Wednesday, May 25, 2011

VIỆT NAM : CỬ TRI ĐI BỎ PHIẾU BAAUG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI (Margie Mason, AP)



TIME   -   Ngày 23 tháng 5 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 26/05/2011

(HÀ NỘI, Việt Nam) — Từ những bản tóm tắt lý lịch của các ứng cử viên được đọc bằng cái giọng uể oải qua những chiếc loa kêu lạo xạo ở các góc phố cho tới tranh tuyên truyền vẽ những bà cụ tươi cười đang thả lá phiếu vào thùng phiếu, chính phủ Việt Nam đã thúc giục tất cả mọi người tham gia vào “quyền và nghĩa vụ của mọi công dân” trong cuộc bầu cử quốc hội hôm Chủ nhật.

Cho dù sự phô trương ầm ỹ bằng các đoàn diễu hành và biểu ngữ đỏ rực phấp phới “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” căng ngang tuyến phố dẫn tới địa điểm bỏ phiếu có lớn tới mức nào đi nữa thì 500 đại biểu được bầu vào cơ quan lập pháp chắc chắn sẽ chẳng làm thay đổi được hướng đi của đất nước này bất kể người trúng cử sẽ là ai. Khi giá thực phẩm và giá điện đang tiếp tục tăng vọt làm khổ sở những cử tri là người nghèo thì sự thay đổi đích thực duy nhất mà nhiều người quan tâm là được thấy đời sống kinh tế dễ thở hơn.

Lý lịch của toàn bộ 827 ứng cử viên đều đã được xem xét kỹ càng bởi Mặt trận Tổ Quốc, một tổ chức có quyền lực do đảng bảo trợ và 86% ứng cử viên là Đảng viên – ở một đất nước mà kêu gọi công khai cho một chế độ đa đảng có thể dẫn đến những bản án tù giam nhiều năm.

98% ứng cử viên là do Mặt trận Tổ quốc chọn ra, chỉ có 15 người là tự ứng cử và sau đó đã được tổ chức nói trên gật đầu cho phép ra tranh cử.

Mỗi đơn vị bầu cử sẽ có hai hoặc ba ứng cử viên được chọn từ bốn hoặc năm người có tên trên lá phiếu. Cuộc bầu cử lần gần đây nhất là vào năm 2007, nhưng nói chung thì bầu cử diễn ra 5 năm một lần. Số lượng người đi bầu cử thường là cao bởi vì bầu cử là bắt buộc, nhưng nhiều người bỏ phiếu mà không cần đặt chân tới phòng bỏ phiếu. Chuyện xảy ra phổ biến ấy là một người đi bỏ phiếu cho cả nhà.

“Tôi làm việc tối mặt tối mũi mà chẳng đủ ăn,” Nguyễn Thị Chính 68 tuổi quê ở Thanh Hóa nói, bà ra Hà Nội làm công việc bán báo từ bốn năm nay. “Chồng tôi sẽ đi bỏ phiếu cho cả tôi và hai đứa con.”

Bà Chính mỗi ngày cũng để ra được từ 5 nghìn đồng (25 xen) cho tới 10 nghìn đồng (50 xen) để gửi về quê cho gia đình – đó là số tiền còn lại sau khi bà tiêu quãng gấp sáu lần số đó cho hai bữa cơm và thuê nhà trọ rẻ tiền.
Rất nhiều người Việt Nam hầu như không quan tâm tới chuyện bầu cử hay những sự kiện của Đảng Cộng sản. Họ còn bận bươn chải kiếm sống ở một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á này, ở nơi mà giá thực phẩm, giá điện và giá xăng dầu đã tăng vọt giữa cơn lạm phát hai con số. So với các nước trong vùng thì giá gạo của Việt Nam là cao nhất, tăng gần 40% từ tháng 6 năm 2010 tới tháng 2 năm 2011, theo Ngân hàng Phát triển châu Á.

Song, khác với bầu cử ở các nước dân chủ, ứng cử viên ở Việt Nam không vận động bầu cử xung quanh những lời hứa đem lại sự thay đổi hoặc kêu gọi hất cẳng những người đương nhiệm có thành tích nghèo nàn.

“Quy trình bầu cử ở Việt Nam được sắp xếp sao cho các ứng cử viên không đề cập những vấn đề nóng bỏng đang gây tranh cãi,” theo lời của Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra. “Người ta không cho cử tri sự lựa chọn những ứng cử viên có ý kiến bất đồng về cách giải quyết những vấn đề chẳng hạn như lạm phát và giá cả tăng vọt.”

Trước đây Quốc hội bị coi là như là người đứng nhìn rồi gật thông qua các chính sách của chính phủ. Trong những năm gần đây thì Quốc hội đã bắt đầu tự khẳng định mình hơn bằng cách kêu gọi chính phủ tiêu diệt tận gốc nạn tham nhũng và lãng phí tràn lan và công khai chỉ trích một số dự án gây nhiều tranh cãi.

Năm ngoái, trong một phiên họp có tính bước ngoặt, quốc hội đã phanh lại một dự án tàu hỏa cao tốc bắc-nam trị giá 56 tỉ đô la với lý lẽ đưa ra là dự án này quá tốn kém đối với một đất nước 87 triệu dân có thu nhập bình quân một tháng là khoảng 100 đô la.

Năm ngoái, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã gây sốc cho nhiều đại biểu khác khi dám đề nghị một cuộc điều tra để xác định các thành viên của chính phủ, kể cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có phải chịu trách nhiệm đối với những thất thoát khổng lồ tại tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin hay không.

Đó là một vụ xì-căng-đan khiến cho tập đoàn này ở mấp mé của sự phá sản và bị ngập trong các khoản nợ tương đương với 4,5 GDP của quốc gia. Xì-căng-đan này đã dẫn đến hậu quả là Vinashin phải chịu một tiếng tăm xấu về tài chính khi các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm đã đưa ra thông báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.

Mặc dù yêu cầu mở một cuộc điều tra do ông Thuyết yêu cầu đã bị từ chối, song ông Thuyết cho rằng điều quan trọng là Quốc Hội phải tiếp tục duy trì “xu hướng dân chủ. Ông nói rằng chính phủ phải tìm ra sự cân bằng trong khi theo đuổi tốc độ tăng trưởng bởi vì các chính sách hiện nay đang dẫn đến lạm phát tăng vọt làm tê liệt cuộc sống của người lao động nghèo.

Hồi tháng 1 năm nay, Bộ chính trị thâu tóm mọi quyền lực đã có các ủy viên mới được bầu ra tại Đại hội Đảng phô bày những nghi thức long trọng được tổ chức 5 năm một lần. Tân Quốc hội dự kiến sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào tháng 7 để bổ nhiệm các lãnh đạo mới của đất nước.

Thế nhưng cuộc họp đó cũng chỉ đưa ra một sự thông báo có tính nghi thức bởi vì các vị trí đó, bao gồm chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội, đều đã được quyết định đằng sau cánh cửa đóng kín trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng cứ như là đang hoạt động bí mật vậy.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: