Vũ Quang Việt (New York)
Thứ Năm, 13/10/2011, 10:09 (GMT+7)
(TBKTSG) - Giải Nobel Kinh tế năm 2011 đã được trao cho hai giáo sư Mỹ, Thomas J. Sargent ở Đại học New York và Christopher A. Sims ở Đại học Princeton.
Kinh tế gia John Maynard Keynes cho rằng khi kinh tế suy thoái, nhà nước cần kích cầu bằng tăng chi tiêu của nhà nước nếu như chính sách tiền tệ trở thành vô dụng, như tình hình hiện nay ở Mỹ hay trước đây ở Nhật. Dù lãi suất có giảm tới mức thấp nhất cũng chẳng ai muốn đầu tư.
Các nhà kinh tế sau Keynes thì cho rằng khi nền kinh tế khủng hoảng một cách bình thường (chứ không phải đại khủng hoảng như năm 1930) thì chủ trương giảm lãi suất bằng cách tăng cung tiền và tín dụng có thể kích thích đầu tư dù có tạo một chút lạm phát. Đấy là chính sánh đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát, tức là một chút lạm phát có thể làm giảm thất nghiệp. Sự đánh đổi này là đường biểu diễn nghịch giữa hai biến số: lạm phát và thất nghiệp.
Một nhà kinh tế nổi tiếng khác, Milton Friedman, lại bác bỏ trường phái Keynes, cho rằng chẳng có đánh đổi gì cả. Hễ đẩy tiền ra thì rồi sẽ có lạm phát và rồi thất nghiệp vẫn không giảm được; cái đạt được là cùng với mức thất nghiệp như cũ mà lạm phát lại bị đẩy ra xa, thậm chí còn có sự liên hệ dương giữa lạm phát và thất nghiệp.
Trùng hợp Hai nhà kinh tế Thomas Sargent và Christopher Sims được trao giải Nobel Kinh tế năm nay vì những công trình riêng lẻ, không phụ thuộc nhau nhưng giữa hai ông có những điểm trùng hợp thú vị. Cả hai năm nay đều 68 tuổi. Cả hai đều nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Harvard vào năm 1968, trước đó hai ông đều có một thời gian học ở Đại học Berkeley trước khi nhận bằng tiến sĩ. Ông Sargent lấy bằng cử nhân ở Berkeley còn ông Sims tốt nghiệp cử nhân từ Harvard, sau đó học cao học ở Berkeley. Học kỳ này cả hai đang dạy chung một khóa cao học về kinh tế vĩ mô tại Princeton. |
Nhận giải Nobel Kinh tế năm nay, Thomas J. Sargent có một đóng góp về mặt vừa lý thuyết vừa kỹ thuật, mà chủ yếu là kỹ thuật. Sargent cho rằng sự liên hệ mà Friedman nói tới còn tùy vào kỳ vọng (expectation) của người sản xuất và người tiêu dùng.
Kinh tế lượng, một bộ môn thống kê học, dùng để tìm sự liên hệ giữa các biến kinh tế và rồi dùng kết quả để dự báo tương lai, đã được Sargent biến đổi để có thể xử lý vấn đề kỳ vọng.
Như vậy, kỳ vọng có thể đưa đến tình trạng hoàn toàn không có đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát và cũng có thể có một chút đánh đổi, nhưng nói chung là có sự đánh đổi trong ngắn hạn còn trong dài hạn thì không.
Trong khi đó, người đồng nhận giải năm nay, Christopher A. Sims, lại đi từ một góc nhìn khác, hoàn toàn mang tính kỹ thuật.
Trước Sims, khi đi tìm kiếm phương trình liên hệ giữa cung hay cầu, cả hai đều là phương trình của giá thì người ta gặp vấn đề là làm sao xác định ra đường cung và đường cầu, khi chỉ có hai biến số là giá và lượng (cung = cầu). Vì vậy mà phải đưa vào một biến số thứ ba thí dụ như thời tiết được coi là chỉ ảnh hưởng đến cung mà không liên quan đến cầu để xác định ra đường cầu chẳng hạn.
Sims cho rằng cách làm thế có vấn đề vì gần như mọi cái đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau, thời tiết xấu có thể làm cho người dùng phải tăng mua để có dự trữ. Sims vì thế cho rằng các thông số của chính nó trong quá khứ có thể liên hệ với hiện tại vì thế phải tính chúng, và như thế phần còn lại có thể được dùng để tìm ra vai trò của các quyết định biết trước.
Dù cách tiếp cận khác nhau, một đàng là Sargent thì dựa trên lý thuyết kinh tế như các giả định về hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất để xây dựng lên lý thuyết về kỳ vọng và đưa vào tính các thông số liên hệ, một đàng là Sims là nhằm giải quyết vấn đề kỹ thuật nhằm phân biệt được đường cung và đường cầu của một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ hay tiền tệ chẳng hạn thì cách xử lý trong kinh tế lượng là giống nhau, cùng mang hình thức các biến số hiện tại là phương trình, là của các giá trị của nó trong quá khứ.
Những đóng góp này mang tính kỹ thuật, làm cho cách nhìn về lý thuyết Keynes hay Friedman thực tế hơn, thí dụ kỳ vọng làm cho kết quả đến chậm hơn, mức độ đến khác nhau theo thời gian, chứ không làm thay đổi nguyên lý cơ bản mà Keynes hay Friedman đưa ra.
-----------------
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng; những vấn đề kinh tế gay gắt nổi lên như nợ công ở châu Âu, thất nghiệp ở Mỹ, tỷ giá ở Trung Quốc, dường như giải Nobel Kinh tế bị lạc lõng. Các nhà kinh tế hiện đang bó tay với các vấn đề thời sự - nên càng không thể trông mong những công trình nghiên cứu đã 30, 40 năm qua có tác dụng gì cho hành động hôm nay.
Tờ Time đã làm một cuộc so sánh như thế khi đối chiếu quan điểm của hai nhà kinh tế nhận giải Nobel năm nay với các vấn đề thời sự kinh tế. Và tờ báo này kết luận: Dường như Sargent rốt cuộc muốn nói rằng có nhiều công trình nghiên cứu kinh tế tốt chưa hẳn luôn dẫn đến chính sách kinh tế tốt. Có lẽ vì thế khi được yêu cầu giải thích vì sao nền kinh tế đang tệ hại đến thế, Sargent đã “chuyển giao trách nhiệm”: “Xét cho cùng, đấy là câu hỏi về chính trị, một lãnh vực tôi không rành cho lắm. Nhưng xét về mặt thuần túy kinh tế học, mọi việc lẽ ra đã phải khác đi”. Còn Sims? Theo Wall Street Journal, Sims từ chối không bình luận về những gợi ý nào công trình nghiên cứu đoạt giải của ông có thể đem lại cho chính sách hiện nay.
Tờ Time kết luận khá đau: Nếu nền kinh tế toàn cầu có khựng lại trong vài tuần tới, đừng trông mong các nhà kinh tế mới đoạt giải Nobel của chúng ta cho chúng ta biết nguyên nhân sai lầm nằm ở đâu.
Nguyễn Văn Phú
.
.
.
No comments:
Post a Comment