Friday, August 26, 2011

VIỆT NAM - MỘT DẤN THÂN MỚI VÌ BIỂN ĐÔNG (Đào Như)




Đào Như
Aug 25th, 2011

Thật bất ngờ, Việt Nam vừa quyết định dựa trên lực lượng Hạm đội Tàu Sân Bay của Hoa kỳ, một đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Biển Đông, để dành ưu thế trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Có phải chăng Việt Nam đang dấn thân vào chính sách “Ngoại Giao Bằng Tàu Sân Bay”?…

Tờ Global times phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc- hôm 13 tháng 8-11 cho hay Không lực Hải quân TQ cho thử nghiệm các máy bay chiến đấu phản lực hạ cánh và cất cánh ngay trên tàu-sân-bay-Varyag-mà TQ mua từ Cộng Hòa Urkraine năm 1998 về tu bổ lại- vừa cho chạy thử trên biển hôm 10-8-11. Trong khi đó Bộ Quốc Phòng TQ từ chối xác nhân việc thử nghiệm thao dược này và luôn luôn khẳng định TSB này chỉ là phương tiện nghiên cứu và tập luyện, và phải mất nhiều năm nữa tàu này mới đi vào hoạt động hoàn toàn.
Dù sao TSB Varyag không nhỏ cho đến nổi nó không gây được sư chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là Việt Nam. Những lời trấn an mập mờ dài dòng của Bắc Kinh không đủ sức thuyết phục Hà nội và thế giới bởi vì việc hạ thủy TSB-Varyag diễn ra trong giai đọạn TQ tuyên bố cần xây dựng một lực lượng hải quân xứng tầm với đòi hỏi của tình thế. Nhất định chiếc TSB này sẽ đáp ứng mạnh mẽ trong việc tranh chấp “quyền lợi cốt lõi” của TQ tại Biển Đông.

Ngày chủ nhật 14-8-11 tờ Shanghai Daily nói: TSB Varyag vừa được kéo trở lại vào cảng Đai liên sau khi hoàn tất chuyến chạy thử lần đầu, giữa tiếng reo hò và tiếng pháo trên bờ. Tờ Shanghai Daily cũng không quên nhai lại: Chiếc TSB Varyag này không đe dọa bất cứ ai mục đích của nó là nghiên cứu khoa học và huấn luyện.

Hải quân Hoa kỳ xem nhẹ chiếc Varyag, đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng Chính phủ Hoa Kỳ không thể xem nhẹ tính mạo hiểm trong chiến tranh của Trung Quốc thông qua việc Trung Quốc đắc thủ chiếc TSB Varyag thuộc loại bỏ tuí này. Thái độ mập mờ nửa kín nửa hỡ của chính quyền TQ về chiếc Varyag làm tăng thêm khả năng huyền thoại chiến đấu của chiếc tàu này, trong thực tế, chủ yếu làm tăng thêm huyền thoại về mộng bá quyền của Trung Quốc. Đó là điều nguy hiểm cần được dập tắt ngay: Lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ ở Thái Binh Dương, với sự đồng ý của nhà cầm quyền TQ, liền điều động TSB Ronald Reagan với hơn 5,000 thủy thủ, cập cảng HongKong hôm 12-8-2011. Chuyến viếng thăm HongKong lần này của TSB Ronald Reagan kéo dài 4 ngày với mục đích để cho người HongKong và dân chúng TQ đến tham quan, nhìn thấy tận mắt thế nào là một TSB đúng nghĩa của nó, được mãn nhãn trước sư vĩ đại của TSB Ronald Reagan. Mặc dầu TSB Ronald Reagan đơn thuần chỉ là một trong 11 TSB của Mỹ đang vận hành trên khắp 4 đại dương. TSB Ronald Reagan có chiều dài 332,8m, có trọng lượng 101.400 tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc thế hê Nimitz, được trang bị hai hệ thống tên lửa Mk Sea Sparrow và 2 hệ thống tên lửa dẫn đường RIM-116 Rolling, có một siêu sân bay dành cho khoảng 90 máy bay tiêm kích, cương kích và trực thăng.
Trong cuộc họp báo tổ chức ngay trên TSB Ronald Reagan, Thom Burke, vị chỉ huy chiếc tàu phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng lại có cơ hội thăm lại thành phố HongKong xinh đẹp này và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng này: Các thủy thủ và các chiến sĩ thủy quân lục chiến của chiếc tàu sẽ tham gia các dự án phục vụ cộng đồng, giao lưu văn hóa thông qua các dự án gồm có việc phân phát lương thực và thăm người già, chăm sóc sức khỏe, khích lệ thanh niên và chia sẻ vui chơi với các trẻ em….

Đúng 24 giờ sau khi TSB Ronald Reagan cập cảng HongKong, TSB- USS George Washington thả neo ngoài khơi biển Việt Nam vào ngày 13-8-11. TSB USS George Washington với hơn 5,500 thủy thủ là tàu chủ lực của Hạm Đội VII của Mỹ tại Thái Bình Dương. Và ngay lập tức cùng ngày một số quan chức Việt Nam đáp phi cơ đến thăm hữu nghị, quan sát và tham gia một số hoạt động của tàu này.

Sự có mặt cùng một lúc của hai TSB thượng thặng của Hoa Kỳ trong cùng khu vực chắc chắn là Washington muốn gửi đi thông điệp đến cùng thế giới và Bắc Kinh là Hoa Kỳ quyết tâm duy trì sức mạnh hải quân của mình trong khu vực này. Trong lúc đó cũng có tin cho hay là chiếc tuần dương hạm USS John McCain cũng sẽ cập cảng VN trong tuần này và có hoạt động luyện tập và trao đổi văn hóa với lực lượng Hải Quân Việt Nam-HQVN.

Dĩ nhiên Bắc Kinh không thể không lưu ý hành động của các quan chức Việt Nam đáp máy bay thăm hữu nghị tàu USS George Washington nhiều lần như thăm tàu nhà. Hồi tháng 8 năm ngoái trong đợt họat động chung giữa Hạm đội VII của Mỹ với Hải Quân VN, TSB USS George Washington đã thả neo cách bờ biển Đà Nẳng chừng 200 hải lý. Lúc ấy các sĩ quan HQVN đã được mời đến quan sát tại chỗ các chiến đấu cơ cất và hạ cánh trên sân tàu và đồng thời tìm hiểu hoạt động của tàu này.

Bình luận về sự hiện diện bất ngờ của TSB USS George Washington ngoài khơi biển VN và các quan chức VN đã đáp máy bay bay đến thăm hữu nghị và quan sát cũng như tham gia một số hoạt động của tàu này, phóng viên Margie Mason của hãng AP đánh tiếng cho biết rằng “Trung Quốc không phải là tay chơi lớn duy nhất trong vùng”. Một nhận định khác của Ross Myers, Tư lệnh phi đội chiến đấu của USS George Washington: “Ý Nghĩa Chiến Lược và tầm quan trọng của Biển Đông, và quyền tự do hàng hải là điều quan trọng đối với cả hai quốc gia Việt Nam và Mỹ.”

Dĩ nhìên những lời phát biểu trên đã gây phản ứng tức thời của bộ ngoại giao TQ. Nhật báo bằng tiếng Anh của TQ, tờ China Daily, xem sự kiện tàu USS George Washington thăm Việt Nam là thêm bằng chứng “Hà Nội môt lần nữa thách thức chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa”.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, đã yêu cầu TQ chấm dứt tiến hành việc khảo sát địa chấn, san lấp và mở rộng đảo Tri tôn thuộc đảo Hoàng Sa.

Tại một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Hà Nộ cuối tuần qua, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng: bà hy vọng Trung Quốc là một cường quốc khu vực sẽ đóng góp tích cực và có tinh thần trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới…

Trong lịch sử tranh chấp ở Biển Đông giữa VN, Mỹ và TQ, đây không phải lần đầu Mỹ áp dụng chính sách Ngoại Giao Bằng Hàng Không Mẫu Hạm để giới hạn chủ nghĩa bá quyền trên biển của Trung Quốc. Ngày 28-11-2010, lấy cớ là để giải quyết tánh hung hãn của Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ đưa TSB USS George Washington vào biển Hoàng Hải, và đặt Trung Nam Hải, Nhân Dân Đại Sảnh và nhiều cơ quan đầu não của các lãnh đạo Bắc Kinh trong tầm pháo của nó. Từ đó tiếng nói của Chính phủ Mỹ trở nên nặng ký hơn và có sức thuyết phục hơn đối với các lãnh đạo Bắc Kinh trong mọi cuộc thương thuyết nhất là những cuộc thương thuyết về Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Nhưng, đối với Hà nội, đây là lần đầu tiên VN mạnh dạn chấp nhận dựa vào chính sách ngoại giao bằng hàng không mẫu hạm của Mỹ để giảm bớt tham vọng xâm lăng của Trung Quốc trên Biển Đông và cũng để cho TQ thấy rằng trong cuộc chiến chống TQ tại Biển Đông, Việt Nam được sư ủng hộ rộng rãi phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Nhưng dù sao đây chỉ là giai đoạn khai màn cho một chính sách mới phối hợp giữa 2 đối tác Việt Mỹ. Chúng ta cần chờ xem còn nhiều phản ứng của Bắc Kinh trong tương lai./.

Đào Như
Thetrongdao2000@yahoo.com
Oak park. Illinois-USA
15-Aug-2011
.
.
.

No comments: