Ngô Nhân Dụng
Tuesday, August 16, 2011 5:54:20 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=135721&z=7
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=135721&z=7
Ðến thành phố Moscow lần này, tôi chỉ có hai việc quan trọng muốn làm. Một là thăm Giáo Sư Nguyễn Minh Cần, sau hơn ba năm chưa gặp lại, mà lần sau cùng thấy ông bà đang rất yếu.
Hai là đến thăm ngôi nhà cũ của Pasternak ở Peredelkino. Tôi đã làm xong hai việc, và đáng lẽ không thấy cần viết gì khác về nước Nga cả. Nhưng sau một buổi tối được trò chuyện với cụ Nguyễn Minh Cần, lại thấy một đề tài phải viết: Nước Nga 20 năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.
Gần hai mươi năm trước, gặp Giáo Sư Nguyễn Minh Cần lần đầu khi cụ tới thăm báo Người Việt, tôi được nghe cụ vui vẻ kể rằng hai lần trong đời cụ đã tham dự hai biến cố gọi là cách mạng, cùng vào ngày 19 Tháng Tám. Lần đầu là năm 1945 ở Việt Nam; lần sau là năm 1991 ở Moskba (Người Nga đọc là Mátx-cơ-va). Cuộc cách mạng năm 1945 cuối cùng đã bị thoái hóa, chế độ độc tài cộng sản đưa dân Việt Nam vào sống trong một hình thức nô lệ mới. Chính Nguyễn Minh Cần cũng từng bị phản bội, cụ phải sống lưu vong ở Nga suốt từ thập niên 1960 cho tới ngày nay.
Ngày 19 Tháng Tám năm 1991 dân thành phố Mátx-cơ-va đã kéo nhau ra đường, tới tòa nhà Quốc Hội ủng hộ ông Boris Yeltsin chống lại nhóm tướng công an mật vụ đảo chánh. Cụ Nguyễn Minh Cần và cụ bà Inna đã tham dự trong biến cố đó. Yeltsin và dân thành phố Mátx-cơ-va thành công, đưa tới cảnh sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và của chế độ cộng sản ở Nga. Trên đống tro tàn còn nóng hổi này, một thể chế mới thành hình, với hứa hẹn biến nước Nga thành một quốc gia tự do dân chủ.
Năm nay, cụ Nguyễn Minh Cần nghĩ gì về “cuộc cách mạng” 20 năm trước? Tôi hy vọng cụ sẽ viết một bài cho nhật báo Người Việt trong vài tuần lễ tới, khi cụ bà bình phục sau cuộc giải phẫu trong tuần này. Cụ Nguyễn Minh Cần sẽ có dịp trình bày các ý nghĩ của mình một cách đầy đủ hơn. Chỉ xin tóm tắt một điều tôi mới được nghe: Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Minh Cần, một lần nữa, lại thất vọng. Nếu gọi ngày 19 Tháng Tám năm 1991 là một cuộc cách mạng, thì cuộc cách mạng đó cũng đã phản bội những người từng hăng hái xuống đường tham dự.
Trước khi tới Mátx-cơ-va năm nay chúng tôi đã theo dõi tin tức biết rằng guồng máy của ông Vladimir Putin hoàn toàn là một chế độ độc tài. Không có gì cần bàn cãi về điển đó. Có thể so sánh nó với những chế độ của Franco ở Tây Ban Nha, Marcos ở Phi Luật Tân, hoặc Pinochet ở Chile trước đây. Họ tập trung quyền hành vào tay một cá nhân. Ở nước Nga, ông Putin, từng làm tổng thống 8 năm, đang làm thủ tướng, và 2 năm nữa chắc sẽ ứng cử tổng thống trở lại, có triển vọng sẽ nắm quyền ít nhất hai nhiệm kỳ tổng cộng 12 năm nữa (họ mới sửa đổi Hiến Pháp để vị tổng thống sắp tới sẽ có nhiệm kỳ 6 năm!). Ông Putin đã dùng ngôi vị tổng thống khơi lại đầu óc tự tôn dân tộc cùng tham vọng đế quốc vẫn tiềm tàng trong tâm lý dân Nga từ thời các Sa hoàng cho tới thời Stalin. Cho nên ông được dân Nga nhiệt liệt ủng hộ. Nước Nga vẫn còn bản hiến pháp dân chủ, nhưng bản chất rất độc tài! Ông Putin nắm cả các đảng “đối lập” do ông cho phép dựng lên! Lãnh tụ một đảng nhỏ “Nước Nga Công Lý” vừa mới tuyên bố sẽ quay ra đối lập với đảng cầm quyền “Toàn Nga,” nhưng lại xác định nhất định không chống ông Putin! Ðây là một thứ “đảng bỏ túi,” nói theo cụ Nguyễn Minh Cần.
Trong khi đó thì xã hội Nga mục nát thêm. Tham nhũng lại ngóc đầu dậy, con bạch tuộc mạnh mẽ, tinh vi với những cái vòi lan rộng hơn trong tất cả mọi sinh hoạt trong xã hội, tệ hại hơn cả thời cộng sản. Kinh tế thì đang trì trệ, trong tay một nhóm các nhà tư bản gốc mật vụ tụ họp chung quanh ông Putin. Họ chia nhau thu lợi nhờ khai thác các tài nguyên quốc gia. Như nhà báo Lan Hương đã sống ở Mátx-cơ-va hơn 20 năm nhận xét, đây là một nền kinh tế hoàn toàn dựa vào việc đào đất lên mà ăn! Họ tận tình khai thác các khoáng sản phong phú của nước Nga, một quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới. Khi nào giá dầu lửa, khí đốt, giá vàng còn lên, thì dù việc sản xuất có bê trễ, kinh tế Nga còn đứng vững cho các tay tư bản quả đầu thụ hưởng!
Từ cái xác Liên Bang Xô Viết đã chết, nhiều quốc gia đã tái lập, nước nào cũng viết một bản Hiến Pháp có hình thức dân chủ. Nhưng trong số 15 quốc gia đó, chỉ có ba nước được tổ chức Freedom House đánh giá là thực sự tự do. Ðó là những quốc gia vùng biển Baltic, Estonia, Latvia và Lithuania với đời sống văn hóa cao hơn. Năm nước được coi là hơi hơi tự do. Còn bẩy nước được xếp vào loại hoàn toàn không có tự do, nói trắng ra là vẫn độc tài. Trong đó có Cộng Hòa Nga nơi các quyền tự do đạt được sau ngày 19 Tháng Tám năm 1991 đã dần dần bị tước bỏ trong 10 năm kể từ khi ông Putin lên nắm quyền. Và người dân Nga hầu như vẫn chấp nhận tin tưởng đặt số phận mình trong tay ông Putin.
Dân Nga hiện nay nghĩ sao về cuộc “Cách Mạng” 1991?
Một cuộc nghiên cứu dư luận mới hỏi 1,500 người Nga họ nghĩ gì về biến cố đó? Có 10 phần trăm nói họ không nhớ khi cuộc đảo chánh và chống đảo chánh diễn ra thì lúc đó họ ủng hộ bên nào! Bên các tướng lãnh mật vụ KGB tổ chức đảo chánh năm 1991 thì muốn xóa bỏ những cải tổ của cựu Tổng Bí Thư Gorbachev, tái lập lại một thể chế độc tài kiểu Stalin. Phe ông Yeltsin và giới trí thức Nga, trong đó có hai ông Nguyễn Minh Cần và bà Inna, thì muốn thành lập một chế độ dân chủ tự do thực sự. Cuối cùng “phe Dân Chủ đã thắng, sau ba ngày đêm xuống đường. Vì cả quân đội Nga, các sĩ quan KGB trung cấp và cả Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản đều không ủng hộ nhóm đảo chính, với những ông tướng công an lẩm cẩm và say rượu. Ba lực lượng nắm vận mệnh Liên Xô thời đó là Ðảng Cộng Sản, KGB và Quân Ðội, không nhóm nào muốn trở lại với chế độ Stalin. Vì tất cả đã chán ngấy, họ đều biết guồng máy đó không còn sinh lực, không còn sức điều hành và phục dậy một nền kinh tế đã tê liệt sau 70 năm cộng sản nắm toàn quyền. Dân Nga năm đó đã thản nhiên chấp nhận một cuộc đổi đời! Vậy mà, 20 năm sau, 10 phần trăm người Nga không còn nhớ năm đó họ chọn thái độ nào!
Cuộc nghiên cứu dư luận cũng cho biết trong dân Nga bây giờ chỉ có 17% nghĩ rằng cuộc “cách mạng” năm 1991 là tốt, phe chống đảo chính xứng đáng thành công để đưa nước Nga vào một con đường mới. Ngược lại, cũng có 17% nghĩ rằng đáng lẽ phe đảo chính mới đáng thành công để tái lập chế độ cộng sản!
Cuối cùng, có tới 55% dân Nga bây giờ không có ý kiến nào về biến cố năm 1991. Tức là họ nghĩ nó ra sao cũng được!
Những con số vừa nêu lên chứng tỏ điều cụ Nguyễn Minh Cần phán đoán là đúng. Cuộc “Cách Mạng” năm 1991 “không mang lại ánh sang mà dân Nga mong đợi.” (Ðây là một lời phán đoán mà Boris Pasternak đã viết trong tiểu thuyết Bác Sĩ Zivago, vào thập niên 1950. Ông được tặng giải Nobel Văn Chương năm 1958 nhưng dưới áp lực của đảng Cộng Sản Liên Xô đã phải từ chối).
Trong thời cộng sản cai trị, dân Nga đã thất vọng về chế độ “chuyên chính” mà họ đã xây dựng, đã đổ máu bảo vệ, nhưng guồng máy công an mật vụ vĩ đại không cho phép ai lên tiếng. Pasternak, Soljenytsin là những tiếng nói của lương tâm, cất lên, rồi bị dập vùi. Nhưng trong số dân Nga sống ngày hôm nay, có bao nhiêu người còn nhớ những gì xẩy ra thời Stalin cho tới thời trước khi Gorbachev cải tổ?
Chế độ cộng sản có hai bộ máy bảo vệ, một guồng máy bạo lực của công an mật vụ; và một guồng máy tuyên truyền dối trá, nhồi sọ, ngu dân, che đậy, bưng bít thông tin. Họ cấm đoán không cho con người suy nghĩ tự do, tất cả dân chúng hàng ngày bị nhồi nhét vào đầu về “ánh sáng” của chủ nghĩa Marx-Lenin, về hình ảnh huy hoàng của chế độ “vô sản chuyên chính” và hình ảnh một nửa thế giới hướng về Liên Xô với lòng ngưỡng mộ!
Còn trong chế độ tự do, ngay sau năm 1991, không có một bộ máy tuyên truyền như vậy. Không có một nhóm người làm truyền thông chuyên nghiệp nào mỗi ngày ca ngợi “ánh sáng dân chủ tự do!” Chính những người lên cầm quyền nhờ cuộc cách mạng 1991 không ai muốn dùng sức mạnh công an và quân đội trong tay họ để bịt miệng những người đối lập! Vì làm như vậy là phản bội chính lý tưởng của họ!
Trong khi đó, cuộc cách mạng vì tự do đã tạo hoàn cảnh cho những kẻ hoạt đầu (cơ hội chủ nghĩa) lợi dụng lái những vận động chính trị theo chiều hướng có lợi nhất cho họ! Những cựu sĩ quan KGB cấp tá như ông Putin đã gắn bó với nhau, biến thành một lực lượng chính trị hoạt đầu, dùng óc khôn ngoan của họ để chiếm cảm tình của Yeltsin, được chính Yeltsin ủy nhiệm kế tục nắm quyền. Khi đã có quyền bính trong tay, họ lái vận mệnh nước Nga theo con đường của họ: Tập trung quyền hành, cả về chính trị lẫn kinh tế. Mị dân bằng tinh thần tự ái dân tộc, bằng quá khứ đế quốc vàng son. Và thiết lập một chế độ độc tài kiểu mới. Họ biết sử dụng cơ hội mà kinh tế thị trường cho phép để thu góp tài sản quốc gia vào trong tay phe đảng mình. Sử dụng các kỹ thuật đàn áp mà cuộc đời làm việc trong guồng máy KGB cũ đã tập luyện cho họ, trở thành những thói quen khó gột rửa!
Còn người dân Nga, tại sao họ chóng quên và dễ dãi chấp nhận chế độ mới như vậy?
Dân nước nào cũng vậy, người ta chỉ muốn được sống an thân. Dân Tây Ban Nha đã chịu đựng chế độ Franco suốt bao nhiêu năm. Dân Phi Luật Tân cũng vậy, dưới chế độ Marcos. Những người đã quen sống trong những chế độ độc tài suốt dọc lịch sử, rất khó thuyết phục họ ý thức tự do dân chủ, ngoài những nhu cầu thường nhật! Không thể bắt hàng trăm triệu người dân bình thường mỗi ngày đều ý thức một cách tỉnh táo, sáng suốt về các quyền lợi dân sự và chính trị của họ!
Lịch sử không thiếu gì những cuộc cách mạng bị phản bội. Dân Pháp vào thế kỷ 18, 19 có thể rất thán phục Montesqieux, Voltaire, Saint Just. Nhưng họ vẫn bị những “đại đế” như Napoleon lôi kéo! Người dân, tại bất cứ nước nào, đều dễ bị khích động bằng những khẩu hiệu đầy tình tự. Nhưng người ta không ai muốn sống với những lý luận trừu tượng suốt 24 giờ! Ðó cũng là một ý kiến mà Pasternak viết ra trước đây hơn 50 năm!
----------------------------------
Đọc thêm :
.
.
.
No comments:
Post a Comment