Friday, August 19, 2011

MỘT CÔNG DÂN VIỆT NAM TỐ CÁO CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI VI PHẠM LUẬT (Khánh An, RFA)




Khánh An, phóng viên RFA
2011-08-19

UBND TP Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình được đưa ra vào hôm 18/8.
Ngay sau đó, một công dân Việt Nam đầu tiên đã làm đơn tố cáo gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu “điều tra, xem xét lại toàn bộ sự việc và động cơ của những người trong UBND TP Hà Nội đã tham mưu và soạn ra thông báo sai trái này”.
Trong đơn tố cáo, ông Phạm Văn Điệp - tức người đứng đơn - đã đưa ra những phân tích phản bác những mâu thuẫn và sai trái trong văn bản thông báo, đồng thời đề nghị “truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Khánh An có cuộc phỏng vấn với công dân Phạm Văn Điệp hiện đang làm việc tại Nga và được biết ông đã từng tham gia biểu tình tại Hà Nội trong hai đợt 24/7 và 7/8 vừa qua.

Đe dọa, vu khống người biểu tình

Trước hết, ông Điệp cho biết về lý do ông viết đơn tố cáo:
Khi tôi đọc các báo trên mạng, thấy họ có đăng tin UBND TP Hà Nội có đưa ra một tin như thế thì tôi thấy rằng tôi là người trực tiếp tham gia biểu tình ở những lần sau này, tôi thấy tất cả mọi người, trong đó có tôi, là những người hoàn toàn chấp hành theo những nội quy, quy định về an toàn giao thông và tất cả các thứ. Mọi người tham gia một cách rất trật tự, ôn hòa.
Nhưng trong nội dung thông báo, họ đã dùng những từ ngữ mang tính chất đe dọa, xuyên tạc, tôi cho rằng như vậy là rất ảnh hưởng đến uy tín của những người đã từng tham gia biểu tình cũng như những người có ý định tham gia biểu tình để thể hiện lòng yêu nước.

Khánh An: Trong thông báo yêu cầu ngừng biểu tình của UBND TP Hà Nội, anh thấy có những điểm nào không hợp lý?
Ông Phạm Văn Điệp: Không hợp lý thì có rất nhiều điểm. Thứ nhất, họ cho rằng những người biểu tình bị các thế lực khác hướng dẫn và xúi giục. Theo tôi thấy trong khi tham gia biểu tình, cá nhân tôi không hề có, mà một số người xung quanh thì tôi cũng đã quan sát và nhận xét thấy rằng họ cũng không bị ai xúi giục hoặc hướng dẫn, mà họ là những người có ý thức rất tự giác, cũng như tôi, thấy đất nước mình luôn bị đe dọa, Trung Quốc thì luôn lấn lướt, xâm lược, gây hấn, có những hành vi thô bạo đối với chủ quyền và người dân Việt Nam, thì họ thể hiện tinh thần rất trong sáng của họ là rất căm phẫn.
Họ cũng muốn làm sao đó nói lên tiếng nói của mình với thế giới cũng như Trung Quốc là thấy được sự chính đáng của nhân dân Việt Nam và hãy lùi bước, đừng nên gây hấn với Việt Nam nữa. Đấy là điều mà tôi cho là họ vu khống, vu cáo cho những người tham gia biểu tình như chúng tôi.

Khánh An: Được biết, đơn tố cáo của anh là một phản ứng đầu tiên từ phía người dân đối với yêu cầu ngừng biểu tình của UBND TP Hà Nội. Trong đơn tố cáo, anh có ghi rằng đây là bản thông báo “có dấu hiệu phạm pháp và đem lại nguy cơ suy yếu tinh thần yêu nước trước tham vọng ăn cướp của Trung Quốc đối với đất nước Việt Nam”, vậy anh dựa vào cơ sở nào để đưa ra nhận định trên?

Ông Phạm Văn Điệp: Trong đơn tôi viết có ý đó và tôi dựa theo những cơ sở sau để đánh giá và nhận xét như vậy. Thứ nhất, một thông báo đã được lan truyền trên các phương tiện của Đảng Cộng Sản và báo chí Việt Nam, họ tung ra một nội dung trong đó có vu khống cho những người yêu nước đã tham gia biểu tình. Những người này với động cơ trong sáng, với sự bày tỏ hợp pháp của họ thì không thể có những từ ngữ như trong thông báo quy kết cho họ. Đó là việc thứ nhất liên quan đến vu khống.
Thứ hai là liên quan đến việc đe dọa. Những người này (người tham gia biểu tình) theo tôi hiểu là hợp pháp, trong đó có tôi nữa, mà họ dùng những từ như “cưỡng chế” hoặc là “những biện pháp” mà chính quyền sẽ dùng thì tôi cho đây là một hành vi đe dọa, xâm phạm đến tinh thần cũng như những người đang làm việc trên tinh thần pháp luật.
Tiếp theo, sau này có một số người đã đưa chính thức văn bản này lên mạng, theo tôi hiểu đây là một văn bản hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào cả, tức là ai ký, họ bàn với nhau thế nào để ra thông báo đó và thông báo đó cho đối tượng nào thì gần như không rõ ràng. Rồi những lời nhận xét của họ thì ban đầu họ gọi những người tham gia biểu tình là tự phát, xuất phát trên tinh thần bức xúc và tinh thần yêu nước, sau đó họ cho rằng những người này bị lôi kéo, thiếu thông tin, thế này thế kia. Đó là những việc mà tôi cho rằng nó sai trái hoàn toàn, không đúng sự thật.

Vì sao không bảo vệ người yêu nước?

Khánh An: Anh là người trong cuộc, đã tham gia biểu tình và anh cảm thấy bức xúc khi bị cho là bị các thế lực khác lợi dụng. Vậy nếu anh là phía nhà nước và anh thấy có những thế lực lợi dụng thì anh sẽ làm thế nào?
Ông Phạm Văn Điệp: Theo ý kiến của tôi, giả sử trong trường hợp phía chính quyền phát hiện ra người lợi dụng thì phải nên bắt những người đó. Người biểu tình vì bày tỏ quan điểm, bức xúc của họ trước việc Trung Quốc xâm lược, gây hấn, phá hoại, bắn giết ngư dân mình thì theo tôi hiểu là không thể và không nên và vô điều kiện nghĩ đến chuyện không đụng đến như thế này, có nghĩa là những người yêu nước thì phải bảo vệ họ, không thể đe dọa hay liên đới với ai đó sai trái để làm cho họ bị liên lụy.

Khánh An: Như anh nói thì nhà nước, lực lượng an ninh phải bảo vệ người yêu nước. Vậy trong thực tế hiện nay, anh thấy lực lượng an ninh có bảo vệ người yêu nước không? Và những điều họ đang làm có thể gây ra nguy cơ nào không đối với tinh thần yêu nước?
Ông Phạm Văn Điệp: Trong thực tế tham gia biểu tình, tôi thấy thế này, lực lượng an ninh chỉ có làm phức tạp thêm tình hình. Họ đi thì họ cản đường, sử dụng quyền hạn dẹp lung tung lên rồi cuối cùng tạo nên một cảnh quan mà người ta cứ nghĩ rằng là người biểu tình đang làm một việc rất sai trái.
Tôi thấy họ chỉ làm rối thêm tình hình và đồng thời tiếp tay cho một thế lực nào đó mà tôi không biết. Thế lực đó là thế lực muốn cho người Việt Nam yêu nước phải im miệng đi, thì tôi có thể liên tưởng đến thế lực lớn nhất đó là nhà cầm quyền Trung Quốc.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đang muốn cho người Việt Nam yêu nước phải im miệng, mà bây giờ nếu công an, chính quyền Việt Nam mà có những hành vi hay biện pháp nào đó để làm cho tiếng nói của người yêu nước Việt Nam không còn nữa hoặc bị giảm đi thì tôi cho rằng công an, chính quyền Việt Nam phải gánh vác tội lỗi này đối với lịch sử, đối với nhân dân Việt Nam.

Văn bản vi phạm pháp luật

Khánh An: Theo những phân tích của anh thì anh cho rằng văn bản thông báo của UBND TP Hà Nội là vi phạm pháp luật. Vậy đối với anh là một công dân, cũng là người đã tham gia biểu tình thì anh có kiến nghị xử lý như thế nào đối với một văn bản sai quy định pháp luật như thế này?
Ông Phạm Văn Điệp: Theo tôi, là một công dân Việt Nam, khi phát hiện ra hành vi đó liên quan đến việc vi phạm pháp luật thì tôi chỉ biết một điều là theo luật pháp Việt Nam, tôi sử dụng quyền của mình là tố cáo với cơ quan chức năng. Trong trường hợp này, tôi tố cáo với ông Chủ tịch UBND TP là người đang thực hiện, chỉ đạo thông báo này để họ xem xét lại một lần nữa. Họ dừng ngay việc họ lại và tìm ra nguyên nhân, động cơ ai đã bàn với nhau thế nào để tạo ra cái này. Vì có thông báo này nên sẽ để lại cho xã hội một suy nghĩ, phản ứng mà có thể rất có hại cho đất nước, đó là chia rẽ, nghi ngờ tinh thần yêu nước của người Việt Nam.

Khánh An: Vâng. Và một câu hỏi cuối cùng, nếu anh có dịp về Việt Nam, anh có tiếp tục tham gia biểu tình nữa không?
Ông Phạm Văn Điệp: Nếu tôi có điều kiện về Việt Nam thì khi có dịp biểu tình như vậy thì tôi sẽ tham gia. Việc này thì trước đây, trong lần biểu tình lần thứ nhất, cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa có đến nhà tôi trao đổi và mời cả tôi lên đồn công an để làm việc, thì họ cũng đưa ra rất nhiều lý lẽ để nói rằng không nên đi biểu tình. Nhưng tôi cũng nói với họ rằng việc đi biểu tình này là việc chính đáng, là việc đáng làm trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Nếu có điều kiện thì tôi tiếp tục tham gia chứ không thể nghe theo các anh là không tham gia được.

Khánh An: Vâng, cảm ơn ông Phạm Văn Điệp đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.


Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: