Saturday, October 15, 2011

MÔ HÌNH QUỐC DOANH, KIỂU GÌ CŨNG CHẾT (VietTuSaigon)




Việt Nam hiện nay, nhìn qua nhìn lại các mô hình kinh tế quốc doanh, từ điện lực, dầu khí, cấp thoát nước…, rồi đến cả giáo dục, y tế… cái gì cũng than lổ và thua lổ thực sự. Đã đến lúc để Việt Nam nhận ra một chân lý được dự báo từ lâu: Mô hình quốc doanh, kiểu gì cũng chết. Tại sao?

Các mô hình kinh tế quốc doanh thường được thành lập bằng một tờ giấy (giấy quyết định), một đống tiền thuế của nhân dân và chỉ định cho một cá nhân nào đó lãnh đạo. Nghĩa là không xuất phát từ nhu cầu nội tại là làm để sinh lợi, mà cá nhân đó phải “bị động” nhận nhiệm vụ và thực thi nó.

Mà cá nhân đó là ai? Đương nhiên phải được Đảng tin tưởng, mặc dù về chuyên môn và đam mê, cá nhân đó có thể chẳng cần có gắn kết gì với công việc mà mình được giao, cũng chẳng sao.

Nên không có gì phải ngạc nhiên khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng được chỉ định đi làm sinh đẻ có kế hoạch; nhà thơ Tố Hữu thì đảm trách chuyện tài chính quốc gia, góp phần ra quyết sách in tờ 30 đồng – một mã tiền mà tự nó không làm thành hệ thập phân – phải nói là độc nhất vô nhị, chẳng có mấy quốc gia làm được.

Chúng ta thử xem xét có mấy loại cá nhân được nhà nước phân công lãnh đạo.

Thứ nhất, đó là những người có đức mà không có tài, rất dễ được lòng lãnh đạo và nhân dân, nhưng làm chẳng được việc, nên khiến doanh nghiệp hay các tổ chức quốc doanh phải thua lổ, thất bại. Mà khi thất bại, thì sẽ bị phê bình và nghiêm túc rút kinh nghiệm về năng lực yếu kém của mình, rồi bị thuyên chuyển công tác đi nơi khác, làm việc khác. Hiếm họa lắm mới thấy một người có đức mà không có tài phải đi tù; vì đức ở đây là “đạo đức cách mạng”, nên không thể bị xâm hại, bôi nhọ - dù họ có xứng đáng bị bôi nhọ(!). Vụ Vinashin là một đơn cử thực tế và sinh động cho kiểu người hữu đức vô tài khi được giao công việc.

Thứ hai, đó là những người có tài mà không có đức, họ thường khá khôn lanh trong các vị trí mà mình được nhận, họ luôn nhìn ngắm các dự án và số tiền khổng lồ mà nhà nước đầu tư. Trong bối cảnh gần 100% doanh nghiệp nhà nước đang thua lổ trầm trọng, nên việc của họ chỉ là biến tiền công thành tiền tư, tiếp tục làm cho các doanh nghiệp nhà nước thua lổ. Họ thỉnh thoảng bị đi tù vì không được lòng lãnh đạo, nhưng thường do có tài, nên ngay từ khi nhậm chức, họ đã tính đến chuyện chuyển công tác hay về hưu, nên luôn tìm mọi cách để hợp thức hóa tất cả. Trên bình diện đại chúng, khi họ mới nhận chức, những người này thường được ca tụng như những nhân tố mới, hứa hẹn sự cải tổ…, nhưng rồi, họ lại bị phê phán khi các thất bại dần hiện diện lúc sắp “về hưu”. So với kiểu người hữu đức vô tài, kiểu người này luôn đủ tinh vi làm thiệt hại lớn ngân sách nhà nước. Vụ 1.000 năm Thăng Long là ví dụ cho kiểu người này, họ làm thiệt hại rất lớn nhưng chẳng ai phải ra tòa, đi tù.

Thứ ba, những người có tài có đức, vốn rất ít. Khi họ được chỉ định lãnh đạo, nếu hợp chuyên môn và đam mê, họ sẽ làm tốt, nhưng cơ hội làm tốt của họ cũng không bao lâu. Bởi sau một vài nhiệm kì, họ phải nhường cái ghế tốt của mình cho các kiểu người chưa chắc đã có tài có đức, mà ai cũng biết, xây “ba năm phá một ngày”, nên công sức của họ bị đổ sông đổ biển ngay sau đó. Tính thừa kế trong các mô hình quốc doanh gần như bị triệt tiêu hoàn toàn, nên ngay khi con người tài đức ra đi, mô hình sẽ sụp theo, vì cha chung không ai khóc.

Nó khác với các mô hình tư nhân hay tư bản, nếu không có năng lực thì họ sẽ thuê điều hành, còn mình chỉ làm quản trị. Các mô hình quốc doanh, vừa có người điều hành vừa có người quản trị, có điều họ không làm việc hiệu quả; hoặc cố tình tỏ ra làm việc, nhưng cốt là để phá hoại.

Đó là chưa nói, nếu người tài đức ấy mà được lòng lãnh đạo thì thế nào cũng được cất nhắc lên chức cao hơn, thành ra nơi mà họ bỏ công ra gầy dựng chưa bao lâu sẽ tiêu tan. Nếu họ ngang bướng và bị lãnh đạo ghét, thì thế nào tổ chức của họ cũng bị cắt giảm ngân sách, họ thuyên chuyển công tác hoặc bị tù đày, người khác sẽ được chỉ định thay thế, mô hình cũng thất bại. Ví dụ cho điều này có thể thấy trường hợp bí thư thành ủy Đà Nẵng là ông Nguyễn Bá Thanh, ông thuộc kiểu người làm được việc, nhưng do không có phe phái ở trên trung ương và không mấy được lòng lãnh đạo nên chưa được thuyên chuyển công tác, Đà Nẵng đẹp lên là do ông còn ở đây. Chứ nếu ông bị thuyên chuyển ngay khi các dự án quy hoạch vừa khởi động, thì chắc chắn sẽ gây thất thoát rất nhiều, Đà Nẵng thì vẫn như cũ, chỉ có tiền công thì đi vào túi riêng. Nguyễn Bá Thanh không phải kiểu người tài đức, mà là kiểu người có nguyên tắc trong việc tiêu tiền công, bao nhiêu phần trăm vào túi riêng đã được ước định, phần còn lại là để làm việc chung.

Trở lại chuyện người tài đức, kiểu người này vẫn có thể làm việc ác trong các mô hình quốc doanh của Việt Nam. Cái ác này đến từ khách quan và chủ quan. Khách quan là ở chỗ một người tài đức muốn đóng góp cho quốc gia, quyết lập một mô hình để làm việc, nhà nước đầu tư, nhưng khi họ làm được việc thì lại bị thuyên chuyển công tác, mô hình rơi vào tay người khác, rồi thất bại. Chủ quan là ở chỗ, khi người tài đức bị trù dập hay kìm kẹp, từ cảm hứng của một người muốn đóng góp cho cộng đồng, họ buộc phải nghĩ về quyền lợi của cá nhân, mô hình quốc doanh vì thế mà sụp đổ.

Thứ tư, những người vô tài vô đức, phải nói là đông như quân Nguyên, họ thường không được cất nhắc vào vai trò lãnh đạo, mà làm lính của ba loại người trên. Vì vô tài vô đức, nên hỏi họ có đóng góp gì không, tất nhiên là không, việc của họ là đồng lõa với cái xấu, vì cái xấu vốn dễ gần hơn để biến của công thành của riêng. Rồi thời gian trôi qua, phần lớn các bộ nhà nước bị biến chất và tư lợi, nhà nước không còn tìm ra được người để chỉ định lãnh đạo, đám vô tài vô đức này sống lâu lên lão làng, họ đứng vào vai trò lãnh đạo. Các cựu chiến binh và cán bộ lão thành của Cộng sản hay phàn nàn những thế hệ kế tục của mình đang biến chất. Thực ra, họ không làm mình biến chất mạnh mẽ bằng cái mô hình quốc doanh đẩy họ vào chỗ biến chất.

Từ các kiểu người vừa nêu được cất nhắc vào vai trò lãnh đạo thì đừng hỏi lý do tại sao chất xám tự do cứ bị chảy ra nước ngoài, mà Ngô Bảo Châu chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Và cũng đừng hỏi tại sao các mô hình kinh tế quốc doanh của Việt Nam đang bên bờ vực phá sản; ngân hàng nhà nước thì trống rỗng ngân khố và ngập tràn công nợ. Nên đã đến lúc để người Việt Nam hô to: Mô hình quốc doanh, kiểu gì cũng chết.

.
.
.

No comments: