Tuesday, October 11, 2011

MỸ : GIẤC MƠ HỒI PHỤC (tạp chí Politique Internationale)



[Tạp chí Politique internationale số 132/2011]

Posted by huyminh on 10/10/2011

Trong khi một luồng gió hy vọng đang nổi lên ở các nước Arập, thì liệu Mỹ có thực sự bị lâm vào tình trạng sa sút tinh thần hay không? Đó là câu hỏi được nêu ra trong một vài cuộc thăm dò ý dân nhằm so sánh những hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 2008 với những hậu quả của cuộc Đại Suy thoái: nếu những khó khăn kinh tế-xã hội không so sánh được với những khó khăn của những năm 1930, thì tinh thần của người Mỹ lại tỏ ra sa sút hơn. Niềm tin vào tương lai, rất đặc trưng của nền văn hóa chính trị nước Mỹ, dường như đã nhường bước, trong cánh tả cũng như cánh hữu, trước sự tức giận và thái độ không thỏa mãn. Nạn thất nghiệp, thâm hụt ngân sách, nhập cư, sự phi công nghiệp hóa hoặc việc mất vai trò lãnh đạo thế giới đe dọa chính tâm hồn của nước Mỹ, không kể những điều kiện sống của người dân nước này.
Những động lực dẫn tới những lời lẽ buồn bã đó là gì và ai đem chúng tới? Liệu có cần phải nhận thấy ở đó tín hiệu của sự đột biến kinh tế, xã hội sâu sắc và không thể đảo ngược không? Liệu chúng ta có chứng kiến sự tái xuất hiện của một sự nhạy cảm đen tối, thậm chí đôi khi mang tính tận thế, thể hiện theo chu kỳ trong lịch sử nước Mỹ không? Liệu những động cơ cổ điển của giấc mơ nước Mỹ có thực sự trì trệ không? Hoặc ngược lại, liệu những lời lẽ suy sụp tinh thần đó có tạo thành những lời mời gọi phục hồi, như nước này đã thường làm trong quá khứ hay không?

Từ khủng hoảng tới tranh cãi
Ở Mỹ, năm 2010 đã đem lại hình ảnh của một đất nước lâm vào tình trạng lo âu. Nảy sinh trước hết từ những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính mùa Thu năm 2008 – những hậu quả sâu sắc và dễ nhận thấy liên quan đến việc làm bị mất và nhà ở bị tước đoạt – sự lo âu đó cũng đem lại nhiều lo ngại khác: tình trạng quân sự đáng ngại ở Ápganixtan và ở Irắc; sự gia tăng mức thâm hụt ngân sách; việc Trung Quốc trở thành cường quốc bất chấp sức mạnh của Mỹ… Sự lo âu cũng thể hiện trong những tình tiết sau cùng của cuộc tranh luận kéo dài và tổn hại về cải cách bảo hiểm y tế: việc đánh giá những điểm xấu hoặc điểm tốt của chính cải cách đã phải nhường chỗ cho sự buộc tội kiểu đảng phái và những cuộc tấn công trực diện nhằm vào một chính quyền bị nghi đã thực hiện những chính sách “xã hội chủ nghĩa” hoàn toàn phù hợp cho các nước đã suy sụp của châu Âu cũ. Ngay sau khi cuộc tranh luận gần đây nhất khép lại, tiếp theo việc những người trúng cử thuộc đảng Dân chủ tham gia Quốc hội, con tàu khoan dầu Deepwater Horizon đã nổ tung, đổ hàng tấn dầu xuống vịnh Mêhicô. Trong những tuần lễ tiếp sau, dư luận thừa nhận sự bất lực của chính phủ trước thảm họa sinh thái.
Từ đó, không có gì ngạc nhiên khi người ta thấy xuất hiện trên báo chí những bài viết với những đầu đề đầy tính báo động mà không cần biết điều đó liên quan tới dầu lửa của BP hay lửa của các nhà truyền giáo theo xu hướng tái hiện đại hóa giáo hội nguyên thủy.
Vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2010, tâm trạng đen tối đó đã được tái khẳng định thông qua kết quả cuộc trưng cầu ý dân sau bầu cử, kết quả cho thấy 74% số người Mỹ được hỏi ý kiến tỏ ra bất bình với chính phủ cũng như Quốc hội của họ và bày tỏ sự lo ngại về “đường lối mà đất nước này đang theo đuổi”. Lời xác nhận mới đưa ra hồi tháng 12 khi Pew Research Center công bố bản so sánh của họ (cao hơn) về tình trạng hiện nay của dư luận so với những năm 1930: 50% số người Mỹ được hỏi khi đó tin vào một sự cải thiện nhanh chóng tình trạng kinh tế, so với chỉ có 35% hiện nay; 60% cho rằng những cơ may của họ “vươn lên trong xã hội” và cải thiện các điều kiện sống của họ là cao hơn hoặc bằng với mức của các bậc cha mẹ của họ, trong khi nỗi lo sợ xuống bậc đang thắng thế hiện nay. Ngoài những khó khăn thực chất và trước mắt do cái mà báo chí gọi là “cuộc Đại Suy thoái” gây ra, thì những lo ngại của một đại đa số người dân Mỹ dường như gắn với những chuyển biến cơ bản hiện nay.
Hậu cảnh kinh hoàng lan tỏa đó chắc chắn là một trong những giải thích cho sự huy động gia tăng các nhóm hoạt động tích cực dựa vào phong trào các Đảng Trà, trong những tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Lên án chủ nghĩa can thiệp bị coi là thái quá của nhà nước liên bang vào những vấn đề kinh tế, sự điều hành vô trách nhiệm các nguồn tài chính công và mối quan hệ gián đoạn của giới tinh hoa, những công dân bình thường này, thường ít hoặc không được chính trị hóa cho đến khi đó, và trong số đó người ta thấy có một số lượng bất thường phụ nữ, đều bày tỏ sự ủng hộ việc bảo vệ các giá trị truyền thống của nước Mỹ – những giá trị đó đã cho phép đất nước này trở nên phồn vinh và ngày càng tự khẳng định mình như một cường quốc lớn, có lẽ là lớn nhất mà thế giới chưa từng biết bao giờ…
Trong quan điểm đó của nước Mỹ thể hiện trước hết là đầu óc kinh doanh; tự do cá nhân; ý chí thành công qua công việc và sự trung thành với một cộng đồng, dù nó mang tính chất gia đình, địa lý hay tôn giáo. Chính trong những giá trị đó mà nảy sinh niềm tự hào dân tộc và mong muốn phục vụ “số mệnh hiển nhiên” của nước Mỹ. Các Đảng Trà đã bày tỏ sự sùng bái đối với thái độ phó mặc tư bản chủ nghĩa mà theo họ nó đảm bảo cho giấc mơ của nước Mỹ, tức là khả năng thành công đối với mỗi cá nhân. Thành viên của các Đảng Trà chỉ trích chính quyền hiện nay quay lưng lại với các giá trị và với lịch sử, và cản trở sự năng động riêng đối với người Mỹ, phương tiện duy nhất cho phép vượt qua những trở ngại hiện nay và chuẩn bị cho tương lai. Thoát khỏi những bó buộc của quy định thái quá, người Mỹ trở lại là những người tiên phong mà đối với họ tất cả đều có thể làm được.
Những người theo chủ nghĩa dân túy và những nhà tiên tri
Vừa do các nhóm địa phương nhỏ vừa do các tổ chức tư vấn chiến lược mới của cánh hữu bảo thủ đưa đến, làn sóng tranh cãi này không phải là một hiện tượng thoáng qua như Walter Russell Mead giải thích trong một bài viết mới đây đăng trên tạp chí Foreign Affairs. Một người nào đó muốn thống trị mà không tính tới điều đó sẽ vô cùng thất vọng. Được mô phỏng sâu sắc bởi triết học chính trị của Thomas Jefferson, người ngờ vực trước hết là sự lạm dụng đặc trưng của mọi quyền lực chính trị tập trung hóa, tâm trạng phản đối và chống tinh hoa chủ nghĩa của các Đảng Trà khiến người ta nhớ lại các cuộc chiến của Đảng Nhân dân chống những kẻ đầu cơ của các ngân hàng và ngành đường sắt trong những năm 1890 hoặc những năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu của Andrew Jackson, “Bạn của người của dân chúng”. Tuy nhiên, mỗi một làn sóng chủ nghĩa dân túy đó dường như thể hiện bởi trạng thái kinh tế và xã hội đặc biệt cũng nhiều như bởi một niềm tin cơ cấu vào sự khôn ngoan của con người bình thường, được vũ trang bởi nhận thức duy nhất và sự độc lập có tính chỉ trích. Về điều đó, những tình tiết khác nhau của chủ nghĩa dân túy đem lại một tình cảm chính trị rất Mỹ, liên quan tới truyền thống tôn giáo về bất đồng chứng kiến tín đồ Tin lành đã dựng lên đất nước này. Tuy lo lắng, nhưng các Đảng Trà hiện nay không thất vọng: sự tập hợp của họ thường xuyên mang tính chất nhiệt tình và nhẹ nhàng và một trong những lời trách móc mà họ gửi tới giới tinh hoa của Oasinhtơn chính xác là thái độ tiêu cực.
Ngược lại, họ nổi giận và sự nổi giận đó thường thể hiện với những giọng điệu gợi lại sự khoa trương về “những sự bừng tỉnh lớn”, những phong trào phục hưng tôn giáo đó đã nhịp bước cho lịch sử nước Mỹ lúc ban đầu và dẫn tới việc nhân lên những cách gọi tên của đạo Tin lành và đôi khi dẫn tới việc thành lập các môn phái, như những người theo giáo phái Mormon. Trong khi sự phát triển kinh tế của đất nước kéo theo những thay đổi xã hội quy mô, thì các nhà tiên tri cảnh báo cho những người trung thành, bằng những bài thuyết giáo hừng hực, rằng nếu người ta không tìm lại được con đường đúng đắn, với quyết tâm và trái tim trong trắng của các tín đồ thanh giáo đầu tiên, thì cơn giận dữ của Thượng đế sẽ giáng xuống người dân của họ. Kiểu thuyết giáo đó, vừa mang tính tiên tri tối nghĩa vừa là một kiểu nói về động cơ chính trị, đã in đậm dấu ấn văn hóa Mỹ, tới mức hầu như trở thành một kiểu văn học.
Tin rằng thiện chí của họ giá trị hơn những bài diễn văn được cho là sáng suốt của các nhà lãnh đạo, những thành viên của các Đảng Trà tập hợp tại các địa điểm công cộng để đưa ra lời cảnh báo và khuyến khích chính quyền thay đổi phương hướng chừng nào vẫn chưa muộn. Nếu như diễn văn của họ có thể dường như mang tính cấp tiến, thì chính là vì họ muốn đánh thức đất nước khỏi sự đờ đẫn mà chìm đắm trong đó là một ban lãnh đạo tham nhũng và một sự thoải mái hão huyền – như các công dân và các tín đồ bình thường khác đã làm trong các cuộc khủng hoảng trước đó. Nhưng hiện nay làm thế nào giải thích được sự hăng hái mà những người Mỹ, theo gương của các vị tiền bối, mong muốn bảo vệ một hình mẫu duy nhất mà họ cho là đang bị đe dọa?

Sự tỉnh ngộ của các tầng lớp trung lưu
Những lo ngại và sự giận dữ có thể cảm nhận được vào thời điểm đó có thể giải thích được, ít nhất là một phần, qua ba đột biến sâu sắc diễn ra ở Mỹ vào thời điểm chuyển giao thế kỷ. Đột biến đầu tiên là sự thay đổi dân số của đất nước, với một sự phân chia lại dân số có lợi cho các bang miền Nam và miền Tây và cả tầm quan trọng gia tăng của những sắc tộc người Tây Ban Nha và châu Á. Sự tiến triển đó có khả năng biến những người da trắng, chủ yếu theo đạo Tin Lành và gốc châu Âu, trở thành thiểu số. Một nghiên cứu mới đây của Pew Research Center đã xác nhận rằng hơn 16% dân số Mỹ là người gốc Tây Ban Nha và sự biến động dân số của Mỹ -91% – là ở các sắc tộc. Đó chính là một sự thay đổi nhanh chóng và rất lớn. Ngay cả đối với một đất nước đã biến từ mở cửa tới nhập cư thành một trong những giá trị chủ yếu của nó, thì thực tiễn mới này nhất thiết đòi hỏi một thời gian thích ứng và không thể diễn ra mà không gây ra những phản ứng. Về mặt logíc, từ ít nhất một chục năm qua, chuyển biến này đã gây ra những lo ngại khác nhau về sự đồng nhất dân tộc.
Đột biến sâu sắc thứ hai: việc đánh giá lại các tầng lớp trung lưu, coi họ như động cơ của sự tăng trưởng của Mỹ, như một khuôn khổ văn hóa và cột trụ của hệ thống chính trị. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã động chạm tới tầng lớp trung lưu một cách rõ ràng trong hai giá trị hầu như có tính thiêng liêng của nó: lao động và sở hữu. Nhưng đối với họ, giấc mơ đã bắt đầu tan vỡ từ lâu, như Jacques Mistral đã giải thích trong bài Cuộc cách mạng nước Mỹ lần thứ ba: các tầng lớp trung lưu là những người bị mất nhiều trong cuộc cách mạng bảo thủ khởi đầu dưới thời Reagan. Trong khi 1% số người giàu có nhất của Mỹ trở nên còn giàu có hơn nữa, thì các tầng lớp trung lưu đã dần dần thấy việc làm của họ trở nên bấp bênh hơn, thu nhập của họ trở nên ít hơn và mức bảo hiểm xã hội bị thụt lùi: ngay cả trong một gia đình có hai người đi làm thì vẫn rất khó khăn trong việc tiết kiệm đủ tiền để gửi con tới học tại trường đại học, để đối mặt với những chi phí y tế hoặc chuẩn bị cho lúc nghỉ hưu. Vì vậy, cuộc “Đại suy thoái” năm 2008 đã diễn ra ngay sau cái mà một số nhà kinh tế gọi là “Đại trì trệ”’.
Giống như ở châu Âu, trạng thái bấp bênh gia tăng này pha trộn với những nhận thức tiêu cực về vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề này có tính chất thời đại, nếu không nói là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên. Lawrence Summers, khi đó là cố vấn kinh tế của Bill Clinton và sau đó được Barack Obama bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiện tượng này ngay từ năm 1996 trong một bài báo đăng trên tờ Financial Time, ở đó ông đặt tên cho các tầng lớp trung lưu là “trung lưu lo lắng”. Lần đầu tiên kể từ rất lâu, ở Mỹ ngày càng phổ biến suy nghĩ cho rằng ngay cả khi làm việc vất vả và ngay cả khi thể hiện tinh thần, có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp, người ta cũng không còn có thể tin chắc vào việc xây dựng được một tương lai tốt hơn cho con em họ.
Đột biến thứ ba mà những hậu quả của nó bổ sung cho những hậu quả của hai đột biến trên: thiết lập lại sự cân bằng quyền lực trên thế giới, điều mà Fareed Zakaria đã đề cập trong cuốn sách mới đây “Nguy cơ của phần còn lại”. Với sự nổi lên của các cường quốc kinh tế mới – trước hết là Trung Quốc – Mỹ ở trong tình trạng muốn xét lại bản đồ trí tuệ về hành tinh của họ. Từ một thế kỷ nay quen đứng ở vị trí hàng đầu, hiện họ phải điều đình với vô số những nước giữ vị trí hàng đầu khác, trong đó không nước nào có thể cạnh tranh với họ ở tất cả các lĩnh vực, nhưng đang dần dần tạo ra một tình thế mới và không thể đảo ngược. Một điều chắc chắn là Mỹ sẽ không còn là cường quốc đơn cực đã từng chi phối ở thế kỷ XX.
Trong nhận thức của người dân, người ta nói trước hết chính Trung Quốc là hiện thân của sự xét lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và người ta không còn tin vào những bài báo tập trung nói về những ý đồ của Trung Quốc về mặt quân sự. Tuy nhiên, chúng ta tin chắc rằng hiểm họa mà Trung Quốc có thể đem lại mang một bản chất khác, và nếu Mỹ quan tâm tới ý kiến họ bị “mất chỗ”, thì trước hết là do sự mất đi tính cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến Mỹ. Trên thực tế, ngành công nghiệp này là nguồn gốc dẫn tới sự phồn vinh của tất cả các khu vực và niềm tự hào của Trung Mỹ trong hơn một thế kỷ qua. Làm thế nào mà Mỹ có thể tiếp tục phồn vinh trong một thế giới mà họ không còn là nước thống trị duy nhất nữa? Những “tinh hoa tự do của duyên hải phía Đông” luôn có thể thử giải thích rằng lợi thế cạnh tranh thực sự của Mỹ nằm trong tương quan của họ với sự hiểu biết, nghiên cứu và sáng tạo, và chừng nào các trường đại học của họ vẫn còn là những trường tốt nhất thế giới thì họ vẫn sẽ không bị đe dọa. Và trong thời gian đó, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy một số lớn người Mỹ cho rằng Trung Quốc đã là cường quốc hàng đầu thế giới…

Nước Mỹ lâm nguy chăng?
Chính trên cơ sở sự chuyển tiếp vất vả, phức tạp và khó khăn đó đã diễn ra vụ khủng bố ngày 11/9/2011, với những hậu quả chấn thương tâm lý đối với một đất nước chưa bao giờ bị tấn công kiểu đó trên lãnh thổ của họ. Dưới chính quyền Bush, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trở thành nguyên nhân sinh ra tất cả các mối đe dọa khác và đã tạo thành những mối lo sợ phổ biến như đã được nêu. Ê kíp cầm quyền tại Oasinhtơn muốn chống lại điều đó bằng việc thể hiện sức mạnh quân sự và ưu thế tinh thần ở Trung Đông: không những họ đã thất bại trong việc giảm bớt mối đe dọa mà còn kéo nước Mỹ vào hai cuộc chiến tranh khó khăn và làm tổn hại tới uy tín của họ đối với các đồng minh và trong một bộ phận của thế giới. Trên lĩnh vực đối nội, phản ứng với vụ 11/9 đã đặt đất nước, trong một giai đoạn vô định, vào một tình trạng báo động thường trực, dưới sự che chở của một bộ mới là bộ An ninh nội địa. Cơn bão Katrina, đã tàn phá New Orlean năm 2005, mặc dù đó là một thảm họa mang bản chất khác, nhưng đã củng cố ý nghĩ cho rằng nhà nước không còn có thể đảm bảo được an ninh cho mọi người, đặc biệt là những người đã bị tước đoạt nhiều nhất. Vấn đề an ninh, hay nói đúng ra là mất an ninh, đã trở thành hiện tượng ở khắp mọi nơi. Ngoài các ví dụ khác, ở thời điểm này người ta thừa nhận điều đó qua các vấn đề năng lượng, được mổ xẻ đặc biệt kỹ càng qua lăng kính này. Và dường như hai cuộc chiến tranh tốn kém, đánh mất vai trò chính thống đối với thế giới, sự bất công xã hội và bất bình đẳng không đủ, đến mùa Thu năm 2008 Wall Street đã sụp đổ. Liệu có cần thực sự ngạc nhiên khi thấy nước Mỹ nản chí không?
Khi đó, người ta muốn tìm thấy trong tư cách ứng cử viên của Barack Obama, tiếp đó là việc ông đắc cử tổng thống một phương thuốc chữa chạy cho một loạt những thảm họa đó. Hành trình, sự quyến rũ và tài hùng biện của ông giúp cho người dân Mỹ trở lại với giấc mơ của họ. Obama đã tiến hành chiến dịch về chủ đề đổi mới, tính chất lịch sử của những thách thức mà đất nước này phải đối phó trước khi cho phép huy động mọi nguồn lực của mình. Với những trọng tâm mà năm 1933 Franklin Roosevelt đã kêu gọi mọi người dũng cảm tập hợp nhau lại trước “những giờ khắc đen tối của lịch sử dân tộc”, hoặc John Kennedy kêu gọi đồng bào của ông trở lại cuộc chiến lâu dài vì tự do, Obama cổ vũ người Mỹ quyết tâm đối phó với những thách thức của thế kỷ XXI.
Thật trái ngược là tình trạng ảm đạm hiện nay có lẽ chủ yếu do người ta quá hy vọng vào thắng lợi của Barack Obama hồi tháng 11/2008. Việc bầu một tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử của họ dường như đem lại lý do cho tất cả những người Mỹ muốn tiếp tục tin rằng ở đất nước họ, mỗi người càng lao động, dũng cảm, khéo léo và táo bạo thì càng có khả năng thành công. Một lần nữa nước Mỹ làm thay đổi thế giới. Lịch sử của nước Mỹ lại trở thành một lịch sử về sự giải phóng và tiến bộ. Đó chính là lịch sử của một dân tộc may mắn, một số phận duy nhất và đặc biệt! Vì vậy, cũng chính bong bóng niềm tin và hy vọng tìm lại được đó đã nổ tung trong dòng chảy của năm 2009, khi mà đương nhiên những khó khăn kinh tế và xã hội đã tích tụ, chính sách đảng phái phục hồi và Barack Obama, bất chấp sự sáng suốt và ý chí mà người ta muốn đem lại cho ông trong những phạm vi khác nhau, sẽ khó mà chèo chống được. Ngoặc đơn đã được khép lại. Người ta thậm chí có thể nói rằng tâm trạng không thỏa mãn, sự giận dữ hiện nay còn lớn hơn khi có lúc người dân đã tin rằng vị tổng thống này có thể làm thay đổi tình hình.
Hiện nay, vấn đề sa sút không là việc riêng của cánh hữu dân túy; các nhà bình luận “tự do” không chịu thua khi cần phải, đôi khi mang tính cách cá nhân và với nhiều sự cay độc, đổ tội cho giới tinh hoa Oasinhtơn. Bằng cách quan niệm hóa, người ta có thể nói rằng nước Mỹ yêu nước cực đoan và dân tộc chủ nghĩa đặc biệt lo mất vai trò lãnh đạo thế giới và lo ngại trước những mối đe dọa của một bên là Trung Quốc và bên kia là một hệ thống đa phương, hệ thống này chỉ có thể hạn chế phạm vi hoạt động và sự độc lập của đất nước họ; trong khi nước Mỹ tự do, với hy vọng rằng Barack Obama có thể kết thúc một chu kỳ bảo thủ và mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tiến bộ bằng cách tái đầu tư vào chính sách cải cách kinh tế xã hội, đã phí công vô ích vào điều đó và chỉ ra sự trục trặc của động cơ kinh tế và xã hội, sự suy sụp của các hạ tầng cơ sở và của hệ thống giáo dục, sự đầu tư ít ỏi vào việc nghiên cứu và sáng tạo và, trong chừng mực nhất định, nguy cơ mà nước Mỹ đánh mất sức hút của họ là quyền lực mềm.

Thời điểm vệ tinh nhân tạo
Liệu nước Mỹ có sa sút đến như vậy và đến lượt chúng ta phải lo ngại về nó không? Về vấn đề này, nhà báo James Fallows đã có bài viết trên tờ The Atlantic như sau: nếu nước Mỹ không còn quan tâm tới tương lai mà lẽ ra họ phải quan tâm, thì bấy nhiêu cuộc khủng hoảng niềm tin theo từng giai đoạn sẽ được ghi trong AND của dân tộc. Từ sự cảnh cáo của John Winthrop tới bài “diễn văn vụng về” nổi tiếng mà Jimmy Carter đã đọc năm 1979, từng giai đoạn, người Mỹ thấy mình như đang ở bên bờ một vực thẳm, nhưng lại luôn biết tránh được tai họa, tới mức “sức chịu đựng” dường như là một nét trong bản mệnh dân tộc của họ. Về điều này, chúng ta có thể đang chứng kiến một trong những “thời điểm vệ tinh nhân tạo” mà ở đó nguy cơ bị vượt qua buộc Mỹ phải tự có phát kiến mới và dành toàn bộ năng lực của họ cho việc chinh phục một biên giới mới.
Nhưng tìm kiếm ở đâu một chương trình Apollo mới, một “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” mới hoặc hơn nữa, một cuộc cách mạng mới có thể so sánh với sự xuất hiện của Internet? Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Barack Obama đã tỏ thái độ muốn lao vào những thách thức môi trường – kinh tế xanh, sinh thái và công nghệ nano…- coi đó như là một thiên đường mới mà sự tiến bộ của công nghệ và khả năng sáng tạo của nước Mỹ cho phép chinh phục. Trong Thông điệp liên bang được công bố hồi đầu năm 2010, ông đã tỏ ra rất theo thuyết ý chí. Ông nói: “Nước Mỹ sẽ không chấp nhận giữ những vai trò khác”. Nhưng kể từ đó, nếu có một lĩnh vực mà hầu như tất cả đều đồng thanh nói rằng chính quyền này dù thế nào chăng nữa vẫn phải vượt qua, cho dù những trở ngại chính trị tích tụ lại, thì đó chính là vấn đề năng lượng và môi trường, điều mà người ta vẫn còn nêu ra mới đây tại các cuộc tranh luận về hạt nhân.
Có rất nhiều trở ngại trong một bối cảnh sự phân cực chính trị và sự bực bội tư tưởng hiếm khi có kể từ các cuộc đấu tranh lớn của những năm 1960. Quan sát viên châu Âu chỉ có thể bị tác động bởi việc cấp tiến hóa những bài diễn văn về một số chủ đề nhất định mà dường như chúng động chạm tới giấc mơ của nước Mỹ. Ví dụ về vấn đề nhập cư, người ta nghĩ tới bang Arizona, ở đó các biện pháp rất có tính trấn áp đã được thực hiện tại chỗ chống những người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời cho phép cảnh sát thực hiện những vụ bắt bớ và trục xuất tất cả những người không có giấy tờ hợp pháp. Bối cảnh chính trị rất căng thẳng đó đã được coi như một trong những lời giải thích cho vụ nổ súng tại Tucson ngày 8/1/2011, khiến bà đại diện Gabrielle Gifords bị thương nặng và một thẩm phán thiệt mạng.
Trên lĩnh vực các quyền dân sự, người ta cũng nghĩ theo cách của một số nhà lãnh đạo dư luận rất nổi tiếng, mà trên lĩnh vực Blog hoặc trên các phương tiện thông tin độc lập, họ đã khuấy lên bóng ma của chủ nghĩa Hồi giáo, bị coi là kẻ thù chung số một như kiểu chủ nghĩa cộng sản trước đây. Những lời đả kích đó nhấn mạnh tới chủ nghĩa cấp tiến chống dân chủ gắn liền với đạo Hồi. Nhìn từ châu Âu, những cuộc tranh luận đó với chúng ta dường như rất gần gũi. Chúng cũng không làm giảm bớt sự ngạc nhiên ở một nước đã bảo vệ những yêu sách về sự phụ thuộc văn hóa và tôn giáo nhiều như vậy. Việc mới đây người ta thành lập một ủy ban điều tra nhằm ngăn chặn những sự chệch hướng cấp tiến trong cộng đồng Hồi giáo không hề khiến mọi người yên lòng.
Mọi người cũng bị tác động bởi sự thay đổi của những đề xuất chính thức về các công nghệ mới. Với một sự gia tăng đột ngột kể từ cú sốc do những tiết lộ bí mật của Wikileak gây ra, dường như trong một thời gian ngắn người ta có thể chuyển từ một bài diễn văn hòa giải của những lời hứa về dân chủ và cùng phồn vinh mà những công nghệ mới phải thực hiện sang một bài diễn văn rất có tính phòng vệ, nó đưa ra các kiểu đe dọa ảo.
Ngay cả sự chuyển biến trong lĩnh vực đời sống hoặc công nghệ nano thì những cuộc tranh luận đã làm cho sự cảnh giác lung lay và những “công nghệ sạch” không còn gặp may nữa. Dường như tất cả những bài diễn văn về khoa học và công nghệ đã làm lung lay phe không có tiếng tăm, dù nó liên quan tới việc xét lại những thỏa thuận khoa học về sự nóng lên của khí hậu, về sự tranh chấp trong việc giảng dạy lý thuyết về sự chuyển biến trong các trường công hay việc cấm nghiên cứu về các tế bào gốc.
Sau rốt, sự lên ngôi của chủ đề an ninh năng lượng cũng diễn ra trên cùng sơ đồ. Ngay cả khi người ta tiến hành khai thác dầu lửa ở nơi mới thì sản lượng quốc gia này cũng chỉ có thể làm thay đổi cán cân cung ứng ngoài lề. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa Trung Đông, đúng ra lương tri muốn người ta tìm cách giảm bớt những thói quen tiêu dùng, cải cách thuế khóa, hoặc phát triển nhiên liệu hoặc năng lượng thay thế… Nhưng những kế hoạch đó vấp phải sự chống đối của các Đảng Trà đối với tất cả cái có thể giống với những lời cam kết đa phương bắt buộc hoặc một quy chế liên bang trong lĩnh vực này. Trong một cơ chế khó phá bỏ đó, sự gia tăng những bất bình của dân chúng và mất niềm tin đối với giới tinh hoa dường như chặn đường các chính sách công, những chính sách có thể cho phép Mỹ cam kết những cải cách cơ cấu và do đó tìm được một sức sống mới.
Bối cảnh tư tưởng đó pha lẫn một cảm giác phong tỏa các thể chế và sự rối loạn chức năng chính trị. Những người ủng hộ nhiệt tình các Đảng Trà lên án các chính phủ vô trách nhiệm và ích kỷ phục vụ trước hết lợi ích của các câu lạc bộ nhỏ nội bộ; nhưng trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử, Obama đã hứa hẹn sẽ chấm dứt sự phong tỏa đảng phái cản trở những cải cách cơ bản mà đất nước đang cần. Thực tế, tại Thượng viện, có hai phe phái chính trị có khả năng ngăn chặn những cuộc tranh luận bằng cách đe dọa gây trở ngại cho phe đối lập, đến mức từ nay cần phải có một “đại đa số” 60 phiếu để có thể chấp nhận điều luật nhỏ nhất. Thêm vào đó là sức mạnh gia tăng của các cuộc vận động ngoài hành lang đại diện cho những lợi ích khu vực, vào thời điểm mà các tổ chức khác của xã hội dân sự khó mà tự hồi phục được; là vai trò ngày càng lớn của đồng tiền trong các chiến dịch chính trị; hoặc sức nặng quá mức mà các bang rất ít dân và ít tiêu biểu cho những lo lắng của đa số đem lại cho Thượng viện. Sự rối loạn chức năng tăng lên, trong khi và mặc dù các thể chế của Mỹ, không thể bị tác động kể từ Công ước Philadelphia năm 1787, hiện đang ở trên ghế của bị cáo. Tóm lại, những thách thức lớn hiện nay đòi hỏi những thỏa hiệp mà sự vận hành của các thể chế làm cho nó ngày càng khó thực hiện: nước Mỹ trở nên không thể cai trị được…

“Đổi mới và thay đổi”
Vậy làm gì bây giờ? Về mặt chính trị, các bài diễn văn biến cách có thể được coi như những lời kêu gọi cải cách, phục hưng, sự cứu thế cá nhân và tập thể. Đó là một sự báo động hữu ích để kích động việc khôi phục đức tin, sự tín nhiệm và quyết tâm. Trong bài diễn văn nhậm chức, John Fitzgerald Kennedy đã hứa hẹn sự “đổi mới và thay đổi”. Hiện nay nước Mỹ phải trung thành với cái gì và họ có thể chấp nhận cải cách cái gì?
Hiện nay, điều giống như là một cuộc chơi một mặt chính là khả năng Mỹ vẫn là một xã hội cởi mở và một mặt là khả năng của họ xem xét lại tình trạng ngoại lệ của Mỹ trước những tương quan lực lượng mới trên thế giới. Thực tế, đối với nhiều nhà bình luận, chỉ khi Mỹ từ bỏ việc là một xã hội cởi mở thì họ mới thực sự bị đe dọa, bởi sức mạnh thực sự của Mỹ là ở sức quyến rũ của họ – một đức tính đã thu hút về phía họ những tài năng của thế giới và mở ra con đường cho sự chinh phục các thị trường mới. Với danh nghĩa đó, sự phát triển hiện nay của một chính sách ngờ vực đối với việc cung cấp visa cho các sinh viên đến từ các nước “nhạy cảm” là những diễn biến đáng lo ngại có thể đe dọa tới tính cạnh tranh của Mỹ và vị thế ưu việt về hình mẫu của họ hơn là chính sách sức mạnh của Trung Quốc hoặc những thâm hụt ngân sách.
Nhưng đây còn là vấn đề liên quan tới vị trí của tính ngoại lệ trong văn hóa chính trị của Mỹ. Liệu đất nước này có tìm lại được niềm tự hào về định mệnh dân tộc, về nền văn minh và các giá trị của họ mà không phải xếp chúng bên cạnh cái được coi là duy nhất, đặc biệt và không thể chạm tới hay không? Liệu những cảm nhận về sự mất ảo tưởng và mất phương hướng có phần nào đến từ việc phát hiện ra rằng trên thực tế Mỹ cũng trải qua những khó khăn như các nước thuộc Liên minh châu Âu hay không? giống như châu Âu, Mỹ đã bị thế giới đuổi kịp bởi sự phi công nghiệp hóa và sự trì trệ dân chủ. Giống như châu Âu, họ phải đương đầu với vấn đề di chuyển ngành công nghiệp chế biến sang các nước miền Nam; nạn thất nghiệp cơ cấu ở một số khu vực; gánh nặng của các chi phí y tế và hưu trí trong ngân sách quốc gia; những căng thẳng xã hội xung quanh vấn đề dân di cư; mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và các mạng lưới tội phạm toàn cầu; sự mất niềm tin trong giới tinh hoa và hệ thống đại diện dân chủ… Sau rốt, phải chăng Mỹ chỉ còn là một nền dân chủ phát triển trong số các nền dân chủ khác? Đối với một số thành viên của các Đảng Trà, ý kiến này là không thể chấp nhận được. Từ đó dẫn tới phản ứng của họ: sự khẳng định ngày càng cứng rắn về các nguyên tắc của cuộc cách mạng bảo thủ, chống thuế khóa và chống điều tiết, điều này giúp cho Mỹ luôn phồn vinh hơn bằng cách đi theo hình mẫu riêng. Về chính sách đối ngoại cũng vậy, bất cứ điều gì giống như một sự nhượng bộ trong cuộc chơi nhằm chia sẻ với phần còn lại của thế giới đều không phải là Mỹ: nếu đó không còn là vấn đề thu mình mang tính biệt lập – bởi vụ 11/9 đã chứng tỏ rằng những lộn xộn của thế giới đôi khi diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ – thì về mặt hợp pháp chính sách đối ngoại chỉ được thực hiện với lý do bảo vệ các lợi ích dân tộc của Mỹ.
Ngược lại, đối với một truyền thống tiến bộ, thiên tài đặc biệt của Mỹ là biết tự xem xét lại mình khi hoàn cảnh đòi hỏi. Diễn văn do Barack Obama đọc ngày 29/3 về sự can dự của Mỹ ở Libi rõ ràng đặt ông vào mối liên hệ đó. Tự coi là tổng chỉ huy quân đội và đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng một sự tôn kính dành cho lòng dũng cảm, cho tính chuyên nghiệp và cho chủ nghĩa yêu nước của binh lính Mỹ, Tổng thống trước hết đã có sự nhượng bộ đối với phe bảo thủ bởi ông đã tìm cách chứng tỏ rằng Mỹ có một lợi ích chiến lược trong việc đảm bao an ninh cho Libi cũng như cho thắng lợi của “mùa Xuân Arập”. Nhưng ông đã không ngừng lặp lại cam kết đó của Mỹ trong bối cảnh được sự ủy nhiệm quốc tế của Liên hợp quốc, sự hợp tác với một liên minh quốc tế và chuyển giao quyền lãnh đạo cho NATO. Luôn tỏ ra thực tế, ông đã nhiều lần ám chỉ những khó khăn “nội địa” và thái độ do dự chính đáng của người đóng thuế Mỹ trong việc tài trợ cho các cuộc chiến tranh liều lĩnh khi kinh tế Mỹ đang lâm vào tình trạng bấp bênh.
Tỏ ra thận trọng hơn trong chính sách đối ngoại, có thái độ hợp tác hơn với các đồng minh, có các mục tiêu khiêm tốn hơn, một sự chú ý hướng tới những ưu tiên nội địa: tất cả những điều đó rất giống với một thái độ thụt lùi sau những năm tháng thực hiện chính sách cách mạng và chúa cứu thế của các ê kíp bảo thủ mới trong Chính quyền Bush. Tuy nhiên, Tổng thống Obama không từ bỏ việc đưa ra cách giải thích riêng về tính ngoại lệ Mỹ. Như vậy, nước này có một trách nhiệm đặc biệt trong việc ủng hộ các phong trào giải phóng trong thế giới Arập, không phải do ưu thế quân sự của họ mà do dân tộc Mỹ, cũng sinh ra từ cách mạng, mang theo mình tinh thần bảo vệ tự do. Tuy nhiên, theo cách giải thích đó, tự do không còn là một hệ thống mà Oasinhtơn có thể xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới, mà chỉ là một dấu mốc của những thử thách, với gánh nặng được tất cả các dân tộc trên trái đất cùng chia sẻ.
Trước mắt, những thắng lợi mới đây của chính sách đối ngoại dường như làm dịu bớt một phần những căng thẳng mà cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và những diễn biến tiếp sau đó gây ra, nhưng vấn đề là thời gian qua Mỹ đã đánh mất một phần ưu thế của họ. Hẳn là từ châu Âu chúng ta đều ngạc nhiên về điều đó, nhất là khi chúng ta có thói quen tin vào sự lạc quan của họ để đối trọng với quan điểm bi kịch của lịch sử của chúng ta. Để tìm hiểu xem tâm trạng mới này xuất phát từ đâu, cần xét lại phương diện các sự kiện kinh tế và chính trị có tầm cỡ quan trọng đối với Mỹ và cả phương diện văn hóa chính trị rất đặc biệt, với tính chất chu kỳ, diễn ra lần lượt ở những giai đoạn mất phương hướng v.v. Để tìm hiểu những chuyển biến nào báo trước, hẳn là người ta có thể dừng lại ở những lựa chọn của Tổng thống Obama và về những phẩm chất, hoặc không, của một chính khách; nhưng cũng cần tránh đánh giá quá cao phạm vi hoạt động của ông. Bối cảnh chính trị và văn hóa của Mỹ trở nên đặc biệt phức tạp, và con đường của những cải cách tương lai rải đầy chông gai. Những tác giả nổi tiếng khác sau này sẽ nói về trách nhiệm chi tiết trong sự chuyển hướng mà Mỹ đã thực hiện thành công, hoặc không, để lựa chọn những cách thức trong trò chơi toàn cầu hóa: thông tin, tòa an tối cao, nhà thờ và các vòng ảnh hưởng có tính trào lưu chính thống,…Với tư cách là các nước châu Âu, lợi ích của chúng ta cũng không còn chỉ luôn dừng ở những hy vọng và ảo tưởng của chúng ta so với kế hoạch duy nhất của Mỹ. Nhưng cần phải chúc cho họ thành công. Bởi một nước Mỹ quay lưng lại với tương lai thì có nghĩa họ đã lâm vào tình trạng sa sút.

.
.
.

No comments: