'đi đến chỗ bế tắc’.
Thành công
Ảnh hưởng Australia đang tăng cao trên các phương diện mức sống, văn hóa và kinh tế.
Theo nhà báo Nick Bryant của Hãng Truyền thông BBC, Australia được đánh giá cao về tiềm lực kinh tế và quan hệ ngoại giao. Sức mạnh đó được thể chế hóa với vị trí thành viên của Australia trong nhóm G20 và APAC (Nhóm các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương).
Trước đây, các phương tiện truyền thông chưa từng nói về nhóm G20 nhưng hiện nay nhóm này thường được đề cập đến. Chính sách ngoại giao của Australia đã gắn với cơ cấu ngoại giao khu vực và đó là một trong những thành quả chính được kế thừa từ thời của cựu Thủ tướng Kevin Rudd.
Sự thành công này cũng có thể được nhận thấy trong ý nghĩa văn hóa Australia hiện nay. Australia có những đại sứ văn hóa đặc biệt như Peter Carey, Tim Winton, Christos Tsiolkas với giọng nói mang âm điệu Australia lần đầu tiên vang lên ở nước ngoài. Đây cũng chính là một khía cạnh thể hiện sự lớn mạnh của nước này.
Australia được xem như một cường quốc nơi người dân có cuộc sống tuyệt vời. Nhiều người muốn tới sinh sống tại đây. Nếu không thể, họ cũng cố bắt chước lối sống ở đây. Nếu đi vào hiệu sách ở London, người ta sẽ thấy những cuốn sách của các đầu bếp hay những nhà thiết kế nội thất người Australia. Đây cũng là một cách chuyển tải văn hóa ra nước ngoài và là một biểu hiện của sự phát triển.
Australia hiện tại cảm thấy khá tự đắc với các công ty như Westfield và Macquarie - những công ty sở hữu một trong những hệ thống cơ sở hạ tầng tư nhân lớn nhất thế giới. Westfield đã đạt được thành quả to lớn dù ở Anh hay Mỹ hay sắp tới là Brazil.
Thất bại
Nhà báo Nick Bryant nhận xét về tình hình chính trị Australia là đang “đi đến chỗ bế tắc”. Ông đã so sánh trận chiến giữa chính phủ của nữ Thủ tướng Julia Gillard và lãnh đạo đảng đối lập Tony Abbott với cuộc xung đột quân sự trong Thế chiến Thứ nhất.
Sự phân chia gắn liền với một số cuộc tranh luận gây ra sự tức giận hiện nay, đặc biệt là vấn đề người nước ngoài tìm kiếm tị nạn tại đất nước này.
Châu Âu có quan điểm hơi khác biệt. Ông Bryant từng tới Afghanistan và Sri Lanka và ông có thể hiểu rõ tại sao người dân muốn bỏ trốn khỏi những nơi này để tới Australia. Đối với ông, đây không phải là một câu chuyện về những con số. Nếu nhìn nhận theo quan điểm toàn cầu, các con số này là rất nhỏ.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên là những cuộc tranh luận gay gắt đề cập đến sự thiển cận trong chính trị.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của nữ Thủ tướng Julia Gillard với Kerry O'Brien tại Brussels. Bà Gillard tuyên bố vấn đề ngoại giao không phải là niềm đam mê của bà. Còn ông Tony Abbott của đảng đối lập cũng thể hiện quan điểm trong chiến dịch tranh cử gần đây rằng ông sẽ là một vị thủ tướng ‘ngồi nhà’ - một lời khoác lác để thu hút sự chú ý của công chúng.
Theo ông Bryant, trên thực tế, việc nghị viện không có đảng chiếm đa số đã làm trầm trọng thêm xu hướng xung đột sẵn có giữa Thủ tướng Julia Gillard và lãnh đạo đảng đối lập Tony Abbott. Chính vì vậy, đây được coi là cuộc xung đột chính trị.
Chính trị Australia luôn có mặt tối và giữa các nhà lãnh đạo luôn xảy ra các cuộc tranh luận căng thẳng. Trước đây, các cuộc tranh luận mang tính xây dựng với những ý tưởng lớn và các hoạt động cải cách. Hiện tại, mọi thứ dường như rơi vào tình trạng bế tắc.
Một trong những vấn đề lớn gần đây của Australia là việc loại bỏ hai nhân vật có thể định hình tình hình chính trị trong thập niên tới: cựu Thủ tướng Kevin Rudd - người mà tên tuổi gắn với từ ‘thời đại’, và ông Malcolm Turnbull. Có lẽ Australia đã xóa bỏ mất thế hệ này.
Trong khi đó, Peter Costello và Brendan Nelson, hai nhân vật có năng lực tầm cỡ quốc tế, lại quyết định không liên quan đến các sự kiện quốc gia. Hiện tại nguồn nhân tài của Australia khá eo hẹp.
.
.
.
No comments:
Post a Comment