Tuấn Thảo - RFI
Thứ sáu 14 Tháng Mười 2011
Lần đầu tiên kể từ năm 1974, giải Nobel Văn học được trao cho một tác giả Thụy Điển : nhà thơ Tomas Tranströmer. Đây là lần thứ 6 từ hơn một thế kỷ, một người Thụy Điển được vinh danh ở quê nhà. Nhưng không phải vì thế mà ta có thể cho rằng Ủy ban Nobel đã có thái độ thiên vị. Ít khi nào Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Nobel cho công dân của mình.
Theo lời nhà phê bình người Pháp Marc Blanchet, giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển trước hết là một giải thành tựu sự nghiệp. Giới báo chí có thể không đồng ý với sự lựa chọn của Ủy ban Nobel. Trong danh sách năm nay có nhiều ứng cử viên sáng giá như nhà thơ Adonis người Syria, tác giả người Nhật Haruki Murakami, hay là nhà văn người Mỹ Philip Roth, nhưng do nguyên tắc, ban giám khảo buộc phải chọn một. Điều đó không có nghĩa là Viện Hàn lâm Thụy Điển phủ nhận tài năng hay giá trị của các tác giả còn lại.
Theo lời nhà nghiên cứu Renaud Ego, người đã viết lời tựa cho bộ toàn tập dịch từ tiếng Thụy Điển sang tiếng Pháp của Tomas Tranströmer, nhà thơ Thụy Điển xứng đáng với giải Nobel năm nay. Lần đầu tiên ông được đề cử giải Nobel là vào năm 1973. Kể từ những năm 1990 trở đi, hể đến mùa trao giải Nobel là tên tuổi của ông lại được nhắc đến. Trong lãnh vực thơ đương đại, ông được xem như là một trong những tác giả lớn còn sống, cho dù kể từ 20 năm qua, ông không còn sáng tác dồi dào sau khi bị tê liệt nửa phần cơ thể.
Quan sát tinh tế, nhận thức bén nhạy
Nổi tiếng là một bậc thầy trong cách dùng ẩn dụ, Tomas Tranströmer đã tặng cho độc giả nhiều tập thơ độc đáo, trong đó có Östersjöar (Trường Ca Baltic – Baltics 1974), Hemligheter på vägen (Secrets on the Way - Bí mật trên đường 1958), Den halvfärdiga himlen (The Half-Finished Heaven - Thiên đường dở dang 1962), Mörkerseende (Tầm nhìn trong đêm - 1970), Sorgegondolen (The Sorrow Gondola - Con thuyền phiền muộn 1996), För levande och döda (For the Living and the Dead - Cho người sống và cho kẻ chết 1991). Thi pháp của ông thăng hoa nhờ từ ngữ súc tích, hình ảnh cô đọng, dễ tiếp cận mà không tầm thường, thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại đầy chiều sâu nhờ vào lối quan sát tinh tế, sự nhận thức bén nhạy.
Tomas Tranströmer bắt đầu sáng tác từ thời ông còn là sinh viên ngành tâm lý học. Sau khi ông tốt nghiệp đại học, ông làm việc như một chuyên gia tâm lý. Chuyên khoa này không chỉ là một công việc để kiếm sống, mà còn ảnh hưởng đến lối sáng tác của ông trong cách khảo sát thực tại, thám hiểm nội tâm. Uy tín của nhà thơ xuất phát từ sự thán phục của các tác giả cùng thời, trong đó có một số tên tuổi từng đoạt giải Nobel, nhiều hơn là về số lượng độc giả.
Tuy đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng, nhưng nhìn chung, tác phẩm của Tomas Tranströmer chưa thật sự được phổ biến rộng rãi, nếu chỉ căn cứ trên danh sách các tựa sách bán chạy (best seller). Mãi đến giữa những năm 1980, độc giả Pháp mới có cơ hội khám phá các tác phẩm của ông khi các tập thơ của ông được chuyển dịch sang tiếng Pháp. Trả lời phỏng vấn RFI ban Pháp ngữ, dịch giả Jacques Outin cho biết :
Thật ra, kể từ 20 năm nay, chúng tôi tìm đủ mọi cách để phổ biến các tác phẩm của Tomas Tranströmer tại Pháp. Ông là trường hợp tiêu biểu cho các nhà thơ đầy uy tín trên văn đàn quốc tế, nhưng lại ít được ai biết đến, đặc biệt là đối với người Pháp. Theo tôi nghĩ, điều đó không phải là vì thơ của ông kén chọn độc giả, mà phần lớn cũng vì tình hình chung của ngành in ấn, xuất bản. Tại Pháp, việc phát hành các quyến tiểu thuyết dễ dàng hơn là các tập thơ. Hàng năm, độc giả Pháp có thể tìm thấy hàng trăm tựa sách mới, trong khi các tập thơ được xuất bản có thể đếm trên đầu ngón tay. Cho dù các sáng tác của nhà thơ Tomas Tranströmer nằm trong tủ sách bỏ túi của Gallimard, một trong những nhà xuất bản nổi tiếng nhất nước Pháp, nhưng nhìn chung chỉ có những nhóm người thích đọc thơ mới biết đến tên tuổi của Tomas Tranströmer. Hy vọng rằng với giải Nobel Văn học 2011, các tác phẩm của nhà thơ người Thụy Điển sẽ được phổ biến rộng rãi hơn trong các tầng lớp độc giả.
Thi pháp độc đáo, bậc thầy ẩn dụ
Thi pháp độc đáo, bậc thầy ẩn dụ
Thà muộn còn hơn không. Độc giả Pháp có thể tìm thấy các tác phẩm của Tomas Tranströmer từ khoảng hai thập niên gần đây, phần lớn là do công lao chuyển dịch và nỗ lực quảng bá của ông Jacques Outin. Hai tác giả này gặp nhau để rồi kết bạn tại Munchen, nhân một buổi giới thiệu sách do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức tại Đức. Những tập thơ chuyển ngữ sang tiếng Pháp đầu tiên được xuất bản vào giữa thập niên 1980, trong khi trên thế giới các tác phẩm của Tomas Tranströmer đã được dịch sang 55 thứ tiếng. Ông Jacques Outin đánh giá về tầm ảnh hưởng của nhà thơ Thụy Điển đối với làng văn học quốc tế.
Có thể nói, điểm khởi đầu gợi nhiều cảm hứng sáng tác cho Tomas Tranströmer là chủ ngĩa siêu thực. Ông đã khám phá trường phái này vào những năm 1950 (lúc đó nhà thơ mới ngoài 20 tuổi). Vào thời đó, cho dù không dễ tìm thấy ở Thụy Điển, nhưng ông vẫn tìm đọc các nguyệt san, tiểu luận, tạp chí biên khảo liên quan đến đề tài này. Theo tôi, ngôn từ tượng hình của nhà thơ bắt nguồn từ trường phái siêu thực. Nhưng ngay từ ban đầu, tác giả này đã tìm cho mình một hướng đi riêng, hiểu theo nghĩa, ông không theo thời, không chạy theo những trào lưu sáng tác thịnh hành trên văn đàn quốc tế.
Tên tuổi của ông đạt đến một tầm vóc lớn khi các tập thơ của ông được chuyển dịch từ tiếng Thụy Điển sang tiếng Anh. Từ đó trở đi, ông được xem là nhà thơ còn sống nổi tiếng nhất các nước Bắc Âu. Trong số những người ngưỡng mộ ông, có nhà thơ ngườiAi Len Seamus Heaney hay là nhà thơ trứ danh người Mỹ Robert Bly, đã bỏ công chuyển dịch sang tiếng Anh hầu hết các tác phẩm hay của Tomas Tranströmer. Nhà thơ Bắc Đảo ngợi ca tầm ảnh hưởng lớn của tác giả Thụy Điển. Còn thi hào người Nga Joseph Brodsky, giải Nobel Văn học năm 1987 đã thừa nhận vay mượn khá nhiều phong cách của nhà thơ Thụy Điển, mà ông Brodsky xem như là một bậc thầy trong cách dùng ẩn dụ.
Giữ được nét riêng mà vẫn phổ quát
Theo các nhà nghiên cứu, thơ của Tomas Tranströmer, ngay từ những tác phẩm đầu tay, trong đó có quyển Bí mật trên đường, nhà thơ Thụy Điển thu hút được sự chú ý nhờ một phong cách riêng : các vần thơ trong sáng cô đọng, ngôn từ giản dị đến một mức hiếm thấy, thơ của ông dễ lôi cuốn độc giả nhờ vào những hình tượng độc đáo mà gần gủi, cách dùng ẩn dụ sắc cạnh, phong phú. Về điểm này, ông Jacques Outin đánh giá : tuy có tầm nhìn phổ quát, nhưng tâm hồn Thụy Điển vẫn xuyên suốt bàng bạc trong thơ của Tomas Tranströmer.
Các bài thơ của Tomas Tranströmer đơn giản đến mức tột cùng, nhưng lại không tầm thường. Cách dùng từ đơn giản ấy khiến cho độc giả dễ đồng cảm, dễ bắt gặp mình như thể họ từng sống qua những hoàn cảnh tương tự. Trong sáng tác, nhà thơ Thụy Điển muốn phản ánh nội tâm, nhưng tâm trạng của ông tức là của một cá nhân lại đạt đến một tầm mức phổ quát, khi nó diễn đạt được suy nghĩ của rất nhiều người đọc. Khi ông nói lên những trăn trở suy tư thầm kín của mình trước những điều bí ẩn của cuộc sống hay của cái chết, độc giả có cảm tưởng là nhà thơ đã lựa đúng lời để nói thay cho họ. Ông diễn đạt được những gì mà rất nhiều người khác không thể nói nên lời.
Trước khi tai biến mạch máu não khiến ông trở thành bán thân bất toại, nhà thơ Tomas Tranströmer thích đi ra nước ngoài. Các chuyến đi này đã gợi hứng cho ông sáng tác nhiều bài thơ. Có một điều rất lạ là tâm hồn Thụy Điển bàng bạc phủ kín các vần thơ của ông, cho dù ông không hề nhắc đến xứ sở hay quê hương của mình. Trong sáng tác, Tomas Tranströmer nhắc đến những nơi ông từng đi qua như New York, Lisboa, Venise (Venezia) hay Thượng Hải, nhưng ông không hề đề cập đến thủ đô Stockholm hay là các thành phố Bắc Âu.
Dù vậy, thơ của ông vẫn bàng bạc chất Thụy Điển vì không cần nêu đích danh, mà vẫn mô tả được cái khung cảnh cũng như bầu không khí của đất nước này. Cảnh tượng thiên nhiên xuyên suốt tràn ngập trong tác phẩm của ông, nó nói lên được cái quan hệ mật thiết của dân Thụy Điển, theo đó họ sống hòa mình trong thiên nhiên chứ không phải là sống bên cạnh hay sống gần với thiên nhiên. Trong sáng tác của ông, thiên nhiên không phải là một yếu tố để làm cảnh, mà là một thực thể sinh động, gắn liền với tâm hồn con người.
Cảm xúc chân thực, khoảnh khắc chớp mắt
Ngoại cảnh phản ánh nội tâm hay là linh hồn soi bóng thiên nhiên ? Phải chăng vì thế mà trong những sáng tác cuối đời, nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer lại chuộng thể loại Bài Cú (Haiku) độc đáo của Nhật Bản. Theo lời ông Jacques Outin, không phải ngẫu nhiên mà Tomas Tranströmer chọn thể loại thơ Bài cú, từ hình thức cho đến nội dung. Lối sáng tác ấy một phần là do tình trạng sức khỏe hiện giờ của ông.
Nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer từng thừa nhận là thể loại thơ Bài Cú cũng như là triết học Trung Hoa ảnh hưởng đến cách sáng tác của ông. Ảnh hưởng của thơ Nhật Bản lại càng rõ nét trong những năm tháng sau này. Kể từ đầu những năm 1990 trở đi, sau khi tai biến mạch máu não khiến ông bị tê liệt nửa thân, nhà thơ này không còn có thể cầm bút được lâu như xưa. Chẳng những thế, tai biến này còn khiến cho ông không thể nói nên lời, phát âm rõ chữ. Trong bối cảnh đó, ta có thể hiểu vì sao ngẫu hứng sáng tác của ông đột ngột bị khựng lại, vì dù có muốn, nhà thơ khó thể nào đọc cho người khác viết thế cho mình.
Từ giai đoạn này trở đi, ông biết rằng mình không thể nào tiếp tục viết ‘‘dài hơi’’ y như thời ông sáng tác tuyển tập Trường Ca Baltic. Chính cũng vì thế mà thể loại Đoản thi hay Đoản bút càng trở nên quan trọng đối với ông. Riêng về thể loại Bài Cú, nguyên tắc sáng tác cực kỳ cô đọng, tột cùng súc tích lại càng hợp với nhà thơ Thụy Điển, người chuyên đi tìm cảm xúc chân thực trong khoảnh khắc chớp mắt. Theo tôi thì sự chọn lựa này một phần là do hoàn cảnh bó buộc nhưng đây cũng là một giải pháp ‘‘sống còn’’ trong sự nghiệp của ông. Đối với một tác giả, không có một cực hình nặng cho bằng chuyện mất hết khả năng sáng tác.
.
.
.
No comments:
Post a Comment