Monday, October 10, 2011

NHẬN DIỆN, ỨNG PHÓ CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN (TS Vũ Duy Phú, BBC)



Tiến sỹ Vũ Duy Phú
Gửi cho BBC Việt ngữ từ Hà Nội
Cập nhật: 14:28 GMT - chủ nhật, 9 tháng 10, 2011

Đầu tháng Mười năm nay diễn ra hai sự kiện đáng chú ý là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng sắp sang thăm Trung Quốc và Bắc Kinh kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng dân chủ tư sản Tân Hợi (1911.)

Thiết nghĩ đây là một dịp tốt để dư luận trong và ngoài nước có thể suy nghĩ thêm về bản chất ý đồ của chính quyền Trung Quốc đối với Việt Nam, mà đặc biệt trong căn nguyên cội rễ của nó chính là chủ nghĩa bá quyền, bành trướng của nước này.
Công bằng mà nói, căn bệnh tham lam bành trướng bá quyền nước lớn của Bắc Kinh có thể không chỉ là của riêng tàn dư chủ nghĩa phong kiến ở nước này, mà nó là một trong những tật xấu tai hại bẩm sinh chung của toàn thể loài người, từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông trong lịch sử.
Chỉ có điều sự khác biệt ở thời điểm này với Trung Quốc là chủ nghĩa bành trướng của họ bùng phát ở cấp độ và giai đoạn có thể gọi là “ác tính,” theo cách nói của một số nhà chính trị kiêm lý luận gia Trung Quốc khi họ nói về căn bệnh này ở một số lãnh đạo của chính nước họ.
Bệnh bành trướng còn đi “kèm theo những hành động cuồng loạn”, những “ý định bệnh hoạn” như lời của thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng nói cách đây không lâu về tình hình Biển Đông trong Hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS,) mà chúng ta có thể ngầm hiểu ông muốn ám chỉ ai.

‘Đặc điểm bệnh căn’
Xem xét những sự kiện quốc tế tồi tệ nhất trên thế giới mấy thế kỷ qua liên quan đến hiện tượng bột phát ác tính căn bệnh "tham lam bành trướng bá quyền nước lớn" của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy chúng có một số những đặc điểm chung như sau.
Thứ nhất, căn bệnh này thường xảy ra ở những nước phát triển tốc độ cao, vốn trước đó là một nước yếu hoặc trung bình, nay vươn lên thành một lực lượng hùng mạnh về vật chất trong khu vực hoặc toàn cầu như Trung Quốc, vốn vẫn đang là một quốc gia đang phát triển, hoặc một nền kinh tế mới nổi.
Trung Quốc, cũng như các quốc gia mắc chung căn bệnh này, có vẻ có tham vọng muốn đòi “chia lại bản đồ địa chính trị của thế giới.”
Song do hạn chế trình độ văn minh, đạo đức, dân chủ nhân quyền, văn hóa và luật pháp của cả nhân dân và lãnh đạo, nên có thể chịu một độ "trễ" trong “tư duy thượng tầng,” trong khi chưa tiến kịp đồng bộ với phát triển kinh tế.
Bành trướng bá quyền gây chiến tranh ra bên ngoài là giải pháp "thường gặp" của Trung Quốc, để giải thoát tình trạng phát triển không đồng bộ trên vốn gây ra nhiều loại khủng hoảng nặng nề ở trong nước (năng lượng, kinh tế, dân số.)
Thứ hai, bệnh bành trướng thường nảy sinh khi các thế lực được cho là “thiếu trí tuệ” trong bộ máy nắm quyền "hoang tưởng" muốn lợi dụng sức mạnh mới lên của nước họ.
Họ thường núp dưới chiêu bài "vì tổ quốc, vì dòng tộc, vì nòi giống, hoặc vì lý tưởng tốt đẹp", như ở Trung Quốc, để gây chiến tranh vẽ lại bản đồ địa chính trị, giành giật, phân chia lại đất đai, biển đảo, và/hoặc chiếm đoạt các lĩnh vực quyền lợi khác dưới sức ép của những phe nhóm đặc quyền nội bộ.

‘Đục nước béo cò’
Thứ ba, bệnh bành trướng thường phát ra khi có thể tranh thủ môi trường chung quanh như láng giềng, khu vực hoặc quốc tế gặp những khó khăn cả riêng lẫn chung như hậu chiến, thiên tai, mất mùa, lục đục mất đoàn kết, xã hội suy thoái, đất nước có chính biến v.v…
Các trường hợp Trung Quốc tấn công Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là tranh thủ “đục nước béo cò” do Việt Nam vướng bận chiến tranh, tấn công biên giới phía Bắc năm 1979 là tranh thủ khó khăn một phần của hậu chiến, và tấn công biển đảo Trường Sa năm 1988 là do “thế và lực” Việt Nam khi đó có phần suy yếu, kinh tế còn khó khăn.
Tiếp theo, bao trùm lên trên hết là, chủ nghĩa bành trướng, như với Trung Quốc, chỉ xuất hiện và chỉ có thể phát triển thành "ác tính", khi chính chế độ xã hội, dân trí có thể "còn quá thấp", chưa thể hiểu hết bản chất của vấn đề.
Do đó nhân dân Trung Quốc và xã hội nước này, cũng như ở các nước khác mắc căn bệnh tương tự, được cho là bị các nhóm thế lực và/ hoặc các tập đoàn cầm quyền "bưng bít, xuyên tạc, che dấu" nguyên nhân và thực trạng của quốc gia và môi trường khu vực, toàn cầu.
Đồng thời, một bộ phận giới quyền lực Trung Quốc, tuy có thể sắc sảo, quyết đoán theo kiểu dân gian vẫn nói là “cầm tinh con hổ”, song chính họ không nhận ra rằng, họ có thể "không đủ trí tuệ và minh triết" cùng tầm vóc "nhân đạo" như của các vĩ nhân thực sự mà lịch sử nhân loại đã ghi nhận.
Họ chẳng những có thể làm tan hoang, làm chậm bước phát triển của chính đất nước họ, mà với chứng bệnh bành trướng ăn vào ý thức hệ, có thể tàn phá thế giới, gây biết bao đau thương tang tóc cho nhân loại và nhân dân nước láng giềng của họ.

‘Tất yếu ra đi’
Cuối cùng, cùng với sự tiến hóa chung từng bước của loài người, những chế độ và những con người tham lam, ích kỷ, dã man tàn bạo, bành trướng bá quyền nước lớn hoặc đại hoang tưởng như thế, như ở đây có thể đơn cử là trường hợp Trung Quốc, sẽ lần lượt đến và rồi tất yếu ra đi.
Tuy nhiên, các giới cầm quyền đó có thể để lại những “tàn tích đau thương” mà chính nhân dân nước họ và cũng như toàn thể nhân loại sẽ có thể “đời đời oán trách”.
Điển hình nhất gần đây của loại người này chính là lãnh tụ quốc xã Đức Hitler, hay với Nga là Stalin và trong trường hợp Trung Quốc là cố lãnh đạo đảng, nhà nước, ông Mao Trạch Đông v.v...
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc và chuyến thăm Trung Quốc sắp tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thiết nghĩ chúng ta nên cùng suy ngẫm về điều đó.
Nhưng mặt khác, ngày nay, sang thế kỷ 21, nhân dân thế giới đã văn minh hơn, sáng suốt hơn, thông tin đã gần như thông suốt, vệ tinh nhân tạo các nơi chụp và ghi hình lại từng hành động bành trướng bá quyền trên mặt đất, trên không, mặt biển…
Những thế lực "tham lam bành trướng bá quyền" như ở Trung Quốc, như thế, không dễ gì "bưng bít" được sự thật, "lừa bịp" được dư luận nhân dân.

‘Hệ thống giải pháp’
Tuy nhiên, chừng nào nhân dân các nước và nhân dân thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn còn lơ là chủ quan, chưa đúc kết đầy đủ và tường tận những bài học lịch sử để cùng tìm ra những giải pháp, những quy chế, luật pháp nhằm phòng tránh tích cực và hữu hiệu thì nguy cơ lặp lại những tai họa toàn cầu như trên vẫn còn có cơ sở trở thành hiện thực.
Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương làm nhiều việc. Trong đó, trước hết cần nhanh chóng tổ chức tuyên truyền sâu rộng không chỉ trong nước, mà còn ra toàn thế giới về câu chuyện “phát triển hòa bình” lòe bịp hiện nay trong khu vực của chủ nghĩa Bá quyền nước lớn Trung Quốc.
Làm như thế để mọi lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý toàn thế giới cùng nhận rõ nguy cơ ấy của nhà cầm quyền Bắc Kinh để họ kịp thời liên kết với Việt Nam để cùng hành động.
Trong việc này, Việt Nam rất cần sự tham gia của đông đảo nhân dân trong nước và bà con người Việt ở nước ngoài. Đảng và Chính phủ không nên ngăn cản hành động tỏ thái độ yêu nước hòa bình của nhân dân.
Hai là, ở trong nước, cần khẩn trương chuẩn bị tinh thần và lực lượng, phối hợp với các nỗ lực hợp lý của Quốc hội và Chính phủ, hãy bỏ qua mọi chuyện "không vui" của quá khứ, cùng nhau đồng lòng quyết liệt bảo vệ từng tấc đất giang sơn của Tổ Quốc.
Nguy cơ hiện nay là cực kỳ to lớn và có thực, nó buộc chúng ta phải hết sức cố gắng hy sinh phần lớn những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tạm thời trước mắt để vì nghĩa lớn, trong đó có tương lai con cháu, nòi giống chúng ta, vì đất nước thân yêu của chúng ta, và cũng vì trách nhiệm cao cả đóng góp với toàn thể khu vực và loài người.

‘Bình tĩnh, tỉnh táo'
Mặt khác cần lưu ý là Việt nam luôn luôn giữ được bình tĩnh, tỉnh táo, tránh bị kích động, tránh bị gài bẫy để bột phát manh động tạo cớ cho Trung Quốc gây sự, tuy nhiên cũng cần cảnh giác kẻo bị hù dọa chiến tranh để ép nhân nhượng quá đáng về các mặt khác, đặc biệt là về kinh tế.
Thiết nghĩ Việt nam luôn luôn tâm niệm rằng sức mạnh của mình luôn là tính chính nghĩa, là lẽ phải thuộc về chúng ta, song cần được nhân dân khu vực và thế giới hiểu rõ, ủng hộ và đồng tình góp sức, đặc biệt là chính nhân dân Trung Quốc láng giềng.
Đồng thời, trên tinh thần nhân nhượng có nguyên tắc, có tính đến “tâm lý nước lớn” và nguyện vọng chính đáng giữ gìn hòa bình trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam nên đặt ra các mức độ mềm mòng khác nhau để thúc ép bè phái bành trướng bá quyền trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc xuống thang trong cuộc tranh chấp căng thẳng này.
Ngoài ra, Việt Nam có thể nghiên cứu kiến nghị lập một “liên minh" hợp tác đa phương, lấy luật pháp quốc tế và khu vực làm nguyên tắc nền tảng, mà ngoài Việt nam, Trung Quốc ra, còn có sự tham gia của Mỹ, Nga, Nhật bản và các nước Châu Á Thái bình Dương và phương Tây khác...
Trong liên minh quốc tế hóa này có thể bao gồm cả liên minh quân sự để chống lại chủ nghĩa khủng bố và biển tặc.
Cuối cùng, Việt Nam có thể chủ động đề nghị hợp tác cùng Trung Quốc và các nước khác tuần tra các vùng biển Đông ngoài vùng biển 200 hải lý thuộc chủ quyền của ta, nhưng dứt khoát không bao giờ để cho Trung Quốc cùng tuần tra trong khu vực nằm trong vùng 200 hải lý của mình, vì đó là nguyên tắc.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của Tiến sỹ Vũ Duy Phú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các Vấn đề Phát triển (VIDS/Vusta). Tác giả từng tu nghiệp tại Trung Quốc và hiện phụ trách Diễn đàn Dư luận Phát triển thuộc Viện VIDS.

Các bài liên quan

.
.
.

No comments: