Thursday, August 18, 2011

BẤT ĐỘNG SẢN! TRÒ CHƠI ĐÃ KẾT THÚC (Việt Hoàng)




Việt Hoàng
Thứ tư, 17 Tháng 8 2011 11:35

Nói rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang ‘giãy chết’ có lẽ cũng không quá lời. Một bức tranh đen tối đang ám ảnh những người kinh doanh bất động sản, từ các đại gia xây dựng cho đến những người đầu tư thứ cấp, lẫn người dân đang mua nhà đất trả góp. Tiếp sau họ là các nhà sản xuất vật liệu xây dựng và nội thất gia đình. Báo chí Việt Nam đã phản ánh khá trung thực những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản, tuy nhiên trên thực tế thì sự phũ phàng luôn lớn hơn những gì mà người dân đã biết.

Hiện tại thì giá nhà đất đã giảm 30% so với đỉnh hồi năm ngoái 2010. Theo các chuyên gia thì phải mất thêm 20% nữa thì giá bất động sản mới đến đáy. Tuy nhiên việc bất động sản mất 50% giá cũng chỉ là dự đoán lạc quan, nó còn có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Chúng ta đều biết Việt Nam là một trong những nước nghèo trên thế giới nhưng giá bất động sản lại cao nhất thế giới. Sự vô lý đó kéo dài suốt thời gian qua bởi cái vòng tròn ma quái: Các ngân hàng luôn ưu ái và hỗ trợ các đại gia bất động sản vì họ tin tưởng rằng các ‘đại gia’ bất động sản rất giàu và tham gia vào thị trường bất động sản là sinh lợi cao nhất. Các ‘đại gia’ bất động sản thì thấy đầu cơ bất động sản quá nhanh giàu nên mạnh tay ‘đầu tư’ các dự án lớn và quá sức mình, với hy vọng giàu có hơn nữa. Người dân có ít tiền vốn thấy ‘mảnh đất’ bất động sản quá màu mỡ và dễ ăn nên cũng đua nhau lướt sóng. Người mua nhà thì nghĩ rằng giá nhà đất chỉ có lên chứ không có xuống bởi lý do rất là ‘thuyết phục’ là ‘người đẻ chứ đất không đẻ’, ‘gì thì gì cũng phải có tấc đất cắm dùi’…

Những lý do trên đã đẩy giá nhà đất Việt Nam lên cao ngất ngưỡng. Giờ đây khi giá bất động sản đã đến đỉnh ảo và bắt đầu đi về giá trị thực thì tai họa đang ập đến với tất cả mọi người đã tham gia vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên sự việc không dừng lại ở đó, hậu quả từ việc nổ bong bóng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống của xã hội.

Điều gì sẽ xảy ra khi bong bóng bất động sản nổ? Khi những người vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản không còn khả năng thanh toán hoặc khi giá nhà đất xuống quá thấp (chỉ còn khoảng 30-40% giá trị so với lúc mua) thì các ngân hàng sẽ có nguy cơ phá sản nếu khoản tín dụng cấp cho thị trường bất động sản tương đối lớn. Khi ngân hàng phá sản thì tiền của người dân gửi tiết kiệm sẽ bị mất sạch. Tiền lãi của tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng hầu hết là tiền dưỡng già, tiền lương hưu của những người không còn lao động hoặc không làm việc nữa. Khi số tiền gửi tiết kiệm bị mất đi thì cuộc sống của những người này sẽ hoàn toàn bị đảo lộn nếu không muốn nói là sẽ rơi vào tuyệt vọng. Chính quyền Việt Nam, có lẽ, cũng đã hiểu ra điều đó nên cố sức trấn an người dân: Rằng, thì, là, mà…sẽ không có chuyện nổ bong bóng bất động sản. Trong khi đó dù đã sắp đến ngày về vườn ‘vui thú điền viên’ nhưng cựu Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vẫn cố làm tròn ‘trách nhiệm’ với các nhóm đại gia bất động sản bằng việc kêu cứu với Thống đốc Ngân hàng nhà nước để tìm ra phương án giải cứu cho thị trường bất động sản. Việc làm này đã bị dư luận chỉ trích kịch liệt. Ông Đặng Hùng Võ đã phải thốt lên rằng: “Đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng hiện nay đang thiếu hiểu biết. Cơn cớ gì Bộ trưởng xây dựng đi kêu cứu và định làm cuộc đối thoại với Thống đốc ngân hàng? Làm như thế là anh có trách nhiệm với doanh nghiệp của mình, nhưng lại không có trách nhiệm với người dân”. Cám ơn tấm lòng của ông Đặng Hùng Võ đối với những người dân đang ao ước có được cái chỗ để ‘chui ra chui vào’. Tuy nhiên, ông không cần phải bất bình như thế. ‘Trò chơi’ bất động sản này suốt thời gian qua cứ như là ‘trời cho’, nó sắp kết thúc mà trời cũng không thể cứu nổi, huống hồ gì ông Bộ trưởng hay ông Thống đốc.

Có lẽ đến giờ này thì những người tham gia vào thị trường bất động sản bắt đầu ‘ngấm đòn’ của bong bóng bất động sản. Đầu tiên là đại gia xây dựng, những người phất lên nhanh nhất trong hơn hai thập niên qua. Sự giàu có đến với họ quá dễ dàng. Với nhiều người, họ có thể ‘tay không bắt giặc’ vì chỉ nhờ vào các mối quan hệ với chính quyền. Sau khi bong bóng vỡ thì nhiều đại gia sẽ trắng tay. ‘Thuyền lớn thì sóng lớn’. Những người ‘lướt sóng’ bất động sản kỳ này gặp phải ‘sóng thần’ nên có ‘chết chìm’ thì âu cũng là lẽ đời, ‘cái gì dễ đến thì dễ đi’. Người ít bị ảnh hưởng nhất là những người đầu tư bằng tiền thật của mình. Tuy đau nhưng hãy an ủi mình rằng ‘của đi thay người’.

Các cơn sóng của thị trường bất động sản thời gian qua đã hút tất cả mọi người Việt Nam có tiền vào vòng xoáy của nó. Ai là người có lỗi? Theo tôi những người trong cuộc cũng chỉ là nạn nhân của một ‘trò chơi’ không có lối ra. Trò chơi bất động sản đã vượt qua mọi nguyên tắc của thị trường, cung và cầu không thể gặp nhau. Trò chơi này không có luật. Thị trường đã bị các nhóm lợi ích thao túng, người dân thì không còn sự lựa chọn nào khác. Lỗi này thuộc về chính quyền. Chính sự vô trách nhiệm (hoặc do thông đồng với các nhóm lợi ích hoặc vì quyền lợi của bản thân) mà chính phủ đã không hề quản lý và điều tiết các hoạt động của thị trường bất động sản để nó có thể hoạt động một cách hiệu quả và minh bạch. Thậm chí ngay cả những cảnh báo cũng không có. Thị trường bất động sản như một con ngựa không cương nên tha hồ phi mã. Chính quyền đã làm hại tất cả, từ các nhóm lợi ích cho đến người dân. Tôi đã có cảnh báo về bong bóng bất động sản trong số báo xuân Tân Mão trên Thông Luận. Bài “Những dự đoán cho Việt Nam trong năn 2011’.

Dù đau lòng nhưng có lẽ mọi người phải chấp nhận sự mất mát này, không còn con đường nào khác. Đây là sự điều tiết nghiệt ngã của thị trường. Hãy cam đảm để đối mặt với sự thật. Sẽ không có phép màu nào cứu chúng ta cả. Mọi sự vô lý đều phải kết thúc, không sớm thì muộn. Đáng lý ra việc này đã đến với Việt Nam từ năm 2008 khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra. Chính quyền Việt Nam thay vì để nó xảy ra như là một qui luật của thị trường thì họ đã cố ‘giải cứu’ thị trường bất động sản bằng các gói ‘kích cầu’. Có lẽ quyền lợi của họ có quá nhiều trong đó. Ngày hôm nay họ không còn khả năng để làm việc đó nữa. Cứ nhìn vào nước Mỹ thì thấy rõ rằng, đã là sự vô lý thì không thể kéo dài mãi được. Hoa Kỳ là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới nhưng do chi tiêu nhiều hơn là thu (vì nhu cầu chính trị của các chính trị gia Mỹ) nên nước Mỹ đã ngập trong nợ nần. Sự vô lý này đã kết thúc khi điểm tín nhiệm của Mỹ đã bị hạ bậc, thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Trong tuần đầu của tháng 8 thị trường chứng khoán Mỹ đã mất đi 2500 tỉ đô la (gấp đôi số tiền mà Mỹ đang nợ Trung Quốc). Tổng thống Obama cũng không muốn chấp nhận sự thật nên tiếp tục mị dân bằng cách gây sức ép lên Quốc Hội để nâng mức nợ trần. Thay vì việc cần phải làm ngay là cắt giảm chi tiêu công và tăng thu thuế, nhất là từ giới thu nhập cao. ‘Phần thưởng’ cho ông ta có lẽ là phải rời Nhà Trắng trong kỳ bầu cử tới, để về vườn ‘vui thú điền viên’.
Trung Quốc, cường quốc thứ hai trên thế giới cũng đang đối mặt với nguy cơ nổ bong bóng bất động sản. Việt Nam không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng về bất động sản.

Sau cuộc khủng hoảng bất động sản này thì điều gì sẽ còn lại?

Điều còn lại sau cuộc chơi này là bài học kinh nghiệm cho cả chính phủ lẫn người dân. Thị trường bất động sản là một thị trường rủi ro cao và không dành cho tất cả mọi người. Chỉ có những công ty chuyên nghiệp và có tiềm lực mới có thể tham gia thị trường bất động sản. Lãi xuất của việc kinh doanh bất động sản không thể cao hơn lợi nhuận của việc sản xuất hay kinh doanh. Để làm được việc đó thì trách nhiệm thuộc về chính phủ. Nếu lợi nhuận của bất động sản cao hơn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hay thương mại thì tất cả nguồn vốn sẽ dồn vào thị trường bất động sản và bong bóng sẽ hình thành. Nguồn lực của chính phủ và người dân phải dồn cho các hoạt động thương mại, sản xuất và kinh doanh. Chỉ khi đó mới tạo ra của cải vật chất thật sự, rồi từ đó mới có thặng dư để đầu tư vào bất động sản. Bất động sản chỉ lành mạnh khi nó không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa mà đơn giản chỉ là nhu cầu nhà ở hoặc tích lũy về già.

Một luật chơi mới sẽ ra đời?

Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn. Nhu cầu nhà ở là một trong những nhu cầu quan trọng nhất của mỗi con người. Thị trường bất động sản sẽ hồi sinh sau khi trở về giá trị thật của nó. Những kẻ tay mơ và ăn xổi sẽ phải từ giã cuộc chơi này. Sẽ không còn những thành phố hay khu đô thị bị bỏ hoang. Cung cầu sẽ phải xích lại gần nhau. Cách nhìn nhận của chính quyền lẫn người dân về đất phải thay đổi rằng: Đất chỉ là…đất, chứ đất không thể là vàng. Một căn hộ trung bình nằm vào khoảng 600-700 triệu VNĐ là hợp lý theo ý kiến của một doanh nhân giàu kinh nghiệm. Sau cuộc khủng hoảng này chính quyền cần thu hồi các khu đất và dự án treo và giao lại cho những người có khả năng thực sự. Quá trình chuyển giao phải diễn ra công khai và minh bạch. Chính phủ phải chống được tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản thì giá nhà đất mới rẻ đi được. Theo các nhà đầu tư thì tiền để chạy dự án lớn hơn cả tiền đền bù cho người dân. Tuy nhiên mong ước chính quyền Việt Nam ‘đừng’ tham nhũng còn khó hơn việc hái sao trên trời.

Những người dân có tiền sẽ có cơ hội để mua cho mình một ngôi nhà ưng ý với giá cả hợp lý. Những nhà đầu tư nhỏ sẽ có cơ hội đầu tư vào những dự án phù hợp mà trước đây họ không bao giờ có cơ hội với tới. Tóm lại đồng tiền sẽ có chỗ xứng đáng để đầu tư. Những người nghèo sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc mua nhà trong thời gian tới.
.
.
.

No comments: