Monday, October 17, 2011

CHÍNH SÁCH NHÀ MINH & CỘNG SẢN TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Trần Gia Phụng)




(Trình bày tại Lễ Giỗ Hưng Đạo Đại Vương và Lê Thái Tổ Ngày 15-10-2011 tại thành phố Mississauga, Ontario.)

1.- CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ MINH VÀO THẾ KỶ 15

Quân Minh đô hộ nước ta từ năm 1407, và thi hành chính sách thuộc địa khai thác. Để thực hiện công cuộc khai thác, trước hết, nhà Minh đổi Đại Việt thành quận Giao Chỉ, sáp nhập Đại Việt vào Trung Quốc, tổ chức hành chánh quận Giao Chỉ như một quận ở Trung Quốc, đưa người Trung Quốc sang nắm những chức vụ then chốt, dùng một số người Việt chịu cộng tác với nhà Minh vào những chức vụ địa phương.

Sau khi sáp nhập Đại Việt và Trung Quốc, quân Minh tiến hành kế hoạch đồng hóa. Quân Minh tịch thu hoặc tiêu hủy tất cả các loại sách vở của nước Nam, kể cả các bia đá ghi lại sự nghiệp của tiền nhân. Quân Minh chở về Trung Quốc hầu như toàn bộ sách vở Đại Việt đã có từ thời Hồ Quý Ly trở về trước. Các sách nầy được Phan Huy Chú ghi lại trong chương “Văn tịch chí” sách Lịch triều hiến chương loại chí. Thay thế sách vở Đại Việt đã tịch thu và tiêu hủy, nhà Minh cho phát hành rộng rãi sách vở Trung Quốc do vua Minh cho san định lại.

Tháng 9 năm 1414 (giáp ngọ), người Minh ra lệnh lập Văn miếu (thờ Khổng Tử), các đàn thờ thần xã tắc, núi, sông, gió, mưa ở các phủ châu huyện. Về phong tục, người Minh buộc thanh niên nam nữ không được cắt tóc mà phải để tóc dài; phụ nữ phải bận áo ngắn quần dài như người Minh. Người Minh còn cấm người Việt không được ăn trầu. Ăn trầu là một tục lệ lâu đời của người Việt. Cũng trong năm 1414, nhà Minh mở trường học ở Thăng Long và các phủ, châu, huyện.

Trong khi từ từ đồng hóa người Việt, nhà Minh tổ chức khai thác kinh tế để phục vụ nhu cầu của Trung Quốc. Về tài nguyên nhân lực, nhà Minh bắt hết nhân tài Đại Việt, những người thông minh, thông kinh, học rộng, quen thuộc việc quan, chữ đẹp, tính giỏi, nói năng hoạt bát, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh, dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo nghề sản xuất gạch, làm hương… đưa về Trung Quốc sử dụng.

Về nông nghiệp, quân Minh quy định mỗi mẫu ruộng chỉ có 3 sào, thay vì 10 sào như cũ. Đổi đơn vị đo lường như thế có nghĩa là tăng thuế ruộng đất lên hơn ba lần. Năm 1410 (canh dần), quân Minh ra lệnh đặt đồn điền ở các nơi gần thành Thăng Long, thu mua lúa ở các phủ Tuyên Hóa, Thái Nguyên, Tam Giang, để cung ứng thực phẩm cho đoàn quân viễn chinh; buộc dân Việt trồng hồ tiêu đặc sản để chuyển về Trung Quốc như: hương liệu, hươu trắng, chim vẹt, vượn bạc má, trăn …Người Minh còn bắt dân chúng vùng rừng núi tìm bắt voi, tê giác, và dân chúng làm nghề chài lưới ven biển đi mò ngọc trai.

Tháng 7 năm mậu tuất (1418), người Minh thiết lập trường sở thu ngọc trai tại hai địa điểm có hải phận sinh sản nhiều ngọc trai. Đó là Vĩnh An (Tiên Yên, Vạn Ninh, Quảng Yên) và Vân Đồn (Vân Hải, Quảng Yên). Hằng ngày, hàng ngàn dân bị đưa đi mò ngọc trai cho người Minh.

Về công nghệ, người Minh thu mua vàng bạc, những kim loại quý hiếm chở về Trung Quốc. Tháng 8 năm ất mùi (1415), nhà Minh thiết lập các trường cục cai quản các vùng mỏ vàng bạc, đốc thúc dân đinh khai đào các kim loại quý, kiểm điểm sản lượng và niêm phong nạp lên thượng cấp.

Nhà Minh thực hiện chính sách thuộc địa khai thác một cách triệt để đến nỗi trong bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã than: “Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên…. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.”

2.- CHỦ TRƯƠNG CỦA CỘNG SẢN TRUNG QUỐC VÀO THẾ KỶ 20 và 21

Lược qua chính sách của quân Minh, có lẽ mọi người nhớ lại vào năm 1975, khi vừa cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức miền Nam Việt Nam, Cộng sản Việt Nam (CSVN) tập trung và đốt hết sách vở miền Nam nhằm tiêu diệt văn hóa miền Nam, truyền bá văn hóa Mác-xít, không khác gì nhà Minh đã tiêu diệt văn hóa Đại Việt, truyền bá văn hóa Trung Quốc.

Cũng sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, CSVN bắt sĩ quan, công chức cao cấp VNCH đi học tập cải tạo, thực chất là bắt giam trong các trại tù trên rừng thiêng nước độc và bắt lao động khổ sai. Số người bị bắt giam lên khoảng 1.000.000 người, trong 150 trại giam và số người bị chết trong các trại giam lên đến khoảng 165.000 người. (Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Volume Two, Santa Barbara, California, 1998, tr. 602.) Cách bắt người đưa lên các trại tù học tập cải tạo của CSVN không khác gì quân Minh đã đày đọa dân Việt vào thế kỷ 15: “ Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu …”

Những chủ trương trên đây là do CSVN học theo quan thầy là Cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Cộng sản TQ đối với Việt Nam vào thế kỷ 20 và 21 còn thâm độc hơn nhà Minh đối với Đại Việt vào thế kỷ 15. Trước hết, trong một tài liệu của đảng CSTQ tựa đề là “Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc”, đưa ra năm 1939, lãnh tụ đảng CSTQ là Mao Trạch Đông đã xác quyết rằng An Nam (tức Việt Nam) là “nước phụ thuộc của Trung Quốc.” (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua [tài liệu của đảng CSVN, không đề tên tác giả], Hà Nội: 1979, tr. 16.) (Lúc nầy CSVN đang chống CSTQ.) Điều nầy chẳng khác gì nhà Minh sáp nhập Đại Việt thành một quận của Trung Quốc vào thế kỷ 15.

Từ năm 1950, khi bắt đầu viện trợ quân sự cho CSVN, CSTQ cũng “viện trợ văn hóa” cho CSVN. CSVN tổ chức các phong trào “rèn cán chỉnh cơ”, “rèn cán chỉnh quân”, “chỉnh huấn”, theo cách thức CSTQ, nhằm loại bỏ tất cả các thành phần dân tộc trong cuộc chiến chống Pháp. Vì vậy từ năm nầy, nhiều nhà yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc đã ly khai Việt Minh và về thành phố hợp tác với chính phủ Bảo Đại.

Cuộc Cải cách ruộng đất theo công thức của CSTQ đã giết hại khoảng 200,000 người dân một cách oan ức. Công thức của Trung Quốc do một đảng viên CSVN cao cấp ghi lại là “một xã có từng nầy bần cố nông thì theo kinh nghiệm Trung Quốc, nhất định phải có bằng nầy địa chủ”.(Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội [tái bản], California, 1995, tr. 166.)

Trong cuộc CCRĐ năm 1955, tại Thanh Hóa, đội CCRĐ đã đập phá tấm bia đá từ thế kỷ 15 ghi công đức của Lê Lợi tức Lê Thái Tổ. (Nguyễn Minh Cần, “Xin đừng quên! Nửa thế kỷ trước”, điện báo Ánh Dương, ngày 3-2-2006.) Đội CCRĐ còn đốt nhà thờ tộc họ Nguyễn của đại thi hào Nguyễn Du ở Nghệ An, tiêu hủy tất cả những di cảo của đại thi hào nầy. (Nguyễn Minh Cần, báo đã dẫn.). Cũng tại Nghệ An, anh hùng dân tộc Phan Bội Châu bị đội CCRĐ đem ra đấu tố và ảnh của Phan Bội Châu bị quăng vào chuồng trâu. (Lời kể của cháu nội Phan Bội Châu trên báo Kiến thức ngày nay, số 50, Tp.HCM ngày 15-12-1990, và thư của Lê Nhân gởi Phan Văn Khải, trên báo Đàn Chim Việt ngày 5-12-2005.) Hành động nầy không khác gì nhà Minh vào thế kỷ 15, đập phá bia đá của Đại Việt, đốt hoặc tịch thu sách vở của Đại Việt đem về Trung Quốc.

Còn nữa, để lấy lòng Trung Quốc, CSVN ký công hàm ngày 14-9-1958 công nhận Tuyên bố ngày 4-9-1958. Bản tuyên bố nầy chẳng những xác định hải phận 12 hải lý của Trung Quốc mà còn xác định chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn là của Việt Nam. Đây là tội phản quốc lớn lao nhất trong lịch sử dân tộc, dâng đảo, dâng biển cho ngoại bang bắc phương.

Bị CSTQ áp lực nặng nề, sau năm 1975, CSVN chạy theo Liên Xô, muốn chống lại CSTQ. Vì vậy năm 1979, CSTQ “dạy” cho CSVN một bài học. Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 chấm dứt tình trạng lưỡng đầu trong khối Cộng sản Quốc tế. Trung Quốc trở thành cường quốc cộng sản số 1 trên thế giới. Từ đây CSVN không còn sự chọn lựa nào khác; không còn đu dây giữa Liên Xô và Trung Quốc. Nếu muốn tồn tại, CSVN bắt buộc phải thần phục và qụy lụy cường quốc cộng sản còn lại là Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, không còn sợ bị Liên Xô canh tranh ảnh hưởng, CSTQ áp dụng kế hoạch tằm ăn dâu, từ từ nuốt dần con mồi Việt Nam.

Trên danh nghĩa, CSTQ không đô hộ Việt Nam như nhà Minh đô hộ Đại Việt, nhưng CSTQ khống chế đảng CSVN và dùng đảng CSVN làm công cụ khai thác Việt Nam nhằm phục vụ Trung Quốc. Có lẽ chúng ta còn nhớ là trong nền bang giao giữa Đại Việt và Trung Quốc, trước kia vua chúa Đại Việt phải gởi phẩm vật sang triều cống Trung Quốc, nhưng vua chúa Đại Việt vẫn độc lập một cõi và không cúi đầu vâng phục Trung Quốc. Trong khi đó, hiện nay, lãnh đạo CSVN nằm trọn trong tay CSTQ, nên CSVN phải thi hành những mệnh lệnh của CSTQ.

Đầu tiên, CSTQ áp lực CSVN phải ký hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển. Trước kia còn Liên Xô làm đối trọng, CSVN dựa vào Liên Xô để tìm cách tránh né CSTQ. Lần nầy Liên Xô đã tan rã, CSVN đành phải vâng lời Trung Quốc. Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam Trung Quốc ngày 30-12-1999 nhượng ải Nam Quan và một nửa Thác Bản Giốc cho Trung Quốc. Hiệp ước phân định lãnh hải ngày 25-12-2000, nhượng cho Trung Quốc khoảng 10.000 cây số vuông mặt biển trên Vịnh Bắc Việt.

Người Trung Quốc tràn vào Việt Nam càng ngày càng đông, không cần hộ chiếu nhập cảnh, lập gia đình và ở lại luôn Việt Nam, chẳng những cạnh tranh về kinh tế với người Việt Nam mà còn nhắm mục đích đồng hóa Việt Nam. Hàng hóa công nghiệp rẻ tiền của Trung Quốc tuông vào Việt Nam qua đường biên giới rộng mở, giết chết các ngành tiểu thủ công nghiệp trong nước Việt Nam.

Trước kia, quân Minh lập đồn điền, thu mua lúa gạo, thực phẩm gởi về Trung Quốc. Ngày nay người Trung Quốc vơ vét thực phẩm Việt Nam, nhất là hải sản đưa về Trung Quốc. Trung Quốc thu mua nhiều loại “đặc sản” lạ lùng, như móng trâu, tai ngựa, rắn rết, … Muốn bán móng trâu, tai ngựa thì phải giết trâu ngựa. Bắt rắn rết đi bán thì làm mất cân bằng sinh thái trong thiên nhiên… Đây là những kế hoạch nhằm hủy hoại môi trường và kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc còn thuê đất dài hạn của Việt Nam, từ đồng bằng lên rừng núi, tổ chức canh tác những nông phẩm theo nhu cầu xuất cảng của Trung Quốc để gởi về Trung Quốc, hoặc xuất cảng thẳng đến các khách hàng của Trung Quốc trên thế giới.

Ngày trước, quân Minh bắt dân Việt vùng rừng núi tìm những sản phẩm quý hiếm là sừng voi tê giác . Ngày nay, CSTQ tổ chức sản xuất bauxite ở vùng cao nguyên Cao Bằng và Lâm Đồng, chẳng những tác hại về môi trường mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh vùng cao nguyên. Công nhân Trung Quốc trong những nông trường và công trường là những quân nhân “ẩn tế”, mai phục sẵn sàng, chờ đợi thời cơ là ra tay hành động. Ngày trước quân Minh bắt ngư dân Việt Nam xuống biển mò ngọc trai, thì ngày nay, CSTQ lấn biển, chiếm ngư trường, tìm kiếm loại nguyên liệu quý dưới lòng biển là dầu hỏa.

Vào thế kỷ 15, hoàng đế nhà Minh chỉ áp lực Đại Việt ở phía bắc. Ngày nay, CSTQ thâm độc hơn, áp lực Việt Nam ở cả 3 mặt: bắc (biên giới Việt-Trung), tây (Lào, Cambodia và dãy Trường Sơn), và đông (Vịnh Bắc Việt và Biển Đông). Vua chúa Trung Quốc chỉ ham đánh chiếm đất liền. Ngoài đất liền, CSTQ còn đánh chiếm hải đảo, hải phận và ngư trường Việt Nam.

Một bài học lịch sử trong cuộc kháng Minh của Lê Lợi đáng ghi nhớ: Khi nhà Hồ đảo chánh nhà Trần năm 1400, một vài con cháu nhà Trần chạy qua Trung Quốc cầu cứu nhà Minh. Vì vậy, Lê Lợi không dính líu đến nhà Hậu Trần nhằm tránh tai tiếng và tránh bị nội ứng, chờ đợi cho đến khi con cháu nhà hậu Trần hoàn toàn sụp đổ năm 1414, thì khi đó Lê Lợi mới bắt đầu chiêu tập hào kiệt, tổ chức hội nghị Lũng Nhai năm 1416, cùng nhau thề nguyền chung sức chống quân Minh, và sau đó mở cuộc kháng Minh năm 1418. Đây là một kinh nghiệm mà ngày nay chúng ta cần phải học hỏi.

Ngày nay, Hồ Chí Minh và CSVN rước quân CSTQ vào Việt Nam, rồi làm tay sai cho CSTQ. Đảng CSVN ngày nay vô cảm với tình tự dân tộc, đàn áp và giải tán tất cả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước. Đàn áp lòng yêu nước của quần chúng là một sự phá sản tinh thần dân tộc chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Như thế, CSVN còn đó thì không thể chống Trung Quốc được. Muốn chống Trung Quốc thì trước hết phải chấm dứt đám nội ứng CSVN, giống như Lê Lợi muốn chống quân Minh thì phải đợi cho nhà Hậu Trần sụp đổ.

Vừa qua, có một số người ở hải ngoại viết “Thư ngỏ” gởi CSVN là một việc làm thật là vô ích. Đúng là “đàn gảy tai trâu”. Nếu quý vị còn quan tâm đến tiền đồ dân tộc, muốn viết thư ngỏ, thì xin quý vị hãy viết thư ngỏ kính gởi nhân dân Việt Nam, kính gởi hơn 80 triệu đồng bào trong nước, kêu gọi đồng bào hãy đoàn kết với những nhà tranh đấu dân chủ trong nước, đồng loạt đứng lên giải thể chế độ độc tài CSVN, chấm dứt nạn tay sai nội ứng, thì lúc đó dân tộc Việt Nam mới có thể chiến đấu chống Trung Quốc.

(Toronto, 15-10-2011)
© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: