Hậu Gaddafi và viễn tượng Việt Nam
12:01:am 26/10/11
Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm vì Gaddafi đã bị tiêu diệt. Người dân Lybia thì vui sướng, họ tràn ra đường phố với cờ, hoa và các loạt đạn chỉ thiên. Các nhà lãnh đạo trên thế giới từ tổng thống Hoa Kỳ, thủ tướng Anh, tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, tổng thư ký Liên Hiệp quốc đều hân hoan đón chào sự kiện lịch sử này. Còn tổng thống Nga Medvedev cũng có những lời lẽ dù chỉ là ngoại giao nhưng tích cực. Công lý cuối cùng cũng đã được thực hiện .
Nhưng sự thực thi công lý không phải lúc nào cũng được đón nhận một cách khách quan và thiện chí, vẫn có những tiếng nói lạc lõng ở đâu đó như Hugo Chavez của Venezuela và sự im lặng bẽ bàng của Cộng sản Việt nam
Nghĩ cho cùng thì họ cũng bị kẹt. Chẳng lẽ ca ngợi, vui mừng một cách gượng gạo khi trong lòng không hề muốn điều này xảy ra, hơn nữa họ còn liên tưởng đến tương lai của họ- một tương lai màu xám mà họ không muốn nghĩ tới và tìm cách ngăn chặn bằng mọi giá không để nó diễn ra ở Việt Nam. Còn nếu lên án hoặc tỏ thái độ bất bình trước cái chết của Gaddafi thì ăn nói làm sao với chính phủ và nhân dân của nước Lybia mới. Mà quan hệ giữa CSVN và chính quyền mới của Lybia đã bị tổn thương nhiều trong những ngày vừa qua. Riêng người viết bài này thì nhận thấy một vòng nhân quả đã hoàn tất tại Lybia. Lịch sử đã sang một trang mới ở đất nước này.
Cái chết thê thảm và tủi nhục của Gaddafi sẽ làm CSVN hoảng hốt và thất vọng. Hoảng hốt vì một bạo chúa với 42 năm ngồi trên ngai vàng với quyền lực vô hạn, tiền bạc như núi; cuối đời lại phải đón nhận một cái chết nhục nhã đến thế; còn tấm thân một thời là “ngàn vàng cao quý” bây giờ bị người đời xỉa xói, khinh bỉ, nằm trơ vơ trong một phòng lạnh dùng để chứa thịt gia súc của một nhà hàng; không hoa, không một giọt nước mắt tiếc thương.
Thất vọng vì mọi việc diễn ra không đúng như mong đợi của họ (VC). Họ muốn cuộc chiến tại Libya tiếp tục kéo dài để Nato tiếp tục sứ mạng tại quốc gia Bắc Phi này càng lâu càng tốt. Và trong tình hình kinh tế thế giới (nhất là các nước Châu Âu) đang suy trầm như hiện nay, việc bị giữ chân ở Lybia sẽ làm nản lòng người dân ở các quốc gia can thiệp quân sự vào Libya như Pháp, Anh, Ý và Mỹ.
Nếu cuộc chiến kéo dài thì người dân các nước trong khu vực Trung đông và Bắc Phi sẽ nản lòng vì sự tàn phá và chết chóc, người dân Việt Nam cũng sẽ cảm thấy mất hi vọng nếu chiến tranh không kết thúc sớm và Gaddafi cùng những người ủng hộ ông ta vẫn tiếp tục kháng cự. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là nếu cuộc chiến này vẫn tiếp tục và Nato chưa thể hoàn thành được sứ mạng của mình thì hai chế độ độc tài khác ở Trung đông là Syria và Yemen sẽ có thêm thời gian để duy trì quyền lực, có thêm thời gian để (hy vọng) đảo ngược tình thế và mùa Xuân Ả Rập có thể sẽ chết yểu hoặc rơi vào bế tắc. Như vậy CSVN sẽ có lý do để ăn mừng vì chế độ cộng sản tiếp tục vững vàng không ai có thể thách thức được !?.
Nhưng niềm hi vong mong manh của CSVN đã sụp đổ với cái chết tủi nhục của Gaddafi. Hiện nay tâm trạng của những người cộng sản Việt nam là thất vọng và hoang mang nhưng chưa đến mức khủng hoảng vì họ hy vọng rằng Mỹ, Nato chỉ can thiệp vào Libya vì “kho dầu khổng lồ” ở nước Bắc Phi này. Chỉ khi nào hai chế độ độc tài tiếp theo là Syria và Yemen sụp đổ thì Cộng sản Việt nam mới thực sự khủng hoảng. Đến lúc đó họ mới cân nhắc đến những chọn lựa hoặc là chấp nhận dân chủ, hoặc là sụp đổ và trả giá như Gaddafi.
Tình hình hiện nay lại quá bất lợi cho CSVN vì ngày 21/10 vừa qua Hội đồng bảo an LHQ vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu tổng thống Yemen Ali Abdulah Saleh phải chuyển giao quyền lực và ra đi để bảo tồn tính mạng. Nga và Trung cộng không dám dùng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ chế độ độc tài Yemen vì họ phải gìn giữ mối quan hệ chiến lược với các nước phương Tây và Hoa Kỳ, không dễ gì Trung cộng và Nga dám phá vỡ mối quan hệ này một cách cẩu thả. CSVN nên suy nghĩ về điều này, chấp nhận một thực tế là thế giới ngày hôm nay mà trong đó sự cạnh tranh và hợp tác giữa các siêu cường để đi tới đồng thuận về một cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu nhằm bảo vệ quyền lợi lâu dài của các bên.
Kể từ hôm nay, sau cái chết của Gaddafi, các nước phương Tây và Hoa Kỳ sẽ rảnh tay để dồn áp lực lên hai nước Syria và Yemen. Và cũng kể từ sau cái chết của Gaddafi, người dân hai nước này như được tiếp thêm một luồng sinh khí và hi vọng. Như chúng ta đã biết trong mấy tháng vừa qua kể từ khi cuộc Cách mạng Hoa lài bùng nổ, riêng tại Syria đã có hơn 3.000 người bị lực lượng an ninh của chế độ Al Assad giết chết nhưng vẫn không dập tắt được khát vọng Dân chủ của người dân xứ sở này. Thật là đáng khâm phục vô cùng.
Theo RFI “ tại Syria, cuộc đàn áp trong ngày cầu nguyện hôm qua làm 19 người chết nhưng chỉ làm dân chúng quyết tâm hơn. Họ thề nguyện là sẽ lật đổ chế độ của tổng thống cha truyền con nối Bachir al-Assad và nhà độc tài này sẽ chịu số phận tương tự như đại tá Kadhafi.
Sự cáo chung của chế độ Tripoli và cái chết của đại tá Kadhafi cùng với ba trong số bốn người con trai của nhà độc tài sau 42 năm thống trị, sẽ làm cho tình hình trong khối Ả Rập sang trang. Theo giới phân tích, các nước Tây phương sẽ tập trung sức ép vào Yemen và nhất là Syria.
Hôm qua, 21/10/2011, tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua một nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ, Đức bảo trợ, kêu gọi tổng thống Saleh của Yemen ra đi để bảo toàn tánh mạng.
Theo chuyên gia Jean-Yves Moisseron, thuộc Viện nghiên cứu vì phát triển tại Paris, chế độ Damas sẽ không tồn tại lâu dài vì quyết tâm của dân chúng muốn kết thúc một thời kỳ hung bạo kéo dài quá lâu và vì chính quyền đã mất hết tính chính đáng. Đây cũng là hai điểm chung giữa chế độ Kadhafi và chế độ của dòng họ al-Assad.”
Ngày tàn của chế độ độc tài Syria và Yemen đã gần kề và tất yếu sẽ xảy ra. Ngày đó rất gần. Cộng sản Việt Nam nên chuẩn bị đi là vừa, đừng để phải chịu thân phận nhục nhã như Gaddafi. Cánh cửa vẫn còn mở để cho Cộng sản Việt nam quay lại với đại khối dân tộc. Nhưng không phải là vĩnh viễn. Đừng do dự, tham lam, nếu không sẽ quá muộn.
Không có một dân tộc nào muốn sống mãi trong nô lệ và độc tài. Nên sẽ không có một chế độ độc tài nào vĩnh viễn hoặc lâu dài tồn tại, nhất là trong thời đại ngày nay, khi thế giới chỉ còn là một cái làng nhỏ. Sự bưng bít thông tin đã bị phá vỡ và các nước dân chủ đang hối thúc các chế độ độc tài phải dân chủ hóa như một điều kiện bắt buộc trong mối quan hệ toàn cầu. Cộng sản Việt nam hãy đọc những dòng mà Ngoại trưởng Hoa kỳ Hillary Clinton nói về họ:
“Chúng ta đã nói rõ với Việt Nam rằng nguyện vọng phát triển một quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta đòi hỏi quốc gia này phải có hành động bảo vệ nhân quyền và đẩy mạnh tự do chính trị hơn nữa”.
© Huỳnh Ngọc Tuấn
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment