HỒ SƠ WIKILEAKS (26) :
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Thứ Ba - 4 Tháng 10, 2011
WESTMINSTER (NV) - Hy vọng phát triển kinh tế, tỉnh Nan ở Thái Lan mong muốn lập một trục du lịch xuyên qua ba nước Thái Lan-Lào-Việt Nam với Ðiện Biên Phủ là một trong những điểm đến, theo một công điện của một tòa Lãnh Sự Mỹ tại Thái Lan cho biết.
Tỉnh Nan nằm ở góc Ðông Bắc Thái Lan. Vùng núi ở đây - khoảng Bắc Thái Lan, Myanmar, Bắc Lào, và Tây Bắc Việt Nam - là vùng được gọi là Tam Giác Vàng, nơi nhiều bộ tộc thiểu số canh tác thuốc phiện từ nhiều thế hệ. Ở đây, nếu không kể tới những đường biên giới quốc gia, người dân sống quanh đây có những mối liên hệ họ hàng, sui gia, hay quan hệ buôn bán, với nhau, và hầu hết nói tiếng giống tiếng Thái.
Giới chức tỉnh Nan muốn lợi dụng những mối liên hệ này để phát triển du lịch, biến khu Tam Giác Vàng thành một khu tam giác những cửa ngõ thông thương du lịch, lôi kéo những nhà lữ hành muốn khám phá các nền văn hóa thổ dân, theo công điện của tòa Lãnh Sự Mỹ tại Chiang Mai, đề ngày 30 tháng 11, 2006.
Sẽ có ngày, du khách có thể “ăn sáng ở Nan, ăn tối ở Ðiện Biên Phủ,” viên tỉnh trưởng tỉnh Nan, Prinya Panthong, hớn hở tiên đoán.
Lý do tỉnh Nan mong tới một chương trình du lịch như vậy, là vì Nan tự cho mình là có một vị trí thuận lợi trong cộng đồng Ðông Dương.
Cạnh tỉnh Nan là hai tỉnh Chiang Mai và Chiang Rai. Hai tỉnh này hướng về Trung Quốc để mua bán và du lịch, với một xa lộ mới mở là xa lộ Côn Minh-Bangkok.
Tỉnh Nan không nhìn vào Trung Quốc, mà nhìn vào hai nước Lào và Việt Nam.
Nan nằm ngay chính giữa đường ngắn nhất nối liền Hà Nội với Bangkok.
Nan nằm cách Luang Prabang 152 km - một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Một điểm yếu của Nan là hiện nay Lào không cho phép công dân một nước thứ ba nhập cảnh qua cửa khẩu Nan. Chỉ có công dân Thái và Lào được ra vào bằng đường đó thôi.
Ðể quảng bá cho chương trình du lịch xuyên Ðông Dương này, một nhóm 42 thương gia trong Phòng Thương Mại Nan du hành bằng đường bộ tới Ðiện Biên Phủ.
Ðoạn đường chỉ có 406 km (xấp xỉ khoảng cách Sài Gòn-Cam Ranh hay Sài Gòn-Bạc Liêu) nhưng đoàn người đi mất 2 ngày 2 đêm mới tới. Nhưng từ đó trở về, các thương gia này rất lạc quan về triển vọng du lịch và phấn khởi với việc nối kết được với người sắc tộc Thái, Hmong ở Ðiện Biên Phủ.
“Ðoàn quay phim của truyền hình iTV và đài số 5 đi theo làm phóng sự về chuyến đi này,” công điện cho biết.
Ước vọng của tỉnh Nan nêu lên năm 2006 về việc liên kết mở du lịch với Ðiện Biên Phủ và Luang Prabang, cho tới nay vẫn chỉ là ước vọng.
Một bản tin trên báo Ðiện Biên Phủ Online tường thuật chuyến thăm tỉnh này của một đoàn đại diện tỉnh Nan, do ông tỉnh trưởng dẫn đầu, cho biết tới tháng 8 năm 2011, hai bên cũng chỉ mới làm tới việc là “cử đoàn công tác tiến hành khảo sát xây dựng tour du lịch Ðiện Biên (Việt Nam)-Luông Pra Băng (Lào)-U Ðôm Xay (Lào)-Nan (Thái Lan) và ngược lại.”
Ở gần các nước cộng sản, miền Ðông Bắc Thái Lan cũng bị tàn phá nhiều trong các thập niên 1960 với 1970 vì những cuộc “kháng chiến” vũ trang của quân du kích cộng sản nội địa. Tỉnh Nan là trung tâm hoạt động của quân cộng sản thời đó.
Nhưng nay, Nan đã hòa bình và đang tìm mọi cách để phát triển nền kinh tế. Bản công điện nhắc đến một sự kiện tháng 12 năm 2005, đánh dấu cuộc chiến đã thực sự chấm dứt.
Khi đó, một trung tâm lịch sử và một viện bảo tàng, mang tên Bảo Tàng Lawa-Hmong Phu Payak, khai mạc.
Cả buổi lễ khai mạc lẫn viện bảo tàng đều được chính phủ tài trợ, và cả hai đều có mục đích vinh danh những người chết trong cuộc chiến quốc-cộng Thái Lan, kể cả người của phe du kích quân cộng sản.
Như để nhất mạnh điểm này, vị cố vấn tối cao hoàng gia, Tướng Surayud Chalnont, từ Bangkok đã đến dự lễ. Chỉ mấy tháng sau đó, Tướng Chalnont sẽ lên làm thủ tướng thay ông Thaksin bị lật đổ.
Nhưng điều đặc biệt là ông Tướng Chalnont này không phải là người có “lý lịch tốt” nếu nhìn theo kiểu thông thường. Năm ông Chalnont 14 tuổi thì cha ông, một trung tá quân đội, đào ngũ bỏ vào chiến khu theo cộng sản, và sau đó trở thành lãnh tụ kháng chiến với bí danh “Ðồng chí Too Khamtan,” công điện này viết.
“Ðồng chí Khamtan” lên tới chức ủy viên Trung Ương Ðảng Cộng Sản Thái Lan và tổng tham mưu trưởng Quân Ðội Nhân Dân Giải Phóng Thái Lan. Bị bệnh nặng, năm 1978 ông được đưa qua Bắc Kinh chữa bệnh và mất tại đó năm 1980.
Tướng Chalnont, trong khi đó, gia nhập quân đội Hoàng Gia Thái và dần dần leo tới đỉnh cao quyền lực nước này.
––-
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment