12:04:am 25/08/11
0. Mở đầu
Việt Nam và Trung Quốc vừa tiến hành đàm phán vòng 7, cấp chuyên viên về “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” (từ ngày 29/7 đến 1/8/2011) tại Hà Nội. Chiều ngày 3/8/11, phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho hay, hai bên đã sơ bộ nhất trí với nhau về một số nguyên tắc.
“Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hai bên thống nhất cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Không tiến hành bất cứ hành động nào nhằm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
“Những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì cần trao đổi giữa các bên liên quan.
Hai bên cũng thỏa thuận sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong năm nay. Thời gian cụ thể sẽ thỏa thuận qua đường ngoại giao”. /Theo VietNamNet ngày 3/8/11/.
Như vậy Việt Nam và Trung Quốc đã 7 lần họp về Biển Đông. Nội dung 6 cuộc họp trước phủ kín trong màn bí mật bằng các thông báo nội dung chung chung như thông báo vừa dẫn trên.
Không nêu những điểm đang đàm phán, cũng như luận cứ các bên…
Bài viết nhằm giải mã chiến lược đàm phán của Trung Quốc. Đề nghị một chiến lược đàm phán cho Việt Nam. Phỏng đoán tương lai tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc khi yếu tố Hoa Kỳ trở nên nổi bật. Cải cách dân chủ vẫn được tích cực đề nghị, và một chút bình luận về lịch sử Hợp-Tan của Trung Quốc.
1. Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong chính sách quị lụy Trung Quốc, nhận viện trợ Trung Quốc để đoạt quyền lãnh đạo dân tộc Việt Nam. Thất bại trong đấu tranh với Trung Quốc về lãnh địa, lãnh hải.
Trong lịch sử cận đại , Việt Nam cộng sản và Trung Quốc cộng sản đã 2 lần ký các hiệp ước, hiệp định về lãnh thổ biên giới và chủ quyền vịnh Bắc Bộ.
Các thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Trung Quốc về biên giới “Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc” ký ngày 30/12/1999, về hải phận vịnh Bắc Bộ “Hiệp định Vịnh Bắc Bộ” được Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày 25/12/2000, đều mang lại thiệt thòi cho Việt Nam.
Trên biên giới phía bắc, Việt Nam đã để mất 1500 km2 đất, bằng diện tích tỉnh Thái Bình cùng với các địa danh lịch sử như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc… hay các cao điểm có tính chiến lược quốc phòng như điểm cao 1509 Vị Xuyên, Hà Giang…
Trên vịnh Bắc Bộ, lãnh hải của Việt Nam bị co lại so với Công ước Pháp-Thanh 1887.
Hiệp định Vịnh Bắc Bộ bao gồm 21 điểm phân định, cách xác định 21 điểm này là mập mờ và gây thiệt hại cho Việt Nam./ xem Dương Danh Huy, BBC 22 tháng 1, 2011/.
Đây là những hậu quả mà các thế hệ Việt Nam tương lai lại phải tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc, nhằm xét lại những bất bình đẳng trong 2 hiệp định, hiệp ước trên.
Tại sao lại xẩy ra tình trạng này?
Đó là do nội dung của các thảo luận bị chính phủ Việt Nam giấu kín, không công khai thảo luận trong quốc hội Việt Nam trước khi ký kết. Như vậy là không có phản biện xã hội, phản biện nhân dân.
Riêng Đảng cộng sản Việt Nam, thì từ lâu, các đảng viên của đảng này đã thấm nhuần tinh thần :
“Mối tình hữu nghị Việt-Hoa,
Vừa là đồng chí vừa là anh em.” Hồ Chí Minh.
Đây là nguồn gốc những thất bại trong các hiệp định, hiệp ước về biên giới đất liền và vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có hơn 3200 km bờ biển. Thế kỷ 21 này là kỷ nguyên của các quốc gia biển. Kỷ nguyên của khai thác tài nguyên biển. Trong chiến lược phát triển Việt Nam tương lai, Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đóng một vai trò đặc biệt. Vị trí chiến lược đặc biệt của 2 quần đảo này đem lại cho Việt Nam an toàn lãnh hải, lãnh địa bờ biển quốc gia, ngăn chặn tấn công của mọi xâm lược từ khơi xa. Trữ lượng dầu hỏa cùng các khoáng sản khác của Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đem lại cho Việt Nam nguồn ngoại tệ to lớn để phát triển thành một quốc gia hiện đại văn minh. Trên một số đảo của Hoàng Sa, Trường Sa có thể xây dựng thành những bến tầu, cảng sửa chữa, cấp cứu các tầu bị nạn, các cứ điểm quân sự theo dõi các hoạt động hàng hải trên Biển Đông… Hàng triệu ngư dân Việt Nam ven Biển Đông có an toàn mưu sinh hay không, phụ thuộc vào chính trị biển của Việt Nam.
Ích lợi của Hoàng Sa, Trường Sa đối với dân tộc Việt Nam là không kể xiết.
Việt Nam do bị bịt mắt bởi quan điểm quốc tế vô sản và viện trợ Trung Quốc nhỏ nhoi so với lợi ích đem lại của Hoàng Sa, Trường Sa, mà đã không nhận ra sự thèm muốn của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Chính phủ cộng sản Việt Nam từ Phạm Văn Đồng tới nay luôn lùi bước, tạo cho Trung Quốc các cớ để chúng bành trướng ra Biển Đông , chiếm đoạt của Việt Nam Hoàng Sa, Trường Sa.
Chính phủ Việt Nam đã bán Boxit Tây Nguyên cho Trung Quốc với giá hữu nghị Việt-Trung, để hệ lụy an ninh lãnh thổ cho chính thế hệ chúng ta, để hệ lụy môi trường cho con cháu Việt Nam.
Đây không chỉ một lần họ bán tài nguyên Việt Nam giá rẻ. Những ngày hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn lẫn lộn bạn và thù :“Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
2. Luận chứng và cách thức của Trung Quốc trong kế hoạch tiến ra Biển Đông.
Cho tới nay, theo những tin tức của truyền thông Trung Quốc, cũng như truyền thông thế giới, Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa bằng những luận cứ sau đây.
21. Trung Quốc chạy xa về quá khứ : Trung Quốc có chủ quyền từ lâu đời đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Người Trung Quốc bành trướng tự cho rằng họ có chủ quyền từ đời Hán với Hoàng Sa, Trường Sa. Thực ra đây chỉ là hồ dán được vã nên từ nước lã xuông. Có thể người Trung Quốc cổ xưa đã biết đến Trường Sa, Hoàng Sa…nhưng những điều này không khẳng định được chủ quyền của Trung Quốc tại 2 quần đảo này. Muốn có chủ quyền, phải thiết lập hành chính, phải cai quản, khai thác 2 quần đảo. Chủ quyền theo nghĩa này thuộc về Việt Nam.
Trung Quốc không đưa ra được một bằng chứng lịch sử nào minh họa cho điều này.
Năm 1943, trong khi Thế Chiến II còn đang tiếp diễn, ba cường quốc đồng minh đại diện bởi Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill và Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã hội nghị tại Cairo (Ai Cập), và đã ký Tuyên Cáo Cairo ngày 27-11-1943 trong đó chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa không được họ nhắc tới. Điều này chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa mới chỉ xuất hiện trong tư duy chiến lược của Trung Quốc sau này./ xem Nguyễn Hữu Thống Hoàng Sa, Trường Sa theo Trung Quốc sử, DCV.info ngày 3/7/10.
22. Công hàm của Chu Ân Lai khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa ngày 4/9/1958. Công hàm của Phạm Văn Đồng công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.
Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền trên Hoàng Sa, Trường Sa. Tại San Francisco năm 1951, Thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu dõng dạc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trước cộng đồng thế giới gồm 51 quốc gia đồng minh chống Phát Xít. Chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông đã được thế giới công nhận. Khi công bố công hàm ngày 4/9/1958, Chu Ân Lai phải biết tuyên bố này của Thủ tướng Việt Nam. Việc Chu Ân Lai kèm chủ quyền của họ tại Hoàng Sa, Trường Sa vào công hàm lãnh hải 12 hải lý là mẹo vặt, không xứng đáng với địa vị cường quốc của họ. Muốn tuyên bố chủ quyền, phải có bằng chứng lịch sử, bằng chứng pháp lý. Trung Quốc không có gì hết.
Vậy công hàm của Chu Ân Lai không có giá trị như một tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Còn công hàm của Phạm Văn Đồng không có giá trị công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa. Đơn giản chỉ vì Hoàng Sa, Trường Sa tại thời điểm 14/9/58 không nằm trong cai quản của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
23. Dùng viện trợ quốc tế vô sản cho Việt Nam, mê hoặc ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam bằng chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Lợi dụng sự ấu trĩ cả ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Trung Quốc khuyến khích Việt Nam nhấn sâu vào cuộc chiến với Hoa Kỳ quên đi sự rình dập của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
24. Dùng chiến tranh để chiếm Hoàng Sa, Trường Sa năm 1974, năm 1988, họ muốn dùng luật “la possession fait droit”/chiếm đóng là luật/. Dùng chiến tranh để uy hiếp uy hiếp Việt Nam khi Việt Nam có xu hướng xa rời Trung Quốc năm 1979.
Tóm lại luận chứng của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa là luận chứng mơ hồ, luận chứng giả.
Sự thật là Trung Quốc không có tí chủ quyền nào trên Hoàng Sa, Trường Sa trong quá khứ. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ lâu đời.
Sự thật là Trung Quốc đã dùng vũ lực cướp của Việt Nam Hoàng Sa 1974 và một số đảo tại Trường Sa 1988.
3. Không có tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại Biển Đông, mà chỉ có Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự chiếm của Việt Nam Hoàng Sa 1974, chiếm của Việt Nam một số đảo tại Trường Sa 1988.
Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam từ lâu đời.
Đây là mệnh đề cơ bản trong đấu tranh hội nghị với Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam phải khẳng định rõ ràng điều này trong các đàm phán với Trung Quốc về tình hình Biển Đông.
Như vậy, để tiến hành các đàm phán song phương với Trung Quốc có kết quả, điều kiện đầu tiên mà Việt Nam phải đưa ra và đòi Trung Quốc thực hiện, trước khi chuyển sang các điểm khác, là Trung Quốc phải trở lại các tình trạng trước năm 1974 và trước 1988 tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu Trung Quốc còn có ý định tuân thủ luật quốc tế, nếu Trung Quốc thực sự có ý định tin tưởng vào giải quyết căng thẳng Biển Đông bằng DOC như họ tuyên bố, thì việc họ trở lại tình trạng trước 1974 và 1988 là thành ý đầu tiên.
Cho đến 1943, Trung Hoa Dân Quốc tại hội nghị Cairo vẫn chưa coi Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc. Ngày 4-12-1950, Chu Ân Lai, lúc này là ngoại trưởng, tuyên bố tán thành Bản Tuyên Cáo Cairo 1943 là văn kiện lịch sử quốc tế mà Hoa Kỳ, Anh Quốc và Trung Quốc đã ký kết để làm căn bản cho Hòa Ước ký với Nhật Bản (Hòa Ước San Francisco ngày 8-9-1951). (Chou En Lai’s Statement on the Peace Treaty with Japan. People’s China, 12-16-1950)/ trích Nguyễn Hữu Thống “Hoàng Sa, Trường Sa theo Trung Quốc sử”, DCV.info ngày 3/7/10.
Tại San Francisco năm 1951, Thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu dõng dạc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trước cộng đồng thế giới gồm 51 quốc gia đồng minh chống Phát Xít. Chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông đã được thế giới công nhận. Công hàm của Chu Ân Lai ngày 4/9/1958 trên nền của hội nghị San Francisco chỉ là một mưu kế lợi dụng việc Việt Nam đang nhận viện trợ của Trung Quốc, lợi dụng thế của người đang cung cấp viện trợ để bịt tiếng phản đối của Việt Nam. Đây chỉ là mưu mẹo, không phải là bằng chứng chủ quyền.
Hoàng Sa, Trường Sa đã được người Việt Nam biến đến từ lâu đời và coi đây là lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
“Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn – một sử liệu quý viết về Hoàng Sa và Trường Sa soạn vào năm năm 1776 đã mô tả kỹ càng cách thức khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của hai đội thuyền Bác Hải và đội Hoàng Sa.
Các bản đồ cổ của phương tây như Tài liệu do Hà Lan xuất bản năm 1606, được in lại năm 1613 trong tập địa dư “Atlas Mercator Hondius”, có thể được xem là một bằng chứng lịch sử về chủ quyền Việt Nam trên vùng quần đảo Hoàng Sa, được ghi trong bản đồ là “Parcel”/ xem 02 Tháng Bẩy 2011. RFI. “Thêm một bản đồ cổ xác định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa”/ Tấm bản đồ Đông Nam Á Hondius đầu thế kỷ 17. Nguyễn Xuân Nghĩa / Trọng Nghĩa.
Các bản đồ cổ của Việt Nam, các lệnh của các vua chúa Việt Nam về việt sát nhập địa lý Hoàng Sa, Trường Sa vào lãnh thổ Việt Nam như Vua Lê Thánh Tông đã sai vẽ bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa, Trường Sa, như 1816, Hoàng Sa và Trường Sa chính thức sát nhập vào Việt Nam, khoảng thời Vua Gia Long,…là các bằng chứng chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, mà Trung Quốc không hề có.
4. Chiến lược đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
Những tranh chấp này hoàn toàn do Trung Quốc tạo nên từ sự yếu kém về nhận thức Chủ nghĩa cộng sản đến yếu kém về nhận thức chủ quyền lãnh hải, lãnh địa của Việt Nam..
Năm 1939, Phát-xit Nhật chiến Hoàng Sa, Trường Sa từ chính phủ Pháp-Việt.
Sau khi thua trận 1945, Nhật Bản tuyên bố từ chối chủ quyền tại Hoàng Sa, Trương Sa.
Hiển nhiên là Hoàng Sa, Trương Sa phải trở về với chủ cũ là Việt Nam.
Lợi dụng khi Việt Nam và và Cộng Hòa Pháp đang chiến tranh, 1946 Trung Quốc chiếm vài đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy có chiếm đóng vài đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền của các đảo này không thuộc về Trung Quốc. Cũng giống như Nhật Bản, sớm hay muộn, Trung Quốc cũng phải trả nó về với Việt Nam.
Tuy vậy, Trung Quốc không đi theo con đường luật pháp quốc tế.
Sau các cuộc chiến 1974, 1988, họ liên tục đưa ra những tuyên bố gây hấn như sát nhập hành chính Hoàng Sa, Trường Sa vào đảo Hải Nam, đệ trình lên LHQ đường lưỡi bò trung quốc, tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tuyên bố hải phận 200 hải lý của Việt Nam tại điểm cắt cáp tầu Bình Minh 2, VIKINH II là thuộc chủ quyền Trung Quốc…
Nguồn gốc các căng thẳng trên Biển Đông là những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý, bất chấp luật pháp quốc tế về biển của Trung Quốc.
Chính nghĩa thuộc Việt Nam.
Không có chủ quyền trên Hoàng Sa, trên Trường Sa, Trung Quốc phải bằng lòng lui về lãnh hải của mình với đường viền chạy song song với bờ biển Trung Quốc.
Biển Đông sẽ an toàn và thôi nổi sóng.
Như vậy chiến lược của Việt Nam phải xuất phát từ những phi nghĩa của Trung Quốc và nêu cao chính nghĩa của mình.
Đầu tiên là Trung Quốc phải quay về tình trạng trước 1974 và 1988.
Tiếp theo là đấu tranh thu hồi hoàn toàn Hoàng Sa, Trường Sa, trước 1939 khi bị Nhật Bản xâm chiếm.
Đàm phán có thể kéo dài, không nhất thiết có kết quả, nếu kết quả là nhân nhượng cho Trung Quốc.
Cũng không thể để Trung Quốc hút một li dầu hỏa Trường Sa, Hoàng Sa lên được. Những đồng đô la mà họ thu được từ dầu hỏa này, sẽ mua vũ khi bắn ngay vào Việt Nam ta.
Để đàm phán có kết quả, Việt Nam phải cải cách dân chủ cho nội lực mạnh lên.
Việt Nam không có quyền nhân nhượng Trung Quốc một li nhỏ nào. Nhân nhượng là để chiến tranh cho con cháu Việt Nam, để họa chiến tranh cho chính chúng ta.
Nếu trước đây Đảng cộng sản Việt Nam có nợ tiền Đảng cộng sản Trung Quốc thì họ cứ việc trả nợ bằng đảng phí của các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Ai nhựơng biển đảo của Việt Nam cho Trung Quốc là kẻ bán nước.
Là việt gian.
5. Tương lai của đàm phán Việt-Trung về tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đến Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào đều quyết tâm bành trướng ra Biển Đông.
Một trong các tiêu chuẩn chọn lãnh đạo tương lai của Trung Quốc là có quyết tâm bành trướng hay không có quyết tâm bành trướng.
Đối với Việt Nam, với người dân Việt Nam thì Hoàng Sa, Trường Sa đã là máu thịt của Tổ Quốc Việt Nam tự lâu đời. Nếu một cách rừng không tên trên biên giới có thể không đánh động vào trí tượng tượng trung bình của người dân việt, thì hai từ Hoàng Sa, Trường Sa, đã đi sâu vào tâm khảm người Việt Nam.
Sự nhân nhượng cho Trung Quốc dù một li đảo nhỏ của Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đồng nghĩa với bán nước.
51. Khả năng đầu tiên là đàm phán bế tắc.
Trung quốc muốn đàm phán nhanh, để nhanh chóng khai thác.
Kẻ ăn cướp thì thường không cần câu nệ ít hay nhiều.
Tuy vậy, sự ăn cướp này của Trung Quốc đã được mưu tính và thực hiện qua nhiều đời lãnh tụ cộng sản. Từ Chu Ân Lai tươi cười ôm hôn Hồ Chí Minh, nhưng tay trái vẫn dúi cho Phạm Văn Đồng công hàm 4/9/1958, đến Đặng Tiểu Bình một tay ký các viện trợ cho Việt Nam, tay kia hoạch định kế hoạch đánh chiếm Hoàng Sa 1974, đánh sang biên giới Việt Nam 1979, đến Hồ Cẩm Đào hôm nay cười nói về 16 chữ và 4 tốt, mà vừa ký xong lệnh cắt cáp tầu Bình Minh 2 trong lãnh hải Việt Nam.
Quyết tâm chiếm đoạt Hoàng Sa, Trường Sa của bành trướng Trung Quốc là cao.
Về phía Việt Nam, lãnh đạo cộng sản Việt Nam chắc chưa muốn lộ trước dân Việt Nam bộ mặt bán nước giữa thanh thiên, bạch nhật nên còn chưa dám ký một thỏa ước nào.
Nhưng nếu Nguyễn Tấn Dũng bất chấp tất cả để bán rẻ Tây Nguyên, bất chấp tất cả để phung phí của nhân dân Việt Nam 4-5 tỷ đô la Vinashin. Nếu Nguyễn Sinh Hùng ăn ngon, ngủ yên khi Việt Nam có thể nợ è cổ, để cho tầu cao tốc Trung Quốc chạy vù vù ở Việt Nam. Nếu Nguyễn Phú Trọng không nhìn thấy tầu ngư chính Trung Quốc đang làm chủ Biển Đông, đâm đắm thuyền ngư dân Việt Nam…Thì Dân tộc Việt Nam phải cảnh giác với những đàm phán trong bí mật của Đảng cộng sản Việt Nam.
52. Một cú hích của Hoa kỳ.
Tình hình quay trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ diễn biến nhanh chóng.
Từ tháng 7/2010 sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội về sự quay trở lại Đông Nam Á, đến nay, Hoa Kỳ đã ý thức được việc bảo vệ vị trí số 1 của họ trên thế giới bắt đầu từ Biển Đông này.
Hội nghị thượng đỉnh an ninh Châu Á Shangri-La đánh dấu quan điểm của Hoa Kỳ từ đứng ngoài vòng các tranh chấp đến phân biệt các đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông là vô lý, không có bằng chứng pháp lý, lịch sử.
Hoa Kỳ sẽ hiện diện rõ ràng hơn trong các tranh chấp trên Biển Đông.
Điều này hoàn toàn nằm ngoài tính toán trước đây của Trung Quốc.
Sự có mặt của Hoa Kỳ sẽ làm Trung Quốc cẩn thận hơn trong các yêu cầu lãnh hải.
Có thể họ sẽ nhượng bộ Việt Nam vài điểm nhằm tránh xô Việt Nam sang phía Hoa Kỳ.
Trong cuộc quay trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ, nếu có đường lối chính trị tốt, được nhân dân ủng hộ, Việt Nam có thể nhân cơ hội này mà đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa, để trở thành một quốc gia biển hùng mạnh của thế kỷ 21.
6. Cải cách dân chủ ở Việt Nam.
Việt Nam có lịch sử 4000 nghìn năm. Nhưng 4000 nghìn năm ấy là của chế độ phong kiến.
Chế độ phong kiến Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó: xây dựng một nhà nước riêng biệt của dân tộc Việt Nam. Khẳng định đóng góp của nhà nước Việt Nam, một thành viên của cộng đồng thế giới.
Sự kéo dài quá lâu các quan hệ phong kiến đã trở thành một cản trở cho dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển của mình.
Đảng cộng sản Việt Nam khi nắm quyền lãnh đạo đã hứa hẹn phản phong kiến, thay đổi các quan hệ phong kiến kìm hãm dân tộc Việt Nam phát triển.
Đây chỉ là lời hứa suông.
Sau khi nắm quyền họ vẫn duy trì quyền lực theo qui luật phong kiến:
“Được làm vua, thua làm giặc.”
Làm vua thì hưởng hết, dân chúng chỉ là nô lệ, có nhiệm vụ làm của cải xã hội phục vụ các mưu tính của Đảng cộng sản Việt Nam.
Các chính đảng khác không có quyền lực bị giải thể. Ai có ý kiến khác với chủ chương, đường lối của Đảng cộng sản thì bị qui kết là phản đảng, phản giai cấp, là “giặc”.
Từ quan hệ quyền lực phong kiến này, thực tế Đảng cộng sản Việt Nam qua Bộ chính trị của nó vẫn là vua theo định nghĩa phong kiến.
Từ quan hệ quyền lực cơ bản này, các hủ tục phong kiến quay trở lại xã hội Việt Nam, cản trở sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam. Tham nhũng, hối lộ, mê tín dị đoan, cha truyền, con nối…cản trở tiến bộ, đổi mới…là các ung nhọt mà không cắt bỏ, Việt Nam sẽ bị thối rữa từ bên trong.
Quan hệ “được làm vua, thua làm giặc” có nội dung bạo lực. Muốn có thay đổi xã hội, phải khởi nghĩa, phải cướp chính quyền, phải mạnh , phải “được” để làm vua. Quan hệ này gây chiến tranh tương tàn, phá hoại các thành quả xây dựng của các thế hệ người Việt đi trước. Cần thay đổi quan hệ phong kiến này bằng quan hệ văn minh hơn, tôn trọng và phát triển các thành quả của các thế hệ trước. Làm cho Việt Nam ngày một giầu đẹp hơn.
Nhu cầu nội tại của dân tộc Việt Nam là vươn lên mạnh mẽ để đứng vào hàng các quốc gia văn minh thế giới. Đầu tiên, ta phải thay đổi quan hệ quyền lực phong kiến “Được làm vua, thua làm giặc” bằng quan hệ dân làm chủ thể hiện qua : chính đảng nào có đa số trong quốc hội thì nắm quyền lãnh đạo. Chính đảng nào thu được thiểu số thì đóng vai trò phản biện trong quốc hội.
Sẽ không có vua và giặc nữa.
Ai cũng phục vụ cho quốc gia Việt Nam.
Vai trò này sẽ được toàn dân đánh giá trong các chu kỳ bầu cử.
Cải cách dân chủ là nhu cầu nội tại của tiến bộ xã hội Việt Nam.
Nó không phải là cải cách để làm hài lòng Hoa Kỳ, hay là cải cách để chọc giận Trung Quốc.
Cải cách dân chủ khiến mọi người dân việt nam đều có quyền đóng góp sức lực, trí tuệ cho Tổ Quốc Việt Nam.
Cải cách dân chủ làm xã hội Việt Nam phát triển tốt hơn, bình đẳng hơn, công bằng hơn.
7. Hoàng Sa, Trường Sa là tối cần thiết cho an ninh quốc gia Việt Nam, cho phồn thịnh Việt Nam.
71. Trung Quốc sẽ không vì sự khúm núm sợ hãi của Việt Nam mà trả lại cho Việt Nam Hoàng Sa, Trường Sa.
Bên cạnh những nước cờ chính trị cần thiết, bên cạnh những cải cách xã hội cần thiết để Việt Nam có được một chính phủ mạnh, có lòng tin của toàn dân, Việt Nam còn phải xây dựng cho mình một quân đội hùng mạnh.
Ta sẽ nhấn mạnh về hải quân.
Trên biển, tác dụng của vũ khí thể hiện mạnh mẽ hơn, quyết định hơn trên đất liền. Trên đất liền, để tạm tránh pháo kích của quân địch, bộ đội của ta có thể bảo toàn lực lượng, tạm trú dưới các công sự.
Không có công sự trên biển cả.
Trên biển, tầu to, trang bị tối tân sẽ quyết định trận đánh.
Việt Nam cần phát triển loại vũ khí tự vệ, kèm ngăn chặn từ xa.
Ngân quĩ cho hải quân cần lấy từ :
7.1. Ngân sách nhà nước.
7.2. Trái phiếu quốc phòng Hoàng Sa, Trường Sa từ nhân dân. Sự ủng hộ này của nhân dân Việt Nam sẽ mạnh mẽ nếu chính phủ có đước lòng tin của nhân dân, nếu chính phủ không tham nhũng.
7.3. Trái phiếu chính phủ Việt Nam cho các quốc gia trên thế giới tin vào chính nghĩa Việt Nam, tin vào việc Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở về với Việt Nam.
Không thể để cho nước lớn Trung Quốc cướp không biển đảo của bất cứ quốc gia nhỏ nào trên thế giới.
72. Viết thêm về Trung Quốc.
Mở đầu Tam Quốc Chí, La Quán Trung viết :” Thế lớn trong thiên hạ/ Trung Quốc/ cứ tan lâu lại hợp, hợp lâu lại tan”.
Quốc gia to lớn này được tạo nên từ các cuộc chinh phạt, cướp bóc, thôn tính.., từ sự cưỡng ép, từ sự tàn bạo…, thì làm sao mà hợp được lâu.
Sau Hợp là Tan, là khởi nghĩa, là chia thành 5 xẻ thành 7, thành các quốc gia nhỏ. Một Trung Quốc chia xẻ, một Trung Quốc mà Tây Tạng tự do, Tân Cương tự do, dân tộc Mông cổ tự do, dân tộc Choang tự do… sẽ an toàn cho lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Hiện nay, chính sách chọn lãnh đạo thừa kế của Trung Quốc vẫn còn tìm được lãnh tụ bành trướng như Mao chọn Đặng, Giang Trạch Dân chọn Hồ Cẩm Đào hay Hồ Cẩm Đào đang chọn Tập Cẩm Bình.
Nhưng nếu nhìn vào lịch sử hàng trăm vị vua các triều đại phong kiến Trung Quốc, trải dài trên hàng nghìn năm lịch sử, thì số lượng các minh quân là đếm được trên đầu ngón tay. Số đông các vua Trung Quốc cũng chỉ là bất tài, háo sắc, tham hưởng thụ, tâm thần phân liệt…
Quan hệ phong kiến do Đảng cộng sản Trung Quốc duy trì đang gây bức bối trong xã hội Trung Quốc.
Thế thì ngày Tan của quốc gia này, ta đoán và mong là không xa nữa trong tương lai.
8. Kết luận.
Sắp tới, tình hình Biển Đông sẽ phát triển nhanh chóng do quyết tâm quay trở lại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Số phận các quốc gia nhỏ được tạo nên bởi chính trị các cường quốc.
Có thể Việt Nam sẽ được tọa sơn quan hổ đấu.
Quan tâm của chúng ta là đòi lại bằng được Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước khi đòi lại hoàn toàn Trường Sa, Hoàng Sa, phải làm tất cả để Trung Quốc không khai thác được 2 quần đảo này. Chính những đồng đô-la do Trung Quốc khai thác Hoàng Sa, Trường Sa đem lại này, sẽ bắn ngược trở lại chúng ta.
Quan tâm của chúng ta là Việt Nam dân chủ. Việt Nam của tất cả các dân tộc sinh sống trên dải đất chữ S này.
Quan tâm của chúng ta là bình đẳng xã hội, công bằng xã hội mà chế độ dân chủ đem lại.
© Nguyễn Nghĩa
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment