Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-10-12
Thủ tướng Angela Merkel của Đức vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào chiều ngày 12 tháng 10 vừa qua. Vậy chuyến thăm đó có gì đáng chú ý?
Thủ Tướng Đức Angela Merkel tại Diễn đàn doanh nghiệp Đức-Việt tại TPHCM trong chuyến thăm VN vào ngày 12 tháng 10 năm 2011. AFP photo
Kinh tế - thương mại
Từ Đức,vào lúc hai giờ chiều, tức 9 giờ tối giờ Việt Nam ngày 12 tháng 10, tiến sĩ Âu Dương Thệ, thuộc Hiệp hội Dân chủ và Phát Triển Việt Nam, có những nhận định liên quan chuyến công du đó. Trước hết ông đưa ra đánh giá về những kết quả đạt được:
Tiến sĩ Âu Dương Thệ : Cách đây vài giờ, bà tiến sĩ Merkel đã kết thúc chuyến thăm hai ngày tại Việt Nam, trọng tâm tại Hà Nội và Sài Gòn. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong cương vị thủ tướng của bà Merkel trong sáu năm nay.
Điều đáng để ý: vào khi thủ tướng Đức đến thăm Việt Nam, hai nhân vật quan trọng là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Ấn Độ; nên bà thủ tướng Angela Merkel chỉ gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm này là hai bên ra tuyên bố chung tại Hà Nội ‘Việt Nam và Đức - đối tác chiến lược về tương lai’. Tức hai nước nâng cao mức liên hệ nhiều mặt với nhau. Hai bên trong tương lai không chỉ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại mà còn cả trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, khoa học ... Nhưng qua cuộc họp báo vào ngày hôm qua ở Hà Nội cho thấy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế- thương mại, giáo dục và văn hóa còn lĩnh vực chính trị, luật pháp ông Nguyễn Tấn Dũng tìm cách tránh né.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của bà thủ tướng Angela Merkel, Đức đã bỏ ra trên 400 triệu Mỹ kim để viện trợ cho vay đối với một số cơ sở hạ tầng của Việt Nam, như xây dựng tuyến đường xe điện ngầm số 2 ở Sài Gòn, tuyến cáp quang trên Biển Đông; ngoài ra hai bên cũng thỏa thuận mở rộng việc canh tân Đại học Việt- Đức thành một đại học tiêu chuẩn quốc tế. Đức cũng xây Ngôi nhà Đức ở Sài Gòn làm trung tâm trao đổi Việt- Đức. Đó là những kết quả được công bố ra bên ngoài.
Gia Minh: Hiện Đức đang bận phải giúp đối phó với tình hình khủng hoảng nợ tại Châu Âu, theo ông vì sao thủ tướng Đức thực hiện chuyến công du Việt Nam và Mông Cổ?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Đúng như nhận xét của ông: vấn đề quan trọng nhất cũng như nhức nhối nhất cho thủ tướng Merkel cũng như những người lãnh đạo trong EU là khủng hoảng trầm trọng của đồng Euro, nhất là của một số nước trong khu vực Euro đang gặp khủng hoảng tài chánh. Nhưng thủ tướng Đức thu xếp thời giờ để sang thăm Việt Nam và Mông Cổ.
Theo những tin tức mà chúng tôi thu thập được, đáng lẽ ra bà Merkel đã sang thăm Việt Nam từ đầu năm nay theo lời mời của thủ tướng Dũng, nhưng vì cuộc khủng hoảng đồng euro, cũng như những khó khăn trong nội bộ chính phủ liên hiệp ở Đức, kể cả một số cuộc bầu cử quan trọng ở một số tiểu bang của Đức nên bà Merkel phải hoãn lại ít nhất hai lần sang Việt Nam.
Sau khi thăm Việt Nam, bà Merkel sẽ bay sang Mông Cổ. Đây là chuyến viếng thăm quan trọng vì tại đó bà Merkel sẽ đàm phán với chính phủ Mông Cổ về việc khai thác đất hiếm mà rất cần cho một số kỹ nghệ ở Đức. Điều này cấp bách từ khi Bắc Kinh sử dụng việc xuất khẩu đất hiếm làm vũ khí chính trị ép Nhật bản và nhiều nước công nghiệp khác.
Vấn đề nhân quyền
Gia Minh: Qua theo dõi lâu nay, tiến sĩ nhận thấy mức độ quan trọng của Việt Nam đối với Đức thế nào?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Xét về lĩnh vực diện tích và dân số, Đức và Việt Nam ngang ngửa với nhau. Nhưng xét về mặt kinh tế, chính trị và mặt xã hội rất khác nhau. Trong khi Đức là nước đứng hàng thứ tư trên thế giới về kinh tế, Việt Nam vẫn lẹt đẹt là một nước nghèo và chậm tiến. Còn về chính trị, Đức là một quốc gia dân chủ đa nguyên, rất có uy tín tại Châu Âu và thế giới, còn Việt Nam, rất tiếc, vẫn còn dưới chế độ độc tài toàn trị. Cho nên Việt Nam cần sự giúp đỡ của Đức về nhiều mặt từ kinh tế, thương mại, viện trợ, đầu tư, hợp tác về khoa học, giáo dục, kỹ thuật.
Hiện nay trong 27 nước trong EU, Đức là nước đứng đầu trong buôn bán với Việt Nam. Mức ngoại thương giữa hai nước lên đến mức gần 6 tỷ euro trong năm nay.
Trong quan hệ với Đức, nhà cầm quyền Việt Nam muốn thuyết phục Đức, và thông qua Đức- nước đầu tàu trong EU, công nhận Việt Nam là nước có chế độ kinh tế thị trường, từ đó hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng các ưu đãi. Tuy nhiên, cho đến nay sau nhiều năm đàm phán với Việt Nam, cả Ủy ban EU lẫn chính phủ Đức vẫn chưa thỏa thuận những yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
Gia Minh: Tin tức cho hay vấn đề nhân quyền cũng là một trong những chủ điểm được nêu ra trong chuyến thăm vừa kết thúc của bà thủ tướng Đức đến Việt Nam, tiến sĩ có thấy cụ thể những đề mục nào trong lĩnh vực này được nêu lên?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Về điểm này trong cuộc họp báo ngày hôm qua ở Hà Nội với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Merkel cũng nói công khai với nhà cầm quyền Việt Nam cần phải tôn trọng tự do chính kiến, tự do tôn giáo, tự do báo chí, và phải có nền luật pháp công bằng. Bà nhấn mạnh đây là những điều kiện cơ bản để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cũng là điều kiện của sự hợp tác Đức- Việt.
Như chúng ta biết bà Merkel xuất thân và trưởng thành dưới chế độ cộng sản Đông Đức, nên bà Merkel có nhiều kinh nghiệm về việc này. Bà hiểu rất rõ những chính sách của nhà cầm quyền chà đạp nhân quyền tại Đông Đức trước đây cũng như ở Việt Nam hiện nay.
Mới đây như quí vị đã biết cả Đức và EU công khai lên tiếng chống lại những biện pháp giam giữ nhiều người khác chính kiến ở Việt Nam. Điều này vi phạm những công ước quốc tế về các lãnh vực mà Việt Nam đã từng ký kết.
Gia Minh: Báo chí Đức đưa tin về chuyến viếng thăm của bà thủ tướng Angela Merkel ra sao?
Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Báo chí Đức thông tin tương đối không rộng rãi về chuyến viếng thăm của bà thủ tướng Merkel. Chỉ một số báo lớn có đưa một vài bản tin ngắn, tóm lược. Còn các đài truyền hình theo chúng tôi theo dõi cũng chỉ đưa ra những tin rất ngắn mà thôi chứ không rộng rãi.
Gia Minh: Chân thành cám ơn tiến sĩ Âu Dương Thệ về những nhận định vừa nêu về chuyến viếng thăm Việt Nam vừa rồi của bà thủ tướng Đức Angela Merkel.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment