BBC
Cập nhật: 11:17 GMT - thứ tư, 19 tháng 10, 2011
Bốn cơ quan báo chí chính thống lớn nhất nước đã ký kết thỏa thuận phối hợp hành động trong việc thông tin, tuyên truyền đến công chúng Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân dân đã ký kết một ‘chương trình phối hợp’ từ nay đến năm 2015 vào hôm thứ Ba ngày 18/10 tại trụ sở báo Nhân dân.
Các báo, đài, hãng thông tấn này đều là các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, các cơ quan báo chí này sẽ thống nhất về quan điểm, chủ trương khi thông tin về các sự kiện và các vấn đề quan trọng, nhạy cảm của Việt Nam và thế giới.
Thỏa thuận này cũng yêu cầu các bên ‘trao đổi thông tin trước khi thực hiện’ để đảm bảo ‘đúng định hướng’.
Các cơ quan thường trú tại nước ngoài của các cơ quan này cũng được yêu cầu phải phối hợp và trao đổi thông tin với nhau.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, chương trình hợp tác này sẽ giúp xây dựng ‘dòng thông tin chính thống đủ mạnh’ để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Còn ông Trần Bình Minh, tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong ‘những thời điểm khó khăn’ hay trong những sự kiện chính trị- xã hội quan trọng của đất nước là rất cần thiết để ‘tạo thành sức mạnh’ trong việc ‘định hướng dư luận’.
Đây là lần đầu tiên bốn cơ quan báo chí của Nhà nước này có một chương trình phối hợp thông tin chính thức như vậy.
Tuy nhiên, ở Việt Nam toàn bộ hệ thống báo chí đều nằm dưới sự quản lý về nội dung của Bộ Thông tin-Truyền thông, phía trên là Ban Văn hóa-Tư tưởng của Đảng Cộng sản.
Trước đó, cả bốn cơ quan này cùng có đợt đồng loạt công kích ông Cù Huy Hà Vũ.
Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam dính một vụ tai tiếng khi đưa hình ảnh lá quốc kỳ Trung Quốc có đến năm ngôi sao nhỏ thay vì bốn mà những người chỉ trích cho rằng đó là âm mưu muốn đưa Việt Nam thành một khu tự trị của Trung Quốc.
Báo Nhân dân được phát hành chủ yếu đến các chi bộ của Đảng cộng sản Việt Nam và trên thực tế không có nhiều người đọc. Đảng từng ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị của Đảng phải mua và đọc báo Nhân dân.
Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có sự hiện diện ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước và ở gần 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có các cơ quan thường trú tại Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc, trong khi Đài Truyền hình Việt Nam có đại diện theo dõi tin tức tại Mỹ và Nga.
Hội đồng lý luận trung ương
Trong khi đó, Hội đồng lý luận trung ương, cơ quan nghiên cứu lý luận kinh tế-chính trị của Đảng, đã được nâng cấp lên trực thuộc Bộ chính trị trong một buổi lễ có mặt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Tư ngày 19/10.
Ngoài ông Trọng, buổi lễ này còn có sự tham gia của ba Ủy viên Bộ chính trị khác: bà Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang, bộ trưởng Công an và ông Đinh Thế Huynh, trưởng Ban tuyên giáo trung ương.
Hội đồng lý luận trung ương được Ban bí thư trung ương Đảng ra quyết định thành lập vào năm 2007 và trực thuộc Ban bí thư.
Việc nâng cấp này chứng tỏ Đảng cộng sản Việt Nam đang hết sức quan tâm đến việc bảo vệ những lý thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê nin trước việc ngày càng có nhiều những ý kiến tranh cãi và phản bác mà Đảng phải tìm luận điểm đối phó.
Theo quyết định của Bộ chính trị, Hội đồng lý luận trung ương có nhiệm vụ ‘nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh’ và ‘đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái đường lối, quan điểm của Đảng’.
Tổng bí thư Trọng yêu cầu hội đồng trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu ‘xu thế biến đổi của thế giới đương đại’ để đưa ra những luận cứ khoa học ‘có sức thuyết phục’.
Trong nhiệm kỳ từ năm 2006 đến năm 2010, Hội đồng lý luận trung ương đã nghiên cứu các vấn đề về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc điểm của tình hình thế giới hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống chính trị trong tình hình mới…
Trong nhiệm kỳ từ năm 2011 đến 2015, nhiệm vụ bao trùm của hội đồng là đưa ra những luận cứ khoa học để phục vụ cho việc soạn thảo các văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2015.
Trước đó, trong hội nghị tổng kết nhiệm kỳ vào tháng 8 năm 2011, Hội đồng lý luận trung ương đã rút ra một số kinh nghiệm thiết thực về phát huy dân chủ và tự do tư tưởng;
Đương kim Chủ tịch hội đồng hiện nay là ông Đinh Thế Huynh, trưởng ban tuyên giáo trung ương.
.
.
.
No comments:
Post a Comment