BBC
Cập nhật: 10:39 GMT - thứ sáu, 14 tháng 10, 2011
Ấn Độ đã trải thảm đỏ đón tiếp Chủ tịch Miến Điện Thein Sein hôm thứ Sáu ngày 14/10 trong chuyến thăm chính thức của ông đến Ấn Độ trong bốn ngày.
Ông sẽ có cuộc hội đàm trong ngày với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh và hai nước sẽ ra bản Tuyên bố chung sau đó.
Đi cùng Chủ tịch Thein Sein là 13 bộ trưởng trong chính phủ.
Đối với New Delhi, đây là cơ hội kết chặt mối quan hệ với nước láng giềng, vốn vẫn đang chịu ảnh hưởng mạnh từ Bắc Kinh, đối thủ chính của Ấn Độ trong khu vực.
Chủ tịch Thein Sein đến Ấn Độ hôm thứ Tư 12/10 và đã dành hai ngày thăm viếng các di tích Phật giáo trước khi đến New Delhi.
Phát biểu trong một cuộc họp báo vào sáng nay khi Chủ tịch Thein Sein đặt chân đến New Delhi, Harsh Shringla, một quan chức phụ trách Miến Điện trong Chính phủ Ấn Độ, cho biết Delhi sẵn sàng giúp đỡ Naypidaw xây dựng nền dân chủ vốn còn đang trong giai đoạn phôi thai.
Một phái đoàn các nghị sĩ Miến Điện cũng đã nhận được lời mời đến thăm Ấn Độ, ông cho biết.
Chuyến thăm của Chủ tịch Thein Sein là cơ hội để hai nước xem xét các hợp tác về an ninh, ông nói thêm. Miến Điện đã đảm bảo với Ấn Độ là họ không cho phép sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động thù nghịch chống Ấn Độ.
Thuận theo ý dân
Chuyến thăm này diễn ra sau khi Miến Điện quyết định đình chỉ công trình đập thủy điện Myitsone mà Trung Quốc đầu tư đến 3,6 tỷ đôla.
Lý do mà Chủ tịch Thein Sein đưa ra trong thư gửi Quốc hội nước này là ‘bảo vệ môi trường’ và nhất là ‘thuận theo ý dân’.
Động thái này của chính phủ Miến Điện đã khiến Trung Quốc tức giận và chỉ trích công khai – một việc mà lâu nay rất hiếm khi xảy ra.
Công trình thủy điện Myitsone nằm trên thượng lưu sông Irrawaddy mà Trung Quốc đã ký thỏa thuận với chính quyền quân sự Miến Điện vào năm 2002 để cùng khai thác. Trong đó Trung Quốc góp vốn, còn Miến Điện góp tài nguyên.
Hai nước dự tính sẽ xây chặn dòng chảy và xây dựng bảy con đập lớn để phát điện trong thời hạn 50 năm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng những động thái gần đây của Miến Điện cho thấy chính quyền dân sự non trẻ của quốc gia này đang mong muốn rũ bỏ hình ảnh một quốc gia lệ thuộc vào Trung Quốc và mở cửa đối với các quốc gia phương Tây vốn vẫn đang duy trì lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên chế độ độc tài quân sự.
Ấn Độ bắt đầu mối liên hệ với chính phủ quân sự Miến Điện vào giữa những năm 1990 trong các lĩnh vực an ninh và năng lượng khi nước này đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc ở Miến Điện.
Động thái này của Ấn Độ đã bị nhiều nước chỉ trích. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010 đã than phiền là Ấn Độ đã không nói chuyện với Miến Điện về những vi phạm nhân quyền của nước này.
Tuy nhiên, Ấn Độ biện minh rằng cách tiếp cận của họ đã giúp khởi động một số bước đi cải cách của Thein Sein khi ông lên cầm quyền.
Ông đã đối thoại trực tiếp với lãnh đạo đối lập là bà Aung San Suu Kyi vốn bị chính quyền quân sự giam lỏng trong nhiều năm.
Đáng chú ý hơn, trước thềm chuyến thăm Ấn Độ, Miến Điện đã loan báo phóng thích hàng ngàn tù nhân, trong đó các tù nhân chính trị và những nhà bất đồng chính kiến.
Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa Miến Điện với Ấn Độ và Trung Quốc cũng chênh lệch đáng kể.
Miến Điện trao đổi thương mại với Ấn Độ trị giá 1,2 tỷ đô la vào năm 2010, trong khi con số này với Trung Quốc là 4,4 tỷ đô la. Trung Quốc cũng là quốc gia hiện đầu tư nhiều nhất vào Miến Điện.
Không có cạnh tranh
Rõ ràng Ấn Độ đang nhận thấy có nhiều cơ hội cho họ dưới chính phủ của Chủ tịch Thein Sein.
Cựu đại sứ Ấn Độ ở Miến Điện G. Parthasarathy cho biết chính phủ mới của nước này có vẻ như đang tìm cách tạo nhiều ‘không gian’ cho ngoại giao hơn, trong đó sẽ có nhiều không gian hơn cho Ấn Độ.
“Chúng ta vẫn phải chờ xem liệu những dấu hiệu mở của gần đây [của Miến Điện] có dẫn tới cải cách kinh tế nhiều hơn hay không,” ông nói.
Tuy nhiên Parthasarathy cũng nói rằng Miến Điện sẽ vẫn luôn duy trì mối quan hệ gần gũi với một siêu cường mới nổi như Trung Quốc.
Vishnu Prakash, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết vẫn có đủ chỗ cho vai trò của cả Trung Quốc và Ấn Độ trong sự phát triển tương lai của Miến Điện.
“Chẳng có cạnh tranh gì ở đây cả. Quan hệ giữa các nước không phải là một trò chơi mà một bên được tất cả còn bên kia không có gì,” ông trả lời khi được hỏi có phải Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau ở Miến Điện hay không.
Lâu nay Bắc Kinh luôn là đồng minh thân thiết của Naypyidaw và đã giúp nước này tránh khỏi những nỗi hổ thẹn trên trường quốc tế với lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như giúp nước này hạn chế tác động của các lệnh cấm vận của phương tây bằng các quan hệ thương mại, mua bán vũ khí.
Trả lời phóng viên BBC, Ko Ko Hlaing, người đứng đầu nhóm cố vấn cho Chủ tịch Miến Điện, đánh giá chuyến đi đầu tiên của ông Thein Sein đến Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Miến Điện.
“Miến Điện nằm giữa hai cường quốc khu vực – Ấn Độ và Trung Quốc. Ngài Chủ tịch đã đi thăm Trung Quốc và bây giờ là Ấn Độ,” ông nói.
Tuy nhiên ông cũng phủ nhận ý kiến cho rằng đối với Miến Điện mối quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn với Ấn Độ.
“Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là mạnh mẽ, nhưng chúng tôi cũng có nhiều hợp tác với Ấn Độ,” ông nói, “Do đó không có gì khác biệt trong cách tiếp cận của chúng tôi với Trung Quốc và Ấn Độ.
Ác mộng bắt đầu
Trên một bài bình luận mới đây trên tờ Tín báo Tài Kinh Tân văn (Hongkong Economic Journal), nhật báo tiếng Hoa hàng đầu của Hong Kong, Trịnh Khiết, chuyên gia bình luận thời sự của Đài truyền hình Phượng Hoàng, đã gọi quyết định tạm dừng đập thủy điện Myitsone là ‘sự bắt đầu của cơn ác mộng trong mối quan hệ Trung Quốc – Miến Điện’.
“Quyết định này không chỉ khiến phía Trung Quốc có thể phải hứng chịu tổn thất kinh tế nặng nề, mà còn khiến quan hệ hợp tác hữu nghị Trung Quốc – Miến Điện bị bao phủ mây đen,” bài báo viết.
Truy tìm nguyên nhân, tác giả bài báo cho biết đây là sự tích tụ từ lâu của nhiều vấn đề.
Thứ nhất, đó là sự quay ngoắt đột ngột của chính phủ do dân bầu ở Miến Điện vốn ‘bỗng nhiên coi trọng dân ý’ và ra sức thay đổi sự thống trị độc quyền của chính quyền quân sự trong suốt hơn 20 năm qua, chẳng hạn như mở cửa cho báo chí nước ngoài, dỡ bỏ lệnh cấm các trang web nước ngoài, quốc hội được công khai thảo luận cải cách dân chủ…
Thứ hai, Chủ tịch Thein Sein đang muốn thoát khỏi ‘cảnh khốn cùng’ bởi sự cô lập của cộng đồng quốc tế, cũng như cần phương Tây dỡ bỏ các chế tài.
“Sự thâm nhập không ngừng của phương Tây khiến Chính quyền Thein Sein buộc phải đưa ra một lựa chọn nào đó giữa ‘Trung Quốc’ và ‘phương Tây’”.
Bài báo nhắc lại tình nghĩa của Trung Quốc đối với Miến Điện: những lúc nước này khó khăn nhất, Trung Quốc thậm chí không thèm để ý đến sự lên án của cả cộng đồng quốc tế, cung cấp cho Miến Điện các loại viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên, chính phủ Thein Sein sau khi cân nhắc thiệt hơn, đã quyết định tách dần khỏi Trung Quốc xét trong tình hình hiện nay khi mà họ cảm thấy khó có thể chịu nổi những áp lực chính trị cả bên trong lẫn bên ngoài.
Thứ ba, đó là sự bất mãn của dân chúng Miến Điện khi mà Trung Quốc được cho là sẽ tiêu thụ đến 80% tổng lượng phát điện của đập Myitsone trong khi người dân Miến Điện chẳng được hưởng lợi bao nhiêu.
“Dư luận Miến Điện cho rằng ưu thế tiền vốn của Trung Quốc và ưu thế tài nguyên của Miến Điện không thể bổ trợ cho nhau, ngược lại còn khiến Miến Địên phải trả giá đắt,” bài viết nhận định.
Bên cạnh đó là sự chống đối của tổ chức ‘Cứu sông Irrawaddy’ mà đầu não hậu thuẫn chính bà Aung San Suu Kyi. Bài bình luận gọi tổ chức này là nhằm mục đích ngăn cản sự hợp tác Trung Quốc – Miến Điện với danh nghĩa bảo vệ môi trường.
Tác giả than phiền rằng các chính phủ được bầu ra một cách dân chủ hay được dựng lên thông qua cách mạng dân chủ đều bắt đầu điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc.
Chính phủ Miến Điện hiện nay, lên cầm quyền hồi tháng Ba năm nay, là một chính phủ dân sự sau nhiều năm cầm quyền của nhóm độc tài quân sự.
Tuy nhiên chính phủ này vẫn phải được sự hậu thuẫn của phe quân sự. Bản thân Chủ tịch Thein Sein cũng từng là một vị tướng.
--------------------------
Ấn Độ ký thỏa thuận khai thác dầu với VN(Tamnhin.net)
.
.
.
No comments:
Post a Comment