Công an thăm nhà tướng Trọng Vĩnh
BBC
Cập nhật: 13:06 GMT - thứ bảy, 20 tháng 8, 2011
Hai ngày sau khi ký tên vào bản kiến nghị công dân phản đối chính quyền Hà Nội ra thông báo cấm dân biểu tình yêu nước trên địa bàn thủ đô, có tin tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người ký đầu tiên trong danh sách kiến nghị, "được" công an ghé thăm nhà.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một trong các trí thức ký tên trong bản kiến nghị này, thông báo trên trang blog cá nhân của ông, hôm thứ Bảy 20/8 cho hay chính tướng Vĩnh cho ông biết cảnh sát khu vực và năm cán bộ chính quyền địa phương khác đã 'đến thăm' tướng Vĩnh.
Các bài liên quan
Blog của ông Diện cho biết đại diện chính quyền địa phương "đến thông báo" với tướng Vĩnh về bản Thông báo của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội:
"Cụ nói cụ đã biết bản thông báo và đã ký bản Kiến nghị phản đối cái Thông báo ấy," trang blog tường thuật.
Bản thân ông Diện, người tham gia và quan sát nhiều cuộc biểu tình trong mười tuần qua tại Hà Nội, cũng cho biết trên cùng trang blog rằng cá nhân ông cũng "được công an thăm nhà," và cho hay trong quá trình trao đổi giữa hai bên, đại diện chính quyền địa phương công nhận thông báo của chính quyền Hà Nội 'không đúng với quy định'"
"Các anh ấy cũng công nhận với tôi là Thông báo của UBND Thành phố không đúng với các quy định về việc soản thảo và ban hành văn bản hành chính (không số, không chữ ký, không có đối tượng được thông báo...)," ông Diện, người đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, viết trên blog.
Một người khác cũng ký tên trong Kiến nghị hôm 18/8 phản đối Thông báo của chính quyền Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ trì trang mạng Bauxite Việt Nam, nói với BBC Việt ngữ hôm thứ Bảy rằng việc chính quyền ngăn cản người dân thực hiện "quyền yêu nước thiêng liêng" qua biểu tình gây "bức xúc."
'Mập mờ'
Ông Huệ Chi cũng cho hay hiện Bản kiến nghị nói trên, vốn được gửi tới Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chưa nhận được phản hồi nào.
"Nếu là lệnh cấm thì anh phải có một cái lệnh đàng hoàng, còn đây là một thứ gì đó ngô không ra ngô, khoai không ra khoai, cho nên nó đặt người ta trong một tình thế rất mập mờ và đặt ra nhiều câu hỏi chưa sáng rõ."
Nhà khoa học cho biết thêm hiện bản Kiến nghị đã nhận được sự "hưởng ứng rất đông" của nhiều người:
"Chúng tôi đã nhận được một lá thư của Giáo sư Hoàng Tụy, nói rằng phải cho giáo sư ký với vì đây là một vấn đề hết sức trọng đại vì nếu có những quyết định hấp tấp, không chấp nhận quyền yêu nước của người dân, thì còn cái gì nữa.
Trên một trang blog khác ở trong nước, blogger Ba Sàm đăng tải bài viết của Giáo sư, Viện sỹ Hoàng Xuân Phú nói về quyền biểu tình của công dân:
"Nếu Quốc hội muốn định hướng hay hạn chế hoạt động biểu tình của công dân trong một khuôn khổ nào đó, thì phải ban hành luật tương ứng," Giáo sư Phú lên tiếng.
"Nếu thấy cần kíp phải có luật để điều tiết hoạt động biểu tình, thì chính Quốc hội và các cơ quan giúp việc phải khẩn trương, chứ dân không phải sốt ruột xin Quốc hội ban hành."
"Lợi dụng?"
Còn trên trang blog "Quê Choa,"blogger Nguyễn Quang Lập đăng tải bài viết "Ngưỡng tâm lý," trong đó tác giả bài viết, Thanh Nam, cho rằng cả người dân và chính quyền đang đứng trước một giới hạn để có thể phải vượt qua trong việc biểu tình và đối phó biểu tình, và cho rằng áp lực có phần đang đặt lên vai chính quyền:
"Về phía chính quyền Tp Hà nội, con số 11 (lần biểu tình) sẽ là giới hạn cuối cùng của các cuộc biểu tình tự phát. Đây là “ngưỡng tâm lý” để họ chứng tỏ rằng sức mạnh của bộ máy chính quyền đi đến đâu và năng lực phục vụ Đảng CS của các quan chức thành phố như thế nào," bài blog nhận định.
"Chính vì vậy, trong ngày chủ nhật 21/8/2011, các cấp uỷ đảng và chính quyền của Hà nội sẽ vào cuộc hết sức quyết liệt, sẵn sàng 'áp dụng các biện pháp cần thiết' để khống chế cho các cuộc biểu tình yêu nước tự phát không thể vượt qua con số 11 – 'ngưỡng tâm lý' kỳ vọng của họ."
Trước đó, cùng thời điểm với thông báo của chính quyền TP Hà Nội, báo An Ninh Thủ Đô, một tờ báo của Công an TP Hà Nội, đăng tải bài viết "Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách" trong đó tác giả bài báo cho rằng động cơ trước hết của những 'khởi xướng' biểu tình là:
"Lợi dụng việc biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân, khỏa lấp tội lỗi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
"Bằng cách làm này, họ hy vọng lôi kéo được một số người ngây thơ về chính trị, hoặc nhận thức chưa đầy đủ đi theo họ. Thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng có mặt," tác giả Nguyễn Việt viết.
--------------------------
Thứ bảy, ngày 20 tháng tám năm 2011
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa cho biết, sáng nay có 6 cán bộ đến thăm cụ, trong đó có Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, cảnh sát khu vực.
Họ đến thông báo với cụ về bản Thông báo của UBND Tp Hà Nội. Cụ nói cụ đã biết bản thông báo, và đã ký bản Kiến nghị phản đối cái Thông báo ấy. Đoàn cán bộ cử một người hiểu biết nhất là ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nói chuyện với cụ. Cụ đã giảng giải hồi lâu, có lý có tình khiến cho anh em đều ngồi yên lắng nghe. Cụ nói: Tôi không tham gia biểu tình nhưng tôi ủng hộ hoạt động này.
Sau khi họ ra về, chừng nửa giờ sau, có một anh công an quay lại nhà cụ, đưa ra văn bản Kiến nghị và hỏi có phải là chữ ký của cụ không. Cụ xác nhận đó chính là chữ ký của cụ.
Được biết, cách đây ít lâu, công an Quận Đống Đa chỉ thị cho công an Phường nói với Bí thư tổ đảng và tổ trưởng tổ dân phố đến chất vấn (chữ dùng của cán bộ) cụ về việc cụ ký tên vào một số bản Kiến nghị. Ông bí thư và ông tổ trưởng nói với anh công an Phường: Ấy chết! Các anh đừng dại dột thế! Cụ là diện trung ương quản lý. Các anh không được phép làm như vậy! Sau họ nghe ra và không đến "chất vấn" cụ.
20.08.2011.
Thứ bảy, ngày 20 tháng tám năm 2011
Tối qua, anh Hà là cảnh sát khu vực gọi điện nói muốn đến nhà gặp tôi. Tôi nói bây giờ là giờ nghỉ của gia đình tôi không tiếp các anh. Nếu các anh gặp về chuyện biểu tình, thì không có gì cần phải nói với tôi nữa.
Tôi đã nói vậy, mà các anh ấy (5 người) cứ đội mưa đội gió đến nhà, bấm chuông gọi cửa. Tôi đứng trong nhà nói vọng ra rằng tôi đi làm cả ngày về mệt, không tiếp các anh được. Nếu các anh muốn gặp, hẹn các anh 08h sáng mai.
Sáng nay, 20 tháng 8, các anh ấy đến, gồm 01 cán bộ văn phòng UB phường Kim Liên, 01 Phó trưởng CA Phường, Trưởng ban bảo vệ Phường, Tổ trưởng dân phố và 1 cảnh sát khu vực.
Các anh thông báo với tôi về việc UBND Tp đã có Thông báo về chuyện tụ tập biểu tình. Tôi cười bảo: Tôi có bản này rồi, đọc rồi. Tôi in sẵn từ trên mạng bản Kiến nghị Phản đối Thông báo trái pháp luật của UBND tp Hà Nội (có cả chữ ký của 25 người). Tôi đọc to và rõ ràng bản Kiến nghị để các anh biết quan điểm của tôi và những người ký tên.
Các anh ấy cũng công nhận với tôi là Thông báo của UBND Tp không đúng với các quy định về việc soạn thảo và ban hành văn bản hành chính (không số, không chữ ký, không có đối tượng được thông báo...).
Tôi cũng in bài Nguồn cơn của bản thông báo bất hợp lê đăng trên trang Anh Ba Sàm để các anh ấy hiểu thêm về việc ban hành Thông báo. Các anh ấy đã mang theo các bài tôi in sẵn để về nghiên cứu. Tôi rất vui và cũng muốn như vậy.
Đoàn làm việc cũng thông báo cho tôi rằng ngày Chủ nhật 21.8.2011 không tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc tại Đại sứ quán Trung Quốc. (Ok! Không biểu tình ở ĐSQ Trung Quốc).
Các anh ấy ký vào văn bản và bảo tôi ký. Trước khi ký, tôi ghi như sau:
1- Tôi đã được đoàn thông báo về Thông báo của UBND TP. Tôi cũng đã được đọc Thông báo này và đã cùng các nhân sĩ trí thức ký vào bản Kiến nghị (18/08/2011) phản đối và đề nghị hủy bỏ bản Thông báo trái pháp luật của UBND TP.
2- Về việc biểu tình phản đối Trung Quốc, chúng tôi làm đúng như Hiến pháp quy định, không bị thế lực xấu lợi dụng.
Vì vậy, tôi sẽ vẫn tham gia biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn leo thang tại Biển Đông.
Văn bản làm xong, tôi chụp ảnh xong thì vợ tôi mang đi photocopy thêm 02 bản nữa.
Các anh ấy nói các anh ấy được giao nhiệm vụ đến thông báo với tôi. Còn chuyện tham gia biểu tình là quyền của tôi, các anh ấy không có quyền ngăn cấm.
20.08.2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment