Monday, August 22, 2011

TRĂN TRỞ TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI (Bùi Công Thuấn)



Bùi Công Thuấn
20 Aug, 2011, 09:50

Năm học mới sắp bắt đầu, bao nhiêu hy vọng đang mở ra, nhưng cũng ray rứt nhiều trăn trở.

Những năm gần đây, Báo chi đăng nhiều vụ án giết người xảy ra ở lứa tuổi học sinh, thanh niên. Đau thương nhất là những trường hợp con giết cha mẹ, chồng giết vợ, bạn tình giết người yêu, bạn học giết bạn học. Cái ác trở thành điều bình thường hàng ngày. Nguyên nhân từ đâu? Câu trả lời phải tìm ở căn gốc của nền giáo dục. Chủ tich Hồ Chí Minh từng dạy rằng “ Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa Đêm- Nhật Ký Trong Tù). Vâng, tất cả bắt đầu từ giáo dục, không được giáo dục thì con người cũng chỉ là con vật bản năng không hơn.

Thế nhưng chương trình môn Công Dân hiện nay, từ lớp 6 đến lớp 12, không hề có bài nào dạy học sinh về đạo Hiếu, đạo Nhân- Nghĩa, là những đạo lý làm Người của dân tộc Việt Nam. Cha ông dạy: “thương người như thể thương thân”, ”Ở cho có đức, có nhân/ mới mong đời trị được ăn lộc trời”(Gia Huấn Ca, tương truyền là của Nguyễn Trãi). Cách sống Việt Nam là cách sống Tình-Nghĩa. Điều này xa lạ với lối sống vị kỷ, sòng phẳng lạnh lùng của chủ nghĩa thực dụng phương Tây. Nhưng trong nhà trường, học sinh cũng không được dạy phải sống tình nghĩa thế nào. Nhà trường không dạy trẻ lòng nhân ái, lối sống tình nghĩa, đạo lý hiếu thảo thì tất yếu xã hội đầy dẫy kẻ bất nhân bất nghĩa, bất hiếu. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1.600.000 ca nạo phá thai mà đa phần ở người trẻ, đó có phải là tội giết người không, có phải là bất nhân không? Hãy thử so sánh. Chiến tranh Irắc ba năm đầu, bom đạn là thế, đánh bom tự sát là thế, nhưng chỉ chết khoảng 50.000 người gồm cả lính Mỹ và người dân Irắc. Cả thế giới đã lên tiếng về tội ác ấy. Chúng ta tự hào là một nước có hàng ngàn năm văn hiến, vậy mà, lại vô cảm trước những tội ác bất nhân, bất hiếu đang xảy ra hàng ngày! Giáo dục trả lời vấn đề này thế nào?

Gần đây báo chí đã phẫn nộ trước cái gọi là “thảm họa âm nhạc”, trước sự ăn mặc “phản cảm” của một số ca sĩ, diễn viên. Gọi là “phản cảm” là cách gọi chưa đúng bản chất của vấn đề, thực chất là ăn mặc hở hang, nhảy, giật, uốn éo là nhằm mục đích khiêu dâm. Ca sĩ muốn gây ấn tượng, muốn câu khách bằng sex. Văn chương trẻ cũng đầy dẫy sex vô luân, cổ vũ cho lối sống vô luận. Nhưng chưa dừng ở trạng thái vô văn hóa ấy, một “nhà văn” trẻ, tự thu clip chửi bới rất vô văn hóa rồi tung lên mạng, khiến báo chí phải lên tiếng gay gắt rằng “nhà văn” chửi hay như hát . Chuyện cũng mới xảy ra. Bây giờ mà nghe nhạc trẻ thì có đến 90% là nhạc lai căng. Nhạc sĩ trẻ cố gắng viết cho thật giống Hàn, giống Nhật hoặc giống Mỹ, từ giai điệu, hòa âm phối khi đến cách thể hiện. Rất hiếm có những ca khúc thuần Việt từ lời ca, hồn nhạc đến giai điệu và cách thể hiện như ca nhạc truyền thống…

Tất cả những hiện tượng thiếu văn hóa ấy xuất phát từ đâu? Câu trả lời rất rõ ràng rằng, nhà trường đã không dạy cho học sinh hiểu thế nào là cái đẹp Việt Nam, hiểu đâu là văn hóa, bản sắc Việt Nam. Học sinh không được trang bị những ý thức thẩm mỹ đúng đắn, vì thế chúng bị ảnh hưởng rác rưởi văn hóa ngoại lai là đương nhiên. Người trẻ ngỡ rằng, cứ bắt chước các “sao” nước ngoài mới là hiện đại, mới là sáng tạo. Cứ ăn mặc hở hang, diễn xuất cho thật khiêu khích mới là hội nhập văn hóa toàn cầu!…Và dường như Sách Giáo Khoa cũng cổ vũ cho những hiện tượng như thế? Xin đọc : ”Ca sĩ Quang Vinh, chàng ‘hoàng tử sơn ca’ tiết lộ: Tôi là con người dễ thương và lãng mạn, hiện tại tôi cũng yêu như thế’ Vậy lãng mạn trong ngày Valentin của chàng hoàng tử này sẽ như thế nào ? Còn nàng Bảo Thy_ ‘công chúa bong bóng’ vẫn luôn mơ về một chàng ‘bạch mã hoàng tử’, vậy nàng mong chờ nàng hoàng tử của mình sẽ ra sao trong ngày tình yêu?(SGK Văn 12, tập 1. Nxb Giáo Dục.2008, tr.45). Ai cũng biết Bảo Thy tai tiếng thế nào! Vậy mà nghiễm nhiên được quảng cáo không công trong SGK cho hàng triệu học sinh 12 học! Học sinh sẽ nghĩ gì khi đặt nhân vật anh Tnú (Rừng Xà Nu-Nguyễn Trung Thành-Nguyên Ngọc) bên cạnh Bảo Thy, Quang Vinh ! Rõ ràng người trẻ hôm nay đang dần dần mất gốc về văn hóa. Ai cũng hiểu văn hóa là căn cốt tinh thần của một dân tộc. Mất gốc về văn hóa cũng đồng nghĩa với mất tất cả. Cuộc xâm lăng văn hóa đang diễn ra ào ạt trên mọi phương tiện truyền thông, hậu quả thế nào thì đã rõ. Chẳng lẽ Bộ GD-ĐT không có trách nhiệm gì trong việc giáo dục ý thức thẩm mỹ cho học sinh?

Trong triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012, Bộ Giáo Dục - Đào Tạo có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng tất cả các mặt giáo dục trong năm học mới. Ai cũng thấy rõ nỗ lực tâm huyết của hàng triệu thầy cô, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục. Phụ huynh học sinh hết sức ghi ơn và tin tưởng ở thầy cô. Thế nhưng tình hình giáo dục 10 năm qua thế nào? Tôi vẫn thấy sự loay hoay không lối ra của tư duy, nội dung và cách làm giáo dục. Đơn cử, cách tổ chứ thi 3 chung, việc phân ban, việc đổi mới phương pháp giảng dạy,việc phổ cập giáo dục, xã hội hóa giáo dục, phong trào “hai không”, … thực chất đã đem lại kết quả gì? Bây giờ thi Bộ Giáo Dục lại thí điểm trao quyền ra đề thi cho một số trường ĐH, dự định bỏ thi 3 chung. Phong trào hai không giờ chỉ còn là khẩu hiệu trên giấy để báo cáo. Chưa bao giờ việc mở trường và giảng dạy ở Đại Học ngoài công lập lại bát nháo như thời gian vừa qua. Người ta đã biến giáo dục thành thị trường kinh doanh béo bở…Kết quả thi Tú Tài năm nay là một bằng chứng hiển nhiên về “thành tích” giáo dục, trong khi thi ĐH có hàng ngàn bài thi môn Sử bị điểm không !

Xin xem xét một chủ trương của năm học này :Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học” đối với từng cấp học; Xây dựng và nhân rộng mô hình nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá tích cực và hiệu quả ở từng cấp học, từng địa phương.”

Chưa cần triển khai tôi đã nhìn thấy tình trạng “loạn” về đổi mới phương pháp rồi. Mỗi giáo viên đổi mới, mỗi trường đổi mới, mỗi tỉnh đổi mới, như thế còn đâu là thống nhất quản lý, còn đâu là khoa học giảng dạy, và tất yếu hiệu quả giảng dạy cũng sẽ khác nhau. Bộ GD-ĐT không đề ra một mục tiêu đổi mới phương pháp cụ thể, mà khoán cho giáo viên, cho trường, cho tỉnh, mạnh ai nấy làm…, chắc sẽ là trăm hoa đua nở, năm học này nhà trường chắc sẽ là rất vui! Vấn đề là đổi mới thế nào ?

Bộ chỉ ra, đổi mới thông qua bồi dưỡng giáo viên, thao giảng, dự giờ, tổ chức chuyên đề…

Xin thưa, cách làm như thế đã xưa lắm rồi, từ những năm 1955 kìa. Vấn đề là ở chỗ, xin thí dụ, một sinh viên Sư Phạm mới tốt nghiệp, người thầy ấy về trường, đem theo tất cả những cái mới mẻ về tri thức và phương pháp Sư Phạm. Lẽ ra người thầy mới ấy phải là mẫu cho thầy cô khác học tập đổi mới. Thế nhưng quy trình là ngược lại. Qua thao giảng dự giờ, người thầy mới ấy phải học các người thầy đã được đào tạo từ những thập niên 70, phải học các nề nếp của nhà trường từng có thành tích 50 năm, 30 năm trong thời bao cấp. Toàn bộ những gì là mới mẻ của người thầy trẻ , những nỗ lực đổi mới phương pháp của ĐHSP trang bị cho người thầy ấy bị xóa trắng. Đổi mới như thế là đổi mới giật lùi! Chủ trương Bộ đề ra là đúng, nhưng trong thực tế nó trở thành không tưởng. Việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cũng được làm thường xuyên trong các dịp hè, có kế hoạch chỉ đạo, quản lý hẳn hoi, nhưng nếu Bộ GD-ĐT quan sát cặn kẽ cách làm và hiệu quả của những lớp bồi dưỡng này, Bộ sẽ nhận ra sự lãng phí đau lòng.

Thực ra chẳng cần đổi mới phương pháp thì tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp ở phổthông vẫn luôn là xấp xỷ 100%. Bởi vì, Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu phổ cập giáo dục Tiểu học, rồi phổ cập THCS, vì thế thầy cô buộc phải cho học sinh lên lớp để hoàn thành mục tiêu ấy. Từ lớp 1 đến lớp 11 học sinh không cần học vẫn lên lớp. Tỷ lệ Tú Tài là trên 90% thì học sinh 12 cũng không cần phải nỗ lực vẫn tốt nghiệp. Thi ĐH, thí sinh có điểm thi ba môn cộng lại dưới điểm sàn vẫn có thể vào học !

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2011-2012 là “Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, đáp ứng mục tiêu giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. “ Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học theo hướng tinh giảm. Tôi chưa rõ nội dung cụ thể của chương trình tinh giảm này là gì, và có đáp ứng với thực tiễn giáo dục hay không. Dù thế nào, đây chỉ là cách làm tạm bợ có tính tình thế, đối phó với áp lực của dư luận.

Chương trình hiện nay cần phải làm lại từ đầu,. phải được xây dựng trên nền của minh triết giáo dục, hướng đến mục tiêu giáo dục cụ thể, phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước. Chương trình ấy phải tuân thủ các quy chuẩn của khoa học giáo dục và tương ứng với điều kiện thực tại về cơ sở vật chất của đất nước ta.

Xin thí dụ.Chương trình Ngữ Văn lớp 6, bài Từ Mượn, câu hỏi luyện tập 1, trang 26 :”Ghi lại các từ mượn có trong câu dưới đây, cho biết các từ ấy được mượn của tiếng nào : a/ Đúng ngày hẹn, bà mẹ vô cùng ngạc nhiên vì trong nhà tự nhiên có bao nhiêu là sính lễ”. Tôi xin thưa ngay rằng, nếu để học sinh lớp 6 tự mình làm bài tập này thì không một học sinh nào có thể làm được, kể cả giáo viên dạy văn lớp 6 cũng không tránh được khó khăn. Bởi học sinh lớp 6 đâu biết chữ Hán (tiếng Trung Quốc) thì làm sao biết chữ nào là Hán -Việt, để chỉ ra đâu là từ mượn!
Cũng chương trình Ngữ Văn 6, SGK đưa vào quá nhiều thuật ngữ lý luận văn học vượt quá sức hiểu của học sinh, mà lẽ ra, những điều này chỉ nên dạy ở trường viết văn. Chẳng hạn : ý nghĩa và đặc điểm chung của phương thức tự sự (tr27tập1), Ngôi kể và vài trò của ngôi kể trong văn tự sự (tr87 tập 1), loại truyện hư cấu (tr144 tập1), đặc điểm truyện trung đại (tr157). Có nhà văn ở ta hiện nay cũng không hiểu kiểu truyện hư cấu là thế nào . Bởi trong suốt mấy chục năm sinh ra, lớn lên, đi học và cầm viết, nhà văn ấy chỉ biết đến một kiểu truyện là truyện hiện thực, ngoài đời thế nào thì đem vào trang văn như vậy, như thể “áo anh rách vai/ quần tôi có vài miếng vá”. Đã là truyện thì phải hư cấu, không phân biệt đặc trưng kiểu loại tác phẩm hay thủ pháp viết văn (Tôi xin lỗi nhà văn nếu có quá lời).

Ở chương trình Văn 12, phần khái quát văn học giai đọan từ Đổi Mới (1986) đến nay viết rất hời hợt và lúng túng, nếu không nói là né tránh những vấn đề nóng bỏng của công cuộc đổi mới văn học. Khiến cho học sinh trở nên xa lạ với văn học đương đại. Ngoài kia, thị trường chữ nghĩa đang ồn ào với bao hiện tượng văn học nghệ thuật tốt có, xấu có, nhưng trong lớp học, học sinh chỉ được tiếp cận với một vài tác phẩm không thực sự đáp ứng yêu cầu học tập và thưởng thức văn học của người trẻ. Học sinh không được trang bị những chuẩn giá trị văn chương nghệ thuật để tự mìnhcó thể đánh giá và thưởng thức văn học, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển một nền văn học có những phẩm giá trị. Điều ấy lý giải tại sao thị trường văn học có quá nhiều rác, lẫn lộn các giá trị, không biết đâu là nghệ thuật, đâu là thỏa mãn những thị hiếu tầm thường bản năng. Ai là người có trách nhiệm về sự ô nhiễm ấy đối với người trẻ. Chỉ có thể có một nền văn học lớn khi có một công chúng văn học có trình độ thẩm định , đánh giá văn học.

Xin đơn cử. Văn học 1986-2000 chỉ được chọn dạy 2 tác phẩm, theo tôi là không tiêu biểu. Ấn tượng để lại trong truyện Chiếc Thuyền Ngoài Xa là nạn bạo hành trong gia đình đối với người phụ nữ. Dường như tác giả chấp nhận điều ấy. Truyện không đưa ra được giải pháp nào để giải quyết vấn đề. Cũng vậy, Một Người Hà Nội để lại ấn tượng gì cho học sinh 12? Nhân vật bà cô Hiền được xem là người thức thời, khôn ngoan và là “hạt bụi vàng” của Hà Nội. Nhưng cái thức thời, khôn ngoan ấy là gì? Trong khi nhân dân bỏ Hà nội đi kháng chiến chống Pháp, bà vẫn sống phây phây ở Hà Nội. Hoà bình lập lại, bà tự nhận mình là tư sản nhưng nhờ khôn ngoan nên không phải đi cải tạo. Kháng chiến chống Mỹ, trong khi dân Hà nội ăn bom thì tháng nào bà cô Hiền cũng tổ chức tiệc tùng quy tụ các ông bà quý phái ăn uống vui chơi. 660 thanh niên Hà Nội vào Nam chiến đấu, trở về còn trên dưới 40 người thì hai con của bà cô Hiền vẫn bình an vô sự. Học sinh sẽ nghĩ gì về sự khôn ngoan tư sản ấy? Sẽ nghĩ gì về sự mất mát không thể bù đắp của bà mẹ Tuất ? Phải chăng người soạn chương trình muốn dạy học sinh 12 lấy nhân vật bà cô Hiền làm mẫu mực cho lối sống khôn ngoan tư sản trong xã hội kinh tế thị trường hôm nay?

Tại sao không cho học sinh tiếp cận với Thời Xa Vắng, Tướng Về Hưu, Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma, Ba Người Khác? Phải chăng cứ là tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải mới là mẫu mực ? Bạn đọc hẳn đã biết Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải nói gì về tác phẩm của mình (?). Học sinh hôm nay nên cho đọc Vết Thương Thành Thị (Đỗ Tiến Thụy), Cánh Đồng Bất Tận (Nguyễn Ngọc Tư), Lạc Chốn Thị Thành (Phong Điệp) để các em được thực sự sống với thời đại của mình, nghe tiếng nói thế hệ mình, và lên tiếng nói trách nhiệm của mình với cuộc sống.

Bây giờ thì PHHS phải chờ đợi chương trình giáo dục phổ thông đổi mới sau năm 2015. Chúng ta có quyền hy vọng. Tôi thiết nghĩ nền giáo dục của chúng ta phải dạy cho học sinh thật kỹ những phẩm chất nhân bản để sống làm người lương thiện, phải dạy cho học sinh hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam, lịch sử, địa lý Việt Nam. Bởi một dân tộc chỉ có thể tồn tại và tự hào là một dân tộc lớn trong xu thế toàn cầu hóa khi có một nền văn hoa hóa lớn, có một lịch sử oanh liệt, có một nền văn học mang tầm vóc nhân loại. Con người Việt Nam dù 100 năm sau hay 1000 năm sau vẫn phải là con người Việt Nam của một nghìn năm văn hiến, không thể lai căng mất gốc về văn hóa.

Dẫu thế nào,chúng ta có quyền hy vọng, và hơn thế, chúng ta phải tích cực hành động vì tương lai con em chúng ta.

Tháng 8/2011

.
.
.

No comments: