Tuesday, October 4, 2011

LIỆU QUÁ LO LẮNG VỀ CHIẾN TRANH VỚI TRUNG QUỐC CÓ DẪN ĐẾN CHIẾN TRANH THỰC SỰ HAY KHÔNG? (James Traub)


James Traub/2-9-2011

Trần Ngọc Cư dịch
4/10/2011

Mười năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, phải chăng Mỹ đã quá bận tâm với những đe dọa của các phe nhóm mà lơ là với hiềm họa từ các nước lớn đang vỗ ngực xưng hùng? Hay, nói trắng ra, Mỹ phải sợ Trung Quốc (TQ) tới mức nào?

Hẳn nhiên, chúng ta biết rằng TQ đang giữ trong tay một số trái phiếu kếch xù của Bộ Tài chính Mỹ trị giá 1.500 tỉ đôla và vì thế đang chi phối nền kinh tế Mỹ; rằng TQ không chịu định lại giá đồng nhân dân tệ một cách đáng kể và vì thế vẫn duy trì bất quân bình mậu dịch quá lớn đối với Mỹ; và rằng TQ đã bắt đầu mua bất động sản và các tài sản khác của Mỹ (có lẽ gồm cả Đội Bóng chày Los Angeles Dodgers). Nhưng liệu người Mỹ có nên coi TQ là một mối đe dọa an ninh quốc gia thay vì chỉ là một mối đe họa kinh tế hay không?

Các tác giả của bản tường trình “Các Liên minh châu Á trong Thế kỷ XXI”, được xuất bản bởi Viện Dự án 2049 (the Project 2049 Institute), một viện nghiên cứu chính sách bảo thủ (a conservative think tank) về các vấn đề Đông Á, nhấn mạnh rằng chúng ta phải coi TQ là một mối đe doạ an ninh quốc gia. (Tác giả chủ đạo là một học giả thuộc Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, Ông Dan Blumenthal, cộng tác viên trang blog Shadow Government của Foreign Policy). Bản tường trình kết luận rằng “tham vọng quân sự của TQ đang đe dọa các đồng minh Mỹ tại châu Á, đặt ra các nghi vấn về sự khả tín trong những cam kết của Mỹ đối với đồng minh, đồng thời đe dọa chiến lược quân sự Mỹ vốn đã từ lâu củng cố vị trí siêu cường của nước này”.

Đây là bản tin gây sửng sốt cho những ai trong chúng ta vốn tin rằng TQ là một cường quốc muốn duy trì “nguyên trạng” (a “status quo” power), một quan điểm cho đến gần đây vẫn được chia sẻ trong cộng đồng nghiên cứu và hoạch định chính sách. Trong cuốn Power Shift: China and Asia’s New Dynamics, xuất bản năm 2006, David Shambaugh, một học giả hàng đầu về TQ, kết luận rằng “Càng ngày TQ càng được coi là một láng giềng tốt, một đối tác có tinh thần xây dựng, và một quốc gia biết lắng nghe”. Shambaugh và một số nhà nghiên cứu khác vào lúc đó đã cho rằng TQ đã ra khỏi một thời kỳ ngờ vực và cô lập lâu dài và đã bắt đầu tham gia các tổ chức khu vực, gửi binh sĩ vào các lực lượng bảo vệ hòa bình của LHQ, và cải thiện quan hệ song phương với các nước láng giềng. Đúng là, quân đội TQ đang hiện đại hóa nhanh chóng trong nhiều phương diện khiến Đài Loan phải lo sợ, nhưng những dấu hiệu hung hăng hiếu chiến như thế đã được quân bình bằng “những biện pháp xây dựng niềm tin song phương và đa phương”, Shambaugh đã kết luận như vậy.

Nhưng 5 năm là một thời gian lâu dài đối với một quốc gia tăng trưởng kinh tế và thay đổi nhanh chóng như TQ. Bản tường trình “Các Liên minh châu Á” lý luận rằng hiện nay TQ đã thật sự ra khỏi thế phòng thủ của mình. Trong những năm gần đây, TQ đã phát triển một thế hệ mới của tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm tấn công, máy bay chiến lược, máy bay tàng hình, ra-đa, và các phương tiện tình báo đặt ngoài không gian, cũng như tên lửa chống vệ tinh – tất cả các phương tiện chiến tranh này kết hợp lại sẽ cho TQ khả năng thiết lập “các vùng tranh chấp” trên không, trên biển, và trong không gian, và bằng cách này từng bước đẩy Mỹ ra khỏi những khu vực trong Thái Bình Dương mà cường quốc này lâu nay đã kiểm soát và bảo vệ. Và hành vi của TQ đối với các nước láng giềng đã trở nên hiếu chiến thấy rõ, bằng việc hung hăng tuyên bố chủ quyền trên các đảo trong Biển Đông và gửi các lực lượng hải quân tuần dương tham dự các cuộc tập trận lớn ngoài khơi duyên hải Nhật Bản. Đó là lý do tại sao Robert D. Kaplan đã viết trong số Foreign Policy này rằng tương lai xung đột không nằm trong các sa mạc Trung Đông nhưng nằm ngoài khơi Biển Đông.

Điều có vẻ lạ lùng là một quốc gia nổi tiếng kiên nhẫn và chín chắn như TQ lại thay đổi lập trường một cách cực đoan và nhanh chóng như vậy. Có lẽ cái thái độ biết thận trọng lắng nghe trước đây của TQ chỉ là một màn kịch tinh vi, hoặc chỉ là một thời kỳ quá độ. Elizabeth Economy, một học giả về TQ tại Hội đồng Đối ngoại (the Council on Foreign Relations), lý luận rằng đường lối trỗi dậy hòa bình của TQ chỉ là một “một cách nói hoa mỹ”; nhưng, chỉ vào thời điểm hiện nay khả năng quân sự và những tuyên bố của TQ mới thể hiện được những tham vọng lâu đời của TQ về việc bành trướng khu vực khống chế tại Đông Á. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama không chấp nhận quan điểm này, nhưng chỉ cảnh báo TQ nên chơi theo luật lệ của hệ thống quốc tế. Trong bài diễn văn năm 2009 trong đó ông đã nặn ra cụm từ “trấn an chiến lược” (strategic reassurance), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg nhận xét rằng những “khả năng quân sự được tăng cường” và “thái độ quyết đoán công khai về quyền chủ quyền” của TQ trong Biển Đông đã khiến Washington và đồng minh của Mỹ “thắc mắc về ý định của TQ”.

Ít ai tranh cãi về những khả năng quân sự nói trên của TQ, rõ ràng là vượt trội hơn so với chỉ vài năm trước đây và đang được cải tiến nhanh chóng. Nhưng mưu đồ của TQ thì khó lường hơn. David Finkelstein, Giám đốc của Ban Nghiên cứu TQ của Trung tâm Phân tích Tình hình Hải quân (Center for Naval Analyses) tại Alexandria, Virginia, nói rằng ông chia sẻ “mối lo ngại to lớn về phương cách TQ sẽ sử dụng hải lực mới mẻ và đang mạnh của mình” ở trong khu vực, nhưng ông cũng nhận xét rằng trong những năm qua chính quyền TQ đã kết luận rằng “họ nắm được thời cơ thuận lợi về vấn đề Đài Loan” và vì thế đã tỏ ra “tương đối hòa hoãn” hơn so với trước.

Sự tương đồng rõ nét với thời Chiến tranh Lạnh là chính sách ngăn chặn (the policy of containment): George Kennan, [cha đẻ của chính sách này], tin rằng Liên Xô nuôi hy vọng nhảy múa trên nấm mồ của Mỹ nhưng ông sẵn sàng chờ đợi lịch sử diễn ra theo một tiến trình tất yếu; bằng cách này đế quốc Xô viết có thể bị ngăn chặn bởi một chính sách kìm hãm. Finkelstein lý luận rằng một sự kết hợp gồm có chính sách ngoại giao mạnh dạn của Mỹ, mà ông ca ngợi chính quyền Obama đang tiến hành, và mức hiện diện quân sự hiện nay – hạm đội Thái Bình Dương và 60 ngàn quân sẵn sàng chiến đấu ở trong vùng – đã chặn đứng tham vọng bành trướng của TQ, và chắc hẳn sẽ tiếp tục chức năng này trong tương lai. Mặc dù đưa ra những tiên đoán về sự gia tăng của hải quân và không quân TQ, Kaplan cũng bênh vực việc Mỹ duy trì mức độ triển khai quân sự hiện nay ở trong vùng. Tóm lại, [theo chính sách ngăn chặn], chính ý đồ của đối phương mới là chủ yếu.

Những các tác giả của bản tường trình “Các liên minh châu Á”, trái lại, có khuynh hướng suy đoán các ý đồ của TQ từ sức mạnh quân sự của nó. Trong một kịch bản rất đáng ngại, mang âm hưởng Herman Kahn [người dự tưởng chiến tranh nguyên tử] và có lẽ cả Dr. Strangelove [một phim hài về nỗi sợ nguyên tử], các tảc giả này mô tả TQ sử dụng tên lửa và máy bay ném bom để tung ra một cuộc tấn công tàn phá Đài Loan và Mỹ phản ứng lại bằng một cuộc đánh trả bằng tên lửa nhắm vào lục địa, việc này sau đó sẽ dẫn đến … một trận Armageddon [được tiên đoán trong Kinh Thánh]. Cách duy nhất để chặn đứng một thảm họa như thế, theo các tác giả này, là phải chấp nhận những biện pháp chống trả cứng rắn hơn hiện nay rất nhiều: đó là đẩy lùi (rollback), nói theo ngôn ngữ Chiến tranh Lạnh.

Bản tường trình “Các liên minh châu Á” cảnh báo rằng “tương lai châu Á ít ra cũng đòi hỏi [các nước đồng minh] phải chia sẻ một quan niệm chiến lược mới”. Mạng lưới các liên minh thời Chiến tranh Lạnh phải nhường chỗ cho một tổ chức đối tác quân sự (military partnership) gồm có Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, và nhiều nước khác đang cần phải tăng cường chi phí quân sự cũng như hợp tác quân sự và tình báo. Tổ chức này phải làm cho “bất cứ một nước có ý đồ xâm lược nào” hiểu rằng “nhắm vào một đồng minh có nghĩa là gây phẫn nộ cho phần còn lại”. Thật khó tin tưởng rằng những quốc gia này sẽ đồng ý tham gia một liên minh công khai chống TQ như thế. Ngoài ra, còn có một nguy hiểm là TQ sẽ phản ứng lại bằng cách kết luận rằng thời cơ không còn nằm trong tay họ, vì thế quay ra đối đầu trực diện với liên minh này và như vậy sẽ biến một dự đoán mơ hồ trở thành một hiện thực chiến tranh khủng khiếp.

Những phí tổn của Mỹ, nếu theo đề nghị của bản tường trình, sẽ là to lớn hơn nữa. Bản tường trình “Các Liên minh châu Á” lên án chính phủ Mỹ đã chuốc lấy “sự vỡ nợ chiến lược (strategic insolvency)” và đề nghị phải đầu tư nhiều hơn nữa vào các loại vũ khí mới. Trong một điều trần trước Quốc hội, Blumenthal nêu rõ những chiến cụ này: “một loại máy bay ném bom thuộc thế hệ sắp tới; những số lượng lớn tàu ngầm tấn công; một phi đội hùng hậu gồm nhiều máy bay chiến thuật thế hệ thứ năm”, vân vân và vân vân.

Như vậy nghe đã đủ tốn kém chưa? Chưa. Mitt Romney, [người vận động làm ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa] và không bao giờ để mất cơ hội thổi phồng mối hiểm họa đến từ TQ, chưa kể từ nước Nga, đề nghị chi tiêu 4% GDP cho quốc phòng – tức 600 tỉ đôla, hay 70 tỉ đôla nhiều hơn tổng số chi tiêu quốc phòng hiện nay, điều này hiển nhiên đòi hỏi phải cắt xén một số ngân sách tương đương ở các lãnh vực khác để bù trừ. Nếu không, có lẽ cử tri phải chấp nhận sự vỡ nợ quốc gia (national insolvency) như cái giá phải trả để giải quyết sự vỡ nợ chiến lược (strategic insolvency). Nếu không, dĩ nhiên, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm “Mất Trung Hoa” một lần nữa. Hay có nguy cơ tiến tới một Đại họa Chiến tranh.

Điều dễ hiểu là, người dân Mỹ vì quá ám ảnh với tình trạng kinh tế đến nỗi không còn rảnh rỗi tâm trí để lo về an ninh quốc gia. Nhưng cuộc tranh luận [về mối đe dọa TQ] đang chờ dịp xảy ra. Mối đe doạ về các cuộc tấn công khủng bố là rất thực, nhưng đang giảm dần. Al Qaeda không còn là một cơn ác mộng quốc gia như trước đây.
Nhưng liệu người Mỹ có muốn thay thế cơn ác mộng này bằng một cơn ác mộng khác – hay nói đúng hơn, phục hồi một cơn ác mộng đã bị vùi dưới đáy sâu của thời Chiến tranh Lạnh không? Hẳn nhiên, tôi hy vọng là không. Nhưng nếu nước Mỹ tự phá sản trong tiến trình này, chúng ta sẽ chỉ thắng được một trận đánh nhưng thua luôn cả cuộc chiến tranh.

T.N.C.

James Traub là một nhà văn viết cho tạp chí New York Times và một nghiên cứu sinh của Trung tâm Hợp tác quốc tế.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

.
.
.

No comments: